08 janvier 2015

Nguồn: Theo Đất Việt

Bích Ngọc (thực hiện)


TS Lê Đăng Doanh : "Báo cáo của VCCI cũng đã nói rõ hàng lậu Trung Quốc tràn vào đang giết chết hàng công nghiệp của Việt Nam và việc mua hàng của Trung Quốc có nghĩa là đang nộp thuế, ngân sách cho Trung Quốc, nuôi công nhân Trung Quốc.
Trong khi đó thì công nhân Việt Nam mất việc, đó là điều mà chúng ta cần phải nhìn thấy rõ để có thái độ nghiêm túc đối với tình hình này."

 

TS Lê Đăng Doanh đã phân tích dưới góc nhìn của mình về thực tế những ảnh hưởng của công nghiệp Việt Nam do hàng Trung Quốc lấn lướt cũng như chỉ ra việc làm thế nào để Việt Nam có thể chủ động, vươn lên. Cụ thể Việt Nam cần phải tạo ra sự khác biệt thực sự mới mong có thể cạnh tranh và dần thoát khỏi sự lệ thuộc đối với nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

PV: - Một nghiên cứu của VCCI chỉ rõ, hàng lậu Trung Quốc "làm đổ vỡ sản xuất trong nước". Theo các chuyên gia, ngoài ra còn có việc hàng Việt làm ra không có sức cạnh tranh về chất lượng và giá thành, đặc biệt với hàng hóa từ Trung Quốc. Trong nông nghiệp, hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng chiến lược của Việt Nam phụ thuộc vào sự chi phối của thị trường Trung Quốc.

Nhìn lại một năm qua, nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã đạt được kết quả ra sao? Khi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, theo ông, Việt Nam cần phải xác định động lực và mục tiêu cụ thể về việc này như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: - Trong năm vừa qua tôi chưa thấy chuyển biến gì rõ rệt trong việc ngăn chặn hàng lậu của Trung Quốc tràn vào cũng như việc giảm lệ thuộc vào thị trường này.

Mới đây trong bức thư của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc đã nói rõ việc buôn bán ở biên mậu dùng tiền mặt là Nhân dân tệ lên tới 15 tỉ đô la. Như vậy đây là con số rất lớn. Điều này cho thấy chúng ta cần có những bước đi bài bản hơn, cương quyết hơn.

Báo cáo của VCCI cũng đã nói rõ hàng lậu Trung Quốc tràn vào đang giết chết hàng công nghiệp của Việt Nam và việc mua hàng của Trung Quốc có nghĩa là đang nộp thuế, ngân sách cho Trung Quốc, nuôi công nhân Trung Quốc.

Trong khi đó thì công nhân Việt Nam mất việc, đó là điều mà chúng ta cần phải nhìn thấy rõ để có thái độ nghiêm túc đối với tình hình này.

Tôi nghĩ rằng quy mô hàng lậu vào Việt Nam một năm cho thấy thống kê từ Trung Quốc cao hơn con số của Việt Nam. Từ đó thấy rằng chúng ta cần phải có nỗ lực nghiêm túc hơn.

Nếu không đa dạng các mối quan hệ Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế nội tại

PV: - Nhìn ra thế giới, Việt Nam có thể học tập bài học của quốc gia nào, về việc tồn tại bên cạnh một thị trường khổng lồ với một nền kinh tế vượt trội hơn mà vẫn tránh được áp lực phụ thuộc, tận dụng được những cơ hội từ nền kinh tế đó? Xin ông phân tích cụ thể?

TS Lê Đăng Doanh: - Chúng ta có thấy rất nhiều nước đã thành công bên thị trường khổng lồ. Ví dụ Mexico hay Canada bên cạnh Mỹ. Hay như Phần Lan ở bên cạnh nước Nga. Phần Lan đã phát triển một nền kinh tế khác hẳn đối với nước Nga, họ cạnh tranh được với nền kinh tế Nga và giáo dục của họ đã nổi trội lên so với thế giới.

Cho nên chúng ta cần phải học hỏi được từ các nền kinh tế đó thực sự độc lập tự chủ từ chính sách và đặc biệt phải tạo ra được sự khác biệt so với Trung Quốc thì mới cạnh tranh được.

Còn nếu chúng ta vẫn làm theo kiểu theo họ giống như các cụ vẫn nói là "theo voi ăn bã mía' thì sẽ không khá lên được.

Hiện nay chúng ta vẫn đang xuất khẩu hộ Trung Quốc trong hàng dệt may, da giày, điện tử. Và về lâu dài cách làm này không thể giúp chúng ta trở nên giàu có được.

PV: - Nếu Việt Nam giành được thế chủ động, cơ hội của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc như thế nào, những mặt hàng nào sẽ là những mặt hàng chiến lược để thu lợi từ thị trường này, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: - Cho đến nay Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn chủ yếu là nông sản và khoáng sản, còn các mặt hàng công nghiệp thì đó là sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ví dụ như điện thoại di động Samsung hay một số sản phẩm khác.

Hiện chúng ta chưa có sản phẩm nào thuyết phục nhưng có thể nghĩ đến một số sản phẩm của công nghệ thông tin là phần mềm.

PV: - Thưa ông, Việt Nam đã nhiều lần đề cập tới vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào? Chúng ta cần có những điều chỉnh như thế nào về chính sách kinh tế để nâng cao nội lực của nền kinh tế, đồng thời nâng cao nội lực của Việt Nam?

TS Lê Đăng Doanh: - Chúng ta chắc chắn phải hợp tác với Trung Quốc bởi đây là một nền kinh tế rất lớn, rất năng động và sẽ trở thành nền kinh tế có quy mô lớn nhất hành tinh và chúng ta lại là nước láng giềng.

Vấn đề ở đây là chúng ta phải có chính sách để phát triển nền kinh tế trong nước, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Để thay đổi, trong các chính sách quản lý của nhà nước đã khẳng định nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Tất cả đều đã được xác định vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào thôi.


Xin trân trọng cảm ơn ông!


Bích Ngọc (thực hiện)