14 août 2014

Một chủ trương lương bổng hạ thấp uy tín của Đảng cần bãi bỏ



Ngô Minh/Quê Choa
Minh họa của Khều ( theo Misa.com.vn)
Trong một cuộc gặp gỡ của các trí thức ở Huế như giáo sư Thân Trong Ninh, ông Vĩnh Mẫn, cựu trưởng Ban tuyên giáo của Đoàn tàu không số, anh Phan Tân Hội, con cụ Phan Anh, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nhà văn Dương Phước Thu…, tôi nghe mọi người bàn tán đến một chủ trương lương bổng trong Đảng CS làm dân tình bức xúc .

 Đó là việc lương của các cơ quan Đảng từ Trung ương đến địa phương hiện nay cao hơn lương của cơ quan hành chính sự nghiệp gần gấp đôi (đến 65%). Và việc “hưởng lương cao ngoài chế độ lương” ấy đã diễn ra ba năm rồi. Tôi nghe mà bàng hoàng, kinh sợ và vô cùng xấu hổ. Tôi dự tính sẽ đi tìm bằng chứng để nói cho toàn dân biết cái chủ trương “ăn trên ngồi trốc” này của cơ quan Đảng. Tôi chưa kịp tìm thì đọc trên báoVăn Nghệ ( Hội Nhà văn Việt Nam) số 31 (2-8-2014) chuyên mục “tiếng nói nhà văn” ở trang nhất, bài “ Đã thực sự cùng nhau vui cười ?...” của nhà văn Trần Cao Sơn. Xin trích :

“…Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ròng rã suốt hơn 30 năm của thế kỷ trước, và tiếp theo là những năm tháng khó khăn nghèo thiếu trăm bề của đấy nước do hậu quả của chiến tranh, nhưng chúng ta vẫn giữ được sự công bằng nhất định trong xã hội, ít nhất là ở việc hưởng thụ vật chất của đội ngũ cán bộ Nhà nước và nhân dân. Mỗi cán bộ đều có chế độ, thang lương và được hưởng sự đãi ngộ theo thang lương như nhau… Khó khăn thiếu thốn, nhưng chính sự công bằng đó lại là cơ sở làm nên sự ổn định trong đời sống xã hội.

      Nhưng bây giờ thì đã khác quấ rồi. Sự khó hiểu bắt đầu từ việc phân chia ra các loại hình cán bộ hành chính Nhà nước và viên chức sự nghiệp. Có thể phân tích cụ thể như sau :

Sự phân biệt giữa các loại hình cán bộ cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ở loại hình này có thể chia ra làm ba loại như sau :

1.Cán bộ công tác ở các cơ quan Đảng, được hưởng phụ cấp công tác Đảng, khoảng trên 50 % lương chính thức cùng với những chế độ khác.

2.Cán bộ cở các cơ quan hành chánh Nhà nước được hưởng khoảng 30% phụ cấp  so với mức lương cơ quan, cùng với các chế độ khác;

3.Cán bộ nhà nước ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, trong đó gồm những người làm việc tại các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước với nhiều tri thức, nhiều nhà khoa học tiêu biểu…lại được xếp vào loại viên chức sự nghiệp, và không có một chút phụ cấp nào ngoài lương .

Cùng một hệ số như nhau. Tại các cơ quan Đảng  và cơ quan hành chính nhà nước thì được nhận số tiền từ bảng lương gấp rưỡi, hoặc gấp đôi những nhà khoa học, trí thức , văn nghệ sĩ tại cơ quan sự nghiệp. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có chuyện như vậy ?

Phụ cấp nghề nghiệp là loại phụ cấp dành cho loại hình lao động đặc thù. Công tác Đảng gắn với việc đưa ra chủ trương đường lối, nghị quyết, hay quản lý nhà nước, công tác quản lý lãnh đạo là thứ lao động phổ thông, thời nào chẳng phải thế, tại sao lại có quyền được hưởng phụ cấp cao hơn, trong khi đó các nhà khoa học trí thức, văn nghệ sĩ với lao động nghiên cứu sáng tạo lại không được hưởng chính sách này ?”

      Từ bài viết của nhà văn Trần Cao Sơn, từ chính sách hưởng lương gấp rưỡi, gấp đôi của cán bộ các cơ quan đảng, trong lúc cuộc sống cán bộ sự nghiệp, hưu trí lương không đủ sống, trong lúc hàng vạn người dân đói kém, năm nào Chính phủ cũng chi ra hàng ngàng tấn gạo để cứu đói …là một bất công lớn, tạo nên mâu thuẫn  trong nội bộ cán bộ , đảng viên, tạo nển sự ghét bỏ của nhân dân.
.
 Người ta đã tìm  ra nhiều cách giải thích chủ trương lạ lùng này :

- Một là. Phải chăng Đảng công sản là đảng độc quyền, lại độc đảng, nên có quyền làm bất cứ việc gì có lợi cho mình, bất chấp đạo lý, bất chấp dân tộc, nhân dân ?
 - Hai là. Phải chăng cán bộ cơ quan hành chính sự nghiệp là “phận tôi đòi” nên có lương là may rồi
- Ba là. Công chức Đảng nhà nước đều đã có thang bảng lương theo hệ số được hưởng. Tăng lương là tăng lương chung . Anh có quyền gì hưởng cao hơn người khác gấp rưỡi, gấp đôi  các nhà khoa học đầu ngành, trí thức văn nghệ sĩ ? Phải chăng đây là hình thức tham nhũng tập thể có bảo kê ? . Ở các nước khác, Đảng muốn hoạt động phải  có ngân sách riêng, đảng không được lấy ngân sách quốc gia ( tức tiền đóng thuế của dân) để tiêu xài như của riêng mình.

Từ khi Đảng do chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập đến nay đã 84 năm, không có thời kỳ nào cán bộ cơ quan Đảng lại được hưởng lương cao gấp đôi cán bộ sự nghiệp như nhiệm kỳ này. Trong kháng chiến và xây dựng miền Bắc, có khẩu hiệu “Đảng viên đi trước / Làng nước theo sau”. Bây giờ thì “Đảng viên ăn trước !”. Phải chăng đó là sự thoái hóa tập thể, do tư tưởng “ăn trên ngồi trốc” ? Người Việt Nam có thành ngữ rất hay để chỉ bọn tham ăn :” Miếng thịt là miếng nhục” ( nhục cũng có nghĩa là thịt). Chính sách này làm giảm thêm uy tín của Đảng vốn đã không  còn cao trong nhân dân.

Thông tin những điều oái oăm này, tôi đề nghị các đảng viên công sản  ở các cơ quan sự nghiệp, đảng viên cộng sản hưu trí hãy lên tiếng đấu tranh đòi quyền lợi của mình. Bạn đọc bốn phương hãy phân tích lẽ phải để loại bỏ chủ trương này ra khởi đời sống Việt Nam.

Trong bài thơ Tự vấn, nhà thơ Phùng Quán đã viết : Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn ?Tôi có quyền gì được hơn nhân dân tôi một mét vuông nhà ở ? Tôi có quyền gì ? Tôi có quyền gì ?... ”. Đảng phải luôn luôn tự vấn như Phùng Quán mới tạo nên uy tín của mình.