17 mars 2015

Vì sao nông dân không ngóc đầu lên được?

Tô Văn Trường


Nếu ví nền kinh tế quốc dân của Việt Nam là một con tàu, thì nông nghiệp chính là cái thân tàu chịu tải trọng toàn bộ, các ngành khác được xem là máy, bánh lái, chân vịt, boong, v.v. tất cả những cơ phận có tính năng chấp hành ấy chỉ vận hành hữu hiệu khi lộ trình hải hành đúng hướng nhờ vào một vật cỏn con... đó là cái la bàn chuẩn hướng! Chuẩn hướng cho hải đồ của riêng con tàu của mình. Có ai ra khơi mà chỉ chăm chăm... đi theo những con tàu khác như kiểu “thuyền đua thì lái cũng đua, con cóc nó nhảy thì con cua cũng bò”!
Nếu nhìn rộng hơn, thì la bàn không chịu tác động của con người. Cái chính định hướng phát triển phải là bánh lái con tàu và “Người cầm lái”. Con người lái tàu không xác định rõ đích đi/điểm đến, mù mờ về mục tiêu, bàn mãi vẫn chưa thông (ví dụ như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) thì sẽ rất khó đưa đến vinh quang.


Trong cái khẩu hiệu “tam nông” ở Việt Nam (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) đang được quảng bá rầm rộ, ta thấy... quả là “nông”, nông choèn, nông nổi và vô tiền khoáng hậu! Những điều kiện cho an sinh xã hội – “an cư lạc nghiệp” ở nông thôn và người nông dân – là những lỗ hổng khổng lồ.
Ấn Độ đã từng có một ngôi sao sáng cho nền nông nghiệp nước này. Đó là bà Thủ tướng Indira Gandhi đã đắc cử rạng rỡ suốt mấy nhiệm kỳ nhờ công cuộc “cách mạng Xanh” (Xanh = trồng trọt) với khẩu hiệu “ăn no, mặc ấm” từ 1966 đến 1977. Và, bỗng bà bị hụt phiếu bầu ở khóa 1977-1980 do vẫn duy trì khẩu hiệu “ăn no, mặc ấm” khi nông dân Ấn Độ đã đủ no và ấm rồi (!) – giống như khẩu hiệu “xóa đói, giảm nghèo” ở ta. Sau đó, bà Gandhi đã ra tái tranh cử và thắng đẹp vào khóa 1980 với cái đích “cách mạng Trắng” (Trắng = sữa chống suy dinh dưỡng) và khẩu hiệu phấn đấu để “ăn ngon, mặc đẹp” rất thức thời vì khi đó tuyệt đại đa số nông dân Ấn Độ đã ở mức trung lưu.
Chả riêng gì nông nghiệp mà trên bình diện xã hội cũng vậy thôi. Các quốc gia giàu mạnh trên thế giới ngày nay phát triển vững vàng được là nhờ cái đích giữ ổn định mức trung lưu toàn dân, khuyến khích và mở ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người làm giàu chính đáng theo khả năng của mình.
Chúng ta coi nông dân là gì? Thực chất, họ là lực lượng chủ lực trong tất cả các mặt trận, kể cả trong chiến tranh và thời bình. Trong chiến tranh, nông dân là hậu phương, con em họ (chủ yếu) là những người lính bảo vệ tổ quốc, họ hy sinh tính mạng, tài sản (phá nhà làm chướng ngại vật thời chống Pháp và bảo vệ, che chở lãnh đạo trong vùng tạm chiếm…). Trong thời bình, họ là lực lượng sản xuất chủ yếu, giúp đất nước vẻ vang, nhờ thành tựu xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp.
Do vậy, khi tổng kết nguyên nhân thành công của đổi mới trong nông nghiệp, nhiều người chỉ nói nhờ đổi mới với Chỉ thị 100 và Khoán 10, cởi trói (nhưng ai trói để phải cởi chưa có lời giải), song có lẽ người cụ thể hóa chính sách đổi mới chính là người nông dân.
