26 août 2015

CÔNG CUỘC GIÀNH CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VIỆT NAM (1945-54)


LÝ ĐĂNG THẠNH

 

Từ tháng 8-1945, cục diện Đông Dương nổi bật lên sự kiện những người bản xứ đứng lên giành được chính quyền trong một thời gian ngắn ngủi mong làm chủ vận mệnh của mình, nhưng cũng từ đó, xứ sở này do sự an bài khắc nghiệt của Thượng đế, chìm hẳn trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nối tiếp nhau suốt nửa thế kỷ dài đăng đẳng. Đông Dương trở thành một hỏa ngục nhớp nháp tanh tưởi và khét lẹt mùi máu tươi, bùn lầy, xác chết, là đấu trường tranh giành ảnh hưởng và thể nghiệm sức mạnh của hai thế lực kình chống nhau quyết liệt. Dân chúng Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng bị thời cuộc lôi cuốn chia thành hai phe đặt dưới sự điều khiển của hai thế lực, một bên là Nga Xô-Trung Cộng, một bên là Pháp rồi sau đó là Mỹ.


Trước năm 1945, hầu như ít có mấy ai trên thế giới biết đến xứ sở Đông Dương và những vùng đất xa lạ Việt Nam, Lào, Cambodia. Nhưng từ Đệ nhị thế chiến trở đi, những địa danh này là tiêu biểu cho chiến tranh tàn sát, là những mưu mô sắp đặt, là những hy vọng loé lên rồi nhanh chóng bị tan vỡ, là hỏa ngục, là lò sát sinh, là đói nghèo, tủi nhục, đau khổ triền miên tột cùng và bao trùm lên tất cả, số phận xứ sở Đông Dương trở thành những ván cờ phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều khiển của bên ngoài, của thời cuộc. Những mỹ từ độc lập, tự do, hạnh phúc... chỉ là những cái bánh vẽ sống sượng, nhào nặn từ thây ma, máu xương, mồ hôi, nước mắt hàng triệu dân lành.

Vào thời kỳ 1945-54, lực lượng bản xứ Đông Dương có hai phái tranh đấu độc lập khác nhau. Phái cộng sản sử dụng việc tranh đấu giành độc lập, cướp chính quyền để truyền bá chủ nghĩa cộng sản, được sự hậu thuẫn và chỉ đạo của Liên Xô, Trung Cộng và phái quốc gia tranh đấu độc lập để xây dựng đất nước theo mô hình các nước tư bản Âu Mỹ. Phái cộng sản buổi đầu tranh đấu với Pháp bằng chính trị qua các hiệp định sơ bộ 6-3-1946, tạm ước  14-7-1946, rồi đến thời kỳ dùng võ lực 1946-54. Phái quốc gia tranh đấu với Pháp bằng chính trị và thỏa hiệp, qua các hiệp định từ 1948 đến 1953. Cuối năm 1954, cả hai phái đều thành công nhưng đất nước cũng lâm vào tình trạng chia cắt không thống nhất, vì miền Bắc do cộng sản kiểm soát, trong khi miền Nam do lực lượng quốc gia kiểm soát.

 

I- Thời kỳ chế độ quân quản Pháp (1945-46)

1- Quân Pháp khôi phục quyền kiểm soát Đông Dương

 

Thời kỳ chế độ quân quản Pháp diễn ra từ ngày 13-9-1945 đến 30-5-1946.

Từ 6-9-1945, quân Pháp chính thức theo chân quân Anh trở lại miền Nam Đông Dương, rồi đến 23-9-1945 tấn công các lực lượng đối kháng Việt Nam mong độc chiếm Đông Dương, tái lập bộ máy cai trị quân sự tại các địa phương.

Đến đầu tháng 2-1946, đại tướng Leclerc tuyên bố công việc bình định miền Nam Việt Nam đã xong, vì chỉ trừ từ Đèo Cả đến Tourane thuộc ranh vĩ tuyến 16, còn thì bao nhiêu tỉnh lỵ, phần lớn quận lỵ và các trục giao thông từ Đèo Cả đến Cà Mau và phần lớn Cao nguyên Trung phần đều bị quân Pháp chiếm đóng và lập lại dần các cơ quan hành chính.

Lúc đó ý định của Pháp là thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp gồm 5 nước cộng hòa tự trị: Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt, Lào, Cambodia. Nhưng Bắc vĩ tuyến 16 đang do cộng sản Việt Minh và quân Trung Hoa Tưởng Giới Thạch kiểm soát nên việc thành lập Cộng hòa Bắc Việt và Trung Việt chưa thể thực hiện, Pháp liền ráo riết thành lập Cộng hòa Nam Việt, Cộng hòa Cambodia, Cộng hòa Lào.

Ngày 16-10-1945, tướng Leclerc dẫn 5.000 quân chiếm Phnom Penh, khôi phục lại Chính phủ hoàng gia Cambodia. Ngày 7-4-1946, Pháp và Hoàng gia Cambodia ký hiệp định xác nhận Vương quốc Cambodia thuộc Liên hiệp Pháp.

Tháng 3-1946, Pháp tổ chức hai cánh quân từ Việt Nam sang tái chiếm Lào, đưa quốc vương Sisavang Vong trở lại ngôi cũ. Quốc vương Lào tuyên bố chấp nhận nằm trong Liên hiệp Pháp.

Đầu năm 1946, song song với việc tìm cách trở lại Bắc Việt, người Pháp xúc tiến thành lập Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ.

 

2- Sách lược cai trị của Pháp thời kỳ 1945-46

 

Cuối năm 1945 khi trở lại Đông Dương, Pháp sử dụng lại những thành phần cũ như quan lại, công chức, hương chức kỳ hào, cựu binh thuộc địa, để nhanh chóng tái lập chính quyền thân Pháp chống Việt cộng và các lực lượng kháng chiến khác. Những thành phần này từng bị Việt cộng nghi kỵ và trả thù tàn bạo trong thời kỳ 1945-47, nên đã cộng tác đắc lực với Pháp chống cộng.

Pháp cũng khôi phục lại lực lượng quân đội bản xứ. Tuy nhiên, do lúc đầu dễ dàng đánh bại quân Việt cộng (1945-46), nên lãnh đạo Pháp chỉ sử dụng lực lượng chủ yếu là các đơn vị Pháp, mà không chủ trương tổ chức một đội quân chính quy bản xứ. Pháp chỉ tập hợp lại các cựu binh thuộc địa và tuyển thêm một số tân binh, lập ra các đơn vị Phụ lực quân, chuyên đảm những nhiệm vụ phụ dịch.

Pháp tin tưởng binh đội của mình có thể chiến thắng Việt cộng dễ dàng, nên chỉ chú trọng vấn đề chính trị với dân bản xứ bằng cách thu phục bằng quyền lợi và đãi ngộ những nhân vật có uy thế. Pháp muốn tiếp tục tạo nên một thế lực chính trị thân Pháp dưới hình thức chia để trị. Chẳng hạn như Pháp muốn biến xứ Nam Kỳ thành một nước tự trị, bên cạnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ; biến miền Cao nguyên Trung Việt thành xứ Tây Kỳ, miền Móng Cáy thành xứ Nùng, miền Lai Châu thành xứ Thái; trên đất Lào vẫn tồn tại các chính quyền Luang Phrabang, Vientiane, Champasak riêng biệt.

Tại những vùng đất này, để tăng thêm màu sắc chính trị địa phương với nhiều hứa hẹn ưu đãi quyền lợi, Pháp đã đặt ra những biểu trưng riêng biệt nhằm tách rời các miền lãnh thổ. Hiệu kỳ của Nam Kỳ tồn tại không lâu, nhưng hiệu kỳ các xứ Thái, Nùng tồn tại đến tận năm 1954. Hiệu kỳ xứ Thái là lá cờ tam tài Pháp với ba màu đỏ, trắng, xanh, và một ngôi sao sáu cánh trên phần nền trắng tiêu biểu cho sáu bộ lạc. Hiệu kỳ xứ Nùng là lá cờ tam tài và trên phần nền trắng có chiếc thuyền buồm Trà Cổ để kỷ niệm người Nùng địa phương đã theo quân Pháp chiếm xứ Trà Cổ, Cô Tô, Cát Bà năm xưa.

Từ cuối năm 1945, lực lượng kháng chiến chống Pháp gồm nhiều lực lượng thuộc các đảng phái, tôn giáo khác nhau, cùng tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Tuy nhiên sau khi Việt cộng tiêu diệt các thành phần đối lập để nắm quyền độc tôn đảng trị, thì lực lượng kháng chiến quốc gia phân chia thành bốn xu hướng. Một số vẫn tiếp tục ở lại trong hàng ngũ Việt Minh vì chưa thể thoát đi được. Một số di tản ra nước ngoài để tránh bị tiêu diệt và tìm kiếm đường lối mới. Một số tiếp tục chống Pháp và chống Việt cộng nhưng luôn ở vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Một số phải nương tựa vào  Pháp để cùng chống kẻ thù nguy hiểm nhất là Việt cộng.

 

3- Các hội đồng chính trị ở ba phần Việt Nam

 

Ngày 4-2-1946, Hội đồng Tư vấn Nam Việt được thành lập, gồm 12 ủy viên, trong đó có 4 người Pháp (Béziat, Bazé, Clogne, Gressier) và 8 người Việt (Lê Văn Định, Nguyễn Tấn Cường, Nguyễn Thành Lập, Nguyễn Văn Thạch, Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Tấn Phát, Trần Thiện Vàng), để giúp cao ủy Pháp tại Đông Dương trong việc cai trị dân sự vùng Nam Việt. Ngày 12-2-1946, cao uỷ DArgenlieu phê chuẩn danh sách Hội đồng Tư vấn Nam Việt.

Sau khi đưa quân ra Bắc Đông Dương thay thế quân Tưởng Giới Thạch, ngày 2-4-1946, cao ủy DArgenlieu ký nghị định chuẩn y danh sách Hội đồng An dân Bắc Việt lâm thời (comité provisoire de gestion administrative et d'action sociale) và đến 6-4-1946 là Hội đồng Chấp chánh lâm thời Trung Việt (comité administratif provisoire). Mỗi Hội đồng cũng có 4 người Pháp và 8 người Việt.

Hội đồng Chấp chánh Trung Việt gồm: Trần Văn Lý (chủ tịch), Trần Thanh Đạt...

Hội đồng An dân Bắc Việt gồm: Hoàng Cơ Bình, luật sư Lê Quang Luật, Trần Trung Dung...

 

4- Các viên chức Pháp cai trị toàn Đông Dương

 

Bộ máy cai trị toàn Đông Dương lúc này (1945-1946) theo chế độ quân quản, đứng đầu là cao ủy DArgenlieu và các tướng Leclerc, Valluy, Pignon trong Bộ tư lệnh Quân lực Pháp tại Đông Dương, đại tá Jean Cédille (ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt), đại tá Jean Sainteny (ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Việt) và các ủy viên Cộng hòa tại Trung Việt, Lào, Cambodia.

Các cao ủy (high commissioners) Pháp tại Đông Dương từ 1945 đến 1956 gồm có

- Georges Thierry d'Argenlieu (1889-1964): từ 31-10-1945 đến 1-4-1947.

- Émile Bollaert (1890-1978): từ 1-4-1947 đến 11-10-1948.

- Léon Pignon (1908-1976): từ 20-10-1948 đến 17-12-1950.

- Jean de Lattre de Tassigny (1889-1952): từ 17-12-1950 đến 11-1-1952.

- Jean Letourneau (1907-1986): từ 1-4-1952 đến 27-4-1953.

Từ 27-4-1953, khi chủ quyền các nước tại Đông Dương được khôi phục, thì người đại diện Chính phủ Pháp tại Đông Dương gọi là tổng uỷ viên (commissioners-general), với

- Jean Letourneau : tiếp từ 27-4-1953 đến 28-7-1953.

- Maurice Dejean (1899-1982): từ 28-7-1953 đến 10-4-1954.

- Paul Ély (1897-1975): từ 10-4-1954 đến tháng 4-1955.

- Henri Hoppenot (1891-1977): từ tháng 4-1955 đến 21-7-1956.

 

5- Các đảng phái chính trị ở Nam Việt đẩy mạnh hoạt động

 

Sau khi Pháp ký với Việt Minh hiệp định sơ bộ 6-3-1946, ngày 9-3-1946 Hội đồng Tư vấn Nam Việt ra tuyên bố không bị ràng buộc bởi hiệp định sơ bộ và nhân dân miền Nam Việt Nam có quyền tự do lựa chọn qui chế chính trị không cộng sản và bác bỏ sự cai trị của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với miền Nam Việt Nam. Lúc đó, ở Sài Gòn và Nam Việt Nam ngoài các lực lượng kháng chiến Việt Minh, Hoà Hảo, Cao Đài, Đông Dương có những phái chính trị công khai:

- Liên hiệp những người Pháp bênh vực sự nghiệp Pháp ở Đông Dương (UDOFI): của giới công tư chức Pháp chủ trương thành lập Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp.

- Đảng Nam Việt (Parti Cochinchinois): do Nguyễn Tấn Cường thành lập tháng 10-1945. 

- Đảng Đông Dương tự trị (Indochine Autonome): do Nguyễn Văn Tỵ thành lập tháng 10-1945.

- Đảng Việt Nam phục hưng : do Ngô Đình Diệm và Nguyễn Đệ thành lập ngày 25-12-1942. Tháng 9-1945, Ngô Đình Diệm cùng một số đồng chí từ Sài Gòn ra Hà Nội liên lạc với các lãnh tụ công giáo ở Bắc bộ, định thuyết phục Bảo Đại không hợp tác với Việt cộng và tìm cách giải cứu Bảo Đại. Nhưng Diệm bị Việt cộng bắt giữ tháng đầu tháng 12-1945 khi đang ở một vùng đạo thuộc miền thượng du gần biên giới Việt-Hoa. Giám mục Lê Hữu Từ, linh mục Phạm Quang Hàm và đại biểu Quốc hội Ngô Tử Hạ lập tức đến gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp xin thả Diệm. Lãnh đạo Việt cộng thấy trước đó đã bắt giết hai cha con Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, nhưng sau đó bị lực lượng Công giáo phản đối dữ dội, nên lần này muốn hòa hoãn để tranh thủ sự ủng hộ của thế lực Công giáo và qua Công giáo kéo dài thời gian hòa hoãn với Pháp trong khi chuẩn bị chiến tranh, đồng thời cho rằng Diệm đã từng phản đối Pháp và không nguy hiểm, vì thế đến tháng 6-1946, Minh và Giáp ra lệnh đưa Diệm về Hà Nội và thả ra.

- Giáo hội Cao Đài : Tháng 8-1946, hộ pháp Cao Đài Phạm Công Tắc về nước sau năm năm bị lưu đày ở Madagasca. Hộ pháp Phạm chủ trương hợp tác với Pháp chống cộng sản. Ngày 12-11-1946, hộ pháp Phạm Công Tắc và tư lệnh Lực lượng võ trang Cao Đài Trần Quang Vinh ủng hộ bác sĩ Lê Văn Hoạch làm thủ tướng Nam kỳ sau khi thủ tướng Thinh bị ám sát.

- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.

- Mặt trận Bình dân Nam Việt (FPC): vận động thành lập nước Cộng hòa Nam Việt có quyền tự trị trong Liên bang Đông Dương giống như Bắc, Trung, Lào, Cambodia. Mặt trận do Nguyễn Tấn Cường và bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, nguyên chủ tịch Đảng Dân chủ Đông Dương, chủ tịch Cục Mễ cốc thành lập tháng 10-1945. Mặt trận có cơ quan ngôn luận là báo Tiếng Gọi và báo Phục Hưng do ký giả Hiền Sĩ phụ trách.

- Phong trào Bình dân Nam Việt (MPC): chủ trương thực hành một xã hội chủ nghĩa phi  mác xít, chủ yếu đấu tranh cải thiện đời sống dân chúng lao động và cải cách ruộng đất bằng hình thức truất hữu đại điền chủ để hữu sản hóa nông dân, phát triển Cộng hòa Nam Việt trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương nhưng độc lập tách khỏi Liên hiệp Pháp.

-  Mặt trận Quốc gia liên hiệp : gồm các trí thức, giáo chức, ký giả... do Nguyễn Văn Sâm làm chủ tịch, có báo Đuốc Nhà Nam làm cơ quan ngôn luận, đấu tranh trực diện với Pháp để đòi độc lập và thống nhất cho Việt Nam, đồng thời chống lại cộng sản (nhưng sau đó nhiều thành viên Mặt trận Quốc gia liên hiệp bị Việt Minh ám sát).

- v.v…

 

II- Thời kỳ các thủ tướng Nguyễn Văn Thinh, Phan Văn Giáo, Nghiêm Xuân Thiện Ở BA MIỀN

1- Thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ

 

Ngày 7-3-1946, Hội đồng Tư vấn Nam Việt họp phiên đầu tiên, bàn việc chọn thủ tướng và thành lập Chánh phủ lâm thời. Ngày 26-3-1946, Hội đồng tuyên bố thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ (République autonome de Cochinchine) và cử bác sĩ Nguyễn Văn Thinh (1884-1946) làm thủ tướng.

 

2- Chính trị Đông Dương mùa hè 1946

 

Từ cuối tháng 3-1946, Việt cộng ở Nam bộ được lệnh từ trung ương ra sức chống lại ý đồ thành lập các cộng hòa liên hiệp. Trong hồi ký, Trần Văn Giàu kể lại: Từ cuối tháng 3-1946, ta (cộng sản Việt Minh) phát triển một đợt khủng bố đại qui mô, những người khủng bố không nhiều lắm, nhưng lén lút có mặt bất ngờ nhiều nơi, cho nên mọi ý muốn ngã về với Pháp đều tan biến mất. Ai hợp tác với Pháp bị ta gọi là Việt gian và coi như người đó đã lãnh án tử hình rồi vậy. (...) Ta tổ chức ám sát hai tên Hội đồng Tư vấn Nam Việt là Trấn Tấn Phát và Nguyễn Văn Thạch, làm cho bọn tập tểnh làm tổng trưởng, làm họi đồng phải co đầu rút cổ. (Trần Văn Giàu - Địa chí văn hóa TP. HCM, 1987). Bộ trưởng Lê Văn Hoạch cũng bị Việt Minh phục kích ở ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho) nhưng may không chết. Ký giả Hiền Sĩ, chủ nhiệm báo Phục Hưng của Mặt trận Bình dân, bị mật vụ cộng sản ám sát trước chợ Bến Thành.

Ngày 22-4-1946, Hội đồng An dân Bắc Việt cử Nghiêm Xuân Thiện làm thủ tướng lâm thời Cộng hòa Bắc Việt. Ngày 24-4-1946, Hội đồng Chấp chính Trung Việt cử Phan Văn Giáo làm thủ tướng lâm thời Cộng hòa Trung Việt. Như vậy, cho đến tháng 4-1946, ý đồ thành lập Liên bang Đông Dương của DArgenlieu đã hoàn thành bước đầu gồm có:

- Vương quốc Cambodia thành lập được Chính phủ hoàng gia Vương quốc Cambodia, do quốc vương Norodom Shihanouk và thủ tướng Penn Nouth đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng Tư vấn Cambodia gồm 4 người Pháp, 8 người Cambodia, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

- Vương quốc Lào thành lập được Chính phủ hoàng gia Vương quốc Lào, do quốc vương Sisavong Vang và thủ tướng Kindavong đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng Tư vấn gồm 4 người Pháp, 8 người Lào, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

- Cộng hòa Nam Việt (Nam Kỳ) thành lập được Chánh phủ lâm thời, do thủ tướng lâm thời Nguyễn Văn Thinh đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng Tư vấn gồm 4 người Pháp, 8 người Việt, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

- Cộng hòa Trung Việt thành lập được Chánh phủ lâm thời, do thủ tướng lâm thời Phan Văn Giáo đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng Chấp chính lâm thời gồm 4 người Pháp, 8 người Việt, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

- Cộng hòa Bắc Việt thành lập được Chính phủ lâm thời, do thủ tướng lâm thời Nghiêm Xuân Thiện đứng đầu, bên cạnh có Hội đồng An dân lâm thời gồm 4 người Pháp, 8 người Việt, do ủy viên chính trị cộng hòa Pháp đứng đầu.

Lúc đó, để phản đối ý đồ cai trị độc quyền và hà khắc của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 27-4-1946, ba chánh phủ Cộng hòa Nam Việt, Bắc Việt họp tại Sài Gòn, ra tuyên bố không chấp nhận sự cai trị của Chính phủ cộng sản Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một số người quá khích trong Liên đoàn UDFI và Mặt trận Bình dân Nam Việt còn tổ chức biểu tình ở Sài Gòn vào tháng 6-1946 nêu khẩu hiệu: Xứ Nam kỳ của người Nam kỳ, Nam Việt không chấp nhận độc tài cộng sản cai trị.

 

3- Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ - Nội các Nguyễn Văn Thinh

 

Từ 17-4-1946, hội nghị trù bị Đà Lạt giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa với Pháp đang bàn cãi chưa đi đến kết quả nào, thì cao ủy DArgenlieu muốn phá vỡ sự thỏa hiệp với Việt Minh để nhanh chóng hoàn thành việc thành lập Liên bang Đông Dưong theo mô hình Charles De Gaulle nên tìm cách phá hội nghị. DArgenlieu hậu thuẫn cho đại tá Nguyễn Văn Xuân, phó thủ tướng lãnh thổ Nam Việt dẫn đầu một phái đoàn nhân sĩ Việt Nam sang Paris ráo riết vận động Pháp công nhận và hậu thuẫn.

Ngày 16-5-1946, Quốc hội Pháp thông qua nghị quyết công nhận Cộng hòa Nam Kỳ, để cùng các cộng hòa Trung Việt, Bắc Việt, Lào, Cambodia lập thành Liên bang Đông Dương.

Ngày 16-5-1946, phái đoàn Nguyễn Văn Xuân về tới Sài Gòn. Sáng 2-6-1946, Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ làm lễ ra mắt tại nhà hát lớn Sài Gòn.

Nội các thủ tướng Nguyễn Văn Thinh cầm quyền từ ngày 1-6 đến 10-11-1946.

- Thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Nội vụ: bác sĩ Nguyễn Văn Thinh.

- Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quân đội quốc gia: đại tá Nguyễn Văn Xuân.

- Đổng lý văn phòng Chính phủ: Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh).

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Trần Văn Tỷ.

- Bộ trưởng Bộ Công chánh: Lương Văn Mỹ.

- Bộ trưởng Bộ Tài chánh: Nguyễn Thành Lập. 

- Bộ trưởng Bộ Canh nông-thương mại-kỹ nghệ: Ung Bảo Toàn.

- Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục: Nguyễn Thành Giung.

- Bộ trưởng Bộ An ninh: Nguyễn Văn Tâm.

- Bộ trưởng Bộ Lao động và xã hội: Khương Hữu Long.

- Thứ trưởng Công an đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn: Nguyễn Tấn Cường.

- Các thứ trưởng: Đỗ Văn Trà, Nguyễn Văn Tân, Trần Văn Kiết.

 

4- Hiệp ước Sài Gòn 1946

 

Ngày 3-6-1946, thủ tướng Nguyễn Văn Thinh và ủy viên cộng hòa Pháp Cédille ký bản hiệp ước Sài Gòn 1946 qui định:

- Cộng hòa Nam Kỳ là một nước tự do, có chánh phủ, nghị viện, quân đội và tài chánh riêng.

- Cộng hòa Nam Kỳ cùng với Bắc Việt, Trung Việt, Lào, Cambodia nằm trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp.

- Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ sẽ do Hội đồng Tư vấn bầu ra, có quyền ban hành các nghị định, nhưng phải thông qua ủy viên cộng hòa.

- Về trật tự trị an trong xứ, nếu thấy cần thiết có thể nhờ quân đội Pháp hỗ trợ.

- Ủy viên chánh trị Cộng hòa Pháp sẽ là cố vấn  của Chánh phủ Nam Kỳ. Trong các cuộc họp Chánh phủ, ủy viên cộng hòa Pháp có thể đến tham dự nếu được Chánh phủ yêu cầu.

