GS.TS Nguyễn Quang Ngọc phát biểu tại lễ công bố tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa (ảnh Công Khanh)

Thưa giáo sư, hiện nay, Trung Quốc đang phát động một "cuộc chiến tranh bản đồ" với những toan tính vô cùng nguy hiểm, ông có đánh giá như thế nào về những hành động gần đây của Trung Quốc?
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Không phải đến bây giờ mà từ rất lâu rồi Trung Quốc luôn lấn dần từng bước để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Từ những tấm bản đồ (từ những năm đầu của thế kỷ 20) khi lần đầu tiên Trung Quốc ra Hoàng Sa, họ không biết đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc khai phá ra đảo đó và đặt tên cho đảo là Tây Sa. Rồi lấn xuống cuối đảo Tây Sa, gọi đảo Tri Tôn của Việt Nam là đảo Nam Cực và giải thích đấy là cực Nam của nước Trung Quốc. Sau đó, mở rộng bản đồ dần dần ra khu vực khác gọi là Nam Sa, Trung Sa… Tiếp đến, họ vẽ đường lưỡi bò ban đầu gồm 11 đoạn rồi xuống 9 đoạn và bây giờ là 10 đoạn để găm lại.
Đây là một tuyên bố chính thức Trung Quốc sẽ biến toàn bộ khu vực này thành đất đai của họ. Và từ bản đồ này để Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc có chủ quyền ở đây và sau này họ sẽ có các biện pháp để thực thi chủ quyền. Tức là hiện thực hóa đường lưỡi bò, biến đường lưỡi bò thành lãnh thổ của họ.
Đây là một hành động cướp chiếm, một hành động xâm lăng trên bản đồ trong khi trước đây Trung Quốc không hề có một tư liệu gì để chứng minh chủ quyền thì bây giờ họ nói đường lưỡi bò này có lịch sử đến 2.000 năm. Tôi không hiểu là họ lấy đâu ra tư liệu này. Rồi Trung Quốc đưa cả vào trong hộ chiếu để cho những công dân Trung Quốc nghĩ rằng đường lưỡi bò này là của họ. Đây hoàn toàn không có cơ sở.
Trung Quốc tuyên bố, họ có lợi ích cốt lõi ở đây. Tuy nhiên, tôi không hiểu rằng cái lợi ích cốt lõi này bắt đầu từ khi nào?  Cho nên, chúng ta mở triển lãm bản đồ như thế này không chỉ để những người dân trong nước mà còn để cả thế giới biết được rằng cho đến đầu thế kỷ 20, lãnh thổ của Trung Quốc chỉ đến phía trên của vĩ tuyến 18, còn từ vĩ tuyến thứ 18 trở xuống là của Việt Nam. Do đó, triển lãm này là một hình thức không chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, giới thiệu đến đông đảo người dân trong nước mà còn để cả thế giới nhận ra và cùng Việt Nam trong cuộc đấu tranh vô cùng gian khó và quyết liệt này.
Không chỉ phát động chiến tranh bản đồ, hai tháng qua Trung Quốc luôn có những hành động ngang ngược, vô lý, bất chấp luật pháp quốc tế trên thực địa. Vậy theo ông, Nhà nước nên kiện Trung Quốc ra tòa hay không?
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Tôi nghĩ rằng đã đến nước này chúng ta không còn con đường nào khác là phải kiện Trung Quốc. Đây là hình thức thực thi chủ quyền theo Luật pháp Quốc tế một cách hòa bình và văn minh nhất.
Vây xin ông cho biết các tư liệu lịch sử cũng như những bản đồ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam có giá trị như thế nào trong việc đấu tranh chủ quyền?
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Đây là một hệ thống gồm các tư liệu và bản đồ không chỉ được sưu tầm và tập hợp của Việt Nam mà còn của Trung Quốc và các nước phương Tây. Các tư liệu khẳng định một cách rõ ràng và đầy đủ chủ quyền thật sự của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất là từ đầu thế kỷ 17 cho đến nay trong đó, tập trung chủ yếu vào giai đoạn từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. 
