11 janvier 2015

Vụ Charlie : Nhiều người Việt căm phẫn khủng bố, nhưng không ít người ngại đụng đến ''thần linh''


Nguồn: Theo RFI

Trọng Thành


Trang bìa số báo 1012 (lên mạng ngày 08/11/2011) của Charlie Hebdo với hàng tựa "Tình yêu mạnh hơn thù hận" (L'amour plus fort que la haine). Số báo ra một tuần sau vụ tòa soạn bị tấn công phá hoại.DR

Tại Việt Nam, vụ khủng bố sát hại nhiều nhà báo trong ban biên tập tờ báo trào phúng Pháp Charlie Hebdo, ngày 07/01/2015, được báo giới theo sát. Vụ thảm sát gây xúc động sâu xa. Nhiều người Việt Nam ca ngợi thái độ bất khuất " thà chết đứng, không sống quỳ " của họa sĩ phóng viên Charlie Hebdo. " Vụ 11 tháng 9 của nước Pháp " gợi nhiều suy nghĩ đa chiều tại Việt Nam.

Từ Sài Gòn, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết cảm nghĩ của ông trước biến cố này, cùng một số nhận xét về phản ứng trong công luận Việt Nam.



Nghe phỏng vấn Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh


RFI : Xin ông cho biết cảm nghĩ của ông trước biến cố này.

Huỳnh Ngọc Chênh : Đây là một sự kiện bi thảm gây chấn động. Và nó càng chấn động hơn, khi nó xảy ra giữa trung tâm Paris, tám nhà báo bị giết ngay tại Tòa soạn. Là một nhà báo luôn đấu tranh cho tự do báo chí, cũng như cho tự do ngôn luận, tôi không thể không thấy phẫn nộ trước hành động khủng bố giết hại người làm báo như thế này. Tôi cảm thấy rất đau đớn.

RFI : Xin ông cho biết các phản ứng về vụ thảm sát tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo trong xã hội Việt Nam, trong báo giới Việt Nam.

Huỳnh Ngọc Chênh : Tôi chưa có điều kiện gặp gỡ tiếp xúc với nhiều anh em trong báo giới ở Việt Nam, nhưng qua báo chí và qua các trang mạng xã hội, tôi thấy sự kiện bi thảm này đã gây xôn xao cho dư luận ở Việt Nam. Hầu hết những người lên tiếng đều tỏ ra căm phẫn trước tội ác của bọn khủng bố. Tuy nhiên, cũng có không ít người (đặt câu hỏi) không biết vụ thảm sát Charlie là do những bài vở cụ thể nào. Có những người lo lắng là phía bên Tòa soạn có những bài vở châm biếm, đụng chạm đến thần linh, đến Hồi giáo hay không.

Tuy nhiên, dầu thế nào đi nữa những hành động giết người, giết các nhà báo như thế, đều bị lên án, nhất là anh em trong giới báo chí.

RFI : Thưa ông, xin ông nói rõ hơn ý là nhiều người ở Việt Nam sợ đụng chạm đến thần linh, hay tôn giáo.

Huỳnh Ngọc Chênh : Phần lớn người Việt Nam, do những thói quen xa xưa về tín ngưỡng, cũng như thói quen hiện nay do đang sống dưới chế độ toàn trị, người ta rất ngại đụng chạm đến lãnh tụ tôn giáo và cả lãnh tụ chính trị, đặc biệt là lãnh tụ tôn giáo, nhất là Hồi giáo. Bởi vì người Việt Nam vẫn nghe thông tin rằng, có những người theo tôn giáo, theo Hồi giáo rất cực đoan, một khi đã đụng chạm đến tín ngưỡng của họ, thì họ sẵn sàng khủng bố, và chuyện đó đã từng xảy ra một lần với nhà báo ở Bắc Âu. Và bây giờ, người ta cũng ngại rằng, tờ Charlie có thể có những bài vở nào đó " hơi quá đáng ”, đụng chạm đến tín ngưỡng của Hồi giáo. Một số anh em cũng như dư luận ở Việt Nam tỏ ra băn khoăn về điều này.