Từ đó, với sự cố vấn của ủy viên cộng hòa Pháp Cédille và Hội đồng Tư vấn Nam Việt, Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ đảm trách điều hành mọi công việc dân sự ở Nam Việt Nam.

Tuy nhiên ngay khi phái đoàn Nguyễn Văn Xuân vừa về đến Sài Gòn 26-5-1946 thì ngay hôm sau, 27-5-1946, tại Paris, tổng thống Pháp Vincent Auriol lại ra sắc lệnh thành lập Liên bang các dân tộc thiểu số miền Nam Đông Dương do Tòa ủy viên cộng hòa thuộc Pháp phụ trách, gồm các tỉnh Daklak, Đồng Nai Thượng (Bảo Lộc), Lâm Viên (Đà Lạt), Pleiku, Kontum, nhằm thực hiện tham vọng tách rời vùng cao nguyên Trung phần ra khỏi Việt Nam. Cùng với ý định đó, tổng thống Pháp cũng thành lập xứ Mường tự trị, xứ Thái tự trị, xứ Nùng tự trị ở Bắc Việt.

 

5- Hội nghị thành lập Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt

 

Trong khi hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và Việt Cộng đang bế tắt, thì cao ủy DArgenlieu triệu tập Hội nghị thành lập Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt dự định bắt đầu từ 23-7-1946. Thành phần triệu tập tham dự hội nghị gồm các đoàn Pháp, Cambodia, Lào, Nam Việt, Bắc Việt, Trung Việt, Tây nguyên, xứ Mường tự trị, xứ Thái tự trị, xứ Nùng trự trị. Nhưng đại diện Bắc Việt và Trung Việt là Nghiêm Xuân Thiện và Phan Văn Giáo tuyên bố tẩy chay hội nghị để phản đối ý đồ thành lập các vùng dân tộc tự trị ở Trung và Bắc Việt.

Cuối cùng, đến 1-8-1946, hội nghị Đà Lạt mới khai mạc được với sự tham dự của các phái đoàn Pháp, phái đoàn Cambodia (do quốc vương Sihanouk dẫn đầu), phái đoàn Lào (do thái tử Savang Vatthana dẫn đầu), phái đoàn Cộng hòa Nam Kỳ (do phó thủ tướng Nguyễn Văn Xuân dẫn đầu), đoàn bộ tộc Chàm (do Lưu Ái dẫn đầu), phái đoàn Cao nguyên Thượng (do tù trưởng Ede là Ma Krong và bác sĩ Djac Ayun dẫn đầu). Do lo ngại nước Cao nguyên Thượng mới sẽ có yêu sách với lãnh thổ của mình, nên Lào và Cambodia cũng đồng ý với Nguyễn Văn Xuân là phản đối ý định của Pháp thành lập thêm một nước cộng hòa Cao nguyên Thượng trong Liên bang Đông Dương. Cuối cùng, cao ủy DArgenlieu và hội nghị nhất trí sẽ thành lập Liên bang Đông Dương, còn vấn đề các cộng hòa trực thuộc sẽ giải quyết sau. Ngày 27-8-1946 Pháp ký với Lào bản tuyên bố chung công nhận sự thống nhất của Lào.

Do hành động bất phục tùng trước đó của Nghiêm Xuân Thiện và Phan Văn Giáo, và cũng do tình hình không cho phép nên Pháp chỉ duy trì ở Bắc và Trung Việt hoạt động của Hội đồng An dân và Hội đồng Chấp chính mà không thành lập chính phủ riêng như ở Nam Việt.

 

6- Việt cộng chống phá Chánh phủ Nam Kỳ

 

Sau khi thành lập, Chánh phủ Nguyễn Văn Thinh có nhiều hoạt động giúp khôi phục, ổn định tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở Nam Việt Nam. Nhưng các hoạt động trọng yếu và nhất là về chính trị, quân sự, an ninh, đối ngoại vẫn do Pháp kiểm soát. Cộng hòa Nam kỳ không được thành lập quân đội và bộ máy an ninh như Pháp đã hứa. Vì vậy, cộng sản Việt Nam có cớ để tuyên truyền Chánh phủ Nguyễn Văn Thinh là bù nhìn lệ thuộc Pháp. Các đảng phái quốc gia phần lớn cũng không ủng hộ Chánh phủ Nam Kỳ.

Cộng sản Việt Nam tăng cường quậy phá, ám sát các nhân vật liên quan đến Chánh phủ. Vì thế, không ai dám cộng tác với Chánh phủ Nguyễn Văn Thinh nữa. Nhất là trong giai đoạn từ 1946 đến 1950, ở Nam Việt áp dụng theo luật tự do báo chí, không có kiểm duyệt, nên đảng cộng sản tha hồ tổ chức hoặc tìm mọi cách lũng đoạn các tờ báo ở Sài Gòn như: Tin Điện, Nam kỳ, Tân Việt, Kiến Thiết, Tin Mới, Dư Luận, Việt Thanh, Sài Thành, Công Chúng, Echo du VietNam..., tất cả 17 tờ báo hình thành nên ‘Nhóm báo chí thống nhất’, chuyên tuyên truyền đả kích việc Cộng hòa Nam Kỳ không chấp nhận trực thuộc Việt Nam dân chủ cộng hòa của Đảng Cộng sản Đông Dương, coi đó là sự ly khai khỏi đại gia đình Việt Nam, đồng thời tìm mọi cách đả kích, bêu xấu Chánh phủ Nguyễn Văn Thinh. Hàng loạt thành viên Chánh phủ, Hội đồng, các tổ chức chính trị, xã hội... bị ám sát, khủng bố. Một số người như đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng... bị bắt cóc đưa ra chiến khu. Luật sư trẻ Nguyễn Hữu Thọ bị toán du kích do Đoàn Giỏi phụ trách bắt cóc tại Mỹ Tho... Cuối cùng, chính Nguyễn Văn Thinh cũng bị ám sát tại tư gia trên đường Lê Văn Duyệt ngày 10-11-1946 rồi ngụy tạo thành một vụ tự tử trong tư thế bị siết cổ bằng một sợi dây điện.

 

III- Thời kỳ thủ tướng Nguyễn Văn Xuân (1946) và thủ tướng Lê Văn Hoạch (1946-47)   

1- Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt – Nội các Nguyễn Văn Xuân

 

Ngày 11-11-1946, Hội đồng Tư vấn Nam Việt họp, cử phó thủ tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, lập chính phủ mới gọi là Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt.

Nội các thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cầm quyền từ ngày 15-11 đến 7-12-1946.

- Thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quân đội quốc gia: Nguyễn Văn Xuân.

- Phó thủ tướng: Lê Văn Hoạch.

- Đổng lý văn phòng Chính phủ.

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Bộ trưởng Bộ Công chánh.

- Bộ trưởng Bộ Tài chánh: Trần Văn Hữu.

- Bộ trưởng Bộ Canh nông-thương mại-kỹ nghệ.

- Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

- Bộ trưởng Bộ An ninh.

- Bộ trưởng Bộ Lao động và xã hội.

 

2- Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt – Nội các Lê Văn Hoạch

 

Đến 7-12-1946, do bất mãn với cung cách hoạt động của người Pháp, Nguyễn Văn Xuân từ chức thủ tướng, sang Pháp trở lại tiếp tục phục vụ trong quân đội với hàm đại tá rồi giữa năm 1947 được thăng chức thiếu tướng lục quân. Ngày 7-12-1946, Hội đồng Tư vấn Nam Việt cử phó thủ tướng Lê Văn Hoạch (1896-1978) làm thủ tướng Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt.

Nội các thủ tướng Lê Văn Hoạch cầm quyền từ ngày 7-12-1946 đến 8-10-1947.

- Thủ tướng: Lê Văn Hoạch.

- Phó thủ tướng.

- Đổng lý văn phòng Chánh phủ.

- Bộ trưởng Bộ Quân đội quốc gia: Nguyễn Văn Tâm.

- Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Bộ trưởng Bộ Công chánh.

- Bộ trưởng Bộ Tài chánh: Trần Văn Hữu.

- Bộ trưởng Bộ Canh nông-thương mại-kỹ nghệ.

- Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

- Bộ trưởng Bộ An ninh.

- Bộ trưởng Bộ Lao động và xã hội.

 

3- Phạm Công Tắc đề ra Giải pháp Bảo Đại

 

Ngày 20-12-1946, trước khi ra Quốc hội điều trần về chuyến sang thăm Đông Dương, bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Moutet tuyên bố: Nước Pháp muốn hòa bình, tôn trọng những nguyên tắc đã tuyên bố, nhưng không chịu khuất phục trước bạo lực. Chính sách của Pháp là bảo vệ quyền lợi nước Pháp và làm cho những quyền lợi ấy luôn được tôn trọng.

Ngày 23-12-1946, dân biểu André Mutter của hạt l’Aube tuyên bố: Không thể đàm phán với chính quyền của Hồ được nữa vì đó là bọn lật lọng. Chúng ta không thể coi tên Hồ Chí Minh như đại diện của một đất nước tự do, mà đó là một kẻ sát nhân.

Ngày 1-1-1947, nhân dịp bộ trưởng Moutet sang thăm Đông Dương và đến thăm Tòa thánh Tây Ninh, hộ pháp Phạm Công Tắc tuyên bố là tín đồ Cao Đài nhiệt liệt ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại về nước lãnh đạo chánh phủ Việt Nam.

Vào đầu năm 1947, quân Pháp về cơ bản đã chiếm xong Hà Nội và các đô thị ở Bắc Việt, đẩy lùi quân Việt cộng rút lên miền thượng du Việt Bắc, tổ chức chiến thuật du kích và tiêu thổ kháng chiến để chống lại quân Pháp. Nhiều người trong chính trường Paris cũng muốn điều đình với chính phủ cộng sản để ngưng chiến, nhưng lợi ích đôi bên quá khác nhau nên không dàn xếp được. Cao ủy DArgenlieu cũng muốn ngăn chận các cuộc đàm phán đó nên đã báo cáo nhiều tình hình sai sự thật về Paris và tìm mọi cách ngăn trở mọi thỏa hiệp đi tới giải pháp hòa bình. Đầu năm 1947, đại tướng Leclerc, tư lệnh Quân lực Đông Dương từ tháng 9-1945 đến tháng 7-1946, đã nhận định: Năm 1947, Pháp sẽ không còn có thể dùng sức mạnh để khuất phục một dân tôc 24 triệu người có tư tưởng chống ngoại xâm và có tinh thần quốc gia mạnh mẽ. Kể từ nay, vấn đề chủ yếu là chính trị. Vấn đề là ở chỗ cần phải dàn xếp với một phong trào cách mạng quốc gia đang phát triển, và phải hậu thuẫn phong trào đó để bảo vệ ít nhất là một phần các quyền lợi của Pháp. Sau đó, Leclerc chết vì tai nạn máy bay ngày 28-11-1947 ở Bắc Phi.

Ngày 2-1-1947, cao ủy D’Argenlieu và cố vấn Léon Pignon cũng tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn: Từ nay về sau, không thể điều đình với bọn Hồ Chí Minh. Chúng ta chỉ có thể đàm phán với những người biết tôn trọng chữ ký của mình từ những người quốc gia. Mục tiêu của chúng ta cần được xác định phải chuyển cuộc xung đột giữa Pháp và cộng sản Việt Nam thành vấn đề nội bộ của Việt Nam. Người Pháp chỉ tham gia tối thiểu vào cuộc xung đột với cộng sản, còn nhiệm vụ chính phải nằm trong tay phái quốc gia chống cộng.

 

4- Giáo hội Cao Đài, Hòa Hảo và Việt Quốc khởi động Giải pháp Bảo Đại

 

Lúc đó, Chính phủ Paris do thủ tướng Georges Bidault thuộc Phong trào Cộng hòa nhân dân (MRP) đứng đầu cũng nhất định không thương thuyết với cộng sản Việt Minh. Ở trong nước, Chánh phủ Lê Văn Hoạch không chịu đấu tranh nhiều hơn với Pháp để thu hồi chủ quyền chính trị, quân sự, ngoại giao nên không được các đảng phái quốc gia ủng hộ. Ở Bắc và Trung Việt vẫn chưa thành lập được chính phủ mà vai trò điều hành chủ yếu vẫn thuộc về chế độ quân quản Pháp. Vì thế, trong tháng 1 và 2-1947, lãnh tụ các đảng phái quốc gia như Đảng Phục quốc Việt Nam (Cao Đài), Đảng Việt Nam dân chủ xã hội (Hòa Hảo), Việt Nam quốc dân đảng cử đại biểu tới tấp sang Hong Kong tìm cách yêu cầu cựu hoàng Bảo Đại đang lưu vong tại đây về nắm quyền.

Ngày 26-2-1947, cựu hoàng Bảo Đại tổ chức họp báo tại Hong Kong, tuyên bố: Việt Minh là một tổ chức cộng sản quốc tế không phù hợp với truyền thống cổ truyền của dân tộc Việt Nam. (...) Chúng tôi thay mặt nhân dân Việt Nam chủ trương kiến tạo một giải pháp quốc gia trong lập trường chống cộng.

 

5- Hoạt động Việt Nam quốc dân đảng và Đại Việt quốc dân đảng

 

Tháng 1-1947, Việt Nam quốc dân đảng tách ra trở lại thành hai đảng là Việt Nam quốc dân đảng và Đại Việt quốc dân đảng như trước đây. Riêng Việt Nam quốc dân đảng lại phân hóa thành hai nhóm: một nhóm kiên quyết chống Pháp nên chống cả Bảo Đại, đứng đầu là Xuân Tùng Hoàng Văn Đào, Nguyễn Văn Chấn, Lý Ngọc Chấn, nhóm thứ hai ủng hộ giải pháp Bảo Đại lãnh đạo quốc gia, hợp tác với Pháp chống cộng sản đứng đầu là giáo sư Nghiêm  Xuân Thiện, bác sĩ Trần Trung Dung, Vũ Hồng Khanh, Ngô Thúc Định, bác sĩ Trần Văn Tuyên...

Tại Bắc Việt, Đặng Vũ Lạc, Đỗ Văn Năng, Lê Thăng tập hợp các đảng viên Đại Việt quốc dân đảng và Việt Nam quốc dân đảng, mở đại hội phục hoạt Đại Việt quốc dân đảng, và gọi là Đảng Tân Đại Việt. Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống) và Ngô Thúc Định cũng mở đại hội phát triển hoạt động Việt Nam quốc dân đảng. Đại Việt quốc dân đảng và Việt Nam quốc dân đảng tăng cường xây dựng chi nhánh và cơ sở quần chúng ở Trung Việt.

 

6- Hoạt động Đảng Đại Việt phục hưng

 

Tháng 1-1947, Ngô Đình Diệm cũng đẩy mạnh hoạt động Đảng Đại Việt phục hưng. Theo đề xuất của Nguyễn Khoa Toàn, Đảng Đại Việt phục hưng cử Trần Văn Lý và Trần Thanh Đạt làm đại biểu của đảng tham gia hội nghị ở Sài Gòn do Nguyễn Văn Sâm triệu tập để thành lập Việt Nam quốc gia liên hiệp, tập họp một số đảng phái và nhân sĩ cách mạng quốc gia.

 

7- Kế hoạch ba bên của Bảo Đại - Trần Trọng Kim

 

Sau khi tiếp xúc với đại diện Cao Đài, Hòa Hảo và Việt Quốc, cựu hoàng Bảo Đại cùng với cựu thủ tướng Trần Trọng Kim vạch ra một kế hoạch ba bên, tức thương thuyết với cả Pháp và cộng sản Việt Nam để cùng chấm dứt chiến tranh, cùng thỏa hiệp và đi đến hòa bình.

Ngày 22-1-1947, Trần Trọng Kim thay mặt Bảo Đại đến gặp đặc sứ Pháp Cousseau tại Hong Kong. Kim đưa ra bảy điều kiện để hợp tác, là: 1- Thống nhất ba kỳ. 2- Việt Nam hoàn toàn tự trị. 3- Xác định rõ ràng vị trí Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. 4- Việt Nam phải có quân đội riêng. 5- Việt Nam phải có chế độ tài chánh riêng. 6- Pháp phải xác định rõ một kỳ hạn trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. 7- Việt Nam có đại biểu ngoại giao với các nước Á Đông và buôn bán với các nước khác. Đặc sứ Cousseau không cam kết điều gì mà chỉ hứa hẹn báo cáo về chính phủ Paris.

Ngày 2-2-1947, Trần Trọng Kim đi tàu thủy rời Hong Kong về Sài Gòn, ở tạm trong nhà luật sư Trịnh Đình Thảo, cựu bộ trưởng tư pháp trong chính phủ năm 1945. Kim đã gặp cựu khâm sai Nguyễn Văn Sâm, Phan Huy Đán, Đinh Xuân Quảng, Phạm Khắc Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền... để bàn thảo về việc phối hợp giữa Pháp và các lực lượng cách mạng quốc gia trong việc đạt được một thỏa ước về giải pháp Bảo Đại. Kim cũng gặp cố vấn Pignon, tân cố vấn chính trị Michel, để thương thảo về giải pháp Bảo Đại. Pháp lúc đầu cũng e dè Trần Trọng Kim vì còn thành kiến việc hợp tác với Nhật sau cuộc đảo chánh tháng 3-1945, nhưng vẫn ừ hử hứa hẹn xem xét hợp tác về giải pháp Bảo Đại; tuy nhiên sau khi Kim đề nghị có thể thương thảo thỏa hiệp với lực lượng Việt cộng thì cao uỷ D’Argenlieu nổi giận thật sự, ra lệnh giam lỏng Trần Trọng Kim, không cho tiếp xúc với chính giới quốc nội nữa và không cho liên lạc với Bảo Đại. Trần Trọng Kim tìm cách trốn được lên Phnom Penh. Ủy viên cộng hòa Pháp tại Phom Penh De Raymond được cao ủy DArgenlieu ra lệnh tiếp tục giam lỏng Trần Trọng Kim cho đến năm 1952 mới thả ra.

Đầu năm 1947 tại miền Nam, các đảng phái trước đây chủ trương Nam Kỳ tự trị cũng thay đổi lập trường, tuyên bố ủng hộ Việt Nam thống nhất, miễn là mỗi xứ Nam, Trung, Bắc vẫn có tự trị về kinh tế và chính trị. Các đảng phái tổ chức biểu tình chống cộng khắp nơi.

 

8- Giáo hội Công giáo công khai chống cộng

 

Để đối phó với các hoạt động đàn áp tôn giáo, khủng bố giáo dân, Giáo hội Công giáo cũng công khai ủng hộ giải pháp Bảo Đại và chống cộng sản.

Đầu năm 1947, giám mục giáo phận Phát Diệm Lê Hữu Từ cho hàng trăm chính khách mọi đảng phái đang bị Việt cộng truy sát đến tỵ nạn tại Phát Diệm, trong đó có anh em Ngô Đình Diệm-Nhu, Trần Văn Chương..., với phương châm: Đất của Chúa luôn là nơi bình yên của mọi người hoạn nạn. Tại đây, các chi nhánh đảng Đại Việt duy dân, Đại Việt quốc dân, Việt Nam quốc dân đều mở rộng lực lượng sâu rộng trong dân chúng. Giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu thành lập lực lượng Công giáo tự vệ do Trần Thiện chỉ huy với quân số hàng ngàn người.

Tại giáo phận Vĩnh Long, giám mục Ngô Đình Thục chủ trương cắt đứt mọi liên hệ với Việt cộng. Nhiệt tình chống cộng nhất là các giáo xứ tại Bến Tre và Mỹ Tho. Tại đây công khai ủng hộ các đơn vị lưu động bảo vệ giáo xứ (UMDC) do trung uý Léon Leroy phụ trách. Đồng phục binh sĩ  UMDC đều thêu trước ngực hình cây thánh giá.

Tại các giáo xứ Kẻ Sặt (Hải Dương), Quảng Bình, Quảng Trị, Kontum... cũng có nhiều đơn vị tự vệ của giáo dân Công giáo.

 

9- Mặt trận Liên hiệp quốc gia Việt Nam

 

Tháng 2-1947, thủ tướng Ramadier thuyết trình với Quốc hội Pháp, đã khẳng định lực lượng Việt cộng do Hồ cầm đầu đang là một thế lực phiến loạn và không được dân chúng Việt Nam ủng hộ. Tiếp theo, bộ trưởng Moutet khẳng định là Hiệp ước sơ bộ hồi 6-3-1946 đã được Pháp ký kết với một chính phủ liên hiệp Việt Nam, chứ không phải với cá nhân Hồ hay phe cộng sản của Hồ.

Tính đến ngày 17-2-1947, quân Pháp đã hoàn toàn kiểm soát ngoại vi Hà Nội, rồi làm chủ tình hình Nam Định (11-3) và Hòa Bình (15-4). Tại Trung bộ, quân Pháp tái chiếm Hội An (15-3-1947), Quảng Nam (16-3), rồi đổ bộ lên Đồng Hới (27-3).

Ngày 17-2-1947 tại Sài Gòn, chủ tịch Đảng Việt Nam quốc gia độc lập Nguyễn Văn Sâm đứng ra tổ chức hội nghị chín đảng phái quốc gia, gồm Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, Việt Nam quốc dân đảng, Đại Việt quốc dân đảng, Việt Nam dân chủ xã hội đảng (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo), Việt Nam quốc gia độc lập đảng, Việt Nam quốc gia thanh niên đoàn, Giáo hội Cao Đài, Đảng Việt Nam phục quốc và Liên đoàn Công giáo. Hội nghị thống nhất thành lập Mặt trận Liên hiệp quốc gia Việt Nam (Front d'Union Nationale du Viet-Nam), tuyên bố hưởng ứng hoàn toàn việc thành lập một chính phủ quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu, kêu gọi chống lại Việt Minh lẫn Pháp và đề nghị Chính phủ Trung Hoa dân quốc và Mỹ can thiệp để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Pháp.

Ngày 4-3-1947, đại diện các đảng phái quốc gia lại họp tại Quảng Châu, gồm Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Văn Hợi, Lưu Đức Trung, Vũ Kim Thành..., ra tuyên bố chống lại chế độ cộng sản Việt Nam và nguyện đoàn kết dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại. Ngày 10-3-1946, cao ủy D’Argenlieu cử phái viên sang Hong Kong gặp Bảo Đại, đồng thời cũng gặp một số nhân sĩ còn trong nước như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Xuân Hãn...,  nhưng những người này đều biết rõ thực tâm của Pháp nên không ai chịu hợp tác.

Ngày 9-3-1947, Mặt trận Liên hiệp quốc gia Việt Nam họp tại Hong Kong, ra bản tuyên cáo, theo đó xác định mục tiêu của Mặt trận là: thống nhất tất cả các tổ chức cách mạng, đảng phái chính trị, đoàn thể tôn giáo và xã hội để đấu tranh giành độc lập và thống nhất lãnh thổ; củng cố chế độ cộng hòa, dân chủ; hợp tác toàn diện với tất cả các quốc gia trên thế giới trên căn bản công bằng và tự do để vãn hồi an ninh trật tự thế giới.

Về những biến cố đang xảy ra ở Việt Nam, Mặt trận khẳng định cuộc kháng chiến hơn một năm qua không phải là công trình của một đảng phái chính trị nào, mà là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Mặt trận cũng khẳng định lực lượng của Hồ Chí Minh không được nhân dân tin tưởng và đã mất đi vị thế trong thế giới trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, bởi vì mục tiêu gây chiến của lực lượng Việt cộng chỉ là nhằm giành độc quyền cai trị nhân dân Việt Nam. Bởi vậy, Mặt trận ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại Nguyễn Phước Vĩnh Thụy để thành lập một chính phủ dân chủ thực sự.

Để đánh dấu sự thay đổi chính sách của mình, thủ tướng Ramadier quyết định sẽ thay đổi cao uỷ Đông Dương D’Argenlieu vì bị nhiều người chỉ trích là còn mang nặng đầu óc thực dân và khó lòng tập họp được lực lượng quốc gia ở Đông Dương ủng hộ. Tuy nhiên, D’Argenlieu lại muốn nấn ná ở Đông Dương chờ ngày De Gaulle (vừa từ chức ngày 24-1-1946) trở lại chính quyền. Vì thế, Ramadier ra hẳn quyết định cách chức D’Argenlieu.

