08 mai 2014

Trong tiếng Trung, "nói khoan đi, cưng ơi, khoan đi" thế nào?

Việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan dầu hàng tỉ đôla cho Việt Nam một thông điệp rõ ràng: Phởn chỗ nào tao khoan chỗ đó.
Keith Johnson, Foreign Policy ngày 5-5-15
Phan Văn Song dịch
clip_image002
Trung Quốc đã gây ra một sự leo thang nguy hiểm trong căng thẳng ở Biển Đông với việc đưa Hải Dương Thạch Du 981, một giàn khoan khổng lồ hàng tỉ đô la được thiết kế để khoan dầu tới vùng nước mà cả Bắc Kinh và Hà Nội tuyên bố chủ quyền.


Việt Nam đã lớn tiếng phản đối động thái này vì giàn khoan nằm ngay bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí kéo dài từ bờ ra khơi của các nước; Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền quần đảo Hoàng Sa gần đó, cho biết giàn khoan là hợp pháp vì nó hoạt động trong vùng biển mà họ nói là thuộc về Bắc Kinh.
Đó chắc chắn không phải là lần đầu mà việc tìm kiếm năng lượng đã gây ra đối kháng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực, nhưng bước đi mới nhất này là một vấn đề lớn vì nhiều lí do.
Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động khảo sát năng lượng trong các khu vực tranh chấp, và ngăn cản không cho các quốc gia khác, kể cả Việt Nam, thực hiện các khảo sát tương tự của họ, nhưng đây dường như là lần đầu tiên mà các công ti dầu khí Trung Quốc thực sự khoan giếng trong vùng biển do nước khác tuyên bố chủ quyền. Cũng đáng lưu ý là Trung Quốc và Việt Nam từng có xung đột vũ trang, bao gồm cả một cuộc chiến tranh đẫm máu trên đất liền vào năm 1979 và một loạt các vụ đụng độ vũ trang trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Vấn đề khoan dầu này có khả năng kích động một vòng đấu đá mới.
Động thái này của Trung Quốc cũng biểu hiện như một cái tát vào mặt Tổng thống Barack Obama, vừa từ châu Á trở về sau chuyến đi được thiết kế để trấn an các đồng minh lo âu như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Philippines rằng Hoa Kì sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc bắt nạt trên biển. Sáu ngày sau đó, Bắc Kinh đã thực hiện một trong những bước khiêu khích lớn nhất từ trước đến nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mĩ không có ý kiến nói gì khi được yêu cầu bình luận.
Các chuyên gia cho biết việc đưa giàn khoan dầu tự nó hầu như không đủ để nổ ra một cuộc chiến tranh, nhưng có nghĩa là sẽ khẳng định dần quyền kiểm soát của Trung Quốc trong khu vực.
Mike McDevitt, một đô đốc đã nghỉ hưu và người đứng đầu nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Phân tích Hải quân nói "Đó là một trong nhiều bước tiến nhỏ mà từng bước riêng lẻ sẽ không dẫn đến xung đột, nhưng theo thời gian gom lại sẽ từ từ làm thay đổi hiện trạng."
Reuters tường thuật rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc biện hộ việc triển khai giàn khoan, nói rằng nó đang hoạt động "hoàn toàn trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc." Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ thập niên 1970, và cũng yêu sách các nguồn tài nguyên biển xung quanh những nhúm đất đá đó. Đó là một phần của cách nhìn bành trướng của Bắc Kinh về quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông, cái gọi là "đường chín đoạn" mà chế độ hiện hành thừa hưởng từ Quốc dân đảng Trung Quốc vào lúc kết thúc cuộc nội chiến hồi cuối thập niên 1940.
clip_image004
Vị trí của giàn khoan HD-981. (Bản đồ và chú thích của ND)
Không chút ngạc nhiên là Công ti dầu khí quốc danh Petro Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam đều phản đối hành động này. Bộ Ngoại giao nói rằng hành động này là một "hành vi vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam," vì giàn khoan nằm trong vùng biển mà chỉ Việt Nam có quyền khai thác cho nguồn tài nguyên dưới đáy biển. Petro Việt Nam yêu cầu Tổng công ti dầu khí Quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC), một công ti nhà nước khổng lồ, rút giàn khoan đi và chấm dứt hoạt động khoan ở đó trong tương lai.
