23 juillet 2014

Sự Kiện Nguyễn Tấn Dũng Và Vụ Kiện Trung Quốc Vấn Đề Biển Đông



Nguồn: http://www.tintuchangngayonline.com/

 Luật sư Lê Phát Minh
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton
 



Trong chế độ Đại Nghị như Anh Quốc, Đức, Úc, Gia Nã Đại, Nhựt Bổn, …. Thủ Tướng là chủ tịch của đảng cầm quyền, có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định tối hậu mọi đường lối chính sách đối nội cũng như đối ngoại của chính phủ.

Trong các chế độ Độc Tài , nhứt là độc tài Trung Quốc quyền quyết định tối hậu là chủ tịch đảng độc tài kiêm Chủ Tịch Nhà Nước, trường hợp đảng CSVN kể từ khi Lê Duẩn giữ chức vụ Tổng Bí Thư đảng đảng CSVN là người có quyền lực cao nhứt, quyết định tối hậu mọi vấn đề (1) Thực tế rằng Trường ban tổ chức TW Đảng, Cố vấn Lê Đức Thọ mới là “ông vua không ngai” của Việt Nam.


Sau khi Hồ Chí Minh chết, trong đảng đảng CSVN không có một cá nhân hay vây cánh nào đủ thực lực và uy tín để thay thế Hồ Chí Minh trong vai trò chủ tịch đảng kiêm chủ tịch nhà nước, nhứt là sau khi cưỡng chiếm được Miền Nam Việt Nam, đảng đảng CSVN đã phải phân quyền theo thế tam đầu chế. Chủ tịch đảng (bỏ trống) chức Tổng Bí Thư là chức vụ cao nhứt lãnh đạo đảng đảng CSVN gần như giành cho miền Bắc, Chủ Tịch Nước giành cho miền Trung và Thủ Tướng giành cho miền Nam.

Trong thập niên 80, đảng CSVN vì sự sống còn của chế độ khi nền kinh tế gần như sụp đổ sau khi Liên Sô tan rã đã cần phải giao tiếp với các quốc gia Tây Phương và chấp nhận bang giao và giao hoán thương mại, nhứt là khi được Hoa Kỳ bang giao và bỏ lệnh cấm vận, vai trò Thủ Tướng gần như lo guồng máy kinh tế và ngoại giao.

Trước đây ông Võ Văn Kiệt, đã thấy rõ dã tâm của Trung Cộng, nhứt là qua kết quả Hội Nghị Thành Đô khi Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư đảng đảng CSVN, Đổ Mười Thủ Tướng đảng CSVN và Phạm Văn Đồng, cố vấn, trở lại quy lụy để được nối lại bang giao với Trung Cộng, cùng chấp nhận những điều kiện mà Trung Quốc buộc đảng CSVN phải làm, ông Kiệt hiểu rõ những điều kiện này (2).

Do đó ông Võ Văn Kiệt muốn nối bang giao với Hoa Kỳ để hóa giải áp lực của Trung Cộng, nhưng thế lực thân Trung Quốc trong đảng còn quá mạnh nên ông không thực hiện được và cũng chính vì vậy ông suýt bị hạ bệ bởi cánh thân Trung Quốc đưa Nguyễn Hà Phan ra tranh chức thay thế chức Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.
Những tháng trước ngày đại hội đảng đảng CSVN, Đỗ Mười lúc đó là Tổng Bí Thư, Đào Duy Tùng Thường Trực Chính Trị Bộ – Ban Bí Thư, đã đi đến các tỉnh vận động người của vây cánh mình được đề cử làm đại biểu về tham dự đại hội đảng hầu chuẩn bị việc bỏ phiếu cho Nguyễn Hà Phan. Giờ chót Võ Văn Kiệt được Hoa Kỳ (CIA) bí mật cung cấp tài liệu những lời khai của Nguyễn Hà Phan khi bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bắt, đã giúp cho chính quyền Miền Nam năm 1969 phá vở các cơ sở hạ tầng của Việt Cộng tại Thủ Đô Sàigòn cũng như một số tỉnh vùng 4 và sau đó để thưởng công, Nguyễn Hà Phan được trả tự do về sinh sống tại Châu Đốc và tạm sống với nghề bán nước mía.

