20 mars 2015

HUỲNH THỤC VY nói về NHẬN ĐỊNH SỰ THẬT

HUỲNH THỤC VY

Tôi không được dạy để trở thành một người viết chuyên nghiệp. Ngay từ những ngày đầu cầm bút, tôi chỉ tâm niệm một điều: viết xuống những điều mình thực sự suy nghĩ, để chia sẻ quan điểm đối lập với nhà cầm quyền độc tài của một người trẻ trong bối cảnh hoàn toàn không có tự do ngôn luận ở Việt Nam. Từ những ngày đó, tôi đã luôn chuẩn bị tinh thần và mang tâm thế sẵn sàng để đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho mình. Vậy nên, dù bản thân và gia đình bị trù dập nhiều lần, tôi không thấy đó là những chướng ngại trong việc tiếp tục bày tỏ quan điểm khác biệt của mình.


Tôi không xem việc viết lách như là một nghề nghiệp. Một cách chính xác, viết lách đối với tôi chưa bao giờ là một nghề nghiệp. Vì nghề nghiệp là thứ qua đó chúng ta có thể nuôi sống bản thân và chu cấp cho gia đình. Hoàn toàn ngược lại, việc bày tỏ quan điểm qua các bài viết đã lấy đi của tôi khá nhiều thứ. Viết là một đam mê của tôi, một thứ gì đó không phải là phương tiện để nuôi sống thân xác này, mà là nguồn thức ăn vô hình nuôi dưỡng tâm hồn tôi và nâng đỡ tôi mỗi khi tôi yếu lòng, giữ cho tôi thấy mình hữu ích và cho tôi cơ hội nhận thấy đầy đủ phẩm giá của mình như một người tự do. Phẩm giá, điều mà người ta vừa chào đời đã có, nhưng hằng ngày hàng giờ trong từng góc xa xôi của thế giới, nó bị chà đạp một cách đáng xấu hổ. Tôi được gọi là blogger bất đồng chính kiến, nhưng tôi tự nghĩ rằng mình không blogging. Tôi không thể viết nhiều và thường xuyên. Tôi cũng không có thời gian để chăm sóc blog của mình như cách như blogger khác thường làm. Nhưng tôi thực sự thấy mình may mắn, vì tôi biết rằng qua việc viết lách này, tôi đã có được những bằng hữu thật đặc biệt và đáng kính. Họ vừa là bạn, vừa là thầy. Vậy nên tôi vui vẻ nhận lấy bất cứ cách gọi nào người ta đặt cho tôi, ngoại trừ những lời bôi nhọ của đội quân tuyên truyền nhà nước cộng sản.

Tôi từng chia sẻ với chồng tôi: Không hiểu sao, em có thể làm nhiều thứ khác ngoài chuyện viết lách; nhưng dù có làm việc bận rộn quanh năm suốt tháng, em cũng cảm thấy vô vị và như là mình không làm được gì cả, cho đến khi em mở máy tính ra và gõ từng con chữ xuống. Và sự thật rằng, tôi không thể đưa tâm trí mình tập trung hoàn hoàn để suy nghĩ nghiêm túc về bất cứ vấn đề gì, nếu tôi không ngồi xuống và gõ. Trong lúc gõ từng con chữ trên bàn phím, tôi có thể chạm tới những góc thầm kín và đầy ưu tư của mình; và cũng chính lúc đó những suy luận thấu đáo nhất mới được chạm tới. Trong cuộc đời này, chưa ở đâu tôi có thể nhận thấy phẩm giá của mình được tôn trọng như khi tôi viết. Bởi lúc đó, tôi có được cái tự do quý giá mà nhiều người khác trên xứ sở độc tài này không thể có hoặc không dám có: Tự do. Dù tự do đó phải đánh đổi bằng bình an thường nhật của tôi và gia đình; nhưng tự do quý giá đến độ chúng ta không thể có được nó mà không phải chiến đấu và khi đã một lần đạt được nó (dù chỉ một phần),chúng ta không thể từ bỏ, chúng ta không thể lùi bước. Không có gì trong cuộc sống này cao quý hơn tự do. Có an toàn, chúng ta có điều kiện để có được những thứ khác như của cải, chức tước…nhưng nếu có được tự do, chúng ta sẽ có mọi thứ một cách xứng đáng nhất. Nhân quyền và Nhân phẩm chỉ có được khi tự do tồn tại. Chỉ với Nhân quyền và Nhân phẩm, con người tự do mới được xác định là
Người.