Dư luận một số người làm báo tỏ ra dè dặt, khi nói về nguyên nhân gây ra khủng bố, để " rút kinh nghiệm " cho người làm báo thôi.

RFI : Hay có thể nói cách khác, như kiểu một câu thành ngữ Việt Nam " không có lửa làm sao có khói " ?

Huỳnh Ngọc Chênh : Đại khái như vậy. Tức là (cần) " xem lại " lý do tại sao bọn khủng bố nó tàn độc như vậy, nó hành động như vậy đối với tờ Charlie.

RFI : Xem lại lý do vì sao khủng bố hành động, thì chắc là các nhà báo ở Việt Nam cũng có theo dõi và biết rõ, tức là vì Charlie Hebdo có đăng những bức biếm họa về nhà tiên tri Mohamet. Điều này khiến rất nhiều người – có tư tưởng không chấp thuận – phản đối rất quyết liệt. Chắc hẳn chi tiết này các nhà báo ở Việt Nam đều nắm rõ ?

Huỳnh Ngọc Chênh : Có những người nắm rõ, có những người chưa nắm rõ lắm. Nhưng (những người ấy) cũng hiểu rằng tờ Charlie có những bài vở cụ thể đụng chạm đến hình ảnh của Mohamet cho nên mới đưa đến phản ứng ghê gớm như vậy.

RFI : Có nghĩa là một số nhà báo ở Việt Nam nói chuyện với nhau để rút ra một bài học là, trong những trường hợp như thế thì phải chăng nên tránh thì hơn ?

Huỳnh Ngọc Chênh : Về cái này, không thể có lời khuyên nào về chuyện này, bởi vì cái văn hóa, vì văn hóa báo chí của Châu Âu khác với văn hóa báo chí cũng như tập tục của người Á Đông. Dư luận đó, không phải tất cả mọi người đều như vậy, tôi muốn nói là có một số ít người đã có ý kiến như vậy. Mà những ý kiến như vậy là xuất phát từ các tập tục Á Đông, cái gì thuộc về thần linh này khác thì nên tránh. Không chỉ thần linh, mà cả lãnh tụ chính trị của nước này, nước khác, cũng nên tránh. Đó là thói quen, xuất phát từ tập tục của người Á Đông. (Phải nhấn mạnh rằng) Cái đó không phải là ý kiến của tất cả.

RFI : Phải chăng quan niệm dè dặt, ngại ngùng như vậy nói rộng ra cũng có thể nói là một hình thức " tự kiểm duyệt " ?

Huỳnh Ngọc Chênh : Nó có thể là như vậy. Nó không phải là sự tự kiểm duyệt, mà là trách nhiệm của ngòi bút của mình. Mình phải có trách nhiệm về bài vở, về bài viết của mình. Ý của tôi là muốn nói chỗ đó, nhưng đó là ý của tôi. Còn tôi không biết những người nghĩ về điều này thì suy nghĩ của họ như thế nào, nhưng có những câu hỏi đặt ra như vậy.

Tôi thì chỉ mới quan sát các hiện tượng trên các phương tiện (truyền thông của) dư luận, tức là trên các mạng xã hội. Có một số ý kiến nêu lên những chuyện như vậy, nêu lên câu hỏi như vậy. Chứ còn chưa có tổ chức nào, hay chưa ai thảo luận sâu về chuyện đó. Cho nên tôi không trả lời được câu hỏi ấy.

RFI : Hoạt động của những người làm báo vẽ tranh hài hước có nhiều điểm giống với những ngòi bút viết về các đề tài gai góc. Theo ông, các nhà báo tại Việt Nam có những gì chia sẻ với các nhà báo Pháp trong các lĩnh vực gai góc, được coi là " cấm kỵ " trong xã hội ?
Huỳnh Ngọc Chênh : Ở Việt Nam, làm báo chính thống có sự chỉ đạo chặt chẽ của các tổ chức Đảng đến từng tòa soạn. Ở các cấp chính quyền địa phương, trung ương đều có các bộ phận gọi là tuyên huấn, tuyên giáo chỉ đạo rất chặt về chuyện làm báo. Cái mức độ được tiếp cận thông tin cũng bị hạn chế. Từ những cái đó, mà làm hạn chế việc đấu tranh, việc đi đến sự thật, ở những người làm báo tại Việt Nam. Nhưng đồng thời, đó cũng là sự bảo vệ, tạo an toàn, khi làm trong khuôn khổ đó.

