18 juillet 2014

Xăng tăng giá và phản ứng của người dân


Theo RFA

Chân Như, phóng viên RFADDBT07172014.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
xangtang01-305.jpg
Các bạn trẻ đạp xe và đeo những khẩu hiệu sau lưng và trước ngực phản đối tăng giá xăng.
Citizen photo



Bộ Tài chính và Công thương, tập đoàn xăng dầu Việt Nam vừa quyết định cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng giá các mặt hàng xăng dầu lên đến 26 ngàn đồng cho một lít xăng, và có hiệu lực từ ngày 7 tháng 7 năm 2014. Như vậy tính từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng đã có 5 lần tăng giá mà chưa có lần nào giảm.

Đạp xe phản đối tăng giá xăng


Chân Như: Chuyện biển Đông có vẻ như đang bị các tin tức khác che đậy và có phần nào giảm đi cái nhiệt nóng của nó. Một trong những tin tức đó là chuyện giá xăng vượt 26 ngàn đồng một lít. Tại Hà Nội, một số bạn trẻ đã lên tiếng phản đối bằng cách đi xe đạp với băng-rôn phản đối tăng giá xăng và đây cũng là vấn đề mà Chân Như muốn được cùng chia sẻ với 4 bạn khách mời cho chương trình tuần này. Đó là các bạn Lã Dũng, Anh Chí, Hoàng Dũng và Phương Dung, đây là một trong số nhiều các bạn đã lên tiếng phản đối bằng cách chạy xe đạp trên phố cùng băng rôn.
Trước tiên xin cho Chân Như biết đây là sáng kiến của bạn nào và các bạn dự định sẽ phản đối bằng cách này cho đến bao lâu?
Lã Dũng: Vâng thật ra thì từ năm ngoái đã có một số bạn trẻ làm rồi, còn năm nay thì thấy Con Đường Việt Nam họ làm thì chúng tôi cũng làm theo. Còn việc phản đối bao lâu thì chiến thuật cụ thể thì sẽ tùy tình hình nhưng mà chúng tôi nghĩ là sẽ phản đối lâu dài.
Các bạn có nghĩ việc làm của các bạn có thể có được sự ủng hộ của cộng đồng hay không? Và một câu hỏi hơi “nhạy cảm” một tí: Liệu việc làm này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến chính các bạn?
Cũng rất tiếc là trong quá trình đi phát hay đạp xe như thế thì cái lượng người người ta quan tâm chưa nhiều, cảm thấy hơi buồn vì cái chuyện ấy.
-Hoàng Dũng
Anh Chí: Theo cái cảm nhận cá nhân của tôi. Mấy hôm nay tôi có tham gia đạp xe và tôi đeo những khẩu hiệu sau lưng và trước ngực phản đối tăng giá xăng, thì gặp rất nhiều người ủng hộ, ví dụ tôi đạp xe thì người ta thấy, người ta giơ những ngón tay cái, tức là ủng hộ, người ta nói là cần phải làm như thế. Cũng có một vài người thì họ nói là các anh chị làm như vậy liệu có giải quyết được việc gì?. Nhưng mà mấy số đó thì ít hơn so với những người ủng hộ, người ta cũng cảm thấy rất là bức súc trong việc giá xăng tăng liên tục như thế, nhưng mà người ta có thể chưa có điều kiện như chúng tôi, tức là ngoài việc bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội thì người ta chưa bước xuống đường để bày tỏ ý kiến một cách công khai. Thì tôi cảm nhận rằng là cái việc của chúng tôi làm ngoài đời thực khá nhiều người ủng hộ mặc dù họ cũng không biết tôi là ai, và chúng tôi cũng không biết họ là ai.
Hoàng Dũng: Việc mà bọn em rủ nhau đi đạp xe như thế này, thì mục tiêu đơn giản nhất và chủ yếu của bọn em là được bày tỏ quan điểm của mình, cái mà em nghĩ đang rất là thiếu ở Việt Nam. Dù nó sai nó đúng nhưng mình cũng được quyền bày tỏ, thế còn nó sai nó đúng thế nào đã có pháp luật, nên là mình cần có bày tỏ quan điểm, chứ nếu cứ im im như thế thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề gì cả. Ngoài ra thì cái việc đạp xe như vậy, hay là đi phát những cái logo phản đối tăng giá xăng, bọn em cũng muốn vượt qua được cái gọi là cái sức ì ở trong con người, là ngoài việc mình lên mạng thì mình cần phải đi ra ngoài đời để tìm gặp những người đồng cảm với mình hay là cũng đo xem là người ta phản ứng thế nào với lại những hoạt động của mình như vậy? Cũng rất tiếc là trong quá trình đi phát hay đạp xe như thế thì cái lượng người người ta quan tâm chưa nhiều, cảm thấy hơi buồn vì cái chuyện ấy.

xangtang03-250.jpg
Các bạn trẻ đạp xe và đeo những khẩu hiệu sau lưng và trước ngực phản đối tăng giá xăng. Citizen photo.