Nhờ tài liệu này, vào giờ chót cánh ông Võ Văn Kiệt lật ngược thế cờ, cho đề cử lại đại biểu tham dự đại hội và ông Võ Văn Kiệt đã thắng, tiếp tục giử chức Thủ Tướng. Nhưng ông Võ Văn Kiệt bị cản trở nhiều trong lãnh vực nội bộ cũng như đối ngoại, như trường hợp Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đến Úc tháng 3 năm 1995, để vận động đầu tư và viện trợ. Cộng Đồng người Việt và các đoàn thể chính trị tại Úc đã vận động Quốc Hội buộc chính quyền Úc nếu muốn viện trợ cho Việt Nam phải kèm theo điều kiện tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền. Vì vậy khi chính quyền Úc hứa viện trợ cho Việt Nam 50 triệu mỹ kim kèm theo điều kiện phải cho một phái đoàn Quốc Hội Úc vào Việt Nam để quan sát về tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền thì Quốc Hội Úc mới chịu phê chuẩn tháo khoán số tiền viện trợ này. Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đồng ý, nhưng khi phái đoàn các dân biểu Úc xin Visa thì Bộ Công An đảng CSVN không cho, hay nói khác hơn là Bộ Chính Trị đảng CSVN không đồng ý. Điều này cho chúng ta thấy vai trò Thủ Tướng trong hệ thống chính trị đảng CSVN, dù một việc nhỏ cũng không quyết định được và dĩ nhiên số tiền viện trợ này không được tháo khoán. Mặc dù số tiền 50 triệu mỹ kim không đáng là bao đối với ngân sách quốc gia, tuy nhiên hành động này của Bộ Chính Trị làm cho uy tín của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và nhà cầm quyền đảng CSVN đối với chính trường ngoại giao quốc tế bị đánh giá thấp.

Trong suốt hai nhiệm kỳ, Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thấy rõ phe Bảo Thủ và thân Trung Quốc còn quá mạnh khó thực hiện được, cho nên ông âm thầm xây dựng nhân sự hầu thực hiện kế hoạch tiếp nối đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi vòng kiềm tỏa Trung Cộng.

Trong thời gian còn đảm nhiệm chức vụ Bí Thư Sài Gòn Gia Định, Ông Võ Văn Kiệt đã từng xử dụng lại những viên chức cũ VNCH đa số là gốc Quốc Gia Hành Chánh và Luật làm cố vấn cho ông, nhưng cấp trung mà thôi, trong đó có một người bạn gốc Quốc Gia Hành Chánh, từng làm Phó Quận Trưởng Quận Hồng Ngự.

Tôi còn nhớ thời ông Võ Văn Kiệt nắm Bí Thư thành Ủy Sài Gòn Gia Định, ông cố gắng thay đổi một số nguyên tắc cải cách kinh tế trong địa phương mình đã làm cho Trung Ương đảng đảng CSVN ngờ vực, nhưng ông có được hậu thuẩn đồng tình của một số đảng viên cao cấp Trung Ương gốc Miền Nam hay người gốc Bắc nhưng trong thời chiến tranh công tác ở Miền Nam lâu năm.