Ngày 12-3-1947, tổng thống Mỹ Harry Truman đọc một bài diễn văn, khẳng định đang có tình trạng chiến tranh lạnh trên thế giới giữa khối tự do và khối cộng sản. Vài tháng sau, Mỹ thông qua kế hoạch Marshall viện trợ tái thiết châu Âu. Riêng với các nước đang còn dính líu và sa lầy tai tiếng với thuộc địa cũ như Pháp chẳng hạn, Mỹ nhấn mạnh là phải cùng lúc kết hợp cả ba yếu tố: việc viện trợ tái thiết, việc chống cộng sản, và việc xóa bỏ chế độ thuộc địa. Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần tuyên bố: không muốn thấy một chế độ tay sai của Moscow thống trị bán đảo Đông Dương, và cũng không muốn bị mang tiếng ủng hộ Pháp tái lập chế độ thuộc địa, nên mong mỏi Pháp ủng hộ các lực lượng quốc gia chân chính làm nòng cốt cuộc chiến chống cộng.

Sau chuyến thăm Đông Dương trở về, ngày 18-3-1947, bộ trưởng Moutet khẳng định: Không thể nói chuyện với phe của Hồ được nữa, vì họ không chỉ coi việc ký hiệp ước như một phương tiện tranh đấu, mà còn chủ trương bạo động.

Ngày 20-3-1947, cựu hoàng Bảo Đại cử Phan Văn Giáo và Trần Văn Quế về Sài Gòn, hợp tác với nhóm Phan Huy Đán, Đinh Xuân Quảng, vận động thành lập chế độ quân chủ lập hiến ở Việt Nam. Phan Văn Giáo là một cán bộ Việt Nam quốc dân đảng bị Việt cộng bắt giam tháng 8-1945, đến tháng 2-1946 bị Tòa án nhân dân Việt cộng kết tội dựa vào thế lực Việt Nam quốc dân đảng để gây rối, bị kết án 6 năm tù khổ sai, tịch biên hết gia sản. Tháng 11-1946, Phan Văn Giáo trốn thoát được ra Hà Nội và sang Hong Kong hoạt động với cựu hoàng Bảo Đại.

 

10- Hoạt động của cao uỷ Emile Bolaert

 

Tính đến đầu năm 1947, quân Pháp đã chiếm được toàn bộ Nam Việt, một phần lớn Trung và Bắc Việt, nhưng chỉ thật sự duy trì an ninh ở các thành phố, thị trấn, trong khi tại các vùng nông thôn thì Pháp vẫn không đủ sức kiểm soát được. Và chính tại đây, từng ngày từng giờ vẫn diễn ra chiến sự ác liệt, nhiều lần uy hiếp trực tiếp tới các vùng đô thị.

Thủ tướng Pháp Ramadier cho rằng, nếu cứ tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh theo chiến lược quân sự của cao ủy D’Argenlieu, sẽ gây tốn kém mà khó thắng lợi trước yêu sách đòi độc lập tại Việt Nam. Vì thế, Ramadier nghĩ tới một giải pháp chính trị thực sự để giải quyết toàn bộ cuộc chiến Đông Dương.

Ngày 25-3-1947 tại Paris, Ramadier tuyên bố: Nước Pháp sẵn sàng hậu thuẫn cho các dân tộc Đông Dương được hoàn toàn độc lập, có quân đội và chế độ ngoại giao riêng trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương. Qua tuyên bố mày, Ramadier cũng tỏ ý muốn nối tiếp lại cuộc thương thuyết với Việt Minh.

Ngày 1-4-1947, Emile Bolaert sang Sài Gòn làm tân cao ủy Pháp tại Đông Dương. Từ tháng 4-1947, Bolaert xúc tiến mạnh việc tái lập các cơ cấu hành chánh lâm thời tại vùng tự do. Bolaert cũng phê chuẩn kết quả cuộc bầu cử mới Hội đồng Chấp chánh Trung Việt ngày 12-4-1947 ở Huế và Hội đồng An dân Bắc Việt ngày 19-5-1947 ở Hà Nội. Các uỷ ban và hội đồng hàng tỉnh, hàng quận do người Việt đứng đầu cũng được nhanh chóng bầu cử và thiết lập.

Ngày 13-4-1947, nghị sĩ Paul Reynaul tuyên bố trước Quốc hội Pháp: Hồ Chí Minh là một tên tội phạm nguy hiểm và không thể thương thuyết với hắn; hoặc hắn đã bị điều khiển và tự chứng tỏ thiếu khả năng để buộc chính quân đội của mình tuân lệnh, vậy thì, đó là kẻ thiếu khả năng và cũng chẳng nên thương thuyết với hắn ta nữa. Hôm sau, dân biểu Maurice Violette còn đi xa hơn khi khẳng định: Tinh thần quốc gia ở Việt Nam là phương tiện; còn cứu cánh lại là thực dân Nga Sô.

Tuy nhiên thủ tướng Paul Ramadier cũng còn muốn điều đình với Chính phủ Việt cộng nên tháng 5-1947 cử Paul Mus gặp phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và ngoại trưởng Hoàng Minh Giám để thương thuyết, nhưng có sự phản đối của cố vấn Trung cộng nên cuộc thương thuyết thất bại. Cao ủy Bolaert bèn quay trở lại tích cực thúc đẩy giải pháp Bảo Đại để hình thành một phong trào quốc gia Việt Nam chống cộng.

Lo ngại với sự đẩy mạnh hoạt động của lực lượng cách mạng quốc gia, mật vụ Việt cộng càng tăng cường hoạt động khủng bố, ám sát. Tinh thần quyết tâm chống cộng của các lực lượng cách mạng quốc gia càng được nâng cao thêm nữa sau khi giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ bị Việt cộng sát hại vào đêm 20-4-1947.

Ngày 19-5-1947, cao uỷ Bollaert ký nghị định phê chuẩn bác sĩ Trương Đình Tri làm chủ tịch Hội đồng An dân Bắc Việt, Trần Văn Lý làm chủ tịch Hội đồng Chấp chính lâm thời Trung Việt, Nguyễn Khoa Toàn làm chủ tịch Hội đồng Tư vấn Trung  Việt. Cũng trong ngày này, Bollaert trả Dinh thống đốc cho thủ tướng Nam Việt Lê Văn Hoạch làm phủ thủ tướng.

Từ tháng 6-1947, cao ủy Bolaert liên tiếp cử phái viên sang Hong Kong thương lượng  việc lập chính phủ với cựu hoàng Bảo Đại. Ngày 5-7-1947, Bảo Đại tuyên bố: Mong muốn điều đình trực tiếp và chánh thức với đại diện Chánh phủ Pháp.

Ngày 6-8-1947, Quốc hội Pháp thông qua nghị quyết áp dụng chính sách để cho các nước Đông Dương độc lập trong khối Liên hiệp Pháp và giao quyền cho cao ủy Pháp tại Đông Duơng được tùy tình hình mà có áp dụng mô hình Liên bang Đông Dương hay không.

 

11- Quan điểm của Mỹ về Việt Nam

 

Ngày 19-7-1947, đại sứ lưu động Mỹ William C. Bullit tuyên bố với báo giới: Tất cả mọi người Việt Nam đều mong muốn độc lập. Trong 100 người, không có tới một người là cộng sản, nhưng cộng sản đã cố gắng giành quyền lãnh đạo. Chính phủ Hồ Chí Minh đang bị dân chúng ghê tởm vì quá tham lam và độc ác. Mỹ cần thân thiện với cả người Pháp và người Việt. Vấn đề then chốt ở Việt Nam là phải thiết lập sự cộng tác giữa người Pháp và các phần tử quốc gia ở Việt Nam để tiêu diệt cộng sản. Điều này có thể thực hiện được bởi vì không có mâu thuẫn quyền lợi gì thật sự giữa người Pháp và người Việt Nam. Nếu chính phủ Pháp đồng ý từ bỏ chính sách thực dân cũ lỗi thời thì sẽ bảo tồn được mọi quyền lợi ở Việt Nam và sẽ chấm dứt được chiến tranh bằng một loạt hành động đơn giản sau đây:

1- Dành cho Việt Nam một chế độ như tổng thống Wilson dành cho Phillippines năm 1913.

2- Trục xuất đại diện Việt Minh ở Paris vì là tay sai Liên Xô.

3- Để cho các phần tử quốc gia Việt Nam tự tổ chức về chính trị, kinh tế, quân sự, để họ tự kiểm soát đất nước họ.

4- Khi các bộ máy đã lập ra thì điều đình với họ để thảo ra một hiến pháp bảo đảm được mọi quyền lợi của người Pháp ở Đông Dương và một hiệp ước cho phép Pháp  thành lập một căn cứ quân sự, như ở Cam Ranh chẳng hạn.

5- Để cho họ tự làm lấy việc lôi kéo các phần tử quốc gia hiện chiếm tới hai phần ba trong hàng ngũ kháng chiến và cộng tác với các lực luợng quốc gia để tiêu diệt Việt Minh cộng sản. Các nhà chức trách Pháp ở Đông Dương đã nhận thấy cần phải đi theo một đường lối như vậy. Nếu việc điều đình với phe quốc gia có kết quả trên cơ sở độc lập trong Liên hiệp Pháp thì chúng ta tin rằng có thể cùng một lúc huy động được mọi lực luợng quốc gia hùng hậu đánh bại phe cộng sản.

Lời tuyên bố trên của đại sứ Mỹ là để cụ thể hóa thêm một bước đường lối của tổng thống Truman đã hoạch định trong cuộc họp ba ngày trước đó, cùng với các hoạt động ngoại giao rầm rộ và có trọng tâm thống nhất tiếp theo đó của các viên chức Mỹ, đã tác động mạnh mẽ trực tiếp tới chính sách của Pháp.

 

12- Chương trình sáu bước của Mặt trận Liên hiệp quốc gia

 

Mặt trận Liên hiệp quốc gia và các đảng phái phối hợp tổ chức biểu tình tại Huế (12-8-1947), Sài Gòn (1-9 và 14-9), yêu cầu cựu hoàng Bảo Đại về nước chấp chánh. Trong tháng 8 và đầu tháng 9, liên tiếp có hàng chục đoàn từ Nam, Trung, Bắc sang Hong Kong họp với phái đoàn Bảo Đại.

Ngày 16-8-1947, hộ pháp Cao Đài Phạm Công Tắc tuyên bố ủng hộ Mặt trận Liên hiệp quốc gia và chủ trương mời Bảo Đại về nước chấp chánh. Ngày 18-8, thủ tướng Lê Văn Hoạch gặp đại diện Mặt trận là Nguyễn Văn Sâm, cam kết ủng hộ giải pháp Bảo Đại, đồng thời Chánh phủ Nam Việt khẳng định Nam Việt sẵn sàng là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam thống nhất. Nguyễn Văn Sâm thay mặt Mặt trận đề nghị thủ tướng Hoạch tiếp xúc trực tiếp với Bảo Đại để bàn thảo thống nhất chính sách quốc gia.

Từ ngày 19 đến 22-8-1947 tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Sâm tổ chức hội nghị toàn quốc Mặt trận Liên hiệp quốc gia. Ngày 22-8-1947, Mặt trận ra tuyên bố kiến nghị cựu hoàng Bảo Đại đứng ra lãnh đạo phong trào đấu tranh chống cộng sản để giành thống nhất độc lập cho quốc gia. Các lãnh tụ mặt trận cùng ký tên dưới một bức thư gửi Bảo Đại, yêu cầu chấp nhận thương thuyết với Pháp để bàn việc về nước cầm quyền.

Ngày 27-8-1947, trên hầu hết các báo ở Sài Gòn, Hà Nội và trên báo Climat tại Paris có đăng chương trình sáu bước của Mặt trận Liên hiệp quốc gia:

- Bước 1: Giữ trật tự vững chắc về quân sự.

- Bước 2: Hội đồng Chánh phủ Cộng hòa Nam Việt, Hội đồng An dân Cộng hòa Bắc Việt, Hội đồng Chấp chánh Cộng hòa Trung Việt, cùng cử người thành lập một quốc hội lâm thời thống nhất.

- Bước 3: Quốc hội lâm thời thống nhất ra yêu cầu Bảo Đại thành lập Chánh phủ và thông qua Chánh phủ đó.

- Bước 4: Bảo Đại sẽ lãnh đạo cuộc đàm phán với Pháp để đi tới một hiệp ước.

- Bước 5: Chánh phủ Bảo Đại trở thành chánh phủ hợp pháp của Việt Nam, còn chính phủ cộng sản được coi là phiến loạn, phải nộp võ khí cho Chánh phủ Bảo Đại.

- Bước 6: Tổ chức trưng cầu dân ý sau khi bình định xong nước Việt Nam để lựa chọn chánh thể và hiến pháp, bầu cử Quốc hội.

Ngay sau đó, hầu hết báo chí ở các vùng trong nước có hàng loạt bài cổ vũ cho chính sách của Mặt trận Liên hiệp quốc gia và giải pháp Bảo Đại.

Ngày 5-9-1947, cựu hoàng Bảo Đại tuyên bố tại Hong Kong là muốn tiếp xúc với các lãnh tụ Việt Nam để bàn luận thời sự. Ngay hôm đó, Nguyễn Văn Sâm cũng sang Hong Kong gặp Bảo Đại.

Ngày 9-9-1947, Bảo Đại họp với 24 đại diện ba miền Việt Nam tại Hong Kong. Trong số đại diện này có bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Tâm do Chánh phủ Lê Văn Hoạch cử sang. Bảo Đại tuyên bố sẽ đứng ra liên kết và hợp tác với các đảng phái sau khi đã thương lượng với giới hữu trách Pháp.

Ngày 10-9-1947, cao ủy Bolaert đọc diễn văn tại Hà Đông, khẳng định rõ lập trường dứt khoát không thượng lượng với cộng sản và đưa ra khẩu hiệu mới là: L'Indépendance dans l'interdépendance (độc lập trong tương trợ). 





Các chính khách Việt Nam chụp hình với Bảo Đại và bà Nam Phương tại Hong Kong năm 1947;


Dân chúng Sài Gòn biểu tình ủng hộ giải pháp Bảo Đại (1947)

IV- Thời kỳ thủ tướng Nguyễn Văn Xuân (1947-49)

1- Chánh phủ lâm thời Nam phần Việt Nam – Nội các Nguyễn Văn Xuân

 

Ngày 15-9-1947, thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân từ Pháp về Sài Gòn tham gia giải pháp Bảo Đại theo lời mời của Mặt trận Liên hiệp quốc gia.

Từ Hong Kong trở về ngày 17-9-1947, Nguyễn Văn Sâm nhân danh Mặt trận Liên hiệp quốc gia gửi thư đến tổng thống Mỹ Truman, thỉnh cầu can thiệp vào tình hình Đông Dương. Sâm cũng thành lập nhật báo Quần Chúng ở Sài Gòn làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận.

Ngày 18-9-1947 tại Hong Kong, cựu hoàng Bảo Đại tuyên bố hoan nghênh sự uỷ thác của quốc dân và mong muốn được sớm thương thuyết với đại diện Chính phủ Pháp. Ngày 20-9, Bảo Đại nói sẵn sàng gặp đại diện Pháp ở Hong Kong hay Đông Dương vào bất cứ lúc nào.

Ngày 29-9-1947, Nội các Lê Văn Hoạch từ chức. Ngày 1-10, Hội đồng Tư vấn Nam Việt uỷ thác Nguyễn Văn Xuân lập chánh phủ lâm thời. Ngày 8-10-1947, Nguyễn Văn Xuân tuyên bố đổi tên Cộng hòa Nam Việt thành Nam Phần Việt Nam, và công bố danh sách Chánh phủ lâm thời Nam phần Việt Nam.

Nội các thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cầm quyền từ ngày 8-10-1947 đến 14-6-1949.

- Thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quân đội quốc gia: Nguyễn Văn Xuân.

- Phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Bộ Tài chánh: Trần Văn Hữu.

- Tổng trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Phan Long.

- Tổng trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khắc Vệ.

- Tổng trưởng Bộ Công chánh: Nguyễn Văn Tỷ.

- Tổng trưởng Bộ Canh nông: Trần Thiện Vàng.

- Tổng trưởng Bộ Thông tin: Nguyễn Phú Khai.

- Thứ trưởng Bộ Thông tin: Trần Văn Ân.

Nội các này xúc tiến mạnh mẽ mời Bảo Đại về nước lập Chánh phủ Quốc gia. Cuối tháng 12-1947, Nguyễn Văn Xuân cử Nguyễn Phan Long dẫn đầu một phái đoàn sang Geneva gặp Bảo Đại rồi đi tiếp sang Mỹ vận động Mỹ ủng hộ cho giải pháp Bảo Đại.

Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc cuối năm 1947, Pháp đề nghị đưa Việt Nam, Lào, Cambodia vào Liên hiệp quốc thì bị Liên Xô dùng quyền phủ quyết bác bỏ.

 

2- Hoạt động khủng bố của Việt cộng

 

Hoạt động của lực lượng cách mạng quốc gia tất nhiên làm phe cộng sản lo sợ và căm ghét, nên ra sức chống lại quyết liệt. Tại miền Nam, Lê Duẩn và Nguyễn Bình (Nguyễn Phương Thảo) được lệnh thực hiện ráo riết chiến dịch khủng bốvà ám sát, thủ tiêu các thành phần cách mạng quốc gia và thường dân, phá hoại đồn bót, cầu cống ở khắp nơi. Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp quốc gia Nguyễn Văn Sâm bị ám sát ngày 10-10-1947 trên một chuyến xe buýt từ Sài Gòn vô Chợ Lớn. Hàng chục thành viên các đảng phái thuộc mặt trận cũng bị ám sát hoặc bị thương thành tàn phế. Các căn cứ, trụ sở Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Quốc ở Nam bộ liên tục bị quân Việt cộng đánh phá, mong làm tan rã Mặt trận Liên hiệp quốc gia.

 

3- Tạm ước Hạ Long (7-12-1947)

 

Ngày 18-11-1947, tờ báo Le Monde ở Paris đăng bài của André Blanchet, đề nghị trao trả độc lập cho nước Việt Nam do Bảo Đại lãnh đạo. Báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin các đảng phái cách mạng quốc gia, đoàn thể xã hội đang chuẩn bị đón Bảo Đại về nước.

Cao uỷ Bollaert quyết định tổ chức một cuộc gặp trực tiếp với Bảo Đại.

Ngày 6-12-1947, hai phái đoàn do cựu hoàng Bảo Đại và cao uỷ Bollaert đứng đầu gặp nhau trên một chiến hạm neo tại vịnh Hạ Long.

Bollaert đưa ra một dự thảo hiệp định trong đó nêu rõ Việt Nam, Lào, Cambodia là những quốc gia liên kết trong Liên hiệp Pháp. Bảo Đại sẽ làm thủ tướng Chánh phủ Việt Nam bên cạnh một cao ủy Pháp đứng đầu Hội đồng Tư vấn toàn diện do tổng thống Pháp bổ nhiệm, tức là chính phủ các nước liên kết không có quyền tự trị cả về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao. Các chính phủ liên kết chỉ đảm nhiệm vai trò như các thống đốc, khâm sứ, thống sứ dưới quyền toàn quyền  thời thuộc Pháp chứ chẳng có được nhiều quyền tự trị. Trong khi đó Bảo Đại yêu cầu Việt Nam vẫn chấp nhận nằm trong Liên hiệp Pháp nhưng được tự chủ hoàn toàn. Phải sáp nhập Nam Việt và Tây Nguyên trở về Việt Nam, có chánh phủ riêng, quân đội riêng, tài chánh riêng, tự trị về ngoại giao. Lập trường đôi bên khác nhau quá xa nên hội nghị Hạ Long có nguy cơ tan vỡ.

Cuối cùng ngày 7-12-1947, hai bên ký một tạm ước (protocol) với nội dung thỏa hiệp chung chung, theo đó Pháp hoan nghênh Bảo Đại trở về Việt Nam thành lập chánh phủ thống nhất ba miền. Việt Nam là một nước độc lập trong khối Liên hiệp Pháp. Về ngoại giao sẽ do Pháp đảm nhiệm, nhưng sẽ đưa viên chức người Việt vào ngạch ngoại giao. Về quốc phòng, Việt Nam có quân đội riêng, nhưng quân đội này phải cam kết sẽ tham chiến trong khối Liên hiệp Pháp. Hai bên cũng ký một mật ước, theo đó Pháp cam kết sẽ không thỏa hiệp với chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 10-12-1947, Bảo Đại đi với Đinh Xuân Quảng sang Thụy Sĩ để bắt đầu vận động sự ủng hộ quốc tế.

 

4- Chính quyền Paris công khai ủng hộ Giải pháp Bảo Đại

 

Sau khi ký Tạm ước Hạ Long, ngày 12-12-1947, cao uỷ Bollaert về Pháp báo cáo. Ba ngày sau, 15-12, chính quyền Paris tuyên bố sẽ cho Boallert toàn quyền hành động và thương thuyết cần thiết để tái lập hòa bình và tự do tại Việt Nam. Tuyên bố cũng nhấn mạnh, vì Việt Minh đã bác bỏ đề nghị trong bài diễn văn đọc ngày 10-9 ở Hà Đông nên Pháp đã chấm dứt mọi nỗ lực thương thuyết với Việt Minh.

Ngày 19-12, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân sang Hong Kong gặp Bảo Đại. Ngày 23-12, Chính phủ Paris lại tuyên bố là thể theo lời yêu cầu của bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Paul Coste-Floret, cao uỷ Đông Dương Bollaert được phép xúc tiến việc thương thuyết với tất cả đảng phái thích hợp tại Việt Nam.

 

5- Việt Nam quốc gia liên hiệp

 

Từ năm 1947, lãnh tụ Đảng Việt Nam phục hưng Ngô Đình Diệm bắt đầu chú ý liên lạc với viên chức Mỹ để xin ủng hộ cuộc đấu tranh đòi tự chủ của Việt Nam.

Ngày 21-12-1947, Ngô Đình Diệm và Trần Văn Lý sang Hong Kong gặp Bảo Đại. Ngày 24-12 trước khi sang Geneva, Bảo Đại uỷ nhiệm cho Diệm và Lý về nước tham khảo ý kiến giới chức Pháp và các đảng phái về việc thành lập chánh phủ thống nhất ba miền. Ngày 24-12, Diệm gặp tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong George D. Hopper trao đổi về hiện tình Việt Nam và giải pháp Bảo Đại. Trước đó (18-12-1947), tổng lãnh sự Mỹ Charles Reed ở Sài Gòn đã điện trước cho Hopper rằng Diệm sẽ ghé thăm. Trong báo cáo về Washington, Hopper cho biết là Diệm xin Mỹ ủng hộ trong việc can thiệp buộc Pháp nhân nhượng trong giải pháp Bảo Đại. Hopper hứa sẽ báo cáo về trên nhưng không hứa hẹn gì với Diệm.

Ngày 25-12-1947, bác sĩ Lê Văn Hoạch chủ trì một hội nghị các đảng phái, thành lập Việt Nam quốc gia liên hiệp (Rassemblement National Vietnamien) để ủng hộ giải pháp Bảo Đại, chủ trương lập trường Việt Nam độc lập, thống nhất. 

Ngày 26-12, Ngô Đình Diệm trở lại Sài Gòn, gặp thủ tướng Nguyễn Văn Xuân trao đổi những nội dung mà Bảo Đại đề cập. Theo lời khuyên của Diệm, thủ tướng Xuân cử ngoại trưởng Nguyễn Phan Long sang Geneve gặp Bảo Đại rồi sang Mỹ vận động sự ủng hộ cho phong trào quốc gia Việt Nam.

Sau đó, Diệm tổ chức ra một nhóm thành viên chống cộng thân Mỹ hay ít ra là không thích Pháp. Ở miền Bắc có Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Xuân Chữ, Trần Trung Dung... Ở miền Trung có Trần Văn Lý, đứng ra thành lập Đảng Xã hội Công giáo (6-1948). Ở miền Nam có Bertin, Nguyễn Bửu, Nguyễn Phước Hậu, Trần Tử Hoàng, Trần Văn Soái (Năm Lửa)...

