11 janvier 2015

Ai bình luận ra sao là quyền tự do của họ

 LS Lê Công Định

Lê Công Định

Sáng hôm qua tôi lại lên phường trình diện định kỳ hàng tháng. Lần này chỉ ba bài viết đăng trên FB của tôi bị mang ra mổ xẻ, vì theo các anh nhân viên an ninh nội dung các bài ấy đã chạm đến những “vấn đề nhạy cảm”.



Bài đầu tiên liên quan đến câu hỏi tôi nêu về đoạn “dịch sử Đảng” trong bài thơ cụ Hồ viết ở hang Pác Bó. Các anh an ninh hỏi tại sao tôi lại nêu vấn đề để người khác lợi dụng bình luận với dụng ý xấu, tôi đáp rằng do ông cụ không viết lịch sử Đảng của mình, mà lại dịch sử của Đảng nước khác, tôi thấy khó hiểu, nên nêu thắc mắc thôi.
Các anh muốn tôi viết rõ ràng, đừng dùng câu chữ chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa, dễ bị người đọc suy diễn thêm. Tôi giải thích, ai bình luận ra sao là quyền tự do của họ, tôi không thể kiểm duyệt suy nghĩ của người khác, trừ phi kẻ nào văng tục hoặc nói xấu cá nhân, tôi mới đành xóa và block thôi. Các anh khuyên tôi nên dành thời gian viết về lĩnh vực luật pháp, vì sẽ hữu ích hơn cho cộng đồng, tôi cũng nhận thấy điều này đúng và tốt, nên chắc chắn sẽ lưu tâm hơn.
Bài thứ hai, cách tôi gọi đầy kính trọng những tù nhân chính trị là “người yêu nước” khiến các anh an ninh phật lòng, vì theo các anh “phá rối trật tự công cộng là không yêu nước”. Tôi hỏi lại, “các anh Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập chỉ viết blog ở nhà mà bị xem là “phá rối trật tự công cộng” sao?” Các anh im lặng, rồi một anh bảo, “chị Bùi Hằng là người phá rối!” Tôi lắc đầu đáp, “đó chỉ là thông tin một chiều từ phía công quyền, tuy tôi chưa đọc hồ sơ vụ án, nhưng trong thâm tâm vẫn tin tưởng chị ấy hơn”.
Các anh an ninh hỏi tôi quan niệm cụ thể thế nào về “yêu nước”. Tôi trả lời, “quan niệm rồi tranh luận thế nào là yêu nước ắt sẽ mất nhiều thời gian và chẳng ai chịu ai, vì ai cũng có quan niệm yêu nước của riêng mình, tôi tuy khác các anh nhưng vẫn tôn trọng quan niệm của các anh và chẳng bao giờ thắc mắc vì sao các anh yêu nước không giống tôi.”
Trong bài thứ ba, vì thấy tôi tỏ ý tiếc thương một tù nhân thuộc phái Pháp Luân Công đã tuyệt thực đến chết trong tù, các anh an ninh nói, “giáo phái đó bị nhà nước cấm hoạt động sao anh lại ca ngợi thành viên của họ?” Tôi đáp, “phái Pháp Luân Công chỉ bị nhà nước Trung Quốc cấm, chứ nhà nước Việt Nam cấm hồi nào mà các anh và tôi phải quan tâm?” Nhân đó, tôi hỏi các anh, nếu ai có văn bản ghi rõ nhà nước Việt Nam cấm tổ chức nào hoạt động, thì cho tôi xin một bản copy để lưu ý.
Buổi làm việc lần này ngắn gọn hơn so với trước đây, nhưng tôi muốn nấn ná thêm vì lại có sự xuất hiện của cô Phó Chủ tịch Phường kiều diễm. Tôi nén lòng, cuối buổi làm việc vẫn buộc miệng khen cô đẹp hơn tháng vừa qua, cô nhã nhặn nói lời cám ơn. Lúc ra về, tôi đùa với các anh an ninh rằng, “may có cô Phó Chủ tịch, tôi còn lý do lui tới chốn này, chứ thật lòng tôi chán nhìn các anh lắm rồi!” Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã mang người nữ ấy đến, nhưng diễm phúc thay … không phải cho con!