Một lần có một tổ chức vượt biên bị khám phá và bị bắt, sau này một người trong cuộc vượt biên đó kể lại cho cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy câu chuyện như sau: trong nhóm người vượt biên bị bắt đa số là Bác Sĩ, Giáo Sư, Kỹ Sư, Luật Sư… đang bị giam tại Bộ Tư Lệnh Cảnh sát VNCH cũ tại đường Võ Tánh Sài Gòn. Ông Võ Văn Kiệt đích thân đến gặp những can phạm vượt biên này và cho họ gặp riêng ông để trao đổi, trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh và tình cảnh gia đình của mọi người, sau đó ông khuyên những người này nên ở lại phụ ông thực hiện cải cách kinh tế, và hứa nếu 3 hoặc 4 năm sau không thành công thì ông cho họ đi. Trong nhóm người này có một giáo sư trẻ (Nguyễn Trọng Văn, Văn khoa Sài Gòn) nói: ”Theo lời ông hứa, nếu ông không thành công sẽ cho chúng tôi ra đi? Nhưng theo tôi nghĩ người ra đi phải là ông và đảng Độc Tài , chúng tôi sẽ ở lại để xây dựng đất nước chớ!”. Trước câu phát biểu này làm ông Võ Văn Kiệt hơi khưng lại, nhưng không giận. Sau đó một vài ngày ông Võ Văn Kiệt ra chỉ thị công an thả tất cả người vượt biên vừa bị bắt.

Thủ Tướng Võ Văn Kiệt không thực hiện được ý muốn hướng về Tây Phương và Hoa Kỳ để thoát khỏi áp lực và vòng kiềm tỏa của Trung Quốc mà bây giờ nhiều người dùng danh từ “Thoát Trung”. Ông Võ Văn Kiệt và phe của ông chuẩn bị nhân sự thay thế cho mình như: Phan Văn Khải làm Phó Thủ Tướng Thường Trực và Nguyễn Tấn Dũng đang giử chức Bí Thư tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá) cho điều động về Trung Ương, và Trương Tấn Sang giử chức vụ Bí Thư Thành Phố Sài Gòn.

Nguyễn Tấn Dũng đã được chuẩn bị cho vai trò Thủ Tướng trong tương lai, nên ông được Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải lần lượt cho nắm các vai trò chủ yếu liên quan đến an ninh và kinh tế.

Nguyễn Tấn Dũng đã lần lượt nắm các chức vụ: Thứ Trưởng Công An, Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương đảng, Phó Thủ Tướng (thời Võ Văn Kiệt 1997), Phó Thủ Tướng Thường Trực kiêm Thống Đốc Ngân Hàng (thời Phan Văn Khải). Trong thời gian này Nguyễn Tấn Dũng còn được cho công du sang Hoa Kỳ, Canada và một số quốc gia Tây Phương để tạo cơ hội giao tiếp với các chính giới Tây Phương nhứt là trong thời Tổng Thống Clinton và George W. Bush. Nhứt là lúc Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Thống Đốc Ngân Hàng đã được đến Hoa Kỳ nhiều lần.

Thời gian có nhiều tin đồn, Nguyễn Tấn Dũng là người thân với Trung Quốc bởi ông có những chuyến viếng thăm Trung Cộng, trong những lần đảng CSVN và Trung Quốc ký một số hiệp đồng thương mại, cũng như Nguyễn Tấn Dũng bênh vực việc khai thác Beauxite mà nhà thầu khai thác là của Trung Cộng?!. Cùng trong thời gian Tổng Thống George W. Bush nhiệm kỳ thứ hai, không biết vô tình hay cố ý, trong bài diễn văn họp báo với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, để tỏ sự thân thiện hay chứng minh là Nguyễn Tấn Dũng thân với Hoa Kỳ nên Tổng Thống đã tuyên bố là các con của Thủ Tướng Việt Nam đang học tại Đại Học Hoa Kỳ (3)