Vì sao nông dân không ngóc đầu lên được? Bởi vì nông dân Việt Nam có sáu nỗi khổ nhất so với các tầng lớp khác trong xã hội. Một là hứng chịu thiên tai nhiều nhất do ở những vùng nguy cơ cao bởi các tác động xấu của thiên nhiên. Hai là họ được hưởng ít nhất các dịch vụ công như giao thông, truyền thông văn hóa xã hội. Ba là họ được hưởng ít nhất sự chăm lo của nhà nước về giáo dục và y tế nên tỷ lệ ít chữ và ốm yếu là cao nhất. Bốn là do năng suất lao động thấp và thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, không được đào tạo để trở thành nông dân chuyên nghiệp nên luôn luôn bị thiệt thòi bị ăn chặn từ vườn, ruộng, bến bãi ra đến chợ luôn vật lộn trong cái vòng luẩn quẩn được mùa mất giá và được giá, mất mùa. Năm là mặc dù không đủ ăn nhưng họ vẫn phải nai lưng đóng thuế nuôi tầng lớp quan chức đông như ruồi và làm nhiệm vụ an ninh lương thực cho cả thế giới!? Sáu là sự bất công và thiếu công bằng với người nông dân. Ví dụ: người thành phố được làm đường đến tận cửa nhà và họ còn chiếm luôn cả vỉa hè do Nhà nước làm, còn nông dân phải tự bỏ tiền làm đường thôn, xã, còn đôi chỗ được ưu tiên thì cũng là “Nhà nước và Nhân dân” cùng làm. Tương tự như vậy, bất công trong xây dựng mạng lưới điện, nước sinh hoạt (nông dân cũng phải tự bỏ tiền, hoặc phần lớn). Hỏi nông dân, chắc 100% số họ không muốn con cái họ làm nông dân, nhưng họ phải làm vì không có con đường khác thôi.
Sự bất công với nông nghiệp còn thể hiện ở điểm đầu tư của Nhà nước nhiều khi dựa vào đóng góp của nông nghiệp trong GDP. Nên nhớ rằng nông nghiệp đâu phải ngành kinh tế đơn thuần. Đó là ngành kinh tế mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc, đảm bảo an sinh và ổn định xã hội, nền tảng cho phát triển các ngành kinh tế khác.
Về mặt chính sách nông nghiệp thì hầu như ta đều làm theo sau Trung Quốc, nhiều chính sách chắp vá và khó có tính khả thi. Có người nhận xét rất chí lý chính sách của nhà nước đẹp như hạt gạo để trong lọ thủy tinh mà nông dân chúng em thì đứng ở bên ngoài.
Mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp cần định lượng bằng giá trị, lấy lợi nhuận làm thước đo và thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước bằng pháp luật. Như vậy, quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể, trong đó có quy hoạch “tam nông” là bài toán quan trọng nhất cần sớm có lời giải mặc dù đâu đâu cũng thấy người ta nói đến “quy hoạch” và cũng bức xúc về vấn đề quy hoạch. Trong lĩnh vực nông nghiệp, điều này càng thể hiện rõ, khi mà có vẻ như chúng ta chỉ nói nhiều mà chưa thực sự có những biện pháp cụ thể.
Về Qui hoạch, có ba vấn đề chưa làm tốt: i) Tách rời các qui hoạch nông lâm, thủy sản, trong khi có nhiều sự chồng lấn về diện tích, hoặc thay đổi theo thời gian, nếu chúng ta chỉ có một bản qui hoạch tổng thể chắc sẽ sẽ tốt hơn; ii) Quan điểm qui hoạch chưa phù hợp. Chủ yếu dựa theo khả năng, chưa theo định hướng thị trường. Qui hoạch ngắn hạn và mới chỉ quan tâm đến qui hoạch mà không quan tâm đến giải pháp và tổ chức thực hiện qui hoạch; iii) Quan điểm coi trọng số lượng thể hiện rõ trong nhiều qui hoạch (mục tiêu năng suất, số lượng, định hướng xuất khẩu đứng thứ hạng cao…) nhưng không rõ sự bất hợp lý trong phân chia lợi ích của cả chuỗi giá trị, nhất là quyền lợi của người nông dân, v.v.
