11 janvier 2015

Quản lý du lịch cũng thích chặt chém sao?

Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới
 

Hà Văn Thịnh


Việc tăng giá vé tham quan đột ngột khiến du khách bất ngờ, có thể làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng thế giới. Ảnh minh họa: http://vcci.com.vn

Năm 2015 với rất nhiều lễ kỷ niệm quan trọng, được coi như là những điểm nhấn để tạo nên bước đột phá về việc xây dựng văn hóa – văn minh; thế nhưng, ngành Du lịch nước ta đón chào năm mới bằng những động thái xem ra chẳng "đắc nhân tâm" tí nào.

 

Báo chí mới đây cho biết ngành du lịch Quảng Bình vừa quyết định tăng giá vé tham quan Phong Nha – Kẻ Bàng lên 108%, tức là từ 120.000 lên 250.000 đồng/người. Một quy định mới (có hiệu lực từ 2.1.2015) của Cục Xuất nhập cảnh đã làm cho doanh nghiệp kinh doanh khách du lịch nước ngoài lao đao: Thay vì cấp giấy phép chung cho cả đoàn du khách du lịch bằng đường biển thì bây giờ phải làm Visa cho từng người, đồng thời phí nhập cảnh tăng từ 5 USD lên 45 USD (TT, 9:31 GMT+7, 8.1.2015)!

Vấn đề tăng giá, thủ tục phiền hà trên đây thực sự là có quá nhiều vấn đề cần phải bàn!

Trước hết, việc tăng giá, tăng luôn cả thủ tục theo cung cách 2015 của ta quả là không tìm thấy bất kỳ một tiền lệ nào của thế giới để mà... học tập, để mà so sánh. Thông báo của Du lịch Quảng Bình ký ngày 31.12.2014 có hiệu lực ngay từ 1.1.2015, còn thông báo của Cục XNC thì chiều 30.12.2014 doanh nghiệp nhận được, đến 2.1.2015 đã phải đón 2.318 du khách cùng 1.000 thuyền viên từ tàu Aida Sol.

Không một người nước ngoài nào có thể chấp nhận việc tăng giá đột ngột giống như chụp giật và cách quản lý vừa tắc trách, vừa quan liêu lại vừa thiếu tôn trọng con người như thế. Các cơ quan quản lý nghĩ sao nếu người ta cho rằng cách thức điều hành bộ máy như thế vừa ấu trĩ lại vừa rất thiếu văn hóa? Làm việc theo kế hoạch, tất cả theo đúng lộ trình, phải cho người dân có thời gian chuẩn bị, thích nghi là những điều tối thiểu mà bất cứ cán bộ của bất kỳ nhà nước nào cũng phải hiểu. Làm khác đi, đồng nghĩa với việc làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng thế giới.

 Giá vé tham quan tăng, khiến du khách bất ngờ. Ảnh minh họa.

Theo thông lệ chung của các nước phát triển, việc thay đổi mọi thủ tục và giá cả phải được thông báo đầy đủ cho du khách và các công ty liên quan muộn nhất là trước khi khách... trả tiền mua vé, chẳng lẽ điều này Cục XNC lại không biết sao?

Cũng tương tự như thế, cách tăng giá của Du lịch Quảng Bình là điều phản quy tắc, thông lệ một cách trầm trọng. Tại sao không nghĩ rằng du khách đã tính toán rất kỹ mọi khoản chi tiêu bởi có phải ai cũng thừa thãi tiền bạc đâu vậy mà bỗng dưng "phát sinh" 130.000 đồng tiền vé thì ai mà chịu nổi?

Chúng ta thường rất tự hào về hàng ngàn năm văn hiến, về hình ảnh đất nước của nụ cười tiềm ẩn nhưng xem ra hành xử theo cái kiểu tự chặt chân của chính mình như thế là đang tạo ra sự nhăn nhó tiềm tàng.

Tất nhiên, cái cách quy định ngực lép không được điều khiển xe máy là không hề hiếm trong nền hành chính nước ta, buộc dư luận phải tự hỏi rằng nguyên nhân thực sự của vấn đề là ở đâu?

Rất mong các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu kỹ càng trước khi định thay đổi bất kỳ điều gì, nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc rằng phải đặt lợi ích đại cục lên trên lợi ích cá nhân, địa phương; phải nghĩ đến tác động của thay đổi đó ảnh hưởng như thế nào đến sự hài lòng và túi tiền của người dân, bất kể là công dân của nước nào.

Các nước láng giềng đang cạnh tranh quyết liệt về du lịch. Nước ta không có đủ cả 5S (sea, sun, sand, sex, smile) – cách quan niệm khá phổ biến về “tiêu chuẩn" du lịch, như nước người.

Vậy, hãy đừng đánh mất những lợi thế so sánh vốn dĩ đã chưa hề ổn định và bền vững một chút nào. Hãy tin rằng, mọi nụ cười của sự hài lòng chỉ có được sau một chuyến đi, chỉ đến, khi không phải gặp bất kỳ một vết gợn nào...



Hà Văn Thịnh