Nguyễn Tấn Dũng cũng đã làm một số việc khá ngoạn mục làm cho Vương Khiết Trì lúc đó là Ngoại Trưởng của Trung Quốc tức giận như trong lần họp Thượng Đỉnh của các quốc gia trong khối ASEAN mà đảng CSVN đang làm chủ tịch luân phiên tại Hà Nội năm 2012, ông đã sắp xếp cho bà Hillary Rodham Clinton, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ có bài phát biểu lên án sự hung hăng của Trung Cộng, và bà còn cho biết Biển Đông cũng là quyền lợi cốt lỏi của Hoa Kỳ đã mở đầu cho một số quốc gia thành viên trong khối ASEAN lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Diễn biến này đã làm cho Ngoại Trưởng Trung Cộng, Vương Khiết Trì bị bất ngờ, tức giận nên có phản ứng lúng túng, mất bình tĩnh, bỏ phòng họp, sau đó trở lại lên tiếng: “Các nước Đông Nam Á nên nhớ Trung Quốc là một nước lớn” (Trong hồi ký của bà Clinton vừa phát hành có diễn tả thái độ mất bình tĩnh của nhà ngoại giao Trung Quốc trong lần họp thượng đỉnh tại Hà Nội).

Trong năm 2012, khi bị tàu Trung Quốc uy hiếp, đụng chìm tàu, cũng như bắt bớ ngư dân Việt Nam trong vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam gần Hoàng Sa. Nguyễn Tấn Dũng đã đến thị sát vùng biển Nha Trang và ông tức giận tuyên bố sẽ tổng động viên để bảo vệ lãnh thổ và biển đảo Việt Nam. Cũng như Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng từng kêu gọi Quốc Hội đảng CSVN phải ra luật biểu tình nhiều lần mỗi khi có sinh hoạt với quốc hội, vì ông cho rằng để đáp ứng với trào lưu Dân Chủ tiến bộ của thế giới và phát triển xã hội Việt Nam ngày nay.

Và trong tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc đem dàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam, chỉ có Nguyễn Tấn Dũng là người mạnh mẻ lên án và phản đối Trung Quốc trên diễn đàn quốc tế tại Miến Điện và Phi Luật Tân, còn thành phần lãnh đạo cao cấp khác của đảng đảng CSVN không dám lên tiếng, mãi sau này với áp lực của dư luận dân chúng Việt Nam càng ngày càng lên cao, ngay trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc có những biểu ngử lên án đảng đảng CSVN: “Đả đảo đảng đảng CSVN bán nước”. Nguyễn Phú Trọng, bí thư đảng đảng CSVN, Trương Tấn Sang, Chủ Tịch Nhà Nước, mới lên án hành động đặt dàn khoan trái phép vào lãnh hải Việt Nam của Trung Cộng. Chính thái độ e dè của của Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và một số thành viên Chính Trị Bộ đã làm cho uy tín của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng càng gia tăng trong hàng ngũ đảng viên và quần chúng Việt Nam hiện nay.

Nhìn qua các thời Thủ Tướng đảng CSVN, hầu hết đều lu mờ, có tính cách hành chánh hơn là chính trị và chỉ thi hành các quyết định của đảng đảng CSVN; thời Thủ Tướng Phan Văn Khải, vì bị chính trị bộ áp bức thái quá trong chính sách ngoại giao cũng như kinh tế nên ông đã lên tiếng đòi từ chức? Mãi đến thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi nhân sự thuộc phe cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt xây dựng đủ thực lực, phía chính phủ mới có thực quyền trên một số lãnh vực, và quyền lực Tổng Bí Thư đảng đảng CSVN bị suy giảm. Điển hình trong phiên họp Ban Chấp Hành Trung Ương khóa XI, hội nghị 7 khi Nguyễn Phú Trọng đề cử một số người trong đó có Nguyễn Bá Thanh ứng viên chính trị bộ nhưng đã không đắc cử. Trước đây hầu hết những người được Tổng Bí Thư đảng đảng CSVN đề cử vào bất cứ chức vụ nào, kể cả các thành viên Chính Trị Bộ, các đại biểu Đại Hội Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng gần như chỉ bỏ phiếu hợp thức hóa, chứ không có vấn đề đại biểu đề nghị người ra tranh cử như lần họp Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa XI hội nghị 7; như trường hợp Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân được đề cử ra ứng cử thành viên chính trị bộ và đã đắc cử, trong khi người của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đề bạc đã thất cử. Điều này chứng tỏ Ủy Viên Trung Ương Đảng trong Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương thuộc cánh Nguyễn Tấn Dũng chiếm được đa số.