Phương Dung: Theo em thì cũng như mọi người nói khi mà tụi em đạp xe như vậy hoặc là đi phát những cái sticker để phản đối tăng giá xăng thì có rất nhiều người một phần thì họ thờ ơ, một phần thì họ cũng ngại khi mà nghe tới từ phản đối. Có một số nói “trời ơi mấy con làm mấy cái này công an giao thông thấy là sẽ phạt”, có một số người họ lại nói là làm vậy có ích lợi gì không? Nhưng có một số người phản ứng lại, người ta cảm thấy tụi em có những ý tưởng rất hay. Nếu mà nói về việc làm có thể gây ảnh hưởng em nghĩ là cái này chỉ là thể hiện cái quan điểm của mình thôi, mình bức xúc thì mình có quyền được lên tiếng, không thể nào chỉ ngồi chửi đổng trên mạng, nó chẳng giải quyết được gì hơn là khi mình tham gia, mình thể hiện cái quan điểm của mình thì em nghĩ nó sẽ có sức ảnh hưởng hơn.
Lã Dũng: Theo tôi thứ nhất tôi nghĩ rằng người ủng hộ rất là nhiều, còn người phản đối thì gần như không có, chỉ có những người thờ ơ và hoài nghi, họ ngoài nghi rằng cái việc làm của chúng tôi có đạt được kết quả gì không. Thì cũng như anh Hoàng Dũng nói, thì việc của chúng tôi đầu tiên của chúng tôi thể hiện cái quyền được bày tỏ quan điểm và cái quyền được lên tiếng, thì cái đó là cái quyền của con người của chúng tôi, và chúng tôi muốn truyền tải thông điệp cho xã hội rằng tất cả mọi người dân ở Việt Nam thì đều có quyền lên tiếng. Với những cái việc rất cụ thể như việc tăng giá xăng là việc ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của họ, một việc hoàn toàn thực tế ảnh hưởng đến quyền lợi của họ mà họ không dám lên tiếng thì thật sự rất là đáng buồn cho đất nước này. Còn việc liệu có ảnh hưởng hay không việc đầu tiên tôi thấy hơi ảnh hưởng một chút về mặt thời gian, nhưng mà cái thời gian đó so với chi phí xăng độ lên thì tôi thấy không đáng, tiền xăng tôi mất còn nhiều hơn thời gian tôi bỏ ra đi đạp xe. Còn ảnh hưởng về mặt lâu dài, như anh biết ở Việt Nam trong chế độ cộng sản nói chung, những việc làm của anh mà ngoài sự kiểm soát của họ một chút thì họ cũng đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến mình, nhưng việc đó chúng tôi chấp nhận.