Biển Đông là điểm nóng lớn nhất đối với xung đột có thể xảy ra giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines, và các nước khác; biển này vừa là đường vận chuyển thương mại quốc tế có khối lượng trị giá hàng nghìn tỉ USD vừa có tiềm năng nằm trên một mạch quặng dầu khí mẹ mà các nước nghèo năng lượng trong khu vực thèm thuồng. Manila gần đây đã kiện Bắc Kinh ở tòa án quốc tế ở The Hague về các yêu sách tranh chấp nhau đối với các đóm đất nhỏ rải rác ở Biển Đông, một phần vì họ tin rằng có trữ lượng dầu khí dồi dào ở ngoài khơi bờ biển Philippines.
Việc săn đuổi dầu khí nằm phía sau sự cố mới nhất này, ít nhất là ở bề ngoài Trung Quốc thông báo công khai vào năm 2012 rằng họ sẽ mở thầu quyền thăm dò năng lượng trong vùng biển tranh chấp, đồng thời, CNOOC cũng đã thực hiện bước đi bất thường về việc tự xây dựng giàn khoan nước sâu cho riêng mình thay vì hợp đồng để mua từ công ti chuyên cung cấp giàn khoan. Đó là một bước đi tốn kém, nhưng cần thiết mà công ti dầu khí của Trung Quốc phải thực hiện. CNOOC không muốn phải dựa vào các công ti phương Tây trong việc cung cấp thiết bị khoan cho các khu vực tranh chấp của Biển Đông vì các công ti này có thể sẽ không giao thiết bị cho CNOOC nếu nó được sử dụng vào các dự án nước sâu gây tranh cãi.
Cuối tuần qua, CNOOC đã đưa giàn khoan tới khoan ở vùng nước sâu cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lí về phía Đông, không xa chỗ mà các công ty dầu quốc tế như Exxon Mobil tìm được các mỏ khí đốt tự nhiên có tiềm năng lớn. Có vẻ như một phần không tách rời trong chiến lược của CNOOC là biến các giàn khoan thành "lãnh thổ quốc gia di động" có khả năng mở rộng chủ quyền của Trung Quốc tới các vùng biển mở.
Holly Morrow, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Belfer của Đại học Harvard nói: "Tôi nghĩ rằng đây là chuyện dự đoán được, đó là người Trung Quốc sẽ thực sự đi ra ngoài khoan dầu" ở những khu vực tranh chấp đó.”
Leo thang rõ ràng của Trung Quốc với việc đưa giàn khoan này rất đáng ngạc nhiên vì vào năm 2011 hai nước đã kí một thỏa thuận về giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, như họ đã làm thành công với biên giới trên biển ở Vịnh Bắc Bộ.
McDevitt nói: "Tôi nghĩ rằng thỏa thuận đó làm hạ nhiệt những lời lẽ qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ không đi chệch con đường coi thường người Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như cảm thấy họ có một lí lẽ vững chắc để đi con đường mà họ đang đi, và họ sẽ làm điều đó."
Như một quy tắc, Mĩ không đứng về phía nào đối với việc nước nào sở hữu thứ gì trong các khu vực tranh chấp, nhưng trong những năm gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết là các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc phải dựa vào các quy định của pháp luật để giải quyết các tranh chấp về quyền đối với đảo và biển ở Biển Đông. Hồi tháng 12, Ngoại trưởng John Kerry công bố một thỏa thuận giúp tăng cường Cảnh sát biển Việt Nam, phần nào giúp chống đỡ việc Trung Quốc bành trướng lãnh thổ của trong khu vực.
Các giàn khoan dầu khí là những điểm nhọn của cuộc chiến về chủ quyền, nhưng có rất nhiều sự không chắc chắn về việc khu vực này thực sự giàu năng lượng đến mức nào. Một phần, đó là vì tất cả các tranh chấp lãnh thổ đã gây trở ngại cho các cuộc điều tra quy mô lớn về trữ lượng dầu khí tiềm năng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mĩ ước tính rằng Biển Đông có trữ lượng khiêm tốn là 11 tỉ thùng dầu và 190 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên. CNOOC tin rằng có thể có gấp mười lần như thế về dầu và khí đốt ở Biển Đông. Việt Nam, được hỗ trợ bởi công việc gần đây của các công ti như Exxon, cũng lạc quan về triển vọng năng lượng ở nhiều chỗ trong Biển Đông mà họ coi là của mình.
Morrow của Trung tâm Belfer nói rằng bất kể có bao nhiêu năng lượng thực sự nằm dưới đại dương, cách tiếp cận nặng tay của Bắc Kinh trong các quan hệ khu vực và thiệt hại mà họ gây ra khó có thể đáng để khai thác thêm một số thùng dầu nữa. Điều đó tạo nên giằng co thường xuyên, khiêu khích, và bờ vực chiến tranh về chủ quyền quốc gia hơn là về một cuộc tranh giành các nguồn tài nguyên.
Bà nói "Chi phí về mặt chính sách đối ngoại cho những gì họ đang làm là rất cao, và do đó vượt quá bất cứ lợi ích có được nào về an ninh năng lượng."

K. J.