Trong bài “Phải Vượt Qua Nổi Sợ Hãi”, tôi có đưa ra giả thuyết Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn đưa vụ kiện Trung Quốc ra trước toà án Quốc Tế về Luật Biển, nhưng đảng đảng CSVN không muốn vì quá dè dặt hay trong chính trị bộ người của Trung Quốc nắm đa số? Nếu giả thuyết của tôi đúng, thì có thể trong lần Đại Hội Ban Chấp Hành Trung Ương đảng đảng CSVN thứ XII sắp tới, đây là cơ quan quyền lực cao nhứt của đảng đảng CSVN giửa nhiệm kỳ đại hội toàn đảng, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa vụ kiện Trung Quốc ra đại hội quyết định, và có thể sẽ được đại hội chấp thuận thông qua?.

Mặc dù vụ kiện ra toà án quốc tế bị Trung Quốc phản đối và không chấp nhận cơ quan tài phán quốc tế về luật biển “Tòa Án Quốc Tế Về Biển” như trường hợp Phi Luật Tân và sau này toà án có phán quyết Trung Quốc sai và phải trả nguyên trạng chủ quyền biển đảo của nguyên cáo, Trung Quốc cũng không tuân hành, thì cũng không có cơ quan quốc tế nào đủ lực để buộc Trung Quốc phải tuân hành. Tuy nhiên về công luận quốc tế và luật pháp quốc tế về biển, Phi Luật Tân thắng. Hiện tại có thể không đòi lại được chủ quyền biển đảo, nhưng 10 năm, 30 năm sau, tình hình thế giới sẽ thay đổi, chẳng hạn trường hợp thế chiến xãy ra, Trung Quốc thua trận, Phi Luật Tân có tư cách chính danh đòi lại chủ quyền của mình.

Trường hợp Việt Nam tương tự như vậy, dù cho Trung Quốc đưa ra công hàm năm 1958 của Phạm Văn Đồng và bản đồ thế giới trên bìa của cuốn sách giáo khoa lớp 9 của bộ giáo dục Hà Nội in năm 1970 ghi Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng, nó không có giá trị pháp lý nào hết. Bởi Hoàng Sa và Trường Sa trong thời điểm này thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, do Liên Hiệp Quốc qua Hiệp Định Geneve giao cho Việt Nam Cộng Hòa quản lý với các chử ký của đại diện các cường quốc trong đó có Trung Cộng. Hơn nữa về Công Pháp và Công Pháp Quốc Tế, chủ quyền lãnh thổ thuộc về toàn dân chứ không thuộc của riêng đảng phái chính trị nào cầm quyền, vì vậy bất cứ hiệp ước quốc tế nào cũng phải được Quốc Hội, đại diện ý nguyện của toàn dân phê chuẩn mới có giá trị.

Công Hàm Phạm Văn Đồng chỉ có tính cách ngoại giao, nó không có tính pháp lý của một hiệp ước, hơn nữa nói đến luật pháp là phải minh bạch rõ ràng, không thể viện dẫn hay suy luận. Trong công hàm của Phạm Văn Đồng chỉ tuyên bố một cách chung chung mơ hồ là công nhận tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc và xác nhận tôn trọng lãnh hải 12 hải lý, chứ không có chữ nào công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc (4).

Năm 1974, Trung Quốc dùng võ lực xâm chiếm Hòang Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, năm 1984 dùng võ lực chiếm đảo Gac-Ma trong dãy Trường Sa của Việt Nam chứ không phải qua giải pháp thương lượng ngoại giao và pháp lý để giành chủ quyền. Trái lại Việt Nam có đầy đủ pháp lý lịch sử liên tục có tính cách nhà nước hàng mấy trăm năm theo luật pháp quốc tế cuối thế kỹ 19 quy định (5).

