22 septembre 2014

Hàng nghìn lượt tàu Trung Quốc phạm pháp trên Vịnh Bắc Bộ

Nguồn: Theo VNEXPRESS

Nguyễn Đông

Nhiều tàu cá Trung Quốc lợi dụng Vùng đánh cá chung để buôn lậu, tàu không được cấp phép đánh bắt đã trà trộn để khai thác hải sản trái phép, vi phạm chủ quyền biển Việt Nam.

Ngày 19/9, tại Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. 



Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: Nguyễn Đông.
Theo Ủy ban liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam, số lượng tàu Trung Quốc được cấp giấy phép hoạt động trong vùng đánh cá chung là dưới 1.000 chiếc, Việt Nam có khoảng 2.000 đến 2.500. Ngư dân hai nước đều có những vi phạm khi tham gia hiệp định. 
Thời gian đầu, một số ngư dân Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật như dùng chất nổ, xung điện, công suất ánh sáng quá mức quy định để khai thác hải sản. Từ năm 2004 đến 2009, lực lượng kiểm tra, kiểm soát phía Trung Quốc tại khu vực đường phân định đã bắt giữ và xử phạt 44 tàu cá Việt Nam với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.

Về phía Trung Quốc, các tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại khi được cấp phép đánh bắt cá trong Vùng đánh cá chung đã lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển dầu tạm nhập tái xuất từ cảng Vạn Gia (Quảng Ninh) đi Trung Quốc, hoặc bán lẻ xăng dầu trên vùng biển Việt Nam, tạo nên phức tạp về an ninh trật tự biển. Một số tàu lợi dụng trời tối, sương mù vượt qua ranh giới phía tây vùng nước đánh cá chung để khai thác hải sản trái phép.

Ngoài ra, nhiều tàu cá Trung Quốc không được cấp phép đánh bắt đã trà trộn với tàu có phép để vi phạm chủ quyền biển Việt Nam, khai thác hải sản trái phép (khoảng 1.200 lượt/năm). Một số tàu còn treo biển dấu hiệu nhận biết giả để đánh lừa lực lượng kiểm tra, kiểm soát Việt Nam. Khi bị kiểm tra thì họ chống đối, bỏ chạy.


Lực lượng kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ tuần tra trên biển. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Kiểm ngư cho biết, trong 10 năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện, xua đuổi trên 7.700 tàu cá Trung Quốc vi phạm quy định của Hiệp định, vi phạm chủ quyền Việt Nam; xử phạt cảnh cáo, phóng thích ngay trên biển hơn 200, phạt hành chính 34 tàu với số tiền trên 4 tỷ đồng và tịch thu hơn 60 nghìn lít dầu. Lực lượng kiểm ngư và biên phòng cũng cảnh cáo, xua đuổi hơn 1.800 tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trước thực trạng trên, đại diện nhiều địa phương kiến nghị lực lượng chức năng tăng cường hoạt động tại khu vực gần đường phân định, đặc biệt là những vùng nhạy cảm, làm chỗ dựa cho ngư dân yên tâm sản xuất, giải quyết kịp thời tranh chấp giữa ngư dân hai nước. 

Thực tế những năm qua, số tàu tuần tra quá ít, từ năm 2004 đến 2008 chỉ có 8 tàu (Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quân, Kiểm ngư); từ 2009 đến nay chỉ có 6 tàu, chưa kể đến khả năng hoạt động của tàu tuần tra còn hạn chế, chỉ chịu được sóng dưới cấp 7.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng cần tăng cường lực lượng tuần tra trên biển để bảo vệ ngư dân Việt Nam cũng như Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Đông.
Kết lại cuộc họp, Thứ trưởng Nông nghiệp Vũ Văn Tám cho rằng, Hiệp định này đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ, thể hiện chính sách đúng đắn và thiện chí của Việt Nam trong việc cùng các nước thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phù hợp với luật quốc tế.

"Thời gian tới, các bộ ngành liên quan cần triển khai đồng bộ, sâu sát Hiệp định, triển khai tốt đường dây nóng các vụ đột xuất và chính sách khác để tăng năng lực cho lực lượng tuần tra, ngư dân sản xuất trên biển", Thứ trưởng chỉ đạo.

Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc có giá trị pháp lý ở cấp Chính phủ phê duyệt. Theo Hiệp định, hai bên thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500 km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về phía mỗi bên. Thời hạn của Vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn).

Việc đánh cá chung được thực hiện theo các nguyên tắc: mỗi bên có quyền kiểm tra, kiểm soát khu vực đánh cá chung thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước mình; số tàu thuyền của mỗi bên được vào khu vực đánh cá chung tương đương nhau; sản lượng đánh bắt căn cứ vào sản lượng đánh bắt được xác định thông qua điều tra liên hợp định kỳ; mỗi bên có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ ba trong khu vực đánh cá chung thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.