04 juillet 2015

Vụ án HỒ DUY HẢI: Oan khiên hay thế mạng?

                                                                                                                                                             
                                             -Nguyễn Đăng Quang-

   
         Nếu khẳng định tử tù Hồ Duy Hải là bị oan sai, e rằng có thể các quan tòa của Tòa án Nhân dân tỉnh Long An và Tòa án Nhân dân Tối cao ở Hà Nội sẽ kiện tôi là  nói sai sự thực, vì bản án còn nguyên đó, chưa ai tuyên hủy, việc tuyên tử hình Hồ Duy Hải - theo họ -  là “đúng người, đúng tội!”, việc thi hành án mới chỉ là tạm hoãn, rồi sẽ sớm thi hành nay mai thôi!  Nhưng trong cả 2 phiên tòa sơ thẩm kết án lẫn phiên tòa chung thẩm y án tử hình đối với Hồ Duy Hải, các cơ quan tố tụng đã phạm phải rất nhiều sai sót, và những sai sót này là vô cùng nghiêm trọng!   Vâng, sai sót không phải chỉ của 1 mà của cả 3 cơ quan tố tụng là Điều tra (Công an), Truy tố (Kiểm sát) và Xét xử (Tòa án), đặc biệt là ở khâu Điều tra và Xét xử!  



Mọi người đều biết là trong tất cả các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án giết người, thì chứng cứ quan trọng bậc nhất là dấu vân tay của thủ phạm để lại tại hiện trường và trên các hung khí gây án. Nhưng trong vụ án này thì CQĐT không tìm thấy dấu vân tay của Hồ Duy Hải tại hiện trường cũng như trên các hung khí gây án!  Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 của Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An ghi : “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14/01/2008 tại Bưu cục  Cầu Voi không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.  Các hung khí mà CQĐT xác định Hải đã sử dụng để sát hại 2 nạn nhân thì Ban Chuyên án cũng không thu giữ được. Con dao và cái thớt thì nhờ người ra chợ mua mới thay thế. Chiếc ghế inox có dính máu do không xác định chính xác là chiếc nào nên buộc Ban Chuyên án phải lấy chiếc khác tương tự thay vào!  Tất nhiên 3 hung khí thay thế này không thể có dấu vân tay và vết máu của Hồ Duy Hải và của thủ phạm thực thụ (mà tôi cho rằng hiện đang giấu mặt hoặc lẩn trốn) cũng như của cả 2 nạn nhân!   Ấy vậy nhưng CQĐT Công an Long An vẫn đưa ra được Hồ sơ vụ án “đúng quy trình” với đầy đủ “tang vật” và kết luận Hồ Duy Hải là thủ phạm duy nhất để rồi Viện Kiểm sát truy tố và sau đó Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên án tử hình!  Việc tuyên án tử hình Hồ Duy Hải chỉ dựa trên cơ sở duy nhất là lời khai nhận của nghi phạm Hồ Duy Hải với CQĐT!  Xem ra, ở nước ta ngày nay, việc tước đoạt sinh mạng con người sao thật dễ dàng và đơn giản đến vậy sao?!

         Điều quan trọng bậc nhất là CQĐT phải làm rõ các dấu vân tay thu được tại hiện trường  nếu không phải là của Hồ Duy Hải thì là của ai?   Đây là nút thắt rất quan trọng, không được bỏ qua và cũng không thể bỏ qua! Vì trong số các dấu vân tay thu được trên hiện trường, chắc chắn phải có vân tay của kẻ gây án.  Được biết, ngay sau khi vụ án xảy ra, CQĐT Công an Long An có triệu tập trên dưới 20 nghi can. Sau khi sàng lọc, Ban chuyên án tập trung và “khoanh” vào 4 nghi can có  dấu hiệu đáng ngờ nhất. Trước hết và nổi bật nhất là Nguyễn Văn Nghị được xác định là nghi can số một. Ba nghi can tiếp theo là 3 thợ bạc (kim hoàn) tạm trú tại địa phương. Cả 4 nghi can này đều có quen biết 2 nạn nhân và đều có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án. Nhưng sau đó CQĐT lại trả tự do cho tất cả các nghi can này, kể cả 4 nghi can nói trên, trong đó có Nguyễn Văn Nghị.  Thế rồi bẵng đi hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Ban Chuyên án mới triệu tập Hồ Duy Hải để hỏi về tội cá độ bóng đá, nhưng lại đọc lệnh bắt và truy tố Hải với tội danh là thủ phạm giết hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi!  Ba tuần lễ sau, ngày 11/4/2008,  Phòng Khoa học Hình sự Công an tỉnh Long An khẳng định dấu vân tay để lại trên hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải như đã nói ở trên.  Vậy các dấu vân tay để lại trên hiện trường không phải của Hồ Duy Hải thì là của ai trong số những nghi can mà CQĐT đã triệu tập và lấy mẫu vân tay?  Đây là tình tiết hết sức quan trọng, không thể không làm rõ!  Với phương châm “ Thượng tôn Pháp luật”, “Không bắt oan người ngay và không bỏ lọt tội phạm” và “ Trọng chứng hơn trọng cung”, thiết nghĩ  các cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Long An phải giải thích cho công luận rõ vấn đề này! 