Ngày 8-2-1948, Ngô Đình Diệm gặp Lê Văn Hoạch, tán thành lập trường Việt Nam độc lập, thống nhất của Việt Nam quốc gia liên hiệp.

Ngày 12-2-1948, Diệm cử một phái viên tên Đông về Hà Tiên, Sa Đéc, Cần Thơ, Vĩnh Long tìm gặp thủ lĩnh các lực lượng Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo kháng chiến để vận động ủng hộ Bảo Đại.

 

6- Quan điểm của Mỹ về tình hình Đông Dương

 

Tháng 12-1947, tổng thống Mỹ Truman bắt đầu công khai biểu lộ mối lo ngại về nguy cơ sụp đổ của Trung Hoa dân quốc. Truman cử ngoại trưởng Georges Marshall sang Trung Hoa với hy vọng tìm ra một giải pháp chính trị. Trung cộng và Liên Xô đồng loạt mở chiến dịch công kích Mỹ mãnh liệt trên báo chí. Nguy cơ cộng sản càng khiến Truman quan tâm hơn đến tình hình Đông Dương.

Chiều 26-12-1947, tại cuộc họp trong Bạch Cung có mặt ngoại trưởng Georges Marshall, thứ trưởng ngoại giao Akison, đại sứ lưu động William C. Bullit và một số viên chức khác, tổng thống Truman phát biểu chỉ đạo: Trước hết quan điểm và chính sách tổng quát của chúng ta là châu Âu trước đã. Mỹ đang cùng Anh, Pháp và các đồng minh Tây Âu khác hình thành một liên minh ngăn chận Liên Xô ở châu Âu. Việc khôi phục châu Âu để chống lại ách thống trị của cộng sản ở lục địa này quan trọng hơn nhiều so với phong trào quốc gia của một nước Việt Nam nhỏ bé. Chúng ta không thể vì vấn đề Đông Duơng thúc bách để rồi gây chia rẽ với người Anh và người Pháp, vì trước sau họ vẫn là những người bạn cùng hội cùng thuyền của mình. Chúng ta không thể hình dung nổi những thất bại đó với lợi ích lâu dài của Pháp mà lại không phải là thất bại của chính chúng ta. Tuy nhiên, nếu vấn đề Đông Dương nhùng nhằng mãi, nó sẽ làm suy yếu nước Pháp và như vậy, người Pháp không thể đóng góp nhiều cho liên minh chống cộng ở Tây Âu. Kế hoạch Marshall đang chuẩn bị thực hiện trong năm tới sẽ đóng vai trò quan trọng đối với liên minh này, nhưng kế hoạch đó lại không trực tiếp quyết định đến công việc của người Pháp ở Viễn Đông. Vì vậy, chúng ta phải áp dụng công thức ‘lời khuyên và sức ép’. Lời khuyên để giữ liên minh chặt chẽ với Pháp, và để Paris không tách khỏi quỹ đạo chống cộng. Sức ép để thúc đẩy người Pháp mau chóng đi vào giải pháp Bảo Đại. Có giải pháp đó mới có viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, mới có thể áp dụng điều 4 của chương trình Truman vào Đông Dương.

Cụ thể là qua những bài báo đánh tiếng, qua những cuộc gặp gỡ chính thức, chúng ta phải làm cho người Pháp thấy rằng, nếu họ không có những nhượng bộ có ý nghĩa đối với phong trào quốc gia ở Việt Nam, thì họ ít có triển vọng tốt đẹp trong cuộc chiến tranh kéo dài trên bán đảo Đông Dương. Hồi tháng 2 năm nay, đại sứ chúng ta tại Paris là Bullit đã được tôi chỉ thị bảo đảm với thủ tướng Ramadier về những tình cảm hết sức chân thành của chúng ta đối với Pháp và về sự quan tâm của Mỹ trong việc giúp đỡ những người Pháp phục hồi sức mạnh của họ. Sau đó, ngày 13-5-1947, tôi lại chỉ đạo cho các nhà ngoại giao Mỹ tại Paris, Sài Gòn, Hà Nội rằng: Phải coi sự liên kết với Pháp không những có lợi cho phía Pháp mà còn có lợi gián tiếp đối với chúng ta. Riêng đối với vấn đề Đông Dương, phải làm cho người Pháp thấy rằng chúng ta không có ý định đưa ra bất cứ giải pháp riêng nào của mình hoặc can thiệp vào xứ này. Nhưng Mỹ muốn rằng, sự liên kết giữa Pháp với các nước Đông Dương phải dựa trên cơ sở tự nguyện thì mới lâu bền và hiệu quả. Tình hình kéo dài hiện nay ở Đông Dương chỉ có thể phá hoại sự liên kết và hợp tác tự nguyện đó và sẽ để lại một di sản cay đắng lâu dài vì các dân tộc Đông Dương sẽ xa lánh người Pháp. Mỹ cần làm cho người Pháp hiểu rằng, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách thích hợp để tìm ra một giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Nhưng sự giúp đỡ đó chỉ thành hiện thực khi mà Pháp có một sự hiểu biết cần thiết về phía bên kia và từ bỏ quan điểm và phương pháp thực dân đã lỗi thời và rất nguy hiểm đối với khu vực này. Người Pháp phải học tập kinh nghiệm của người Anh ở Ấn Độ, Miến Điện và của người Hòa Lan ở Indonesia. Những phương pháp của Anh và Hòa Lan đã chứng minh xu hướng của thời đại mà nội dung là các đế quốc thực dân theo kiểu thế kỷ 19 đang mau chóng trở thành chuyện quá khứ.

Chúng ta không thể bỏ qua thực tế là bọn Hồ Chí Minh đang có những mối liên hệ trực tiếp với cộng sản, và tôi, tổng thống Mỹ, một dũng sĩ chống cộng không muốn thấy các chính quyền đế quốc thực dân được thay thế bằng tư tưởng và tổ chức chính trị xuất xứ từ Kremlin và do Kremlin kiểm soát. Tóm lại, chúng ta công nhận vai trò quan trọng của Pháp ở Đông Dương. Chúng ta sẵn sàng ủng hộ người Pháp trong giải pháp Bảo Đại, bằng cách vừa thuyết phục, vừa gây áp lực để đạt kết quả mong muốn là Pháp dứt khoát và mau chóng tán thành nguyên tắc Việt Nam độc lập. Đó là quan điểm của tôi, các ngài có thể căn cứ vào đó mà hoạch định chính sách của Mỹ đối với Đông Dương, cả với Pháp và cả với giải pháp Bảo Đại. Điều đáng chú ý là các viên chức ngoại giao Mỹ ở Paris, Sài Gòn, Hà Nội không được trực tiếp can thiệp, trong khi vẫn nói thẳng cho người Pháp biết rằng, họ sẽ mất Đông Dương nếu họ vẫn phớt lờ lời khuyên của Mỹ, rằng Mỹ sẽ làm bất cứ việc gì cần thiết để tăng cường các nhóm quốc gia ở Đông Dương và lôi kéo các phần tử thuộc phe cộng sản Việt Minh trở về với chánh nghĩa quốc gia.

Ngày 29-12-1947, trên tờ nhật báo Life ở Washington có đăng bài The Saddest war (cuộc chiến bi thảm nhất) của nghị sĩ William C. Bullit, cựu đại sứ Mỹ tại Pháp và Liên Xô, viết: Mỹ cho rằng phải gấp rút công nhận Bảo Đại và giúp đỡ ông tổ chức một quân đội riêng. Nếu Pháp không muốn như vậy thì người Mỹ cũng cần dựa vào đó mà hành động. Phải bảo vệ Đông Dương, một xứ có vị trí chiến lược rất quan trọng khỏi sự thống trị của cộng sản. Thế giới tự do cần có con đường xe lửa Việt Nam để giúp Trung Hoa chống lại Liên Xô. Bullit công khai cổ võ việc Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam như Mỹ đã từng làm với Philippines, giao cho người Việt quốc gia chân chính trách nhiệm lôi cuốn những phần tử quốc gia trong hàng ngũ Việt cộng và tự mình điều hành đất nước.

 

7- Cuộc hội đàm Geneva (7 đến 12-1-1948)

 

Tháng 1-1948, cao ủy Bollaert bay sang Thụy Sĩ từ 7 đến 12-1-1948, năm lần gặp Bảo Đại tại Geneva để thương thuyết về điều kiện hợp tác. Bảo Đại và Nguyễn Phan Long tiếp tục gây sức ép đòi Bollaert phải nhượng bộ, nhất là trong vấn đề độc lập Việt Nam. Nhưng hai bên vẫn không đạt được kết quả nào nên cuộc hội đàm tạm ngưng ngày 12-1. Báo chí Việt Nam và một số tờ báo ở Pháp, Mỹ kịch liệt công kích chính sách đóng băng của Pháp, thậm chí có tờ báo còn cả quyết là Pháp sẽ đàm phán với Việt cộng từ đầu tháng 4-1948.

Để trấn an phía quốc gia Việt Nam, ngày 29-1-1948, Pháp bắt giam Blokov Trần Ngọc Ranh, trưởng phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Paris vì tội móc nối gián điệp chống Pháp. Hôm sau tại Sài Gòn, cao uỷ Bollaert cam kết với báo chí là Pháp nhất quyết không thuơng lượng với Việt Minh.

Nhờ vậy, cuộc hội đàm Bảo Đại-Bollaert lại tiếp tục ở Paris từ ngày 5 đến 10-2-1948, nhưng rồi lại tạm ngưng mà không có kết quả. Tại buổi họp báo chiều 10-2, Bảo Đại phàn nàn người Pháp chưa có thật tâm trao trả chủ quyền Việt Nam, và tuyên bố hủy bỏ cuộc họp tiếp theo dự trù từ ngày 13-2 (tức mồng 4 tết Mậu Tý). Bảo Đại cho biết sẽ tiếp tục chuyến vận động dư luận ở Cannes, sang Geneva, trước khi trở về Hong Kong vào tháng 3-1948.

Vừa lúc đó, sự bất lực và mâu thuẫn trong nội bộ chính thể Pháp, cộng với việc qua một năm chiến tranh vẫn chưa kết thúc chiến sự Đông Dương làm cho lãnh đạo Pháp không thể tiếp tục giữ thái độ cứng rắn mãi với chủ trương phục hồi thuộc địa Đông Dương như trước năm 1945 được nữa. Ở Paris, Đảng Cộng sản Pháp luôn tìm mọi cách khống chế và gây mất ổn định chính trường. Ngân sách quân sự tại Đông Dương năm 1946 là 53 tỉ francs, năm 1947 lên 200 tỉ francs và có khuynh hướng tăng vọt nữa. Đồng franc liên tục sụt giá. Phong trào đình công, nhất là ở vùng Bắc Pháp do Đảng Cộng sản tổ chức dâng cao làm kinh tế thêm khó khăn. Phong trào phản đối chiến tranh Đông Dương do mật vụ cộng sản quốc tế tổ chức đã xuất hiện và lan rộng. Tình hình các thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Chad, Maroq... không ổn định, phong trào chống đối dâng cao. Dư luận thế giới liên tục phản đối sự trở lại của Pháp ở Đông Dương, mà nhất là từ Mỹ. Tờ New York Times còn khẳng định: Pháp là nước duy nhất ở châu Âu còn âm mưu dùng võ lực chiếm giữ thuộc địa ở châu Á.

Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Coste Floret cuối năm 1947 phải thừa nhận: Không thể kéo dài mãi tình trạng này được. Sức ép quốc tế, tình hình tài chính và quân sự không cho nước Pháp có được một sự cố gắng lớn về quân sự tại Viễn Đông. Floret cho rằng: cần phải nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến đã làm nước Pháp mất gần 10.000 binh sĩ đến cuối năm 1947.

 

8- Hoạt động lực lượng quốc gia (đầu năm 1948)

 

Ngày 27-1-1948, lãnh đạo hai giáo hội Cao Đài và Hòa Hảo ký thỏa thuận hợp tác chặt chẽ vì một nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngày 8-2-1948, Việt Nam quốc gia liên hiệp họp hội nghị liên đảng phái ở Huế.

Sau khi thủ tướng Ramadier khẳng định với báo chí Paris vẫn triệt để tín nhiệm Bollaert trong việc thương thuyết với Bảo Đại, ngày 26-2-1948, Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm sang Hong Kong. Ngày 14-3, Bảo Đại cũng từ Geneva về Hong Kong họp với Diệm, sau đó lại họp với chủ tịch của Hội đồng An dân Bắc Việt (Trương Đình Tri) và Hội đồng Chấp chính Trung Việt (Trần Văn Lý) cũng vừa sang tới. Tại miền Nam, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân, bác sĩ Lê Văn Hoạch và các lãnh đạo đảng phái đều cử phái viên sang yêu cầu Bảo Đại xúc tiến nhanh hơn việc thương thảo với Pháp. Xuân khẳng định Chánh phủ Nam Việt ủng hộ nhiệt liệt nước Việt Nam thống nhất ba miền.

Từ ngày 19 đến 26-3-1948, các lãnh đạo giáo hội Hòa Hảo và Dân chủ xã hội đảng gồm Trần Văn Soái, Lê Văn Kính (tức Lương Văn Tường), Lương Trọng Tường (tức Kinh Lý Tường), Phan Khắc Sửu và Nguyễn Hữu Đạt cũng sang Hong Kong họp với Bảo Đại. Ngày 26-3-1948, Bảo Đại viết một thư ngỏ gửi cho lãnh đạo các đoàn thể chính trị và tôn giáo ở Việt Nam, khẳng định chấp thuận việc thành lập một chính phủ lâm thời trung ương Việt Nam để thương thuyết với Pháp, và mong các đảng phái cùng nhất trí ủng hộ chủ trương này. Ngày 27-3, Bảo Đại cử Ngô Đình Diệm về Sài Gòn thông báo với Bollaert là ‘nguyện vọng của Việt Nam giờ đây đã vượt quá những điều khoản Tạm ước Hạ Long tháng 12-1947’.

Cuối tháng 4-1948, thủ tướng Nam Phần Nguyễn Văn Xuân sang Hong Kong gặp Bảo Đại, đề nghị Bảo Đại ký một văn bản lấy tư cách cá nhân hoan nghênh việc Xuân thành lập chánh phủ lâm thời. Đầu tháng 5-1948, Chính phủ Paris tuyên bố ủng hộ việc Xuân làm thủ tướng chánh phủ lâm thời Việt Nam, và ủy nhiệm cao uỷ Bollaert thảo luận ký một hiệp ước với Chánh phủ Nguyễn Văn Xuân với sự chứng kiến của cựu hoàng Bảo Đại.

Ngày 12-5-1948, đại sứ Mỹ tại Paris Caffery điện báo về Washington là vụ trưởng Châu Á Bộ Ngoại giao Pháp vừa tiết lộ rằng chính phủ Paris đã cho phép Bollaert chấp thuận việc thành lập một chánh phủ lâm thời Việt Nam do Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Việc thương thuyết giữa Bollaert và Xuân sẽ dựa trên căn bản Tạm ước Hạ Long ngày 7-12-1947. Bảo Đại sẽ ký tên vào một hiệp ước mới sẽ ký giữa Bollaert và Xuân.

 

9- Bản Tuyên cáo Sài Gòn (20-5-1948)

 

Ngày 10-5-1948, ngoại trưởng Nam Phần Nguyễn Phan Long sang Hong Kong họp với Bảo Đại. Ngày 15-5-1948, Nguyễn Phan Long trở về Sài Gòn, trao cho Nguyễn Văn Xuân một bức công văn của cựu hoàng Bảo Đại ngỏ ý tán thành việc thành lập một chánh phủ trung ương lâm thời Việt Nam do Nguyễn Văn Xuân đứng đầu để ‘giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận quốc tế’. Nguyễn Phan Long giải thích cần phải giải tán Chánh phủ Nam Việt ngay để thành lập Chánh phủ trung ương lâm thời quốc gia Việt Nam.

Ngày 20-5-1948, một nhóm lãnh tụ ba miền gồm 39 người, gồm có hộ pháp Cao Đài Phạm Công Tắc làm chủ tọa danh dự, Nguyễn Văn Xuân, 24 thành viên người Việt trong Hội đồng Tư vấn Nam Việt, Hội đồng An dân Bắc Việt, Hội đồng Chấp chánh Trung Việt và 15 nhân sĩ nổi tiếng, đại diện các đảng phái quốc gia ba miền đã họp đại hội tại Sài Gòn, để thảo luận về chủ trương của Bảo Đại. Hội nghị đã ra một bản tuyên cáo hoan nghênh việc Nguyễn Văn Xuân được Bảo Đại cử thành lập Chánh phủ trung ương lâm thời Việt Nam; khẳng định Việt Nam là một nước đồng minh mà không phải ‘liên hiệp’ (associés); Việt Nam có quyền gửi các lãnh sự ngoại giao; Việt Nam sẽ có những nhân viên ngoại giao ở hải ngoại; Việt Nam phải được các nước ngoài công nhận, ít ra cũng theo chế độ dominion (Úc và Gia Nã Đại) như của Anh quốc.

Ngày 21-5-1948, 39 đại biểu dự Hội nghị nhất trí đề ra một danh sách chánh phủ trung ương lâm thời quốc gia Việt Nam do Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, và 39 người cùng ký vào một bản kiến nghị suy tôn cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng chấp chánh.

 

10- Chánh phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam – Nội các Nguyễn Văn Xuân

 

Ngày 23-5, Nguyễn Văn Xuân ký sắc lệnh số 1, thành lập Chánh phủ trung ương lâm thời Việt Nam; ký nghị định số 2, ấn định tổ chức và chức quyền của chánh phủ. Ngay hôm đó, Xuân và cao uỷ Bollaert trao đổi văn thư về việc thành lập chánh phủ. Ngày 24-5, Nguyễn Văn Xuân dẫn một phái đoàn Chánh phủ sang Hong Kong gặp Bảo Đại. Cũng trong hôm đó, các văn bản về thành lập chánh phủ được trao cho thủ tướng Pháp Robert Schumann ở Paris.

Ngày 27-5-1948, trong một buổi họp báo tại Hong Kong, Bảo Đại tuyên bố thành lập Quốc gia Việt Nam, và nhất trí với danh sách Chánh phủ. Cũng trong ngày hôm đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Pháp tại Paris ra tuyên bố sẵn sàng hợp tác với thành phần tân chánh phủ quốc gia và quốc trưởng Bảo Đại; tuy nhiên, lúc này Chánh phủ trung ương lâm thời Nguyễn Văn Xuân vẫn chưa được Pháp công nhận, vì giới chức Pháp tại Đông Dương cho rằng họ chỉ công nhận một chánh phủ Việt Nam thống nhất sau khi vấn đề thống nhất Nam Việt vào Việt Nam đã có sự biểu quyết chấp thuận của Quốc hội Pháp.

Ngày 31-5-1948, Trần Văn Kiết, phát ngôn viên của cựu hoàng Bảo Đại thông báo:

1- Ông Bảo Đại coi việc lập Chánh phủ lâm thời quốc gia Việt Nam như là một giai đoạn đầu để thương thuyết với Pháp.

2- Ông Bảo Đại chỉ về Việt Nam khi nào được Chính phủ Pháp công nhận là một quốc gia độc lập, thống nhất.

3- Tân chánh phủ quốc gia và ông Bảo Đại sẽ cộng tác mật thiết để cùng phụng sự cho quốc gia.

Ngày 1-6-1948, Nguyễn Văn Xuân công bố danh sách chánh phủ.

Thành phần Chánh phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam gồm

- Chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng kiêm tổng trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ: Nguyễn Văn Xuân.

- Quốc vụ khanh, phó chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng kiêm tổng trấn Nam Phần: Trần Văn Hữu.

- Quốc vụ khanh, tổng trấn Trung Phần: Phan Văn Giáo.

- Quốc vụ khanh, tổng trấn Bắc Phần: Nghiêm Xuân Thiện.

- Quốc vụ khanh, tùng Bộ Quốc phòng: Trần Quang Vinh.

- Tổng trưởng Bộ Thông tin, báo chí và tuyên truyền: bác sĩ Phan Huy Đán (sau đó đổi tên là Phan Quang Đán).

- Tổng trưởng Bộ Quốc gia giáo dục và nghi lễ: Nguyễn Khoa Toàn.

- Tổng trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Hữu Trí (nhưng không nhận chức); do Nguyễn Văn Xuân kiêm nhiệm.

- Tổng trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khắc Vệ.

- Tổng trưởng Bộ Tài chánh, kinh tế quốc gia: Nguyễn Trung Vinh. 

- Tổng trưởng Bộ Công chánh và kế hoạch: Nguyễn Văn Tỷ. 

- Tổng trưởng Bộ Canh nông: Trần Thiện Vàng.  

- Tổng trưởng Bộ Y tế: bác sĩ Đặng Hữu Chí. 

- Thứ trưởng tùng Dinh chủ tịch: Đinh Xuân Quảng.

- Thứ trưởng tùng Bộ Nội vụ: Đỗ Quang Giai.

- Thứ trưởng tùng Bộ Quốc gia giáo dục, đặc trách Thanh niên và thể thao: Hà Xuân Tế.

- Thứ trưởng tùng Bộ Lao động và xã hội: Ngô Quốc Côn.

- v.v…

Sau khi tổ chức một cuộc thỉnh thị dân ý mang tính hình thức và vội vã bằng cách cho đăng dự thảo trên các báo trong nước từ 27 đến 31-5-1948 và được sự chấp thuận của Bảo Đại, ngày 2-6-1948, Nguyễn Văn Xuân ký sắc lệnh số 3, ban hành Pháp quy tạm thời (statut provisoire) Quốc gia Việt Nam, trong đó quy định: quốc hiệu là Quốc gia Việt Nam, quốc kỳ là cờ vàng ba sọc đỏ, quốc ca là bài Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước, thủ đô là Sài Gòn.

Ngày 5-6-1948, Đảng Dân Xã và bộ đội giáo phái Hòa Hảo tuyên bố ủng hộ chính phủ quốc gia. Ngày 26-6-1948, chủ tịch Xuân bổ nhiệm thủ lãnh bộ đội Hòa Hảo Trần Văn Soái (Năm Lửa) hàm thiếu tướng thực thụ, tiếp tục đóng quân trấn giữ miền Tây Nam phần. Ngày 28-6-1948, Nguyễn Văn Xuân bổ nhiệm một chức sắc Hòa Hảo là Lê Công Bộ làm thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngày 9-6-1948, Nguyễn Văn Xuân ra chỉ dụ bổ nhiệm thứ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Giai, thứ trưởng Bộ Lao động và hoạt động xã hội Ngô Quốc Còn.

Ngày 14-6-1948, Nguyễn Văn Xuân ký Sắc lệnh liên quan đến các tổ chức công quyền tạm thời. Theo đó, nước Việt Nam thống nhất chia làm ba miền; thủ đô là Sài Gòn; quốc kỳ là cờ vàng, chiều dọc bằng hai phần ba chiều dài, giữa có ba sọc đỏ, dày bằng một phần mười lăm chiều dọc của lá cờ và cũng cách nhau chừng ấy; quốc ca là Thanh niên hành khúc.

Ngày 17-6-1948, thủ lãnh bộ đội Bình Xuyên Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) đem quân về hợp tác với chính phủ. Vào chủ nhật 1-8, chủ tịch Xuân bổ nhiệm Lê Văn Viễn hàm đại tá tạm thời, tòng sự dưới quyền phó chủ tịch Trần Văn Hữu. Bảy Viễn được đóng bản doanh tại số 31, rue de Canton, Chợ Lớn.

Ngày 25-6-1948, Nguyễn Văn Xuân bổ nhiệm Nguyễn Hữu Trí làm đại diện Việt Nam tại Paris, có Vũ Quí Mão làm đặc vụ viên.

