05 mars 2015

BÙI NGỌC TẤN & HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000


Uyên Thao



 Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông gia nhập làng báo sau khi theo đội Thanh Niên Xung Phong vào tiếp quản Hà Nội tháng 10-1954 với vai trò phóng viên cho tờ Tiền Phong. Thời gian này, ông ký bút danh Tân Sắc và bắt đầu sáng tác văn nghệ, dù có lệnh cấm nhà báo viết văn nên phải viết chui tức ký bút danh khác. Cái lệnh kỳ quái này không cản được Bùi Ngọc Tấn sáng tác và ông đã gửi một truyện ngắn — Chị Trúc — dự thi giải văn nghệ của báo Văn Nghệ. Truyện của ông được Tô Hoài khen hay nhưng không được in và tất nhiên không được chấm giải, vì bị cho là nói đến những mất mát của chiến tranh “hơi quá liều lượng.” Tất nhiên sau đó Bùi Ngọc Tấn phải điều chỉnh cách viết để có thể tiếp tục góp mặt trong sinh hoạt văn nghệ nhưng đã cố giữ khoảng cách với “hàng ngũ nhà văn cung đình.”


Cuối năm 1959, ông chuyển về Hải Phòng làm biên tập viên báo Hải Phòng Kiến Thiết, đồng thời tiếp tục viết văn và đã có một số tác phẩm được xuất bản. Về khoảng thời gian này, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã tâm sự “chuyển về thành phố quê hương Hải Phòng với ước mong thâm nhập công nông để viết được tác phẩm của đời mình.”
Chưa kịp viết tác phẩm ấy thì tháng 11-1968, Bùi Ngọc Tấn bị tống vào tù với tội danh “tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án “nhóm xét lại chống Đảng, làm tay sai cho nước ngoài” có mặt các bạn ông như nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà điện ảnh Huy Vân, nhà báo Vũ Huy Cương, nhà báo Kỳ Vân... dù Bùi Ngọc Tấn chưa bao giờ là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam và không hề biết cái tội mình bị quy kết kia mặt ngang mũi dọc ra sao. Từ đây, khúc ngoặt cuộc đời Bùi Ngọc Tấn mở ra với bước khởi đầu là 5 năm sống trong các trại tù mang mỹ danh “trại tập trung cải tạo.
Đầu tháng 4-1973, đúng 2 tháng 7 ngày sau khi Hiệp Định chấm dứt chiến tranh Việt Nam ký kết tại Paris, Bùi Ngọc Tấn được ra khỏi nhà tù. Tuy nhiên, những ngày sống ngoài nhà tù lại u ám ghê hãi hơn cả cảnh sống giữa những bức vách nhà tù — như ông ghi lại:
“Trong những năm tháng hậu tù thất nghiệp đi bốc vác, kéo xe bò… thoi thóp kinh hoàng ấy, tôi có làm một cuộc khảo sát đời sống: Ra đầu phố những giờ đi làm và tan tầm, nhìn những người đạp xe qua Ngã Sáu và phát hiện một điều: Tất cả những người trên đường không một ai cười. Giống nhau. Xam xám. Đăm chiêu. Đồng phục quần áo. Đồng phục mặt người ……
Khi tôi kêu lên: “Các ông ấy bần cùng hóa nhân dân ghê quá”, Nguyên Bình nghiêm mặt bảo tôi: “Cuộc sống này gần với cuộc sống loài vật. Đâu phải cuộc sống con người.”
Thực tế không dừng tại đó.
Giữa cảnh đọa đầy đẩy con người xuống ngang loài vật ấy, Bùi Ngọc Tấn lại chỉ được xếp vào hạng phó người — chính xác hơn là thua cả loài vật. Cùng với những cực nhọc lam lũ do bị vây hãm bởi nhu cầu cơm áo trong thân phận phó người sống bên lề xã hội phải lao vào đủ loại việc mưu sinh khổ ải nhếch nhác là mạng lưới công an mật vụ luôn vây bọc từng giờ từng phút. Bùi Ngọc Tấn không ngừng bị cách ly, bị theo dõi, bị kiểm tra, bị dọa nạt… dưới nhiều hình thức khiến không tránh khỏi mối ám ảnh luôn bị đeo bám bởi một “người vô hình” : “… Ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thầm cãi lại. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ …
Tôi thấy rợn hết cả người khi nghĩ đã có mấy thế hệ theo dõi tôi, săn đuổi tôi, vu cáo tôi. Họ đã già đi. Đã về nghỉ, hưu trí an nhàn. Nhiều người đã chết. Một thế hệ khác tiếp tục việc theo dõi. Rồi một thế hệ tiếp theo nữa. Đời này sang đời khác.
Tất cả đều là Gia-ve. Những Gia-ve với lòng dạ đen tối, không phải tìm sự thật mà chỉ nhăm nhăm hãm hại người lương thiện…”
Cuộc sống không còn là cuộc sống mà chỉ là sự tồn tại.
Ý nghĩa duy nhất về sự tồn tại của bản thân với Bùi Ngọc Tấn thời kỳ này là “sống vì những đứa con.” Nhưng mục đích này cũng không dễ theo đuổi vì toàn bộ gia đình thân thuộc của lớp phó người đều phải gánh chung thân phận phó người. Những đứa trẻ ngây thơ vô tội kể cả đứa chỉ mở mắt chào đời khi người cha đã bị đưa vào tù vẫn bị ngăn trở mọi sinh hoạt, kể cả việc cắp sách tới trường … khiến luôn thúc đẩy những cơn tự dằn vặt rồi bùng sôi phẫn nộ : …Tôi càng thấm thía tội lỗi làm bố của mình. Chỉ vì tôi. Chỉ vì tôi nên con tôi có thể thất học… Người tôi sôi lên. Hỡi bọn chó đểu kia. Chúng mày làm gì tao thì làm, bỏ tù lại tao cũng được. Nhưng đừng triệt hạ con tao!!”
May mắn duy nhất với Bùi Ngọc Tấn là không thể từ bỏ cây bút, dù cầm bút là chuyện thiên nan vạn nan. Vì thế kiếp sống phó người đã hiện thành những trang sách để cuối cùng góp mặt với cái tên Chuyện Kể Năm 2000. Đây là tác phẩm được Bùi Ngọc Tấn khởi viết từ cuối năm 1990 sau hơn 20 năm rời xa chữ nghĩa và tiếp tục hoàn chỉnh gần 10 năm cho tới khi có cơ hội ấn hành vào đầu năm 2000. Thế nhưng ngay khi vừa in xong, tác phẩm đã bị gom lại ghiền nát, ngâm thành bột “như thi hành án một tội phạm tử hình với khâu cuối cùng là bác sĩ khám nghiệm tử thi và chôn cất.” Riêng tác giả chưa kịp hưởng “niềm vui trúng số” vì tác phẩm được chào đời đã phải nai nịt và ngụy trang mỗi khi ra đường vào thời điểm đó: “… Mũ Nin-da, thứ mũ có lưỡi trai, trùm kín đầu kín tai kín mặt, xuống tận cổ, chỉ để hở hai con mắt. Rất lợi hại... Trùm vào ấm đã hẳn, người ta lại còn không biết mình là ai. Chưa kể nó bảo vệ mặt tránh được những ca át-xít… Cái cảm giác có đuôi ngày nào trước khi bị bắt năm 1968 lại phả hơi lạnh, hơi bẩn sau gáy.”


Hậu Chuyện Kể Năm 2000 ghi lại nhiều diễn biến quanh tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000 từ các đoạn đường hoàn thành tới khi tác phẩm chào đời và những ngày kế tiếp. Tựa đề đầu tiên của Hậu Chuyện Kể Năm 2000Thời Biến Đổi Gien được Hoàng Hưng diễn giải là “Một thời đại ghê gớm trên quê hương chúng ta mà cái “gien” NGƯỜI đã bị biến đổi đến thảm hại!”
Đó là thời đại quét sạch mọi quyền sống căn bản của con người buộc toàn thể xã hội luôn cúi đầu quỳ gối tôn thờ những kẻ thủ đoạt quyền lực — thời đại mà hết thẩy người dân không được phép có một hành vi, một ý nghĩ nào khác ngoài việc tự biến thành công cụ phục vụ ý đồ của kẻ thủ đoạt quyền lực được coi là tín ngưỡng tối cao độc nhất vô nhị. hưng những dòng hồi ức Hậu Chuyện Kể Năm 2000 cho thấy mọi thủ đoạn bất nhân, mọi chủ trương tàn ác không hoàn toàn đáp ứng đúng tham vọng của kẻ thủ đoạt quyền lực. Qua những điều gần như vụn vặt nhỏ nhoi nhất trong cuộc sống, tình người vẫn luôn vươn lên bằng mọi cách thuộc mọi lúc và ở mọi nơi.
Vợ con người tù tới thăm mộ chồng không dám cất tiếng khóc vì đã có lệnh cấm khóc, nhưng không lệnh nào có thể cấm được nỗi đau dâng lên trong trái tim họ. Cũng không có lệnh nào hỗ trợ nổi cho các luận điệu dối trá nói trắng thành đen để buộc mọi người phải đặt trọn niềm tin vào những điều vu cáo.
Sự câm lặng của người vợ và những đứa con trước mộ chồng, mộ cha cũng như những cái gật đầu của đám đông trước các luận điệu dối trá chỉ biểu tỏ một tâm thế chịu đựng nhất thời trong khi sức sống của tình người hướng về thương yêu, hướng về sự thật luôn kiên trì tồn tại với độ nóng có thể còn vượt mức độ bình thường.
Chính vì thế, cuốn sách bị kết án tử hình, bị ghiền thành bột đã lập tức phát tán khắp nơi qua mọi hình thức và được truyền tay từ người này sang người khác với số lượng khó thể ước đoán. Thêm nữa, những dòng hồi ức Hậu Chuyện Kể Năm 2000 đã ghi rõ tên tuổi từng người liên hệ tới mọi chuyện kể. Điều này không chỉ diễn tả tấm lòng tôn vinh sự thật mà còn cho thấy thái độ bất chấp mọi chủ trương trấn áp, mọi thủ đoạn bạo hành — thái độ bất khuất của ý chí kiên trì sự sống đúng nghĩa.
Năm 2012 tại Paris vào dịp Festival Livre Et Mer trao tặng giải thưởng cho tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá của Bùi Ngọc Tấn, nhà văn kiêm kịch sĩ Francois Bourgeon đã phát biểu : “… Từ khi lập ra giải thưởng này, tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn đã hoàn toàn làm chúng tôi thoả mãn. Tác giả là người Việt Nam. Bùi Ngọc Tấn tặng cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết nhân văn… Bùi Ngọc Tấn biết cái giá của tự do. Tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn là một tác phẩm không thể quên. Thậm chí có lẽ là… một tác phẩm làm cho ta tốt hơn.”
Dù chỉ nêu nhận định về tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá, nhưng Francois Bourgeon đã cho thấy cái nhìn bao quát về thế giới chữ nghĩa của Bùi Ngọc Tấn trong đó không thể vắng tác phẩm Hậu Chuyện Kể Năm 2000. Và có thể nói kết luận của Francois Bourgeon về “một tác phẩm làm cho ta tốt hơn” càng chính xác khi dành cho Hậu Chuyện Kể Năm 2000 tức Thời Biến Đổi Gien.
Bởi Hậu Chuyện Kể Năm 2000 không chỉ phác họa trung thực chân dung “ba kiếp sống” của những thế hệ nạn nhân Việt Nam trong thời đại quyền lực độc tôn mặc tình tác ác mà đã cho thấy ý chí bất khuất và sức sống phi thường của tình người qua vô số diễn biến cụ thể trong cuộc sống thường ngày đang quằn quại dưới đủ mọi thủ đoạn bất nhân tàn khốc. Những dòng hồi ức của Bùi Ngọc Tấn qua Hậu Chuyện Kể Năm 2000 đã dựng lên hình ảnh một chân trời yêu thương đầm ấm với âm hưởng lời ca thúc đẩy những bước chân dũng cảm kiên trì vươn tới chân trời ấy để “làm cho ta tốt hơn” — như cảm nghĩ của Francois Bourgeon — hầu đạt tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

                                                                               ˜ UYÊN THAO