Áp đặt thuế độc quyền

Chân Như: Chân Như cảm thấy bất hợp lý khi bộ Tài chính công khai biểu thuế phí xăng là một lít xăng gánh 8.244 đồng tiền thuế phí trong khi giá gốc xăng dầu khi về tới cảng ở Việt Nam chỉ có 16.444 đồng một lít. Theo bạn nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Do chính nhân dân phản ứng quá yếu trước các tình hình này, họ không hiểu được quyền của mình, dù họ không quyết định được việc thay đổi thuế, thay đổi phí, thay đổi giá xăng.
-Lã Dũng
Lã Dũng: Theo tôi nguyên nhân đầu tiến đấy là việc đặt thuế một cách độc quyền của chính quyền. Theo tôi biết thì ở các nước khác, khi mà tăng một mức thuế hay là quy định một mức thuế nào đó thì quốc hội cũng như là các đảng phái ở trong quốc hội đó phải tranh đấu với nhau rất khốc liệt, khó để có thể tăng một mức thuế hay tăng một mức giá, nhưng mà ở Việt Nam thì rõ ràng là cái việc tăng thuế, tăng phí này rất là tùy tiện. Và thứ hai một điều rất là vô lý đó là xăng mà được áp vào với thuế gọi là thuế tiêu thụ đặc biệt, thì đấy là một cái rất là nực cười bởi vì xăng là cái tài nguyên bắt buộc cho tất cả mọi người đều phải sử dụng, nó chả có gì đặc biệt cả. Nguyên nhân thứ hai tôi nghĩ rằng cái thuế càng ngày càng tăng cũng như giá xăng tăng là nguyên nhân chính quyền sử dụng không hiệu quả việc ngân sách cũng như tiền thuế của dân. Nguyên nhân thứ ba là do chính nhân dân phản ứng quá yếu trước các tình hình này, họ không hiểu được quyền của mình, dù họ không quyết định được việc thay đổi thuế, thay đổi phí, thay đổi giá xăng, nhưng họ hoàn toàn có quyền lên tiếng để chính quyền khi làm thì phải nghĩ lại, nhưng mà người Việt Nam lên tiếng quá yếu.
Anh Chí: Tôi đồng ý với quan điểm của anh Lã Dũng tức là trong một thể chế bậc đảng cầm quyền lãnh đạo thì hầu như người ta toàn quyền tăng thì tăng mà thích làm thế nào thì làm, anh có thể thấy báo chí người ta công khai nói chuyện là những nhóm lợi ích, người ta chi phối trong nền kinh tế Việt Nam, không đối với xăng dầu mà bao gồm tất cả những ngành khác nữa. Xăng dầu là mặt hàng thích yếu gắn chặt với đời sống của xã hội, nó như là mạch máu của người sống, nên nếu thiếu xăng, xã hội không thể tồn tại được, thực tế không thể phát triển được. Người ta nói là có tăng có giảm, nhưng quan điểm tôi, tôi thấy cái sự tăng giá xăng, người ta không căn cứ trên một cái công thức nào để cho dư luận có thể biết rằng là người ta tăng giá như thế thì đúng, hay là người ta tăng giá bao nhiêu phần trăm thì sai. Tôi thấy thu nhập bên Mỹ rất là cao, mà giá xăng dầu ở Mỹ người ta bán còn thấp hơn cả giá xăng dầu ở Việt Nam. Vậy thì người Việt Nam như vợ chồng tôi chẳng hạn là những cán bộ công nhân viên lương thì ba cọc ba đồng, trong cuộc sống lại rất là nhiều thứ, thế thì rất là ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Cái lượng người khá giả không nghĩ về chuyện tăng giá xăng thì rất là ít và những người đó được hưởng rất nhiều trong chế độ này thì mới không quan tâm, còn những người làm công ăn lương như chúng tôi bình thường thì cực kỳ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi.
Hoàng Dũng: Em rất là đồng ý với những ý kiến của các anh vừa rồi em chỉ xin bổ xung thêm 1 điều, cái thứ nhất là bọn em cần cái sự minh bạch về giá xăng, cái thứ hai em cần minh bạch là vì đất nước Việt Nam có rất nhiều dầu mỏ và không hiểu được rằng là những cái sự hỗ trợ giúp đỡ của nhà nước như thế nào về lượng dầu mỏ đã khai thác bán ra, và không hiểu nhà máy lọc dầu Dung Quất nó có tác dụng gì trong việc xăng dầu nó cao như vậy.

xangtang02-250.jpg
Nhiều người hưởng ứng đeo những khẩu hiệu sau lưng và trước ngực phản đối tăng giá xăng. Citizen photo.