Quả thật, tôi may mắn vì là người viết. Càng có kinh nghiệm trong việc viết lách tôi càng thận trọng hơn với những gì mình viết ra. Những điều tôi viết có thật sự hữu ích, đúng đắn và tử tế? Những gì tôi viết có phải là phương cách để tôi thuyết phục người khác, cố gắng để người khác tin điều mình nói là đúng và ủng hộ mình? Không, những điều tôi viết thực sự là điều tôi tin và tôi phải thuyết phục chính mình trước khi định thuyết phục mọi người. Nghĩa là, từ trong sâu thẳm tâm tư và tư duy của mình, tôi biết hoặc tin một điều thì tôi mới viết ra để chia sẻ với mọi người. Tôi không viết nhằm khuyến dụ mà là để làm sáng tỏ vấn đề mà tôi cho là cần thiết. Tôi không viết nhằm quy tụ nhiều người tung hô và ủng hộ, mà tôi viết để chia sẻ tâm tư, như cách những người bạn tâm giao thường làm với nhau. Tôi không nói điều gì đó để kích động những vết thương thầm kín, để chạm tới những ngóc ngách dễ tổn thương và kích động nhất của con người, đặc biệt là đám đông suy nghĩ và hành động thiên về cảm xúc chứ không duy lý (như về chủ nghĩa dân tộc cực đoan chẳng hạn). Tôi viết và mong nhận được những ý kiến chia sẻ, để từ những thiếu hụt trong lý luận của mình, tôi trưởng thành hơn. Năm năm cầm bút không là một thời gian đủ dài để tôi làm tốt công việc này, những nó không ngắn để tôi nhận ra được tính nước đôi của ngôn ngữ và khoảng cách rất lớn giữa điều người ta viết và những việc họ làm. Bởi vậy tôi cố gắng để chân thành nhất có thể trong từng câu viết của mình, và tôi cũng nỗ lực để xứng đ
áng với những lời mình viết.

Trong cuộc đấu tranh gian khổ và dai dẳng với chế độ độc tài cộng sản, có thể đối với một vài phe nhóm chính trị, sự giải thể chế độ độc tài này cùng với sự chiến thắng của phòng trào dân chủ, đồng nghĩa với sự kiện rằng họ sẽ lên thay thế đảng cộng sản cầm quyền. Tất nhiên điều đó hữu lý nhưng vấn đề ở đây chính là cách thức hành động của họ. Họ có thể không tiếc lời để hô hào người ủng hộ, khơi động những tình cảm tập thể có lợi cho các mục tiêu của họ. Họ nói rất nhiều về dân chủ nhưng các phương cách họ làm thật phi dân chủ, bất công và dối trá. Tôi luôn tâm niệm rằng: không có mục tiêu nào tốt có thể đạt được bằng các phương tiện xấu ác. Trong khi, đảng và nhà nước cộng sản có nguồn nhân lực và tài nguyên quốc gia, có súng, xe tăng, nhà tù và bộ máy tuyên truyền dối trá… những người đang đấu tranh cho Dân chủ tự do và Nhân quyền tại Việt Nam không có gì ngoài chính nghĩa; và chính nghĩa đó đến từ sự thật, tự do và công lý. Không cố gắng để trau dồi và gìn giữ những giá trị đó, chúng ta sẽ thua chế độ độc tài ngay từ đầu. Tôi không viết đủ nhiều và đủ tốt để mong các bài viết của mình được xuất hiện trang trọng trong một cuốn sách. Dù những lời lẽ đó xuất phát từ những ưu tư sâu kín nhất của mình, tôi chưa bao giờ nghĩ nó đủ giá trị để được in thành sách. Nhưng sự yêu thương mà quý thân hữu Việt Thức (một sáng hội phi đảng phái và phi lợi nhuận) dành cho tôi và sự quý trọng mà tôi dành cho họ được thể hiện qua tập sách và việc in ấn này. Những hỗ trợ mà quý thân hữu dành cho tôi quá quý giá đến nỗi mọi lời cám ơn đều sáo rỗng. Nhưng xin cho tôi một lần nữa được gởi lời tri ân quý vị vì
tất cả.

Cuốn sách này cũng là lời tri ân của tôi đến tất cả quý bằng hữu người Việt khắp nơi trên thế giới và trong quốc nội Việt Nam. Sự cổ vũ của quý vị đã thực sự tiếp thêm sức mạnh để tôi tiếp tục nắm lấy và thực hiện quyền tự do căn bản của mình: Quyền tự do bày tỏ quan điểm. Xin chân thành cám ơn quý vị.


 HUỲNH THỤC VY