22 octobre 2014

Bành trướng phi pháp, Trung Quốc chiếm đảo lớn nhất Trường Sa


Một Thế Giới
Có 200 quân PLA đồn trú phi pháp trên Đá chữ thập
Có 200 quân PLA đồn trú phi pháp trên Đá chữ thập
Trung Quốc đã tiến một bước dài trong quá trình lấn chiếm trái phép Biến Đông và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khi nắm trong tay một cách phi pháp hòn đảo lớn nhất quần đảo.

Trước đây, hòn đảo lớn nhất của Trường Sa là đảo Ba Bình (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp). Nhưng giờ đảo Ba Bình đã phải lùi xuống vị trí thứ 2 để nhường chỗ cho Đá Chữ Thập.
Hoạt động cải tạo đất liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông đã có "hiệu quả" khi họ bành trướng Đá Chữ Thập trở thành "hòn đảo" lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Thông tin này được tờ Want China Times khẳng định.
Từ cuối năm ngoái, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã tiến hành các hoạt động xây dựng và cải tạo đất trên nhiều rạn san hô và đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, bao gồm Đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).
Hình ảnh mà vệ tinh Mỹ thu được gần đây cho thấy các hoạt động của Trung Quốc đã làm tăng diện tích Đá Chữ Thập hơn 11 lần, từ 0,08 km vuông thành 0,96 km vuông. Nhờ vậy, rạn san hô còn có diện tích lớn hơn cả đảo Ba Bình. Và giờ, Đá Chữ Thập trở thành đảo lớn thứ 5 ở Biển Đông sau đảo Phú Lâm, đảo Đông Sa, đảo Linh Côn và đảo Tri Tôn. Trong các địa danh kể trên, trừ đảo Đông Sa thì Phú Lâm, Linh Côn và Tri Tôn đều thuộc quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp
Đá Chữ Thập, bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1988. Kể từ đó, Trung Quốc đã xây dựng một bãi đậu trực thăng, bến cảng, một tòa nhà hai tầng và một nhà kính 500 mét vuông trên rạn san hô. Hiện tại PLA có khoảng 200 binh sĩ đồn trú tại đó.
Đá Chữ Thập được coi có vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đông, cách đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam khoảng 110 km. Theo một nhà bình luận quân sự từ trang Guancha tại Thượng Hải, diện tích của Đá Chữ Thập có thể tiếp tục được mở rộng để tăng gấp đôi kích thước so với hiện tại.
Sau đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xây sân bay trên Đá Chữ Thập để sở hữu phi pháp sân bay đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã xây dựng phi pháp sân bay trên đảo Phú Lâm.
Về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi hoạt động của nước ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý.