20 janvier 2015

Bài bị gỡ: 'Không công khai phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị dễ dẫn tới loạn bình phẩm'


Một số cựu quan chức cho rằng, không công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người ta sẽ đoán già, đoán non thành ra…loạn bình phẩm.


Hội nghị Trung ương 10 khóa XI vừa qua đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đây là lần đầu Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp người được lấy phiếu tín nhiệm tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ về các mặt và tinh thần trách nhiệm trong công tác;

Đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Một bước tiến về dân chủ, đáng được hoan nghênh, ủng hộ

Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa 11 đã kéo dài từ 5 đến 12/1/2015. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về việc này, TS. Đỗ Quang Tuấn – Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nói: "Rất nên công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhưng hiện nay theo chỉ đạo của Trung ương là chưa nên thì vẫn phải theo.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, cứ nên công khai kết quả đó bởi có vấn đề gì đâu mà phải sợ?! Hơn nữa nếu cứ úp mở người ta cũng nói ra hết. Không chỉ thế, nếu cứ đoán già, đoán non, có nhiều ý kiến vào ra về kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ thành loạn. Để tránh các bình phẩm phức tạp, ta cứ nên công khai kết quả".

Đồng quan điểm với TS. Đỗ Quang Tuấn, Luật sư Trần Quốc Thuận – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm: "Việc lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một bước tiến về dân chủ, rất đáng được hoan nghênh, ủng hộ. Nhưng kết quả tín nhiệm đối với các vị đó ra sao cũng cần phải cho tất cả đảng viên, thậm chí toàn dân cùng biết.

Hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm ra sao còn tùy mức độ, vì không phải ai cũng nắm bắt sâu sát được quá trình công tác…của các đồng chí đó.

Theo tôi, chúng ta nên công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm này bởi nếu không trên mạng sẽ xuất hiện nhiều thông tin không chính thống dẫn tới các bình phẩm không tốt".

Ngoài ra, khi nói về 12 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong 5 năm tới mà Hội nghị Trung ương 10 đã xác định được, ông Trần Quốc Thuận cho rằng việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ khó, nhưng là việc phải làm bởi nếu không làm, nguy cơ Đảng bị mất uy tín trong dân rất lớn.

Quốc hội công khai, Đảng cũng nên làm thế

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho biết: "Tôi nghĩ nên công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư vì Đảng là lực lượng tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động…, trong Hiến pháp cũng đã nêu rõ điều đó.

Hơn nữa, Đảng đề ra chủ trương lấy phiếu, cả 2 lần lấy phiếu Quốc hội đều đã thực hiện việc công khai kết quả, không lẽ gì Đảng lại không công khai cho dân biết. Tôi nghĩ đó cũng là cách để các đồng chí được bỏ phiếu biết được trách nhiệm của mình, biết được đánh giá của các đồng chí khác về mình một cách trung thực, khách quan, thẳng thắn".

Trong khi đó, ông Vũ Mão – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII, IX, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội nhận định, đây là lần đầu tiên Trung ương thực hiện công tác này, do vậy cần thận trọng, nhưng tiến tới cũng nên công bố kết quả lấy phiếu, qua đó nhân dân sẽ thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.



(Theo Giáo Dục)
Nguồn: Theo Việt Nam Thời Báo