Ngoài ra về chủ quyền lãnh hải kinh tế theo luật pháp quốc tế về luật biển, lãnh hải kinh tế kể tử bờ biển cơ sở trở ra 200 hải lý đã được quy định mà Trung Quốc đã ký và phê chuẩn năm 1982. Do đó việc kiện Trung Quốc là việc cần thiết để xác nhận sự chính danh chủ quyền lãnh hải của Việt Nam về lịch sử cũng như pháp lý. Nếu đảng CSVN không làm, quả là tội đồ của tổ quốc và dân tộc, nhân dân Việt Nam phải đứng lên giành lại quyền tự quyết, quản trị đất nước bảo vệ tổ quốc trước dã tâm xâm lăng của Trung Cộng..


Luật sư Lê Phát Minh
Houston ngày, 21 tháng 7 năm 2014



Ghi chú:

1.- Lê Duẩn khi còn nắm cơ cấu tổ chức đảng đã cài người thuộc vây cánh mình nắm giử các chức vụ then chốt trong guồng máy đảng đảng CSVN, cho nên khi nắm chức vụ Tổng Bí Thư thế lực bao trùm, lấn áp cả Hồ Chí Minh. Nhưng thực tế, quyền sinh quyền sát trong nội bộ đảng CSVN nằm trong tay Lê Đức Thọ.

2. Thành phần lãnh đạo đảng đảng CSVN lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư đảng đảng CSVN; Đổ Mười, Thủ Tướng và Phạm Văn Đồng, Cố Vấn đại diện đảng đảng CSVN quay lại quỳ lụy kẻ thù để xin nối lại bang giao với Trung Quốc qua Hội Nghị Thành Đô ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990.

Nhân dân Việt Nam không biết nội dung cuộc họp này như thế nào, nhưng điều chúng ta biết là đảng CSVN không được nhắc đến cuộc chiến xâm lăng của Trung Quốc năm 1979. Các cuộc lễ lạc tưởng nhớ hơn 30 ngàn dân quân chiến sĩ anh hùng dân tộc hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc không được tổ chức, các bia ghi ơn các chiến sĩ hy sinh cuộc chiến bảo vệ tổ quốc bị đục bỏ.

Và từ đó đảng đảng CSVN đã liên tiếp nhượng đất, nhượng biển đảo của tổ quốc cho Tàu Cộng qua hiệp ước biên giới năm 1999, mà theo đó nhiều làng của dân Việt Nam bị thuộc chủ quyền của Trung Cộng, thác Bản Dốc của Việt Nam bị rơi vào Trung Quốc hơn phân nửa. Và Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt năm 2000 đã làm mất 3200 dậm vuông (11000 cây số vuông).

3. Con trai của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghi từng học tại Đại Học George Washington, tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ Ngành Kiến Trúc năm 2006. Con trai út là Nguyễn Minh Triết, theo học tại trường Trung Học St. Michael College, Hoa Kỳ, sau đó học tại Đại Học Queen Mary, tốt nghiệp Cao Học ngành Kỹ Sư Cơ Khí. Con gái là Nguyễn Thanh Phượng tố nghiệp Cao Học ngành Quản Trị Kinh Doanh Đại Học International University In Gevana Thụy Sĩ, kết hôn với Nguyễn Bảo Hoàng (con trai của một sĩ quan VNCH, Bảo Hoàng theo cha ti nạn tại Hoa Kỳ năm 1975, lúc mới 22 tháng tuổi) ngày 17-11-2008

4. Công hàm Phạm Văn Đồng


 
Thưa Đồng chí Tổng lý,

    Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.

    Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

 
 

5. Theo luật pháp quốc tế cuối thế kỹ 19 đã ấn định “Chủ Quyền của một lãnh thổ phải được thật sự chiếm hữu theo tính cách nhà nước, liên tục và hòa bình”. Do đó Việt Nam có chủ quyền lịch sử và liên tục chiếm hữu kể từ giữa thế kỷ 16 từ thời Chúa Nguyễn năm 1740, rồi nhà Nguyễn năm 1802 cho tới năm 1974 bị Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự xâm chiếm