 

11- Hiệp ước Hạ Long (5-6-1948)

 

Từ ngày 4-6-1948 trên chiến hạm Duguay Tuguay Trouin neo ở vịnh Hạ Long, đã diễn ra cuôc đàm phán giữa phái đoàn Pháp do cao ủy Bollaert dẫn đầu và phái đoàn Việt Nam để bàn việc công nhận quyền độc lập tự chủ của Quốc gia Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam gồm Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân cùng các đại diện miền Bắc (Đặng Hữu Chí, Nghiêm Xuân Thiện), miền Trung (Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Khoa Toàn, Phan Văn Giáo), miền Nam (Lê Văn Hoạch, Trần Văn Hữu). Mỗi bên đều đưa ra những yêu sách cũ của mình. Cuối cùng, đôi bên thỏa hiệp ký bản Tuyên ngôn chung (déclaration commune) Việt Pháp, còn gọi là Hiệp ước Hạ Long vào ngày 5-6-1948.

- Điều 1: Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam. Từ rày về sau, việc tự do thực hiện nền thống nhất quốc gia tùy nơi Nước Việt Nam. Về phần mình, nước Việt Nam tuyên bố chịu gia nhập vào Liên hiệp Pháp với danh nghĩa một quốc gia đồng hội với nước Pháp (La France reconnait solennement lindépendance du Vietnam auquel il appartient de réaliser librement son unité. De son côté, le Vietnam proclame son adhésion à lUnion Franceaise en qualité dEtat associé à la France. Lindépendence du Vietnam na dautres limites que celles que lui impose son appartenance à lUnion Franceaise).

- Điều 2: Việt Nam bảo đảm tôn trọng những quyền lợi của công dân Pháp, tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, và dành ưu tiên cho các cố vấn và chuyên viên kỹ thuật Pháp trong việc tổ chức nội bộ cùng kinh tế.

- Điều 3: Các vấn đề về văn hóa, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chánh, kỹ thuật trong quan hệ Pháp Việt sẽ được thảo luận giữa tổng thống Pháp và ngài Bảo Đại để ký hiệp ước chính thức ngay sau bản tuyên bố chung này.

Hai bên cũng ký một phụ bản mật, với một dung tương tự như mật ước ngày 7-12-1947, loại lực lượng Việt cộng ra khỏi vòng thương thuyết. Ngay sau khi ký hiệp ước, Bảo Đại và Bollaert cũng ra tuyên cáo riêng lập lại những điều căn bản trên. Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân đọc bản Tuyên ngôn Quốc gia Việt Nam độc lập, kêu gọi quốc dân đoàn kết, hô vạn tuế nước Việt Nam độc lập và vạn tuế nước Pháp. Ngay sau đó, Bảo Đại rời Hongkong sang Paris để vận động và thương thuyết với tổng thống Pháp.

Như vậy, tuy có tiến bộ hơn Tạm ước 6-3-1946 giữa Việt Minh và Pháp, nhưng Hiệp ước 5-6-1948 vẫn thể hiện rõ ý đồ ngoan cố của Pháp chưa thực tâm giao trả độc lập tự chủ hoàn toàn cho Việt Nam. Hiệp ước 5-6-1948, trên thực tế chỉ là sự công nhận chính thức Chánh phủ Bảo Đại – Nguyễn Văn Xuân có tư cách tiếp tục đàm phán với Chính phủ Pháp. Để giành được trọn vẹn độc lập tự chủ cho Quốc gia Việt Nam còn là một bước dài trong cuộc đấu tranh của các lực lượng cách mạng quốc gia Việt Nam.

 

12- Cuộc vận động đi đến cuộc đàm phán tại Điện Elysèe

 

Mặc dù đã ký Hiệp định Hạ Long 7-6-1948, chính quyền Paris vẫn nấn ná chưa muốn trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam, mà nhất là trước mắt chưa đá động gì đến việc phê chuẩn hiệp định. Việc này làm cao uỷ Bollaert bất mãn, lập tức bay về Paris phàn nàn và tuyên bố chỉ trở lại Sài Gòn sau khi Quốc hội Pháp công nhận Hiệp định Hạ Long 1948. Ngoại trưởng Mỹ Marshall cũng nổ lực can thiệp, nhưng cả hai chính phủ Robert Schumann và André Marie đều ngần ngại việc thúc ép Quốc hội.

Ngày 16-6-1948, quốc trưởng Bảo Đại và đặc sứ Nguyễn Phan Long dẫn phái đoàn sang Pháp vận động chính trường Pháp và các lực lượng quốc tế tại Paris, nhất là người Mỹ hỗ trợ công cuộc giành độc lập trọn vẹn cho Quốc gia Việt Nam. Trong báo cáo ngày 10-7-1948 gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ, đại sứ Mỹ tại Paris nhận xét: Thái độ ngoan cố của người Pháp chứng tỏ họ chưa thấy một thực tế là nước Pháp hiện đứng trước ngã ba đường phải lựa chọn, hoặc là rành mạch và nhanh chóng chuẩn y nguyên tắc Việt Nam độc lập khỏi Liên hiệp Pháp và thống nhất ba miền của Việt Nam, hoặc là mất cả Đông Dương.

Tướng Pháp Marchal cũng tuyên bố: Dư luận không thể tin vào thiện chí của người Pháp chúng ta được vì Pháp chưa trao trả chủ quyền cho họ, người Pháp chúng ta nói tôn trọng chủ quyền Việt Nam nhưng vẫn duy trì bộ máy cai trị gần 17.000 nguời, tức là đông gấp 4 lần so với năm 1939.

Ngày 3-7-1948, ngoại trưởng Mỹ Marshall điện cho phụ tá vụ trưởng Tây Âu Woodruff Wallner đang có mặt tại Paris: 1- Mặc dù vấn đề thống nhất ba miền Việt Nam cần Quốc hội Pháp phê chuẩn, nhưng thủ tướng Robert Schumann cũng cần công khai yễm trợ chữ ký của Bollaert. 2- Liệu Chính phủ Schumann có gặp trở ngại gì khi đưa ra Quốc hội biểu quyết việc thống nhất ba miền?. 3- Cho dù Schumann ngại ngần chưa muốn đưa vấn đề ra trước Quốc hội, nhưng có lẽ cũng cần những lãnh đạo cao cấp nhất như Schumann, Bidault và Coste-Flochet cùng chung sức. 4- Vấn đề sáp nhập Nam Việt chỉ khó khăn trong hiện tại? Nếu vậy thì lúc nào mới thuận lợi? 5- Cần có những nhượng bộ nào để chứng tỏ sự thành khẩn khởi đầu? Cuộc chiến ở Việt Nam đã kéo dài gần ba năm, và Pháp khó đạt một chiến thắng quân sự toàn diện. Cuộc chiến này làm suy yếu kinh tế Pháp và mối liên hệ giữa phương Tây với các dân tộc phương Đông. Quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ là nếu cố tiếp tục sử dụng những viên chức thân Pháp mà Pháp đã chọn suốt hai năm qua chỉ giúp phe Hồ mạnh hơn, và bảo đảm việc xuất hiện một quốc gia do cộng sản thống trị, làm chư hầu Liên Xô. Để tránh việc này, điều quan trọng hơn cả là phải giúp cho chính phủ trung ương hiện nay, hoặc bất cứ một chính phủ chống cộng nào, một cơ hội thành công bằng những nhân nhượng có thể thu hút đại đa số những thành phần không cộng sản.

Sáng 9-7-1948, cao uỷ Bollaert nói với báo chí đang đòi Quốc hội phải phê chuẩn Hiệp định Hạ Long 1948 như một điều kiện để trở lại Đông Dương. Bollaert cũng yêu cầu Chính phủ Schumann và Quốc hội phải có hành động trước cuối tháng 7-1948. Bollaert cho biết vừa thuyết phục được Schumann đệ trình Quốc hội toàn bộ hồ sơ Hiệp định Hạ Long.

Trưa 9-7-1948, Bollaert ăn trưa với Bảo Đại. Khi Bollaert hỏi chừng nào về nước, Bảo Đại đáp là chừng nào Pháp trả Nam Phần về cho Việt Nam và công nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Ngày 13-7-1948, phụ tá Vụ Tây Âu Bộ Ngoại giao Mỹ Wallner đang ở Paris báo cáo về Washington là: Chính phủ Schumann đang chuẩn bị ra điều trần về ngân sách quân sự và quĩ yễm trợ kinh tế trước khi Quốc hội tái nhóm ngày 15-7-1948, nên có lẽ chẳng dám ném ra gói thuốc nổ Đông Dương. Trong khi đó tại Quốc hội, đảng Cộng sản, đảng Xã hội Gaullist và đảng PRL chắc chắn sẽ chống đối mạnh. Schumann có lẽ sẽ không đưa vấn đề ra Quốc hội, nhưng Bollaert thì nhất quyết đòi Quốc hội thông qua, bằng không sẽ từ chức. Wallner đề nghị ngoại trưởng Mỹ Marshall nên khuyến cáo với Schumann là nước Pháp đang đứng trước hai con đường: hoặc là chấp nhận ngay nguyên tắc Việt Nam độc lập và thống nhất trong Liên hiệp Pháp, hoặc sẽ mất cả Đông Dương vào tay cộng sản.

Ngày 14-7, G. Marshall chấp thận quan điểm và đề nghị của Wallner, chỉ thị cho đại sứ Caffery đến trình bày với thủ tướng Schumann (15-7). Schumann trả lời là đang nghiên cứu vấn đề nhưng đang gặp tình thế cực kỳ khó khăn.

Vào lúc đó, trong Quốc hội Pháp có một bộ phận thiểu số tả-cộng luôn xem lợi ích của cộng sản quốc tế và quan thầy Liên Xô là mục tiêu chiến lược bao trùm hàng đầu. Theo chỉ đạo của Liên Xô và Trung cộng, phe nghị sĩ tả cộng phải đả kích và ngăn trở việc phê chuẩn Hiệp định Hạ Long 1948. Nếu hiệp định này được phê chuẩn, thì đương nhiên cũng là hủy bỏ Hiệp định 1862 và 1874 theo đó Nam kỳ là thuộc địa của Pháp. Nếu Nam kỳ vẫn là thuộc địa Pháp thì Việt cộng sẽ còn lý do đả kích Pháp và phía quốc gia, bằng ngược lại thì phía quốc gia sẽ hoàn toàn nắm giữ ngọn cờ chính thống và chính nghĩa, điều mà Việt cộng sợ nhất và ghét nhất.

Thấy rõ điều này và lo ngại đưa sự việc ra Quốc hội, ngày 17-7-1948, bộ trưởng hải ngoại Coste-Floret đề nghị các bên ‘cứ chấp nhận ngầm’ với những thỏa thuận đã đạt được, và cứ tiếp tục thương thảo những thỏa thuận kỹ thuật từ mùa thu năm 1948 mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Nhưng ngày 19-7, Bollaert khẳng định Quốc hội phải phê chuẩn Hiệp định Hạ Long.

Tình thế càng khó khăn cho Chính phủ Pháp, khi bên cạnh việc đả kích của phe tả cộng về việc từ bỏ thuộc địa Nam kỳ, thì Hiến pháp nước Pháp đã quy định vấn đề thay đổi lãnh thổ thuộc địa phải thông qua cuộc một trưng cầu dân ý, mà trong hoàn cảnh hiện tại, việc này là không thể thực hiện được.

Vì thế, ngày 19-7-1948, thủ tướng Schumann tuyên bố từ chức. Ngày 21-7, André Marie được cử làm thủ tướng. Ngày 26-7, tân chính phủ nhậm chức, trong đó cựu thủ tướng Schumann lại nắm chức ngoại trưởng. Ngày 5-8, đại sứ Mỹ tại Paris Caffery lại báo cáo về Washington là Bollaert vẫn không chịu trở lại Đông Dương nếu Quốc hội Pháp không thảo luận về Hiệp định Hạ Long, và Bollaert khẳng định Hiệp ước này phải trở thành hiến chương của nền bang giao Pháp-Việt (Charte des rapports Franco-Vietnamiens). Ngày 19-8, thủ tướng Marie tuyên bố ủng hộ bản Tuyên ngôn chung Hạ Long.

Bảo Đại cũng tuyên bố chưa trở về Việt Nam chừng nào Chính phủ Paris chưa công khai xé bỏ Hiệp định từng biến Nam kỳ thành thuộc địa Pháp, và liên tục nhờ Bộ Ngoại giao Mỹ can thiệp.

Việt cộng kịch liệt đả kích bản hiệp định Hạ Long, Bảo Đại và các thành viên chính phủ quốc gia, mở tòa án nhân dân kết án tử hình vắng mặt Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân và 11 nhân sĩ quốc gia khác. Du kích Việt cộng gia tăng khủng bố, ám sát trong vùng tự do. Phong trào ly khai hàng ngũ Việt cộng chạy về phía quốc gia, mà Việt cộng gọi là “phong trào về tề” lôi cuốn hàng chục ngàn người ; buộc Việt cộng phải nỗ lực trấn áp để ngăn chặn, trong đó hình thức phổ biến là chôn sống người tình nghi và ám sát nguội người đã về thành.

Ngày 1-8-1948, đặc sứ của quốc trưởng Việt Nam là Nguyễn Phan Long dẫn đầu một phái đoàn sang Mỹ.

Ngày 28-8, thủ tướng Pháp André Marie lại từ chức. Ngày 30-8, cao uỷ Bollaert trở về Sài Gòn, nói là để sắp xếp công việc. Mãi đến ngày 11-9, Henri Queuille mới được cử làm thủ tướng lập chính phủ mới, với cựu thủ tướng Schumann làm ngoại trưởng, cựu thủ tướng Ramadier làm bộ trưởng Quốc phòng. Tháng 10-1948, cao uỷ Bollaert về Paris và tuyên bố từ chức. Ngày 20-10, thủ tướng Queuille cử Léon Pignon làm cao uỷ Đông Dương. Pignon liền xúc tiến ngay việc thương thuyết với Bảo Đại, vì lúc này Mỹ tỏ ra căng thẳng đòi Pháp phải dứt khoát trong vấn đề Đông Dương.

Cuối tháng 8 đầu tháng 9-1948, đại sứ Mỹ ở Paris liên tiếp nhận được chỉ thị từ Washington thúc giục gặp Bộ Ngoại giao Pháp, đề nghị Pháp nên ban bố một đạo luật hoặc có một hành động dứt khoát để tiến tới thống nhất Việt Nam và mở cuộc đàm phán ngay tức khắc về những bước cụ thể tiến tới chế độ chính trị như hiệp định Hạ Long 5-6-1948 đã đề ra. Đại sứ cũng nói rõ với đại diện Bộ Ngoại giao Pháp: Mỹ sẵn lòng công khai tán thành các biện pháp cụ thể của Chính phủ Pháp để đối phó với vấn đề chính trị cơ bản ở Đông Dương. Mỹ cũng sẵn lòng cứu xét việc giúp đỡ Chính phủ Pháp về mặt viện trợ tài chánh thông qua chương trình luật hợp tác kinh tế (ECA) nhưng không thể xét đến việc thay đổi chính sách của mình hiện nay về vấn đề này nếu chưa có tiến bộ thực sự tiến tới một giải pháp không cộng sản ở Đông Dương dựa trên sự hợp tác của các phần tử quốc gia tại nước đó.

Sự hối thúc của Mỹ đáp lại cuộc vận động ngoại giao con thoi của Nguyễn Phan Long đã có hiệu quả. Cuộc đàm phán Pháp-Việt lại tiếp tục từ tháng 1-1949 tại Paris. Ngày 2-1-1949, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân dẫn đoàn đàm phán sang Paris. Lần này, Bảo Đại dựa vào Hiệp ước 5-6-1948 đã ký để yêu cầu đích thân tổng thống Vincent Auriol dẫn đầu phái đoàn đàm phán Pháp hội đàm với đoàn Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu.

Ngày 17-1-1949, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Lovett gửi công điện cho đại sứ Caffery tại Paris: Mỹ muốn thấy Pháp đi đến thỏa thuận với Bảo Đại hay bất cứ một nhóm quốc gia chân chính nào khác có khả năng tập hợp quảng đại dân chúng, và không thể nào cam kết yễm trợ một chính phủ không vận động được dân chúng ủng hộ, sẽ trở thành một chính phủ bù nhìn và tách rời quần chúng nếu chỉ đơn thuần dựa vào binh lực Pháp. Caffery sẽ được thông báo về hành động phối hợp Mỹ, Anh và Pháp để chống cộng sản sau khi nhận được báo cáo của Anh quốc.

Qua sự vận động của Ngô Đình Diệm và Hồng y Spelman và để thúc đẩy thiện chí của Auriol, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua đại sứ tại Paris chính thức chuyển giao một công hàm ký ngày 17-1-1949 gửi tổng thống Auriol, ghi rõ: Một mùa hè thứ hai của cuộc chiến tranh đã trôi qua năm 1948 mà không xua tan được đám mây mù quân sự đang bao phủ trên đất Đông Dương và chưa làm cho giải pháp về Bảo Đại  thực sự trở thành sự an tâm đối với những người yêu nước Việt Nam. Trong lúc Mỹ vẫn mong muốn người Pháp dàn xếp được với lực lượng Bảo Đại hoặc với bất cứ nhóm quốc gia nào thực sự có triển vọng để tranh thủ đại bộ phận dân chúng (như ông Ngô Đình Diệm chẳng hạn), Mỹ không tự trói buộc mình phải ủng hộ một chính phủ bản xứ nào tồn tại chỉ nhờ vào sự có mặt của quân đội Pháp. Chính phủ đó phải được Pháp tôn trọng thực sự với trọn vẹn quyền độc lập tự chủ, đủ sức thu phục lòng dân Việt Nam.

Ngày 20-1-1949, đại sứ Caffery điện báo cáo về Washington là cao uỷ Pignon vừa cho biết đã đạt được các điểm nhất trí căn bản với Bảo Đại. Hai bên đồng ý rằng cần được Quốc hội Pháp phê chuẩn việc trả lại Nam Việt trước khi chính thức công bố các điểm thỏa thuận để đảm bảo rằng toàn thể dân chúng Việt Nam đều ủng hộ giải pháp Bảo Đại. Vấn đề chủ quyền Việt Nam sẽ gồm cả hai lãnh vực: ngoại giao và nội bộ. Về nội bộ, việc bàn giao cơ cấu hành chánh Nam Việt từ Pháp sang Việt Nam có thể thực hiện bất cứ lúc nào, nhưng về tư pháp thì cần thêm sắc luật của Quốc hội Pháp. Chính phủ Pháp đang nghiên cứu chuyển hồ sơ sang Quốc hội, để Quốc hội bàn thảo việc này trước ngày bầu cử hàng tổng 15-3-1949. Nếu chính phủ thay đổi lập trường hay Quốc hội không phê chuẩn thì cao uỷ Pignon sẽ từ chức.

Vào đầu năm 1949 lúc đó, tình hình thế giới đang qua một khúc quanh gay cấn. Điểm trọng lực của xu thế chung xoay từ Cận Đông sang Á châu Viễn Đông. Sau khi một quốc gia Do Thái được 24 nước thừa nhận ngày 25-1-1949 và đại tướng Markos của Phong trào Hy Lạp tự do được Chính phủ Hy Lạp chấp nhận những điều kiện hòa giải, thì dư luận hoàn cầu phải ngoảnh mạt nhìn về phương Đông.

Tại Trung Hoa, Trung cộng quân đã chiếm gần hết miền Bắc. Sau khi Phó Tác Nghĩa bác bỏ yêu cầu đầu hàng, thành Bắc Bình bị 300.000 quân Trung cộng công kích mãnh liệt trong khi Thiên Tân thất thủ ngày 12-1-1949. Ngày 23-1-1949, Trung cộng quân chiếm được Bắc Bình và ngay lập tức đổi tên thành Bắc Kinh để thể hiện rõ quyết tâm sẽ tiếp tục chiếm Nam Kinh cho đủ bộ. Trung cộng rầm rộ kéo 100.000 quân chinh nam. Chính phủ Tưởng Giới Thạch thấy Nam Kinh bị uy hiếp nên ngày 19-1-1949 quyết định dời đô về Quảng Châu, đồng thời đề nghị thương lượng hòa giải. Ngày 22-1-1949, Mao Trạch Đông đưa ra 8 điều kiện hòa bình dù biết chắc rằng Quốc dân đảng không thể nào chấp nhận nổi. Ngày 21-1-1949, Tưởng Giới Thạch giao quyền tổng thống cho phó tổng thống Lý Tôn Nhân, rồi tuyên bố rút khỏi chính trường, lui về ở tỉnh Chiết Giang. Ngày 2-2-1949, Chính phủ Quốc dân đảng chính thức hoạt động ở tân đô Quảng Châu thì trên phòng tuyến 125 dặm dọc sông Dương Tử sắp diễn ra một trận huyết chiến mới. Quân Trung cộng áp sát phòng tuyến. Trước tình thế này, Tưởng Giới Thạch lên tiếng sẽ lãnh đạo Hoa Nam kháng chiến nếu Nam Kinh và Thượng Hải thất thủ để trấn an phần nào xu thế rã rời đang lan nhanh trong hàng triệu quân Trung Hoa dân quốc. Ván cờ máu lửa ở Trung Hoa sắp tàn cuộc rồi.

Trước cuộc Nam tiến của Trung cộng, thủ tướng Thái Lan là thống chế Luang Phibunsongkhram tỏ vẻ lo ngại, ngày 25-2-1949 tuyên bố muốn đóng cửa biên giới Thái và bắt đầu chính sách trung lập. Tuyên bố buổi sáng thì đến trưa hôm đó, nhiều sĩ quan cao cấp thân cộng của Thái làm cuộc đảo chánh cướp chính quyền, nhưng nhanh chóng thất bại. Tại Cambodia, chính phủ của thủ tướng Penn Nouth bị Quốc hội lật đổ, cử Yem Sambaur làm thủ tướng lập nội các mới.

Tại Pháp, trước hiểm họa cộng sản Trung Hoa nối liền với Đông Dương và tin tình báo cho hay toán tiền trạm Trung cộng đã chuyển giao tại Bình Liêu giáp Bát Xát (Lào Cai) cho tướng Chu Văn Tấn số võ khí, phương tiện đủ trang bị cho 13 trung đoàn vào ngày 20-1-1949, báo hiệu một sự chuyển hướng chiến lược là quân Việt cộng sắp chuyển từ phòng ngự sang cầm cự và tấn công Pháp, buộc bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Coste Floret phải bắt đầu hoạch định một chính sách mới đối với Đông Dương. Ngày 25-1-1949, Floret tuyên bố thành tâm muốn sớm thấy quốc trưởng Bảo Đại về nắm quyền ở Việt Nam. Đang điều đình với Bảo Đại, ngày 22-1-1949 cao uỷ Pignon phải bay về Sài Gòn để đối phó với tình hình cấp bách. 

Trong tháng 2-1949, nội tình Pháp rối ren cực độ. Chính phủ mới của thủ tướng Queuille họp liên tục để đối phó với hàng loạt vấn đề về an ninh xã hội, thuế má, bưu điện, trẻ em phạm tội, mức lương tối đa và tối thiểu đang bị thợ thuyền đòi hỏi, và đã ra nghị quyết ngày 20-2-1949 nhưng giới thợ thuyền Pháp không thỏa mãn, tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn. Tổng công đoàn Pháp kêu gọi toàn thể lao động Pháp tổng bãi công. Ngày 19-2-1949, Đảng Cộng sản Pháp lại phát động bãi công chống đạo luật cấm biểu tình.

 Phái đoàn Bảo Đại-Nguyễn Văn Xuân-Nguyễn Phan Long thấy Pháp đang ở thế kẹt nên càng vận động ráo riết Mỹ và Anh ủng hộ.

Ngày 15-2-1949, Hội đồng Tư vấn Nam Việt ra tuyên bố Nam Việt Nam là một thành phần không thể tách rời trong nước Việt Nam thống nhất, nhưng những đặc tính của Nam kỳ phải được kính nể trong Việt Nam thống nhất. Ngày 19-2-1949, phó thủ tướng Trần Văn Hữu đi cùng Trần Văn Khá và Jacquemart sang Paris để nhấn mạnh điều này trong cuộc tiếp xúc với Bảo Đại và trong cuộc đàm phán Trần Văn Hữu – Coste Floret. Hôm sau, 20-2-1949, bộ trưởng hải ngoại Coste Floret hứa sẽ dành cho Nam Việt được hưởng nền tự trị rộng rãi trong chính sách Việt Nam thống nhất.