Phương Dung: Em cũng đồng ý với những ý kiến của các anh, vì do ngân sách không còn nhiều nữa và nhà cầm quyền làm việc không hiệu quả nên ngân sách cạn kiệt và họ tùy tiện áp đặt thuế lên đầu người dân để người dân chịu thế phí. Người dân phải lên tiếng để gây áp lực với nhà cầm quyền để họ phải sử dụng tiền thuế nhân dân sao cho hợp lý, người dân bình thường hoàn toàn có cái quyền đó tuy nhiên đa số đều không biết sử dụng cái quyền của mình, họ cứ nghĩ là mình chỉ là hạt cát trong sa mạc thôi nhưng mà thật ra nếu mà mình có thể lên tiếng, thể hiện được quan điểm thì có thể thay đổi được những việc không hiệu quả hiện nay.
Và cuối cùng thì giải pháp nào cho đời sống của các bạn nói riêng và người dân Việt Nam nói chung với tình hình giá xăng tăng như hiện nay mà đồng lương thì vẫn đứng nguyên tại chỗ vì như chúng ta đã biết xăng tăng giá đồng nghĩa với hàng loạt các mặt hàng khác cũng phải tăng giá theo.
Lã Dũng: Tôi nghĩ giải pháp trước mắt đối với cá nhân tôi cũng như mọi người thì cũng phải bắt buộc thắt lưng buộc bụng thôi chúng ta chẳng có cách nào cả, sống ở đây thì chúng ta bắt buộc phải chấp nhận như vậy. Còn về mặt lâu dài thì chúng tôi sẽ tiếp tục đi để phổ biến cho mọi người biết thông tin về giá xăng cũng như là sự bất cập, sự vô lý trong việc tăng giá, tăng thuế vô tội vạ như vậy. Tôi tin rằng đến một lúc nào đó khi mà sức ép đủ lớn thì bản thân chính quyền cũng nhận thấy rằng cái việc tăng giá xăng sẽ là không hợp lý và họ sẽ phải điều chỉnh bằng nhiều cách khác, và cái quan trọng nhất theo tôi đấy là việc phải chống tham nhũng và việc sử dụng nguồn ngân sách một cách hiệu quả.
Anh Chí: Với các mức giá xăng tăng thì đương nhiên là tất cả toàn bộ các giá mặt hàng khác trong xã hội sẽ tăng bởi vì mặt hàng nào cũng phải cần đến sự luân chuyển. Còn đối phó với giải pháp đó thì chắc là đại đa số người dân Việt Nam chắc phải thắt lưng buộc bụng và hai nữa là chi tiêu với đồng lương hạn hẹp và dậm chân tại chỗ như vậy thì trong ngân sách của mỗi gia đình thì đều phải cân nhắc và hạn chế chi tiêu với những thứ không cần thiết. Cũng như Lã Dũng có nói thì giá xăng nó có điều gì bất hợp lý là có 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi nghĩ xăng là mặt hàng thiết yếu trong xã hội, nó không thể nào coi là một thứ xa xỉ phẩm để nhà cầm quyền Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, và cũng như bạn Phương Dung vừa nói thì là do quản lý yếu kém của thế chế này cho nên họ bằng mọi cách, nói thẳng thắng luôn là họ bằng mọi cách để móc tiền của dân, để bù vào cái khoản ngân sách mà do sự quản lý yếu kém của họ. Với riêng chúng tôi thì chúng tôi vẫn cứ tiếp công viêc chúng tôi có thể để mà vận động tuyên truyền cho mọi người biết để làm sao có được nhiều người dân trong xã hội này lên tiếng bằng những hành động thực tế để có thể tạo được cái sức ép ngược lại phía nhà nước để họ phải điều chỉnh, chứ họ không thể tự tung tự tác được.
Hoàng Dũng: Tôi đề nghị 3 giải pháp, thứ nhất dành cho người dân là, hãy tìm đến nhau để bày tỏ quan điểm, dù quan điểm của anh là đồng ý, phản đối hay là không có ý kiến thì anh cũng nên nói cái quan điểm của anh ra. Cái giải pháp thứ hai giành cho nhà nước là, tôi đề nghị minh bạch hóa giá xăng dầu. Giải pháp thứ ba là, không độc quyền giá xăng dầu, tôi được biết là có khoảng hơn một chục hồ sơ yêu cầu được kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam nhưng mà hiện tại người ta chưa chấp nhận.
Phương Dung: Em cũng đồng ý với các giải pháp của các anh, cá nhân em thì cũng sẽ đi phát những tờ sticker hoặc decan để mà phản đối tăng giá xăng, và để mọi mọi người dân đều có thể nhận thức được cái quyền và khả năng của mình để mình có thể phản đối những việc xăng tăng giá như vậy.
Chân Như: Và để kết thúc chương trình xin mời quý vị cùng đến với một vài chia sẻ cảm nghĩ của người dân lao động trong nước về việc xăng tăng:
“Việc tăng giá xăng này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của gia đình tôi và toàn xã hội” “giá xăng 26 ngàn đồng một lít là quá đắt, tôi cảm thấy rất khó khăn và nhức đầu hơn nhiều cho việc chi tiêu ngày càng eo hẹp” “Theo tôi nghĩ, xăng tăng giá là thể hiện rõ ràng nhất cho thế giới biết Việt Nam không có kinh tế thị trường, hiện tại giá dầu thô của thế giới đang giảm trong khi giá xăng của Việt Nam lại không ngừng tăng, xăng tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến túi tiền của người dân” “Theo tôi thì trong bối cảnh lạm phát hiện nay, giá xăng tăng nó như là một phép thử rất liều lĩnh đối với niềm tin của nhân dân đối với nhà nước, tôi bây giờ đi xe ôm, trước đây chỗ làm tới nhà chỉ có 50 ngàn mà bây giờ lên thêm 60 ngàn, mà dĩa cơm thường 20 ngàn đầy ắp, nhưng bây giờ đã vơi đi rất nhiều, người ta không thể thêm được cho mình, chỉ bớt lại cái khẩu phần của mình thôi.”