Về lĩnh vực trồng trọt cũng làm không tốt, nhiều khi dựa vào chỉ đạo của cấp trên. Thí dụ phát triển cao su, khi lãnh đạo nói cần phát triển 1 triệu ha cao su thì quy hoạch đáp ứng ngay yêu cầu. Thái Nguyên muốn xây dựng vùng chè ô long và chè xanh đặc sản thì có ngay quy hoạch vùng trồng chè ô long, mặc dù về mặt chuyên môn thì đất có độ cao thấp hơn 600m không đáp ứng yêu cầu sinh thái của giống chè trồng để lấy nguyên liệu chế biến chè ô long.
Quan điểm đất đai là của nhà nước đã được hiểu đất đai là của những người đại diện cho nhà nước, vậy thì trong nhiệm kỳ của mình, người đại diện đó có quyền sử dụng đất đai đó theo ý mình. Rừng phòng hộ của chúng ta, đất canh tác của nông dân đã và đang rơi vào tay tư nhân theo mục đích phi nông nghiệp, và người dân được đền bù với giá bèo bọt, và bán lại sau khi đã tân trang với giá mà nông dân không thể mua nổi.
Nhiều nhà khoa học có chung nhận định quyền sử dụng đất là một thứ quyền tài sản, nên nó là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt, phải được tự do trao đổi trên thị trường theo pháp luật. Vì thế bất kỳ ai, kể cả nhà nước, không có quyền “thu hồi đất” của người dân, vì bất cứ mục đích nào, mà phải mua quyền sử dụng đất. Tại sao khi đất đai đã cho nhà đầu tư (chủ tư bản) thuê để xây dựng khu công nghiệp hay sân golf, nay nếu nhà nước cần để xây dựng đường sá, thì phải thương lượng mua lại quyền sử dụng đất của chủ đầu tư theo giá thị trường, còn đối với nông dân thì nhà nước lại “thu hồi đất nông nghiệp” của họ? Và áp đặt “giá đền bù” sát giá thị trường mà không phải là mua theo giá thị trường?
Trong thực tế, vấn đề đất đai chưa bao giờ thật sự bình yên, càng ngày càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn xung đột gay gắt, thậm chí có đổ máu. Theo Tổng thanh tra chính phủ thì có đến trên 70% các vụ khiếu kiện là về đất đai. Hầu như tháng nào cũng có những đoàn người biểu tình đòi ruộng đất, ao vườn, mà chính quyền các cấp là những người bị tố cáo và lên án, những đoàn biểu tình đó từ nhiều địa phương trong cả nước, nhưng báo chí chính thống của chúng ta không nói đến.
Vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng có 17 người thuộc các cấp chính quyền cơ sở, bị mất chức, như vậy chắc chắn họ có tội, người nặng người nhẹ, và họ nhanh chóng được thay thế bằng những người khác, nhưng nạn nhân chính, ông Vươn, cũng bị ngồi tù, như vậy, bên nguyên và bên bị đều bị dính tới pháp đình. Dân gian gọi đó là cách giải quyết hòa cả làng, người nước ngoài gọi đó là cách giải quyết như đuôi con cá. Vụ bà Ba Sương, sau một thời gian dài bà bị xử oan, mất hết, thế rồi bà được trắng án, nhưng không ai trong số những người làm hại bà bị xử trí cả, vậy thì đất đai ở Cần Thơ ai sẽ được sử dụng đây?

Nông dân thời nào cũng khổ. Nông dân chính là linh hồn của đất Việt, là cái gốc của sự tồn tại và phát triển của đất nước. Một sự tồn tại tự nhiên thú vị: trái đất hai phần ba là nước (nhà thơ Xuân Diệu gọi đó là nước mắt vì nó mặn). Cơ thể con người hai phần ba cũng là nước. Dân số Việt Nam cũng lại hai phần ba huyết thống là nông dân. Linh hồn của dân tộc Việt có lẽ cũng lại hai phần ba là linh hồn nông dân. Con số hai phần ba kỳ lạ này, thời nào cũng khổ nhất, quả thực ám ảnh không ít người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước nếu thực sự coi dân làm gốc!

Nguồn : BVN