Cục diện Hoa lục làm cho cuộc thương thuyết Pháp-Việt nhanh chóng vượt qua các trở ngại kỹ thuật. Ngày 17-2-1949, chánh văn phòng của Bảo Đại là hoàng thân Bửu Lộc từ Cannes bay về Paris. Ngay tối hôm đó, Bửu Lộc cho đại sứ Mỹ Caffery hay rằng Bảo Đại sẽ được tổng thống Pháp Vincent Auriol mời lên Paris ký hiệp ước vào tuần sau, và khi ký xong sẽ về Việt Nam có thể là bằng tàu chiến vào đầu tháng 4-1949.

Ngày 20-2-1949, nguyên lão nghị viện Pháp Avinin sau chuyến thăm Đông Dương trở về, ra tuyên bố cho biết: Các vấn đề quân đội, ngoại giao và tài chính của Việt Nam sắp được giải quyết xong. Ngày 25-2, Chính phủ Pháp cho báo chí Paris công bố nội dung dự thảo thỏa ước Pháp-Việt.

Ngày 2-3-1949, lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp tổ chức cuộc điều đình với các lãnh đạo Việt Nam: Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Khá...

Ngày 3-3-1949 trong khi tại Sài Gòn, Hội nghị Nam Phần Việt Nam khai mạc và giông tố lớn nổi lên trong cuộc bàn cãi tại hội nghị để xem xét vấn đề mức độ tự trị Nam Việt trong nước Việt Nam thống nhất thì tại Paris, quốc trưởng Bảo Đại và tổng thống Auriol đều tuyên bố là một hiệp ước Pháp Việt dung hòa và thỏa mãn Việt Nam về các vấn đề ngoại giao, quân sự và lý tài sắp sửa được ký kết.

Ngày 6-3-1949, tình báo Pháp báo cáo: Việt cộng vừa triệu tập một cuộc họp các chỉ huy quân sự cấp trung đoàn tại Đồng Tháp Mười, hoạch định kế hoạch tấn công trả đũa việc Bảo Đại hồi hương, vào những ngày không trăng từ 22 đến 28-3. Và sau đó, Việt cộng đã thật sự đẩy mạnh hoạt động chống phá ở các đô thị và vùng ven đô.

 

13- Hiệp định Paris 8-3-1949

 

Cuối cùng, do tình hình nóng bỏng của thế giới và nội tình nước Pháp, do sức ép gay gắt của Mỹ – Anh và sự đấu tranh của các lực lượng quốc gia, cuối cùng tổng thống Vincen Auriol chấp thuận ký kết với quốc tưởng Bảo Đại bản hiệp định Paris tại điện Elysée ngày 8-3-1949, còn gọi là Hiệp định Elysée. Dự lễ ký về phía Việt Nam có quốc trưởng Bảo Đại, Trần Văn Hữu, Nguyễn Phan Long, Bửu Lộc, Vĩnh Cẩn.

Nội dung đại thể như sau

- Nước Pháp khẳng định Quốc gia Việt Nam là một quốc  gia độc lập, và dân chúng có quyền tự do quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình.

- Mọi nội dung của bản Hiệp ước bảo hộ 1884 đều bị bãi bỏ, kể cả việc vua Đồng Khánh nhượng cho Pháp ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

- Quốc gia Việt Nam có tổ chức hành chánh và chánh quyền riêng, chế độ tư pháp riêng, nền tài chánh riêng, quân đội riêng, chế độ ngoại giao riêng.

- Quốc gia Việt Nam chấp nhận là một quốc gia liên kết trong Liên hiệp Pháp. Việc liên kết này thể hiện ở chỗ: Về ngoại giao: Việt Nam phải hợp tác với Pháp. Về quân sự: Việt Nam sẽ có một quân đội riêng để duy trì trật tự, an ninh nội địa và bảo vệ đế quốc (la défense de l'Empire). Trong trường hợp tự vệ, có thể được các lực lượng Liên hiệp Pháp yễm trợ (appuyé par les forces de l'Union francaise). Quân đội Pháp được đóng tại Việt Nam để phối hợp ngăn chận cộng sản cho đến khi hiểm họa này không còn và được sự yêu cầu của Chánh phủ Việt Nam rút đi. Quân đội Việt Nam cũng tham dự vào cuộc bảo vệ biên cương của toàn khối Liên hiệp Pháp. Về tài chánh: Việt Nam cùng Lào, Cambodia sẽ hợp thành một liên hiệp tiền tệ và quan thuế. Về kinh tế: Việt Nam phải bảo đảm các xí nghiệp, tài sản, trường học Pháp và phải mời các cố vấn chuyên viên Pháp trước tiên khi cần đến. Về văn hóa: Việt Nam và Pháp tăng cường các liên hệ và trao đổi về văn hóa, giáo dục.

Ngay sau khi ký hiệp ước, tổng thống Auriol gửi cho quốc trưởng Bảo Đại một bản thông điệp giải thích về vấn đề thống nhất và chế độ ngoại giao của Việt Nam. Về việc tái nhập Nam Việt vào Việt Nam, tổng thống Pháp tuyên bố nếu Hội đồng Lãnh thổ Nam Việt biểu quyết đồng ý sáp nhập Nam Việt trở lại Việt Nam thì tổng thống Pháp sẽ nhanh chóng trình Quốc hội Pháp xem xét biểu quyết phê chuẩn quyết định đó. Về vấn đề ngoại giao, trước mắt Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam thành lập đại sứ quán tại Thái Lan, Ấn Độ, Trung Hoa, với các nước khác thì sẽ thực hiện sau theo yêu cầu và khả năng tự đảm đương của Việt Nam.

Bên trong hậu trường, bộ trưởng hải ngoại Coste-Floret vận động Quốc hội Pháp nhanh chóng thông qua đạo luật cho phép thành lập một hội đồng lãnh thổ Nam kỳ (Assemblée Territoriale de Cochinchine), gồm 12 đại diện người Pháp và 24 đại diện người Việt, để quyết định số phận Nam kỳ. Mọi viên chức Pháp phải giữ kín nội dung Hiệp định Paris 8-3-1949 cho tới ngày Bảo Đại về nước, dự kiến vào ngày 25-4-1949, để tạo ra một kích thích tâm lý (choc psychologique) trong dân chúng đối với Bảo Đại và chính thể quốc gia; riêng phụ bản các điều thỏa thuận sẽ chỉ công bố từ ngày 18-6-1949.


 




Bảo Đại và Auriol tại điện Elysée ngày 8-3-1949
 
 
Ngày 9-3-1949, Quốc hội Pháp bắt đầu thảo luận về Hiệp định Paris 8-3-1949 và nhất là vấn đề trả lại Nam kỳ. Quả nhiên phe tả cộng lại điên cuồng chống đối. Báo Franc-Tireur của Đảng Xã hội Gaullist lập tức đăng một lá thư đề ngày 17-1-1949 của Guy Mollet gửi thủ tướng Queuille, đòi bác giải pháp Bảo Đại và kêu gọi thương thuyết với Việt cộng. Dân biểu Jean Guillon tuyên bố: Giải pháp quân sự không thể thắng. Thực lực của Bảo Đại ở Việt Nam còn đang rất yếu ớt. Việt Nam đang phụ thuộc vào Hồ Chí Minh. Phải ưu tiên thương thuyết với Hồ Chí Minh (La solution militaire n'est pas obtenue. Bao Dai ne jouit d'aucune autorité au Viet Nam. Le Viet Nam est derrière Ho Chi Minh. Il faut traiter en premier lieu avec Ho Chi Minh). Hôm sau, 10-3, các dân biểu cộng sản và xã hội Gaullist tiếp tục chống đối. Guillon nói: Đó là sự sao chép vụng về của Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946, chỉ là một mớ hình thức. Việc làm của Coste-Floret chỉ thếp vàng lại một ông vua vừa bị phế bỏ, được biết nhiều ở các sân golf tại Cannes hay ở các hộp đêm hơn là trong tầng lớp nông dân. Guillon cũng cho rằng Chính phủ Pháp đã chịu áp lực của Mỹ, nhắc lại chuyến đi của cựu đại sứ Mỹ Bullit ở Paris sang thăm Đông Dương vào tháng 9-1948, rồi cảnh cáo rằng thanh niên Pháp đang bị giết để làm lợi kinh tế cho Mỹ. Theo Guillon, thực ra chủ tịch Hồ Chí Minh không làm hài lòng Bullit vì trong thời gian Nhật đầu hàng, Hồ đã từ chối những đề nghị do tướng Gallagher nhân danh Washington đưa ra. Guillon cũng dẫn lời của Cuisinier trên báo Revue socialiste số tháng 7-1948, nhận định về Hồ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qui tụ được những người quốc gia không đảng phái cũng như một số đông những người Kitô giáo yêu nước. Chống lại ông ta chỉ có cựu quan lại, cựu công chức, vài nhà tư bản giàu có, mà không phải tất cả họ, và những cá nhân dưới chế độ Nhật hay Pháp, đã nghĩ đến sự gia tăng quyền lợi bản thân mà họ có thể rút ra từ phe này hay phe khác, dù không vì bất cứ phe nào, trước khi nghĩ đến tổ quốc hay việc bảo vệ một lập trường chính trị. Guillon còn dẫn lời cựu thủ tướng Léon Blom trên báo Le Populaire ngày 6-8-1947: Thưa vâng, người ta phải thương thuyết với những đại diện thực sự và xứng đáng của dân chúng Việt Nam, bất kể họ là ai, bất kể chính kiến hay cá nhân nào. Vâng Hồ Chí Minh chưa chết, dù ai có nói gì đi nữa thì ông ta cũng vẫn còn sống, đã mới gặp ông Paul Mus, đã vừa gửi cho tôi một công hàm ít ngày trước, mới là đại diện chính thức và xứng đáng của dân chúng Việt Nam.

Thế nhưng người Pháp lúc này ai nấy đều đã quá hiểu rõ bộ mặt thật của Hồ và Việt cộng, vì thế ngày 11-3-1949, Quốc hội Pháp biểu quyết đồng ý quy chế thành lập Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ với số phiếu 387/193. Dự luật được chuyển tiếp lên Thượng viện. Hôm sau, là chủ nhật 12-3, Thượng viện thông qua dự luật thành lập Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ sau vài sửa đổi với số phiếu 185/97. Dự luật được gửi lại Hạ viện. Hạ viện chấp thuận. Luật được đăng trên công báo ngày 24-3-1949.

 

14- Nam Việt trở về lãnh thổ Việt Nam

 

Ngày 14-3-1949, tổng thống Auriol ban hành Luật tổ chức Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ. Theo đó, Hội đồng gồm 16 người Pháp với 12 đại biểu nghiệp đoàn và thương gia, 4 hành nghề tự do; và 48 người Việt, trong đó có 8 đại biểu Sài Gòn-Chợ Lớn, 40 đại biểu các tỉnh. Ngày 23-3, thủ tướng Queuille ra nghị định áp dụng Luật tại Đông Dương.

Ngày 10-4-1949, Chánh phủ Quốc gia và Phủ Cao uỷ triệu tập một danh sách gồm 700 người Pháp và 1.000 người Việt tiêu biểu trong các giới để bầu ra Hội đồng lãnh thổ Nam Việt, gồm 54 thành viên, có 14 người Pháp và 40 người Việt. Ngày 24-4, Hội đồng lãnh thổ Nam Việt họp, nhất trí 54/54 tái nhập Nam Việt vào Việt Nam.

Ngày 13-4-1949, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân ra nghị định thành lập Vệ binh quốc gia Việt Nam, nhưng đến 1-10-1949 mới triển khai được có 3 đơn vị chiến đấu đầu tiên là các tiểu đoàn bộ binh số 2, 3 và 18.

Sau khi ký Hiệp định Paris 8-3-1949, Bảo Đại tiếp tục ở Cannes một thời gian để vận động chính giới và báo giới Pháp ủng hộ và viện trợ Việt Nam, đồng thời chờ đón kết quả định đoạt về Nam Việt. Ngày 25-4, sau khi biết được kết quả, Bảo Đại ghé ngang Singapore rồi 28-4 về tới Sài Gòn, chính thức đảm nhận vai trò quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Sau cuộc mit tinh của 30.000 dân chúng đón tiếp, Bảo Đại hội kiến với cao ủy Bollaert và yêu cầu Pháp bàn giao Phủ toàn quyền cũ để làm trụ sở Chánh phủ Quốc gia Việt Nam và Dinh xã tây làm Tòa đô chánh Sài Gòn, nhưng Bollaert nói Phủ toàn quyền đang là Phủ cao ủy và Bollaert đang ở nên Pháp sẽ giao Dinh xã tây trước rồi sẽ tìm một trụ sở xứng đáng làm trụ sở Chánh phủ sau. Bảo Đại không đồng ý và ngay trong tối 28-4-1949 dẫn một phái đoàn kéo lên Đà Lạt sử dụng dinh Bảo Đại tại đây làm Dinh quốc trưởng tạm thời để phản đối Pháp không thật tâm hỗ trợ tân Chánh phủ Việt Nam, đồng thời để chờ kết quả phê chuẩn vấn đề Nam Việt của Quốc hội Pháp.

Ngay sau đó Bảo Đại ở Đà Lạt và Chánh phủ Nguyễn Văn Xuân đóng ở Sài Gòn, gấp rút ra sức phát huy thế lực quốc gia trên các mặt kinh tế, tài chánh, văn hóa, xã hội và một phần ảnh hưởng ngoại giao, trong khi về chính trị, ngoại giao người Pháp vẫn cố sức kềm chế và về quân sự vẫn ra sức trì  hoãn việc hỗ trợ phát triển Quân đội quốc gia Việt Nam như đã cam kết trong Hiệp định Paris 8-3-1949.

Ngày 10-5-1949, ngoại trưởng Mỹ Acheson chỉ thị cho tổng lãnh sự Abbott ở Sài Gòn: Chính phủ Mỹ muốn giải pháp Bảo Đại thành công vì chẳng còn một lựa chọn nào khác tốt hơn. Mỹ đang chờ cơ hội thuận tiện để công nhận Quốc gia Việt Nam, cũng như viện trợ võ khí và kinh tế. Tuy nhiên, Mỹ muốn Pháp có thêm những nhượng bộ cần thiết trước khi chiến thắng của Mao Trạch Đông tạo ra ảnh hưởng xấu ở Đông Dương. Với những người quốc gia, nếu Pháp nhân nhượng những điều cần thiết, có thể thuyết phục họ rằng: 1- Mục đích yêu nước của họ có thể thực hiện được qua sự thỏa thuận Pháp-Bảo Đại. 2- Chánh phủ Bảo Đại đại biểu đích thực cho Việt Nam vì có thể bao gồm cả những phần tử không cộng sản hiện đang phục vụ dưới quyền Hồ Chí Minh. 3- Bảo Đại là giải pháp duy nhất bảo vệ Việt Nam trước những âm mưu khuynh đảo và xâm lấn của Trung cộng. Cũng cần cảnh báo Bảo Đại về sự nguy hiểm nếu mời cộng sản tham gia Chánh phủ. Điều Mỹ quan tâm là liệu Chánh phủ Bảo Đại có thể tồn tại được hay không. Abbott chưa nên đi Đà Lạt tiếp xúc trực tiếp với Bảo Đại, nhưng có thể tiếp xúc không chính thức với những người thân cận.

Ngày 20-5-1949, ngoại trưởng Acheson còn chỉ thị lãnh sự tại Hà Nội William Gibdon đến trình bày thêm với Nguyễn Văn Xuân những điểm sau: Nhìn vào quá khứ của Hồ Chí Minh, không thể có kết luận nào đúng hơn rằng Hồ là cộng sản, nếu (1) Hồ không tuyên bố cắt đứt ngay liên hệ với Liên Xô và chủ thuyết cộng sản, và (2) tiếp tục được báo chí cộng sản ca ngợi cũng như ủng hộ. Hơn nữa Mỹ không thấy khía cạnh quốc gia nào của Hồ qua lá cờ đỏ sao vàng. Vấn đề là Hồ vừa là cộng sản gộc, vừa là ngụy quốc gia, chuyên lợi dụng người quốc gia. Hầu như tất cả những cán bộ môn đệ Stalin ở các nước thuộc địa đều là người quốc gia. Sau khi đã đạt được mục đích quốc gia, tức giành được độc lập, thì mục tiêu kế tiếp sẽ là biến quốc gia thành nô lệ cho chủ thuyết cộng sản, và tận diệt hết không những chỉ những người chống đối, mà cả mọi phần tử bị nghi ngờ là không đúng đường lối... Nếu mời Hồ và cộng sản gia nhập Chánh phủ Bảo Đại, chỉ đình hoãn việc Việt Nam trở thành độc lập, hay một vệ tinh cộng sản cho tới lúc thời cơ của những người quốc gia bị kém sút. Dĩ nhiên trên lý thuyết, có thể thiết lập một chế độ cộng sản quốc gia kiểu như Nam Tư tại bất cứ vùng nào ở xa vòng kềm chế của Hồng quân Liên Xô. Nhưng Việt Nam lại đang ở trong vòng kềm tỏa của Hồng quân Trung cộng. Nếu Pháp đồng ý thực hiện Hiệp định Elysée một cách cấp tiến, việc quan trọng nhất của Bảo Đại và Nguyễn Văn Xuân là phải lôi kéo được sự ủng hộ của dân chúng. Cũng như trong trường hợp Trung Hoa, nước Mỹ không bỏ rơi Chính phủ Tưởng Giới Thạch, mà chỉ vì không thể cứu vãn từ chính những người quốc gia Trung Hoa đã yếu kém quá mức và không còn ý chí tranh đấu.

Ngày 2-6-1949, đại sứ Bruce từ Paris điện báo về Washington rằng quốc trưởng Bảo Đại mong được Mỹ công nhận trên thực tế, được viện trợ kinh tế trực tiếp, và giúp võ khí qua trung gian Pháp khoảng 50 đến 60 ngàn khẩu súng, đề nghị Mỹ gửi sang Sài Gòn những phái đoàn thiện chí và nâng Tòa tổng lãnh sự lên Tòa đại sứ.

Ngày 3-6-1949, Quốc hội Pháp biểu quyết nhất trí thông qua Đạo luật phê chuẩn nghị quyết Hội đồng Nam Việt, bãi bỏ qui chế thuộc địa lãnh thổ Nam Kỳ năm 1867, đưa Nam Việt trở lại lãnh thổ Quốc gia Việt Nam. Ngày 4-6, tổng thống Auriol ban hành Luật công nhận Việt Nam thống nhất, đồng thời cho phép báo chí Paris ra ngày 6-6 đăng một công hàm của Auriol gửi Bảo Đại, khẳng định Quốc hội Pháp đã thông qua luật sáp nhập Nam Kỳ về Việt Nam, như thế quyền độc lập và thống nhất của Việt Nam, trong Liên hiệp Pháp đã trở thành sự thật.

Ngày 10-6, Bảo Đại rời Đà Lạt về Sài Gòn, trao đổi văn kiện với cao uỷ Pignon và chủ tọa buổi lễ ra mắt quốc dân.

 

15- Tình hình ngay sau Hiệp định Paris 8-3-1949

 

Từ năm 1945 mặc dù trở lại Đông Dương nhưng thời cuộc buộc Pháp phải chấp nhận những mức độ tự trị tăng dần, và đến năm 1949 các quốc gia Việt Nam, Lào, Cambodia đã trở thành những quốc gia tự trị trong Liên hiệp Pháp.

Vào đầu năm 1949, tình thế của Chính phủ Quốc dân đảng Trung Hoa tiếp tục nguy cấp. Đúng vào ngày ký Hiệp định Paris 8-3-1949 giữa Bảo Đại và Auriol thì tại Quảng Châu, Nội các Quốc dân đảng của thủ tướng Tôn Khoa từ chức, trong lúc Trung cộng thành lập Chính phủ lâm thời ngày 10-3 tại một căn cứ giữa sông Dương Tử và đường hỏa xa Lũng Hải. Ngày 25-3-1949, Mao Trạch Đông tới Bắc Bình và tuyên bố Bắc Kinh là thủ đô của Trung cộng. Trung cộng quân tiếp tục cuộc Nam tiến với 700.000 quân tiến đánh tả ngạn sông Dương Tử. Ngày 23-4-1949 Trung cộng chiếm được Nam Kinh; ngày 4-5-1949 chiếm Hàng Châu. Đội tiên phong Trung cộng quân tới Hán Khẩu ngày 17-5-1949 và Thượng Hải ngày 25-5-1949.

Đến tháng 6-1949, thống chế Diêm Tích Sơn được tổng thống Lý Tôn Nhân chuẩn y làm thủ tướng cùng với Nội các mới, trong khi Trung cộng quân ngày càng chiếm được nhiều vùng ở Hoa Nam. Biên giới Bắc Việt Nam trở thành một biên giới chiến lược của thế giới. Sự phản công lẻ tẻ của Trung quốc quân như cuộc oanh tạc ngoại vi Thượng Hải vào đầu tháng 7-1949, việc hăm dọa tấn công tái chiếm Nam Kinh hay cuộc tràn qua sông Dương Tử để phá hậu phương Trung cộng ngày 4-7-1949 rồi nhanh chóng bị đánh bật trở lại với tổn thất nặng nề cho thấy tình thế bùng phát trước khi ngọn đèn sắp tắt, không xoay nổi chiều thất bại của một chính thể sắp suy tàn. Bị thiệt hại nặng nề, 800.000 quân Trung Hoa dân quốc án binh bất động ở Hoa Nam để chờ Trung cộng quân kéo đến sẽ tử thủ quyết chiến. Phía Trung cộng thì không ngớt hoạt động, tổ chức lễ 28 năm thành lập Đảng ngày 2-7-1949 và mời Tống Khánh Linh - phu nhân Tôn Trung Sơn đến dự. Ngay sau đó, Trung cộng quân tấn công ba mặt vào Phúc Châu (12-7-1949) và Trường Sa (25-7-1949). Làn sóng đỏ lan tràn khủng khiếp xuống Vân Nam. Ngày 8-7-1949, tỉnh trưởng Vân Nam là Long Vân và bộ sậu tuyên bố ngã theo Trung cộng, phản lại Trung Hoa quốc dân đảng. Đại tướng Lư Hán, tư lệnh Trung quốc quân Vân Nam thì đề nghị giảng hòa.

Ngày 6-7-1949, tổng thống Philippines Quirino đứng ra hô hào thành lập một liên minh chống cộng ở Đông Nam Á. Ngày 9-7-1949, cuộc họp tại Bagui gồm Quirino, Tưởng Giới Thạch và đại diện Mỹ là đại tướng Mac Arthur tuyên bố thành lập Minh ước phòng thủ Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Mỹ bình luận: Nếu Trung cộng chiếm toàn thể Trung Hoa thì chiến tranh có thể sẽ lan rộng xuống Đông Nam Á. Ngày 14-7-1949, Anh điều chiến hạm và hàng không mẫu hạm sang Hong Kong để bảo vệ lãnh thổ này không bị Trung cộng tấn công. Tình trạng bất an lan xuống Nam Dương. Mối bất hòa giữa cộng sản Nam Dương và Chính phủ của tổng thống Soekarno và thủ tướng Hatta ngày càng tăng. Cộng sản Nam Dương hoạt động mạnh ở Zogjikarta. Ngày 8-7-1949, Hòa Lan đòi giao trọn quyền đối phó với cộng sản Nam Dương cho Chính phủ Soekarno. Thủ tướng Hatta được giao sứ mạng thương thuyết với Chính phủ cộng sản Nam Dương ngày 8-7-1949 đã chấp nhận một thỏa hiệp nhưng tương lai Nam Dương vẫn hết sức bất ổn. Tại Calcutta (Ấn Độ), tình hình cũng hỗn độn, cảnh sát quốc gia và phiến quân cộng sản chạm súng nhau hàng ngày suốt từ tháng 7 đến cuối năm 1949. Tất cả các nước Á châu quanh Trung Hoa đều nhốn nháo vì cộng họa. Tâm trạng lo ngại càng tăng trong dân chúng Việt Nam, là nơi đang có cuộc chiến tranh máu lửa giữa Việt cộng và Pháp.

Bối cảnh đó buộc Chính phủ Mỹ càng thúc đẩy Pháp hỗ trợ Chính phủ Quốc gia Việt Nam phát triển khẩn trương và toàn diện hơn. Ngày 10-5-1949, viên lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao đến gặp cao ủy Bollaert nói rằng: Mỹ nhận thấy những khó khăn quân sự của Pháp ở Đông Dương ngày càng tăng. Đà thắng lợi của Trung cộng chỉ còn  thời gian ngắn nữa thôi sẽ tác động đến xứ này. Quân Tàu đỏ đã vượt sông Trường Giang, vì vậy, Mỹ đã sẵn sàng hơn để viện trợ cho Đông Dương, sẵn sàng công nhận Chánh phủ Bảo Đại, sẵn sàng chấp nhận viện trợ võ khí và tài chánh nếu Chánh phủ Việt Nam yêu cầu, miễn là phía Pháp phải làm sao cho Bảo Đại có thể, bằng mọi nỗ lực chứng tỏ khả năng tổ chức và điều hành công việc một cách hữu hiệu để tiếp tục giữ vững sự ủng hộ tối đa cần thiết của dân chúng. Nhưng một khi vấn đề viện trợ được đem ra thảo luận, chắc chắn Quốc hội Mỹ khó có thể ủng hộ một chánh phủ hoàn toàn lệ thuộc về quân sự và ngoại giao vào Pháp. Bởi vậy, Mỹ cho rằng phiá Pháp phải tiếp tục có những nhân nhượng cần thiết để làm cho Chánh phủ Bảo Đại có sức thu hút hơn nữa đối với các phần tử quốc gia.

Bollaert cấp báo về Paris. Ngày 17-5-1949 tổng thống Auriol cấp tốc thành lập một đoàn thanh tra quân sự do đại tướng Georges Revers, tham mưu trưởng Quân lực Pháp dẫn đầu sang thanh tra tình hình Đông Dương để kiến nghị biện pháp đối phó thích hợp. Một tháng sau, ngày 15-6-1949, Revers gửi lên một báo cáo hết sức bi quan về tình hình châu Á và Đông Dương và kiến nghị Paris nên đặt chiến lược của Pháp ở Đông Dương trong chiến lược chung của Mỹ ngăn chận cộng sản ở Đông Nam Á.

Trong tháng 6-1949 tại Pháp và Việt Nam, tất cả báo chí đều đồng loạt đăng bài yêu cầu phải giải quyết hòa bình tại Đông Dương trước khi Trung cộng áp tới biên giới. Các báo chí của cộng sản tổ chức tại Sài Gòn và Paris cũng yêu cầu Chính phủ Pháp phải thương lượng với cộng sản dù tỏ ra hã hê trước thắng lợi của phe cộng sản quốc tế và ra sức đả kích Chánh phủ Bảo Đại - Nguyễn Văn Xuân. Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền dưới danh hiệu quốc trưởng trong khi chờ thành lập Quốc hội và ban bố hiến pháp.

 

V- Thời kỳ quốc trưởng Bảo Đại  trực tiếp điều hành ChÁnh phủ

1- Nội các Bảo Đại (1949-1950)

 

Ngày 13-6-1949, Bảo Đại từ Đà Lạt về Sài Gòn, tham dự buổi lễ mit tinh biểu dương lực lượng của 40.000 dân chúng ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận hoan nghênh Chánh phủ Quốc gia. Sau đó quốc trưởng Bảo Đại đi cùng ủy viên cộng hòa Pháp ở Nam Việt (1949-1950) là Chanson, tổng trấn Nam phần Trần Văn Hữu, giám đốc Nha Học chánh Nam phần Nguyễn Thành Duy đi thăm các trường Pétrus Ký, Gia Long và phát biểu tại nhiều khu đông người ở Sài Gòn để cổ động thanh niên gia nhập Quân đội quốc gia.

Cũng trong ngày 13-6-1949, quốc trưởng Bảo Đại ra dụ qui định bộ máy hành chánh quốc gia Việt Nam, theo đó Việt Nam chia thành 64 tỉnh và ba phần: Bắc Phần Việt Nam có 27 tỉnh, Trung Phần có 16 tỉnh, Nam Phần có 21 tỉnh. Các đô thị cũng được sắp xếp lại. Thí dụ như thành phố Hà Nội gồm có hai quận nội thành (quận 1 và quận 2) và 3 quận ngoại thành (quận 4, 5, 6).

Ngày 14-6-1949, Bảo Đại chủ trì buổi lễ chính thức tuyên bố tư cách quốc trưởng Quốc gia Việt Nam gồm ba phần Bắc, Trung, Nam và khẳng định Quốc gia Việt Nam là thành viên của Liên hiệp Pháp. Dinh quốc trưởng Bảo Đại đóng tại Phủ cao ủy cũ và đổi thành Dinh quốc trưởng. Ngày 16-6-1949, Phủ toàn quyền (cũ) ở Hà Nội cũng được trả về Chánh phủ Việt Nam và đổi thành Biệt điện quốc trưởng.

Một hôm, quốc trưởng Bảo Đại bỗng quyết định kiêm nhiệm chức thủ tướng trực tiếp điều hành Chánh phủ. Ngày 20-6-1949, toàn thể Nội các Nguyễn Văn Xuân tuyên bố từ chức.

Ngày 1-7-1949, quốc trưởng Bảo Đại ký sắc lệnh số 1-CP công bố danh sách Chánh phủ Quốc gia Việt Nam, hoạt động đến 18-1-1950.

- Quốc trưởng kiêm thủ tướng: Bảo Đại.

- Phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Bộ Quốc phòng: trung tướng Nguyễn Văn Xuân.

- Tổng trưởng Phủ thủ tướng kiêm Bộ Nội vụ: Vũ Ngọc Trân.

- Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm tổng thư ký Chánh phủ: Đặng Trinh Kỳ.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Trần Quang Vinh.

- Tổng trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Phan Long.

- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Lê Thăng.

- Tổng trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khắc Vệ.

- Tổng trưởng Bộ Quốc gia kinh tế và kế hoạch: Trần Văn Văn.

- Tổng trưởng Bộ Lao động, canh nông và xã hội: Phan Khắc Sửu.

- Tổng trưởng Bộ Tài chánh: Dương Tấn Tài.

- Tổng trưởng Bộ Thương mại và kỹ nghệ: Hoàng Cung.

- Tổng trưởng Bộ Công chánh, giao thông và kiến thiết: Trần Văn Của.

- Tổng trưởng Bộ Quốc gia giáo dục: Phan Huy Quát.

- Tổng trưởng Bộ Thanh niên và thể thao: Nguyễn Tôn Hoàn.

- Tổng trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Hữu Phiếm.

- Tổng trưởng Bộ Thông tin: Trần Văn Tuyên.

Ngày 3-7-1949, quốc trưởng Bảo Đại ký sắc lệnh số 4-CP, bổ nhiệm

- Thủ hiến Bắc Việt: Nguyễn Hữu Trí.

- Thủ hiến Trung Việt: Phan Văn Giáo.

- Thủ hiến Nam Việt: Trần Văn Hữu.



Chánh phủ Bảo Đại đầu tiên: hàng đầu: quốc trưởng Bảo Đại; hàng hai (trái sang phải): Đỗ Quang Giai (cựu thứ trưởng Nội vụ); Trần Quang Vinh (bộ trưởng Quốc phòng); Nguyễn Phan Long (tổng trưởng Ngoại giao); Nguyễn Khắc Vệ (tổng trưởng Tư pháp); Nguyễn Văn Xuân (phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Quốc phòng); Trần Thiện Vàng (cựu tổng trưởng Canh nông); Vũ Ngọc Trân (tổng trưởng Nội vụ); Nguyễn Hữu Phiếm (tổng trưởng Y tế); hàng ba: Trần Văn Tuyên (tổng trưởng Thông tin); Ngô Quốc Côn (cựu thứ trưởng Lao động và xã hội); Dương Tấn Tài (tổng trưởng Tài chánh); Nguyễn Khoa Toàn (cựu tổng trưởng Giáo dục và nghi lễ); Nguyễn Văn Tý (cựu tổng trưởng Công chánh và kế hoạch); Trần Văn Của (tổng trưởng Công chánh, giao thông và kiến thiết); Hoàng Cung (tổng trưởng Thương mại và kỹ nghệ); Phan Huy Quát (tổng trưởng Quốc gia giáo dục); hàng bốn: Đặng Trinh Kỳ (bộ trưởng Phủ thủ tướng); Hà Xuân Tế (cựu thứ trưởng Thanh niên và thể thao); Nguyễn Tôn Hoàn (tổng trưởng Thanh niên và thể thao); hàng năm: Lê Thăng (bộ trưởng Ngoại giao); Trần Văn Văn (tổng trưởng Kinh tế và kế hoạch); Phan Khắc Sửu (tổng trưởng Lao động canh nông và xã hội)

quốc trưởng Bảo Đại ký dụ ban hành Quy chế tổ chức công quyền và Quy chế công sở; sau đó chính phủ ban hành tiếp các luật, sắc lệnh về Quy chế công chức (14-7-1950), Quy chế nghiệp đoàn (16-1-1952), Quy chế Hội đồng Đô thành (27-12-1952), sắc lệnh số 10/TP về Quy chế ngạch thẩm phán v.v…

Ngày 2-7-1949, Chính phủ Bảo Đại triệu tập cuộc họp khoáng đại gồm 100 đại biểu Bắc phần, 100 đại biểu Trung phần, 100 đại biểu Nam phần, bàn việc lựa chọn thủ đô. Tán thành với nhận định do quân Việt cộng hoạt động mạnh ở Bắc Việt thường xuyên uy hiếp an ninh Hà Nội, nên hội nghị nhanh chóng quyết nghị chọn Sài Gòn là thủ đô Quốc gia Việt Nam. Trong ngày hôm đó, Bảo Đại ra chỉ dụ thành lập bộ máy tổ chức hành chính các địa phương, các thủ hiến, các bộ, tuyên bố chính thức hoạt động của Nội các Quốc gia Việt Nam.

Trong tháng 7, Bảo Đại thực hiện một chuyến vi hành khắp từ Nam chí Bắc để kêu gọi dân chúng ủng hộ Chính phủ Quốc gia. Ngày 12-7, Bảo Đại trở về Huế ; ngày 14-7 đọc bản Hiệu triệu quốc dân; ngày 16-7 ra thăm Hà Nội. Từ đó, Bảo Đại và Chính phủ ra sức tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để thiết lập trọn vẹn chính sách đối ngoại và nội trị tự chủ, nhất là trong việc thành lập và phát triển Quân đội quốc gia Việt Nam. Chế độ hoạt động của cao ủy Pháp và các ủy viên cộng hòa Pháp trên thực tế đến lúc này không còn nữa. Chính phủ hoàng gia ở vương quốc Lào cũng nắm trọn vẹn chính quyền chính trị, kinh tế từ 19-7-1949, ở Cambodia từ 8-11-1949. Tuy nhiên quân lực Pháp vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ chốt đánh nhau với cộng sản trên khắp chiến trường Đông Dương. Cao ủy Pháp Pignon vẫn là người có tiếng nói quyết định cuối cùng trên mọi vấn đề.

 

2- Yêu sách lãnh thổ của Norodom Sihanouk

 

Từ tháng 7-1949, Chính phủ Cambodia do Norodom Sihanouk đứng đầu bắt đầu tuyên bố đòi các tỉnh Sóc Trăng, Rạch Giá, Trà Vinh ở miền Nam. Báo giới Việt Nam khuyên Cao Miên nên củng cố độc lập trước đi và trước khi rời nhiệm sở, ủy viên cộng hòa Pháp De Rayward cũng khuyên Cao Miên lo lập lại trật tự trong xứ trước hết. Không có hậu thuẫn nên chiến dịch yêu sách lãnh thổ của Cambodia nhanh chóng chìm xuống, nhưng từ đó trở đi, thỉnh thoảng vẫn bùng phát trở lại và vấn đề biên giới luôn là một trong những trở ngại chính trong quan hệ Việt Nam - Cambodia.

 

3- Nguy cơ Trung cộng ở Viễn Đông

 

Sau khi xem bản báo cáo bi quan của đại tướng Pháp Revers, ngày 20-7-1949, tổng thống Mỹ Truman triệu tập một cuộc họp đánh giá và bàn đối sách về tình hình Viễn Đông. Dự họp ngoài các lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, còn có Roscoe  Hillen Koether- thủy sư đô đốc, tân giám đốc đầu tiên của Cục Tình báo trung ương- CIA mới được thành lập. Sau các báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, CIA, tổng thống Truman kết luận: Ông bộ trưởng Ngoại giao căn cứ những kết luận của tôi sau đây để chuẩn bị báo cáo trước Hội đồng An ninh quốc gia và trước Quốc hội:

1- Nguy cơ Tàu Đỏ là một vấn đề cấp bách, Trung Hoa dân quốc có thể sụp đổ sớm, thậm chí trong năm nay. Phải ủng hộ Tưởng Giới Thạch, dùng lực lượng còn lại của Trung Hoa làm chỗ dựa đối phó với Trung Cộng sau này.

2- Quân Tàu Đỏ tiến xuống biên giới phía Nam là mối nguy cơ to lớn đối với Pháp. Có thể họ vượt qua biên giới, cũng có thể không. Khả năng thứ hai có nhiều hơn vì nếu Tàu Đỏ vào Đông Dương thì họ biết rõ là Mỹ cũng phải vào đó để ngăn chận, nếu không sẽ mất cả châu Á vào tay cộng sản. Dù sao cũng phải ngăn chận làn sóng đỏ lại, ít nhất cũng ở biên giới Trung Hoa - Đông Dương.

3- Chúng ta không còn con đường nào khác là hợp tác với Pháp ủng hộ Chánh phủ Bảo Đại. Việc thuyết phục Ngô Đình Diệm cộng tác với Chánh phủ Quốc gia Việt Nam cần được tiến hành vì Diệm là người vừa chống cộng vừa chống thực dân rất có uy tín.

4- Hãy nói với người Pháp là chúng ta sẽ hành động như thế, rằng Mỹ sẵn lòng ủng hộ chính sách của Pháp với Chánh phủ Bảo Đại. Nói cụ thể là sẽ công nhận Chánh phủ Việt Nam về mặt ngoại giao, viện trợ về kinh tế và quân sự. Mục tiêu tối thượng là cùng thế giới tự do ngăn chận làn sóng đỏ. Nói một cách hình tượng, bằng những tảng đá viện trợ của chúng ta, con đê Quốc gia Việt Nam phải đứng vững để làm chức năng ngăn chận cộng sản tiến xuống phía Nam Á. Chúng ta sẽ làm tất cả, vì lợi ích của cả nhân loại thế giới tự do. Người Pháp phải ủng hộ một chánh phủ Bảo Đại mạnh để cùng giữ cho được Đông Dương hoặc là họ sẽ mất tất cả. Phải làm mọi cách cho người Pháp thấy rằng cuộc chiến tranh chống cộng là sự nghiệp chung của thế giới tự do, là trách nhiệm của chúng ta và cả họ nữa.

Ngày 4-8-1949, ngoại trưởng Pháp Cosh  Floret sang Đông Dương để nghiên cứu tại chỗ tình hình khẩn trương của Đông Dương. Sau đó, 3-7-1949 đại tướng Revers đi thị sát tình hình quân sự tại Đông Dương đã đề ra chương trình xây dựng một vạn lý trường thành ở Bắc Việt để khoá chặt biên cảnh Việt Hoa. Mặt khác, ngày 1-7-1949 Revers tuyên bố muốn giao phó cuộc bình định Nam Việt cho binh sĩ Chánh phủ Bảo Đại và gọi thêm 11 trung đoàn viện binh Pháp sang Việt Nam tăng cường phòng thủ Bắc Việt.

Tại Trung Hoa, Trung cộng chiếm Trường Sa ngày 31-7-1949, ngày 1-8-1949 đánh bại đạo quân Hồi giáo của tướng Mã Hồng Quì và chiếm nhiều thị trấn ở Hoa Tây. Tại phía Đông, ba đạo quân của tướng Trần Nghị tấn công Phúc Châu ngày 19-8-1949 để chặn đường ra biển của Trung quốc quân, rồi chiếm Phúc Kiến, cách biên giới Quảng Đông chỉ 25 cây số. Ngày 18-8-1949, sứ quán Mỹ ở Quảng Châu phải đóng cửa. Ngày 24-8 Tưởng Giới Thạch ngao ngán về thăm Trùng Khánh để bàn kế sách sẽ tổng phản công  Quảng Châu và phong tỏa miền duyên hải (26-8-1949) hoặc tảo thanh Hải Nam. Nhưng, ngày 26-8-1949, 15.000 quân Trung cộng chiếm được Hải Nam. Ngày 15-8-1949, thủ tướng Nehru tuyên bố Ấn Độ trung lập không muốn xen vào nội bộ các lân bang. Ngày 5-8-1949, Bộ Nội vụ Mỹ lưu hành cuốn Bạch thư xác định thái độ của Mỹ tỏ ý hoài nghi sức chịu đựng và chiến thắng của Chính phủ Trung Hoa dân quốc.

Ngày 31-8-1949, tổng tư lệnh Quân đội Anh đích thân thị sát và tổ chức kỹ lưỡng cuộc phòng thủ Hong Kong, trong khi tổng ủy viên Anh Mc Donald hội đàm với đại tướng Mỹ Mc Arthur tình hình phòng thủ Đông Nam Á, sau đó sang thăm Việt Nam và một loạt nước Đông Nam Á để thống nhất biện pháp đối phó với Trung cộng tại Trung Hoa.

Ngày 5-9-1949, nhân dịp lễ kỷ niệm ngày Nhật đầu hàng, tổng thống Lý Tôn Nhân kêu gọi các nước dân chủ trên thế giới giúp đỡ Trung Hoa chống cộng. Nhưng đến 15-9-1949, Lưu Bá Thừa chỉ huy Trung cộng quân tấn công mạn đông nam Giang Tây. Ngày 19-9-1949, một đơn vị Trung cộng quân đột nhập Quảng Đông. Ngày 21-9-1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập chính thể Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 25-9-1949, Trung cộng quân tấn công Hồ Nam từ ba mặt và làm chủ trọn tuyến đường sắt Việt Hán sau khi chiếm được Giang Khẩu. Ngoài ra, khu vực cuối cùng trên lục địa này mà Quốc dân đảng mong lui về làm căn cứ trường kỳ kháng chiến là Vân Nam cũng đang đối đầu lại Tưởng. Nguyên tổng đốc Vân Nam là  Long Vân phản bội, gửi thư cho Lư Hán kêu gọi đầu hàng và hiệu triệu dân chúng Vân Nam theo Trung cộng quân chống lại Quốc dân đảng.

Ngày 3-9-1949, có ba chi đội công binh Quốc dân đảng ở Côn Minh nổi loạn và đích thân đại tướng Lư Hán, tư lệnh quân Quốc dân đảng tại Vân Nam cũng ngã theo loạn quân. Tưởng Giới Thạch vội cử phái viên tiếp xúc Lư Hán để mong dàn xếp ổn thỏa. Ngày 7-9-1949, tướng Lư Hán tuyên bố vẫn trung thành với Chính phủ Quảng Châu nhưng tình hình Vân Nam sắp sửa thoát khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ Quốc dân đảng.

Ngày 15-9-1949, Tưởng Giới Thạch bị ám sát hụt ở Trùng Khánh

Ngày 1-10-1949, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập (gọi tắt là Trung cộng) do Mao Trạch Đông làm chủ tịch và đến 3-10-1949 được Liên Xô tuyên bố thừa nhận; đến 6-10-1949 có thêm Tiệp Khắc, Hungaria, Ba Lan, Nam Tư ủng hộ.

Ngày 17-10-1949, quân Trần Nghị đổ bộ lên hải cảng Hạ Môn. Ngày 23-10-1949, ba tướng Lâm Bưu, Bành Đức Hoài, Lưu Bá Thừa hợp quân vào đánh Tứ Xuyên. Ngày 27-10-1949, Quốc dân đảng dời nhân viên và tài liệu về Côn Minh vì ngày 28-10-1949 Trung cộng quân đến tới ngoại ô Quảng Châu Loan và trung tướng Trần Canh đang sửa soạn tảo thanh tàn quân Quốc dân đảng tại đảo Hải Nam sau khi Trung quốc quân thất trận phải rút khỏi bán đảo Lôi Châu ngày 24-10-1949. Ngày 27-10-1949, Trung quốc quân đề ra kế hoạch đặt Bắc Việt Nam vào khu vực phòng thủ kháng chiến của mình nhưng thực trạng biên giới Việt Nam là một vấn đề gay cấn hơn nhiều so với dự kiến kế hoạch của họ.

Tháng 11-1949, Trung cộng quân ồ ạt tiến công xuống vùng biên cảnh Hoa-Việt. Ngày 25-11-1949, cao ủy Đông Dương Pignon tuyên bố không tin Trung cộng dám vượt qua biên giới và nói thêm nếu họ cứ vượt qua thì Pháp sẽ tấn công và kêu gọi Liên Hiệp quốc can thiệp chống lại. Quốc dân đảng Trung Hoa dần dần mất hết các địa điểm cuối cùng trên lục địa là Nam Ninh, Bắc Hải, Đông Hưng (11-12-1949) ở vịnh Bắc Việt. Tại Vân Nam, tướng Lư Hán liệu thế gió xoay chiều đã bỏ chủ cũ mà ngã theo Trung Cộng từ 7-12-1949. Thành phố Trùng Khánh đổi chủ một cách êm đềm. Tướng Trung cộng Lưu Bá Thừa đánh qua Thành Đô. Thủ tướng Diệm Tích Sơn của Trung quốc quân chạy sang Tây Khang (14-12-1949) - ổ kháng chiến cuối cùng và từ chức. Ngày 15-12-1949, Tưởng Giới Thạch ra lệnh rút toàn lực dồn ra đảo Đài Loan, chấm dứt chế độ Trung Hoa dân quốc trên lục địa, mà không biết đến bao giờ mới khôi phuc lại được.

Năm 1949, thế giới không chỉ lo ngại vì thời cuộc Trung Hoa mà còn chấn động hơn khi ngày 23-9-1949, tổng thống Truman cho hay là Liên Xô đã cho thử nổ thành công ba quả bom nguyên tử vào tháng 7-1949. Ngày 1-10, Nga thừa nhận mình đã có bom nguyên tử. Đầu tháng 10-1949, đồng lia Anh sụt giá báo hiệu sự kiệt quệ kinh tế của Anh bắt đầu. Đồng franc Pháp ngã theo đồng lia làm cho các vấn đề lương bổng và vật giá càng thêm gay gắt, ngân sách đã thiếu hụt trong khi chiến phí Đông Dương càng tăng dữ dội, vì thế làm khủng hoảng Nội các Pháp hạ tuần tháng 10-1949.

 

5- Củng cố chế độ quốc gia Việt Nam

 

Từ tháng 3 đến tháng 8-1949, quân viễn chinh Pháp tổ chức nhiều cuộc hành quân ở Bắc Việt, miền Phủ Lạng, Đáp Cầu, Bắc Ninh. Tại Nam Việt, ngày 15-1-1949, Pháp phong tỏa Bassac và tấn công Đồng Tháp Mười. Việt cộng tại đây rút về sát biên giới sau khi phá hủy các di tích Tháp Mười. Đến 23-8, Pháp lại tổ chức cuộc hành binh lấy Phúc Yên, Vĩnh Yên, Tam Đảo làm mục tiêu. Đáp lại, quân Việt cộng tại miền Trung đặt mìn phá hủy đường xe lửa Sài Gòn - Nha Trang ngày 16-8-1949, rồi tấn công đoàn xe Pháp trong vùng Cap Varella và hoạt động mạnh mẽ ở tây bắc Mỹ Tho, Vàm Cỏ, gần Rạch Giá, An Phú Đông và nhất là ở Bắc Việt.