Đây là giai đoạn chúng ta xác lập và thực thi chủ quyền một cách liên tục và không có tranh chấp cũng như đã tiến hành rất nhiều hình thức thực thi chủ quyền như đưa người ra bảo vệ và khai thác các hóa vật và hải vật. Thậm chí đưa người ra ngoài đó để thu thuế cũng như thực thi trách nhiệm của một đất nước có chủ quyền như cứu hộ, cứu nạn, cắm mốc chủ quyền, lập miếu thờ, trồng cây để đánh dấu cho tàu thuyền không đi vào vùng mắc cạn…
Có thể nói, các hoạt động nhằm thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất đa dạng và phong phú. Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập gồm 19 châu bản. Đây là tài liệu đặc biệt quý giá và độc nhất chỉ Việt Nam mới có gồm những sắc lệnh mà nhà vua đã trực tiếp chỉ đạo cũng như phê duyệt đội quân ra thực thi chủ quyền ở ngoài quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hay những bộ chính sử biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua sau đó được đem đi khắc in. Bộ châu bản này không chỉ có giá trị vô giá đối với Việt Nam mà nó còn khẳng định giá trị quốc tế khi được Unesco công nhận là di sản thế giới.
Những Châu bản Triều Nguyễn là những văn bản khẳng định Việt Nam đã thực thi chủ quyền Nhà nước đối với 2 quần đào Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình và liên tục.
Các tư liệu về bản đồ cũng rất phong phú bao gồm hàng trăm bản đồ không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới. Và trong triển lãm này ta chọn những tấm bản đồ có giá trị đại diện cao nhất, phản ánh chủ quyền của Việt Nam ít nhất là từ khoảng thế kỷ 16 cho đến nay.
Tuy nhiên, tư liệu để nói chúng ta bắt đầu thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này theo tôi phải bắt đầu từ chúa Nguyễn Phúc Nguyên đầu thế lỷ 17 tổ chức đội Hoàng Sa.
Bản đồ lúc đầu được vẽ một cách hết sức tượng trưng, không thật chính xác tuyệt đối nhưng càng ngày càng chính xác hơn, nhất là những bản đồ phương Tây. 
Triển lãm lần này chúng ta giới thiệu một số bản đồ phương Tây có giá trị cao bởi cách vẽ rất khách quan và chính xác. Đặc biệt, bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen - nhà địa lý học người Bỉ - người sáng lập Viện địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn. 
Đây là bộ gồm 6 tập lên đến gần 600 bản đồ trong đó có 4 bản đồ về Việt Nam. Một trong 4 bản đồ đó được vẽ rất rõ ràng, khoa học và chính xác khẳng định chủ quyền của Việt Nam một cách hết sức minh bạch, không ai có thể phủ định được.
Bộ Atlas cổ tại bảo tàng Hoàng Gia Bỉ khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam (ảnh Thái Anh)
Việc sưu tập bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa rất cao. Vậy việc thu thập cũng như công tác bảo tồn hiện nay được triển khai như thế nào?
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc: Ví dụ bộ Atlas mà tôi vừa giới thiệu trên đây, khi chúng tôi có thông tin về bộ Atlas đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những chỉ đạo rất cụ thể, sát sao và quyết liệt như cử chuyên gia sang Pháp, Bỉ để điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, so sánh cũng như đối chiếu nhằm khẳng định bộ Atlas mà chúng ta sắp mua là bộ gốc, được xuất bản tại Brucxen năm 1827.  Trên cơ sở đó, chúng tôi đi sâu nghiên cứu về giá trị của nó, về việc phản ánh chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào. Đây là một bằng chứng cho Việt Nam không chỉ trong tuyên truyền, giới thiệu mà còn đấu tranh thực thi chủ quyền.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên- Lại Hà (thực hiện)