Hồi trước, có một ông bộ trưởng thông tin, truyền thông đã nói một câu, hiện vẫn còn lưu danh : Đi đúng trong “ lề ", thì rất an toàn !

Cho nên, những người làm báo ở Việt Nam (theo cách như vậy) đỡ nguy hiểm hơn. Không có được những đề tài gai góc, không đấu tranh chống được tham nhũng, không phê phán được cái sai trái của lãnh đạo, của nhà nước, nhà cầm quyền. Nhưng ngược lại, thì được sự an toàn.

Đem cái này ra mà so sánh với chuyện làm báo ở Châu Âu, ở những nơi có sự tự do báo chí thực sự, thì đâm ra khập khiễng.

Bản thân những nhà báo ở Việt Nam, nếu được tự do, ví dụ như một số blogger, một số người viết trên các mạng xã hội, thì do cái văn hóa, nên người ta vẫn tránh né đụng chạm đến những vị thánh của các tôn giáo, các lãnh đạo của các tôn giáo. Do cái thói quen, cái tập tục tôi đã nói.

RFI : Thưa nhà báo, đấy là về phần những người làm trong nhà nước, hoặc xuất thân từ nhà nước, còn đối với những người hoàn toàn ở bên ngoài, xuất thân từ bên ngoài, thì ông thấy thế nào ?

Huỳnh Ngọc Chênh : Tôi đọc hầu hết những người viết ở bên ngoài, viết tự do, tức là họ thể hiện trên các facebook, trên các trang mạng - không thuộc nhà nước - trong và ngoài nước, tôi cũng chưa thấy ai dám có những ý kiến bỡn cợt, hoặc châm biếm, đùa cợt đến những người đứng đầu các tôn giáo. Hơn nữa, những người làm báo tự do ở Việt Nam, người ta có đối tượng để chú ý vào. Những thứ mà người ta phải tranh đấu hàng ngày. Cụ thể như nạn hạn chế tự do báo chí, vi phạm nhân quyền, rồi mất dân chủ, là những cái thiết thực buộc người ta phải tập trung vào đó.

RFI : Đấy là các tôn giáo " quốc tế ", thế còn liên quan riêng đến những " thần linh " riêng của Việt Nam, những " thần linh " mang tính chất địa phương, ắt hẳn cũng có những bài viết không ít thì nhiều đụng đến lĩnh vực này ?

Huỳnh Ngọc Chênh : Với những người viết tự do, thì tùy theo quan điểm của mỗi người, họ cũng có đụng chạm đến. Nhưng ở tại Việt Nam mà đụng chạm đến các lãnh tụ đang cầm quyền, thì rất nguy hiểm.

Vừa rồi, nhiều blogger bị bắt, đa số bị kết tội “ lợi dụng quyền tự do dân chủ ” để làm " tổn thương bôi nhọ ” đến cá nhân, đến các pháp nhân của nhà nước, nhất là các cá nhân lãnh đạo. Mới nhất là ông Nguyễn Quang Lập bị bắt. Mà theo một tờ báo là do (ông đã) " tập trung nhiều bài vở bôi nhọ ” ông Tổng bí thư (đảng Cộng sản) Nguyễn Phú Trọng.

Hành động khủng bố, giết các nhà báo vừa rồi ở Paris cần phải được lên án mạnh mẽ và ngăn chặn. Đó là hành động xâm phạm quyền tự do báo chí. Xâm phạm (tự do báo chí) với việc bỏ tù nhà báo, blogger – những người viết báo tự do - cũng cần phải lên án như xâm phạm với việc giết hại các nhà báo. Các blogger ở Việt Nam đang đối đầu với sự xâm phạm đó.

RFI xin cảm ơn nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh.