13 juillet 2014

Vài cảm nghĩ về liên bang Nam- Bắc Triều

Theo Quê Choa

K.V
Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi thống nhất với Hàn Quốc dưới hình thức chính phủ liên bang trong hoàn cảnh các nước Đông Á đang có xung đột sâu sắc với nhau về chủ quyền lãnh hải là một bước chuyển mình ngoạn mục cho cục diện địa chính trị ở châu Á. Chúng ta có thể thấy rõ hành động này sẽ có những tác động sâu rộng lên chính sách của Trung Quốc và Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung:

1. Triều Tiên đã rất khôn ngoan khi nhận thấy mình chỉ là một con tốt trên bàn cờ địa chính trị của Bắc Kinh và chỉ được dùng để trao đổi khi Bắc Kinh cần thỏa hiệp với phương Tây về an ninh hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Cứ khi nào Bắc Kinh cảm thấy mình đang mất dần vị thế của mình trong an ninh Châu Á, thì Triều Tiên luôn được mang ra làm vật tế để Bắc Kinh giành lại được sự ủng hộ của thế giới vì là quốc gia duy nhất có thể khuyên bảo Bình Nhưỡng.
2. Triều Tiên đã bắt đầu cảm thấy mình bị Bắc Kinh bỏ rơi sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hàn Quốc trước Triều Tiên.Về chính trị, Trung Quốc hiện giờ đang rất cần Hàn Quốc để làm suy yếu trục an ninh Mỹ-Nhật-Hàn của Washington cũng như chính sách chuyển trục chiến lược sang Châu Á của Hoa Kỳ. Về kinh tế, Hàn Quốc với Trung Quốc đang là hai bạn hàng lớn của nhau ở khu vực Đông Á, trong khi Triều Tiên thì chỉ là một đất nước nghèo đói và hàng năm vẫn phải sống dựa vào viện trợ của Bắc Kinh. Cũng không khó hiểu khi trong thời điểm này, để nhận được sự ủng hộ của Hàn Quốc, Trung Quốc đành phải xem xét lại chính sách của mình với Triều Tiên và lựa chọn xem thực sự Bắc Kinh cần ai hơn.
3. Một nước Hàn-Triều thống nhất sẽ là một cái tát chí mạng vào mặt Trung Nam Hải. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ được phần nào giải quyết, thế giới sẽ trở nên an toàn hơn khi nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Á được loại bỏ, Trung Quốc sẽ mất đi một chư hầu và một con tốt trong đàm phán an ninh chính trị quốc tế. Vị thế Trung Quốc sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
4. Bấy lâu nay, Triều Tiên luôn là cái gai trong các chính sách đối nội đối ngoại của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nay, một đất nước Hàn-Triều thống nhất sẽ hoàn toàn giải quyết vấn đề này. Với chính sách bành trướng hiện nay của Trung Quốc đe dọa an ninh và tự do hàng hải thế giới và một Triều Tiên không còn bất trị nhứ trước, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ sớm chĩa tất cả mũi tên của họ ở Đông Á vào Bắc Kinh.
5. Một khi đất nước thống nhất, bán đảo Triều Tiên sẽ không còn theo đuổi chính sách quân sự nặng nề như hiện nay và người dân Triều Tiên sớm hay muộn cũng sẽ được tiếp xúc với nền văn minh của thế kỷ 21. Họ sẽ nhận ra thật sự ai là bạn và ai là thù của họ. Bắc Kinh khi đó sẽ mất đi sự ủng hộ của người dân Triều Tiên vì chính sách ngu dân và chư hầu của mình trong suốt 60 năm qua lên phía bắc bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc sẽ mất đi vùng đệm ở Đông Á và họ sẽ phải trực tiếp đối đầu với Hoa Kỳ và 2 đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.
6. Dưới một chính phủ liên bang, Triều Tiên cũng sẽ sớm cải cách thể chế và trở thành một nước dân chủ theo con đường mà Hàn Quốc đã đi kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Thành lũy phía đông của chế độ độc tài gia đình trị sẽ sụp đổ. Điều này sẽ trở thành sự khích lệ rất lớn cho những nước mà người dân của họ đang phải oằn mình để sống dưới các chế độ độc tài có cùng tính chất. 
Mặc dù con đường để tiến tới một bán đảo Triều Tiên thống nhất còn dài và sẽ còn nhiều biến động. Nhưng việc Triều Tiên đã đánh tiếng với Hàn Quốc trong một thời điểm nhạy cảm như hiện nay khi mà Trung Quốc đang thực hiện mưu đồ Bành trướng Đại Hán của họ lên tất cả các nước lân bang sẽ phần nào làm cho bàn tay tham lam của Bắc Kinh phải chùn lại.