         Trong vụ án này, việc Ban Chuyên án (CQĐT) lấy mẫu vân tay và gửi trưng cầu giám định để xem trong các nghi can bị triệu tập, đặc biệt là 4 nghi can có mặt tại Bưu cục Cầu Voi trong buổi tối ngày 13/1/2008, xem ai là người có vân tay “trùng” với các dấu vân tay thu thập được tại hiện trường là việc đương nhiên và bắt buộc phải làm. Nếu CQĐT không thực hiện công đoạn này, thì đây là một sai sót nghiệp vụ rất ấu trĩ, không một ai có thể chấp nhận được!  Còn đối với Hồ Duy Hải, ngoài lời khai “tự nhận tội” ra, CQĐT cũng cần giải thích rõ, trên cơ sở chứng cứ pháp lý và khoa học nào lại kết luận Hồ Duy Hải là thủ phạm duy nhất giết hại 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi, trong khi các dấu vân tay thu được tại hiện trường đều không phải là của Hồ Duy Hải, và vật chứng (hung khí gây án) cũng không thu giữ được, phải cho người ra chợ mua mới để thế vào  theo “lời mô tả” của nghi can. Ngay cả động cơ gây án của Hải cũng cần được xác định cho thật rõ!  Tôi không khẳng định việc Hồ Duy Hải buộc phải khai nhận tội là do bị bức cung, bị tra tấn, bị nhục hình. Đây chỉ là một trong những giả thiết! Cũng có thể do Hải bị tâm thần hoang tưởng, do buồn chán, bế tắc trong cuộc sống, mà khai bừa, tội nào cũng sẵn sàng nhận để sớm được chết!  Đây chỉ là những khả năng giả tưởng, song cũng không nên loại trừ khả năng hay giả thiết nào cả! Trong thực tế ở nươc ta đã xảy ra rất nhiều vụ án oan sai rồi, đặc biệt là do không chịu đựng nổi mỗi khi bị bức cung, ép cung hay bị tra tấn, nhục hình hoặc do bị cả 2 hình thức này mà nghi can buộc phải nhân tội trước CQĐT, mà ví dụ mới nhất là vụ án oan chấn động dư luận Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang vừa qua; hoăc như vụ nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị đánh và tra tấn đến chết tại trại tạm giam của Công an Thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên hồi tháng 5/2012 vừa qua khiến cho 5 sỹ quan công an phải ngồi tù!

        Trong vụ án Bưu cục Cầu Voi này, có một chi tiết rất đáng nghi ngờ và cần phải làm rõ là sau khi được thả, nghi can số một Nguyễn Văn Nghị đã biến mất tăm, và không rõ hiện anh ta trốn ở đâu?  Nếu là CQĐT, tôi sẽ tìm lại Nguyễn Văn Nghị bằng được để lấy điểm chỉ 10 ngón tay của nghi can này gửi đi giám định xem có trùng với các dấu vân tay đã thu thập được tại hiện trường vụ án hay không?  Một khuất tất nữa là vì sao mọi thông tin, tài liệu, lời khai, bút lục của các nghi can - nhất là của nghi can Nguyễn Văn Nghị -  lại được rút ra khỏi Hồ sơ Vụ án?  Ai là người làm việc này và nhằm mục đích gì?  Tại địa phương (Long An) hiện đang có dư luận râm ran rằng Nguyễn Văn Nghị là cháu ruột một quan chức rất quan trọng trong bộ máy chính quyền Nhà nước và Nghị còn có người chú dượng chức vụ rất to đang công tác tại địa phương!  Vậy thực hư việc này ra sao, rất cần được làm sáng tỏ để giải tỏa hồ nghi của dư luận, kể cả dư luận nói rằng Hồ Duy Hải phải chết để thế mạng cho Nguyễn Văn Nghị!

          Những ai quan tâm và theo dõi vụ trọng án xảy ra tại Bưu cục Cầu Voi (Long An) đêm 13/1/2008  và các phiên xét xử sau đó rất dễ nhận ra những dấu hiệu oan sai hiển nhiên đối với Hồ Duy Hải, chỉ xin điểm qua 4 dấu hiệu oan sai rõ nhất sau đây:

          - Dấu vân tay để lại tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải.

          - Không có nhân chứng nào nhận diện Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường                                                        

           trong buổi tối xảy ra vụ án (13/1/2008).

         -Không thu giữ được hung khí mà thủ phạm dùng gây án, thế vào chỉ là  

         “hung khí giả” thay cho”hung khí thật” mà thôi.

         - Hồ sơ Vụ án bị làm sai lệch; lời khai của bị cáo trong bản cung bị tự tiện sửa         

         chữa, tảy xóa mà không có sự xác nhận của bị cáo.

          Thật không thể hình dung nổi, ở giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này, loài người lại có những bản án cướp đoạt sinh mạng con người một cách sơ đẳng và tàn nhẫn đến như vây?!  Ở thời đại văn minh ngày nay, tại sao lại vẫn còn những phiên tòa phạm phải nhiều sai sót cực kỳ ấu trĩ và nghiêm trọng như vậy?! Người dân có quyền đặt câu hỏi CÔNG LÝ ở đâu, có đứng về phía dân lành hay không?

          Điều 273 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự nói rõ chỉ cần có 1 trong 4 căn cứ theo quy định là đủ điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm. Vụ án Hồ Duy Hải này không chỉ có 1 mà có đủ cả 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm!  Điều đáng mừng là, ngày 20/ 3/2015 , Đoàn Giám sát của Quốc Hội về tình hình án oan sai đã xem xét rất kỹ vụ án Hồ Duy Hải và đã thống nhất yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này! Tất cả 3 luật sư bào chữa và nhiều ĐBQH là thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cũng yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm vụ án nói trên!  Song không hiểu vì lý do gì mà TANDTC và VKSNDTC cho đến nay vẫn nhất quyết không chấp nhận kháng nghị vụ án này theo trình tự giám đốc thẩm?

          Nước ta đang tiến hành công cuộc Cải cách Tư pháp mà trọng tâm là cải cách ngành Tòa án, lấy Tòa án làm trung tâm trong quá trình Cải cách Tư pháp để sớm đưa nước ta thành Nhà nước Pháp quyền. Các cơ quan tố tụng như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, đặc biệt là Tòa án phải gương mẫu đi tiên phong trong công cuộc cải cách quan trọng này. Việc TANDTC và VKSNDTC chấp nhận giám đốc thẩm vụ án này - theo kiến nghị của Đoàn Giám Sát của Quốc Hội tháng 3/2015 vừa qua - sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc Cải cách Tư pháp, giúp nước ta đẩy nhanh hội nhập với thế giới, góp sức làm xã hội ta công bằng và tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng nước ta sớm trở thành Nhà nước Pháp quyền, thực sự của dân, do dân và vì dân!  Việc này cũng sẽ ít nhiều khôi phục lại lòng tin của nhân dân trong toàn quốc nói chung, cũng như là của người dân tỉnh Long An nói riêng, vào hệ thống TƯ PHÁP và CÔNG LÝ nước nhà!        

 

                                                                                      Hà Nội, ngày 3/7/2015.
                                                                                                    N.Đ.Q