Ngày 28-8-1949, thủ tướng Bảo Đại ra thông cáo: Việt Nam sẽ chống cộng mạnh mẽ với sự giúp đỡ của Pháp. Tháng 9-1949, tổng thống Mỹ tuyên bố cho phép tướng Mc Arthur trả 37 triệu đô la cho Đông Dương trong số 80 triệu đô la Mỹ quản lý tiền Nhật lấy ở Việt Nam và Thái Lan khi trước. Tại Pháp, các nhân vật trong giới quân sự và chính trị đi thị sát tình hình Viễn Đông về tạo ra nhiều sôi nổi trong dư luận. Bản báo cáo mật ngày 15-6-1949 của đại tướng Revers về tình trạng bi quan ở Viễn Đông bị tiết lộ, gây ra một vụ án sôi nổi. Bản phúc trình ngày 16-9-1949 của bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Coste Floret cũng gây cuộc bàn cãi gay gắt về vấn đề tăng cường quyền hành chánh cho Chánh phủ Quốc gia Việt Nam. Tại Sài Gòn, Ủy ban thi hành hiệp định 8-3-1949 nhóm phiên đầu tiên ngày 2-9-1949 thống nhất nhiều vấn đề quan trọng và cục diện tỏ ra tiến triển tốt đẹp. Tại vùng Hậu Giang, quân kháng chiến Cao Đài và Hòa Hảo lại xảy ra cuộc đụng độ lớn vào đầu tháng 8-1949 để giành quyền kiểm soát lãnh thổ, tuy nhiên vụ việc được giải quyết nhanh chóng ổn thỏa.

Ngày 21-9-1949, Chánh phủ Quốc gia bắt đầu thực hiện chính sách cải tổ hành chính Nam phần. Ngày 24-9-1949, quân Pháp hành quân tại vùng phụ cận Sông Thao. Hiệp ước Pháp Lào thì ký ở Paris giữa thủ tuớng Sisavong Vathana ngày 28-9-1949 và hiệp ước Pháp-Cambodia ký ngày 1-9-1949 giữa thủ tướng Yum Sambour với Pháp tuyên bố nhìn nhận Lào và Cambodia độc lập.

Rồi do nội tình và thời cuộc rối beng, ngày 5-10-1949 thủ tướng Pháp Henri Queuille tuyên bố từ chức. Cuộc khủng hoảng nội các kéo dài một tháng. Đến 28-10-1949 thủ tướng Georges Bidault lập xong nội các mới, nhưng tiếp tục chao đảo trước sóng gió thời cuộc. Có sự kích động của Đảng Cộng sản Pháp, công nhân Pháp vẫn liên tiếp đình công, biểu tình. Ngày 23-11-1949, thủ tướng Bidault kêu gọi giới lao động Pháp đừng nghe theo lệnh đình công của Đảng Cộng sản Pháp nhưng ngay hai hôm sau lại có cuộc đình công 24 giờ khắp cả nước.

Ngày 6-10-1949, Quốc hội Mỹ thông qua chính sách đối ngoại và đạo luật về Chương trình viện trợ phòng thủ hỗ tương (Mutual Defense Assisstance Program - MDAP). Đoạn mở đầu của đạo luật không  những cam kết ủng hộ đối với khối NATO mà còn xác định sẽ phát triển hiệp ước phòng thủ chung Đông Nam Á chống cộng sản quốc tế. Từ tháng 10-1949 công cuộc chuẩn bị viện trợ kinh tế và quân sự cho các nước Đông Dương và Đông Nam Á được xúc tiến khẩn trương.

Lúc đó cùng với hiện tình Trung Hoa, quốc tế cũng chăm chú đặc biệt về Việt Nam. Ngày 25-11-1949, báo Manchester Guardien hô hào xem xét lại vấn đề Việt Pháp. Nhiều người muốn nhờ thủ tướng Ấn Độ Nehru làm trung gian hòa giải chiến cuộc Việt  Pháp nhưng báo chí Pháp lại tỏ ra bi quan vì cho rằng Nehru thân Việt cộng, vả lại lúc này Việt cộng đang hả hê với thắng lợi của Trung cộng, tạo thế lực cho mình vững chắc hơn thì không dễ gì Việt cộng chịu hòa giải trong thế yếu. Quân Việt cộng không ngừng đẩy mạnh hoạt động, nhất là ở Bắc Việt, mở nhiều cuộc tấn công trong vùng Cao Bằng, Hải Dương (18-11-1949) và đóng quân hai nơi gần Vĩnh Yên (25-11-1949). Riêng tại các  đô thị lớn Trung-Nam-Bắc, phong trào bãi khóa của học sinh do Việt cộng chỉ đạo cũng gây dư luận xôn xao vào hạ tuần tháng 11-1949. Đầu tháng 12-1949, một đoàn công voa Pháp bị tấn công ở tây bắc Móng Cái. Quân Việt cộng cũng tấn công vào xứ đạo Phát Diệm (10-12-1949), Hòa Bình, Hải Phòng, Phố Lu Lào Cay (18-12-1949), Cầu Kè, Vĩnh Long (8-12-1949). Trước những biến cố xảy ra, ngoại trưởng Pháp Schuman tuyên bố ngày 18-12-1949: Pháp quyết giữ lập trường ở Việt Nam vì nếu quân Pháp thoái lui sẽ mang tiếng là sợ Trung cộng và làm lợi cho Việt cộng, nên quân Pháp vẫn giữ vững các vị trí bị tấn công. Ngày 14-12-1949, Chính phủ Pháp chi 100 tỉ franc thay đổi hàng loạt khí cụ đã cũ trong lúc ngân sách thâm thủng 20 triệu franc và phải tinh giảm 20.000 công chức để tiết kiệm 8 tỉ franc.

Giữa lúc Mỹ thảo luận với Pháp một điều khoản qui định không cho Pháp đem những vũ khí Mỹ giúp Pháp sang dùng ở Việt Nam, thì trong một cuộc hội đàm ở Washington ngày 13-12-1949 về Việt Nam, Pháp yêu cầu chuyển số 75 triệu đô la dành viện trợ Trung Hoa quốc dân đảng chuyển sang cho Việt Nam. Lúc đó, thái độ khối NATO không rõ rệt, việc thừa nhận tình thế ở Trung Hoa nửa muốn, nửa không. Dư luận nhiều nơi thì nhao nhao nổi dậy theo cộng sản chống chính quyền. Hàng loạt bộ trưởng cánh tả hăm he từ chức để làm sụp đổ Chính phủ Bidault.

Từ 12-12-1949,  Pháp và Ba Lan thi nhau đuổi đại diện ngoại giao nước kia về nước, đầu tiên vì lý do sứ giả Ba Lan kích động và tài trợ biểu tình chống chính quyền và chiến tranh Đông Dương. Ngày 8-12-1949, Thượng viện Mỹ họp khẩn cấp nghiên cứu tình hình Viễn Đông. Tổng thống Truman tuyên bố chỉ quyết định thái độ với Việt Nam và Đông Nam Á sau cuộc hành trình nghiên cứu của đặc sứ lưu động Jessup ở Viễn Đông từ 13-12-1949. Tại Pháp, dân bốc vác tàu Marseille thực hiện chỉ huy của Đảng Cộng sản từ chối bốc vác các võ khí tiếp tế cho chiến trường Đông Dương. Ngày 6-12-1949, Hội đồng tổng trưởng Pháp thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp định Elysée 8-1-1949 đưa tiếp lên Quốc hội phê chuẩn thành luật.

Vào cuối năm 1949, kế hoạch Marshall phục hưng châu Âu khởi động từ năm 1947 đã thành công. Khối Tây Âu phát triển mạnh kinh tế, xã hội. Riêng với Pháp từ tháng 7-1945 đến 7-1948 đã nhận viện trợ Mỹ 1,9 tỉ đô la để khôi phục kinh tế và đánh bại được Đảng Cộng sản Pháp ra khỏi chính trường. Tuy nhiên, hệ thống cộng sản tiếp tục là mối đe dọa ngày càng lớn không chỉ ở Pháp mà cả thế giới tự do. Sau những hoạt động tìm cách đẩy mạnh phong trào cộng sản ở Pháp, Ý, là những cuộc trấn áp đẫm máu phong trào phản kháng của chính quyền cộng sản với các lực lượng dân chủ quốc gia ở Tiệp Khắc (2-1948), Berlin (4-1948), Liên Xô thử thành công bom hạt nhân (7-1949), cộng sản bành trướng ở Triều Tiên, Trung Cộng, Đông Dương.

Năm 1949 có hai sự kiện quan trọng đã tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới quan hệ Mỹ Pháp và chính sách của Mỹ ở Viễn Đông. Đó là việc Pháp gia nhập khối NATO, vì thế có thể nhận được viện trợ quân sự từ Mỹ để ngăn chận cộng sản ở Đông Dương. Ngoài ra, nguy cơ Trung Cộng chiếm trọn Trung Hoa và tràn xuống Đông Nam Á làm cho Mỹ thấy rõ sự bức bách phải góp phần vào việc ngăn chận chủ nghĩa cộng sản ở đây. Sự kiện này làm hình thành nguyên tắc Domino ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ cho đến cuối thế kỷ 20.

Domino là một loại cờ có 28 quân chơi theo nguyên tắc đặt nối tiếp các quân cờ thành một chuỗi liên hoàn. Muốn đánh thắng, người chơi phải tính toán đi những nước cờ như thế nào để ngăn chận không cho đối thủ đặt tiếp quân được nữa. Nguyên tắc Domino do tổng thống Truman đề ra và sau đó được tổng thống Eishenhower triển khai mạnh nhất, là dùng viện trợ Mỹ làm quân cờ domino để phát triển lực lượng quốc gia tại chỗ, ngăn chận sự bành trướng cộng sản tại Viễn Đông, vì nếu Đông Dương mất vào tay cộng sản thì các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á (Thái Lan, Miến Điện, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Nam Dương) và các vùng Nam Á, Tây Á... lần lượt sẽ bị cộng sản xâm nhập và thôn tính theo một chuỗi phản ứng dây chuyền.

Ngày 30-12-1949, tổng thống Truman triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia tại Bạch Cung. Tài liệu số NSC 48/1 tháng 6-1949 của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ khẳng định: Nếu Đông Nam Á bị cộng sản chiếm  mất thì thế giới tự do sẽ phải chịu đựng một thất bại to lớn về chính trị mà ảnh hưởng của nó sẽ lan khắp phần còn lại của thế giới. Kế hoạch Domino được triển khai cụ thể thành ‘những chương trình viện trợ các nước chậm tiến’, là điểm thứ tư của chương trình bốn điểm Truman.

Tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ngày 30-12-1949 tại Bạch Cung, ngoại trưởng Mỹ nhắc lại: Mục đích của điểm 4 chương trình Truman là tăng cường viện trợ của Mỹ phát triển các vùng chậm tiến trên thế giới cho đến khi nào nhân dân các nơi đó có thể nổi dậy chống lại các mẫu quốc đô hộ. Trong tài liệu NSC 48/1 của Hội đồng An ninh quốc gia, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công khai biểu lộ: Mỹ ngày càng lo lắng trước đà tiến công của cộng sản tại nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới. Hành động của Mỹ ở châu Á phải là một bộ phận trong kế hoạch toàn diện nhằm phục vụ mục tiêu đó. Tài liệu NSC 48/1 nhấn mạnh rằng: Cần phải dành sự chú ý đặc biệt đối với Đông Dương, là một nơi mà Mỹ cần có hành động thuyết phục để người Pháp thấy sự cần thiết phải vứt bỏ các chướng ngại để Chính phủ Bảo Đại và lác lãnh tụ quốc gia không cộng sản khác có thể phát huy sự ủng hộ của đa số dân chúng Việt Nam trong cuộc ngăn chận cộng sản.

Kết thúc cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia 30-12-1949, tổng thống Truman kết luận: Để ngăn chận sự bành trướng hơn nữa của cộng sản ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương

1- Mỹ sẽ cùng các phần tử lãnh đạo quốc gia ở khu vực này thành lập các khối liên hiệp khu vực và giúp đỡ họ đạt tới các mục tiêu phù hợp với chính sách của Mỹ.

2- Mỹ phải hoạt động để phát triển và củng cố an ninh khu vực, chống lại sự xâm luợc của cộng sản từ ngoài vào và hoạt động lật đổ từ bên trong, bằng cách viện trợ và cố vấn kinh tế, chính trị và quân sự ở những nơi cần thiết, để bổ sung cho sức đề kháng của các đồng minh châu Á ở trong hoặc ngoài khu vực trực tiếp bị đe dọa của cộng sản. Điều chú ý là phải hạn chế tới mức tối thiểu sự căng thẳng trong quan hệ với các cường quốc thực dân vốn là đồng minh phương Tây của Mỹ.

3- Phải đặc biệt chú ý đến bán đảo Đông Dương. Trước mắt phải thuyết phục người Pháp và cùng với họ giúp đỡ Chánh phủ quốc gia Bảo Đại và những người cầm đầu phong trào quốc gia khác được sự ủng hộ tối đa của dân chúng Đông Dương. Biện pháp thực hiện đường lối trên phải tùy đối tượng, tùy điều kiện cụ thể mà vận dụng: bằng an ninh tập thể, nếu người châu Á sẵn sàng; bằng hợp tác với các đồng minh châu Âu và các nước trong Liên hiệp Anh nếu có thể được; bằng hình thức song phương với từng chính phủ châu Á nếu cần thiết.

 

VI- Thời kỳ thủ tướng Nguyễn Phan Long (1950)

1- Nội các Nguyễn Phan Long

 

Những ngày đầu năm 1950, cục diện châu Á hết sức khẩn trương. Trung cộng quân đã áp sát biên giới Việt Nam, nối liền với vùng kiểm soát của Việt cộng. Ngày 18-1-1950, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, rồi trong tháng 1-1950, tất cả các nước cộng sản đều lần lượt công khai thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đó, Trung Cộng ồ ạt viện trợ công khai cho quân Việt cộng đẩy mạnh đánh Pháp, mở rộng vùng kiểm soát. Ngày 20-1-1950, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố chính sách về Đông Dương, trong đó nêu rõ sự lo lắng trước những hoạt động quân sự ngày càng tăng của Việt cộng, nhất là trong những vùng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam và tuyên bố sẵn sàng công nhận ngoại giao với Chính phủ Quốc gia Việt Nam đang được sự ủng hộ ngày càng tăng của dân chúng.

Ngày 6-1-1950, quốc trưởng kiêm thủ tướng Bảo Đại quyết định cử Nguyễn Phan Long làm thủ tướng. Nguyễn Phan Long đang là tổng trưởng Ngoại giao, có quan hệ rộng rãi với chính trường Pháp và nhất là với Mỹ, nên theo Bảo Đại có thể thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối trọng cân bằng giữa Mỹ và Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của hai thế lực mạnh mẽ này phát triển Quốc gia Việt Nam.

Ngày 18-1-1950, Nội các Nguyễn Phan Long được quốc trưởng Bảo Đại chuẩn y, hoạt động đến ngày 6-5-1950.

- Thủ tướng kiêm tổng trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Phan Long.

- Phó thủ tướng: Nguyễn Văn Xuân.

- Tổng trưởng Bộ Quốc phòng: Phan Huy Quát.

-  v.v..

 Chính phủ Nguyễn Phan Long tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Mỹ để sớm giành quyền tự chủ về mọi mặt và phát triển đội Vệ binh quốc gia lên 50.000 người.

 

2- Hậu thuẫn của Mỹ và Pháp về độc lập cho Việt Nam

 

Cuối tháng 1-1950, tại Quốc hội Pháp diễn ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa một bên là cộng sản cánh tả chủ trương ngừng bắn ngay và công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, với bên kia là những người ủng hộ Chánh phủ Quốc gia Việt Nam và Hiệp định Elysée, do thủ tướng Georges Bidault đứng đầu và các bộ trưởng René Pléven, Jean Letourneau, Frédéric Dupont ủng hộ. Cuối cùng, Quốc hội Pháp phê chuẩn thông qua Hiệp định Elysée và công nhận Chánh phủ Quốc gia Việt Nam. Trong số 193 phiếu chống thuộc phe thiểu số, có 181 của các nghị sĩ cộng sản và 12 của các nghị sĩ cánh tả thuộc các đảng phái khác.

Ngày 2-3-1950, thủ tướng Bidault tuyên bố chính thức công nhận nền độc lập hoàn toàn của Quốc gia Việt Nam. Hội đàm với thủ tướng Nguyễn Phan Long tại Paris, Bidault nói: Bây giờ đã là đầu năm 1950, người Pháp đã chán ngán với cục diện Đông Dương và tôi tự thấy chẳng còn muốn ở lại đây ngày nào nữa. Tôi mong sao từ ngày mai quân Pháp có thể rút khỏi Đông Dương. Lực lượng Quốc gia Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần cho điều đó. Chúng tôi tự thấy không còn ích lợi gì khi phải ở lại đây. Người Việt Nam sẽ phải tự mình chống cộng sản và trong mặt trận đó phải xác định tình huống là không có người Pháp bên cạnh nữa.

Ngày 1-2-1950, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phát đi tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Akeason: Mỹ hoàn toàn bất ngờ về việc Liên Xô công nhận Việt Cộng và qua sự kiện này đã chấm dứt những ảo tưởng bịp bợm về ‘tính chất quốc gia’ trong các mục tiêu của bè lũ Hồ Chí Minh. Sự kiện đó càng thúc đẩy chính sách của Mỹ nhằm ngăn chận sự tăng trưởng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghinh việc Quốc hội Pháp nhìn nhận chủ quyền cho các nước Đông Duơng, một việc sẽ mở đường để các nước trên thế giới công nhận các chính phủ hợp pháp này. Thông qua đại sứ Jessup, Mỹ bày tỏ với quốc trưởng Bảo Đại những lời chào mừng tốt đẹp nhất và hy vọng mọi quan hệ chặt chẽ hơn nữa sẽ nhanh chóng được thiết lập giữa Chính phủ Mỹ và Chánh phủ Quốc gia Việt Nam.

Hôm sau, ngày 2-2-1950 Bộ Ngoại giao gởi lên tổng thống Truman một bị vong lục, đề nghị chuẩn y sự công nhận ba quốc gia liên kết Đông Dương đang cùng Pháp chống cộng sản. Ngày 3-2-1950, tổng thống Truman ký luật chuẩn y ngay lập tức.

Ngày 4-2-1950, tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn chuyển tới quốc trưởng Bảo Đại bức công hàm của tổng thống Truman, trong đó nêu rõ: Chính phủ Mỹ hoan nghênh chào đón Quốc gia Việt Nam vào cộng đồng quốc gia yêu chuộng hòa  bình trên thế giới và được công nhận về mặt ngoại giao Chánh phủ Quốc gia Việt Nam. Tôi mong đợi sớm có sự trao đổi đại diện ngoại giao hai nước chúng ta.

Ngay sau đó, Anh và nhiều nước khác cũng công nhận là trao đổi ngoại giao với Việt Nam. Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Sài Gòn là Donald Heath (1950-54).

Tuyên bố của Chính phủ Mỹ ngày 7-2-1950 nguyên văn ghi rõ

UNITED STATES RECOGNITION OF VIET-NAM, LAOS, AND CAMBODIA: Statement by the Department of State, February 7, 1950

(On March 8, 1949, France signed an agreement with the state of Vietnam under Bao Dai, agreeing to recognize the independence of Vietnam. Similar agreements were later signed with Cambodia and Laos.)

The Government of the United States has accorded diplomatic recognition to the Governments of the State of Viet Nam, the Kingdom of Laos, and the Kingdom of Cambodia.

The President, therefore, has instructed the American consul general at Saigon to inform the heads of Government of the State of Viet Nam, the Kingdom of Laos, and the Kingdom of Cambodia that we extend diplomatic recognition to their Governments and look for-ward to an exchange of diplomatic representatives between the United States and these countries.

Our diplomatic recognition of these Governments is based on the formal establishment of the State of Viet Nam, the Kingdom of Laos, and the Kingdom of Cambodia as independent states within the French Union; this recognition is consistent with our fundamental policy of giving support to the peaceful and democratic evolution of dependent peoples toward self-government and independence.

In June of last year, this Government expressed its gratification at the signing of the France-Viet Namese agreements of March 8, which provided the basis for the evolution of Viet Namese independence within the French Union. These agreements, together with similar accords between France and the Kingdoms of Laos and Cambodia, have now been ratified by the French National Assembly and signed by the President of the French Republic. This ratification has established the independence of Viet Nam, Laos, and Cambodia as associated states within the French Union.

It is anticipated that the full implementation of these basic agreements and of supplementary accords which have been negotiated and are awaiting ratification will promote political stability and the growth of effective democratic institutions in Indochina. This Government is considering what steps it may take at this time to further these objectives and to assure, in collaboration with other like-minded nations, that this development shall not be hindered by internal dissension fostered from abroad.

The status of the American consulate general in Saigon will be raised to that of a legation, and the Minister who will be accredited to all three states will be appointed by the President.

Ngày 27-2-1950, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ họp và phát hành tài liệu NSC/64, ghi rõ: Điều quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ là phải áp dụng mọi biện pháp có thể thực hiện được để ngăn chận cộng sản bành trướng thêm nữa ở Đông Nam Á. Đây là một khu vực chủ chốt ở Đông Nam Á vì trước mắt đang bị đe dọa. Có thể dự kiến là các nước láng giềng Thái Lan, Miến Điện sẽ rơi vào ách thống trị của cộng sản nếu Đông Dương bị kiểm soát bởi một chính phủ do cộng sản khống chế. Lúc đó, thế cân bằng ở Đông Nam Á sẽ lâm vào tình trạng rủi ro nghiêm trọng. Báo cáo của Bộ Quốc phòng lên tổng thống ghi rõ : Đông Dương là khu vực duy nhất kế cận Trung Cộng có một quân đội châu Âu to lớn đang chiến đấu chống cộng sản. Nếu không có viện trợ Mỹ thì tình hình càng tồi tệ nhanh chóng cho Pháp và các lực lượng quốc gia Việt Nam trước sự chi viện ngày càng ồ ạt của Liên Xô và Trung Cộng vào Bắc Đông Dương.

Ngày 16-3-1950, một đoàn tàu chiến thuộc Hạm đội 7 do đô đốc Arleigh Burke chỉ huy kéo đến Việt Nam để tỏ sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ với Chánh phủ Bảo Đại. Hàng không mẫu hạm Boxer cập bến Đà Nẵng, hai chiến hạm Stickell và Anderson cập cảng Sài Gòn, trong khi 70 máy bay biểu diễn đội hình dọc bờ biển miền Trung suốt ngày 17-3-1950.

Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức một cuộc biểu tình chống đối khoảng 50 người ngày 19-3-1950 và mời một luật sư tên Nguyễn Hữu Thọ tham gia, trương một vài khẩu hiệu Đả đảo can thiệp Mỹ, Đả đảo Bảo Đại; đồng thời cho bắn vài phát súng cối từ bờ Thủ Thiêm sang. Sau đó Việt Cộng gọi sự kiện này là ‘Ngày toàn quốc chống Mỹ’.

Nhưng việc này không hề ảnh hưởng đến sự hân hoan của bốn chục ngàn dân Sài Gòn trong buổi lễ mừng hai năm ngày ký Hiệp định 8-3 tổ chức trước đó ít lâu. Đến lúc này, hầu như uy tín của Chính phủ Bảo Đại lên cao nhất trong dân chúng Việt Nam. Vai trò của người Pháp ở Đông Dương lúc này chỉ còn trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Quân đội quốc gia Việt Nam lúc này có khoảng 50.000 người đảm nhận chủ yếu việc bảo vệ an ninh ở Nam Việt và tham gia các chiến dịch ở Trung và Bắc Việt Nam. Mọi công việc điều hành chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, xã hội đều do Chính phủ Quốc gia Việt Nam thực hiện, tất nhiên nhiều lĩnh vực vẫn do các chuyên gia Pháp, Mỹ cố vấn về chuyên môn, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là người Việt.

Tháng 4-1950, Bảo Đại và Nguyễn Phan Long triệu tập Hội nghị quân sự ở Đà Lạt để nhanh chóng thống nhất các lực lượng còn rời rạc trong các lực lượng quốc gia để thanh một tập hợp thống nhất và mạnh mẽ trở thành một đối trọng ở Đông Dương.

Tuy nhiên, Nội các Nguyễn Phan Long tỏ ra thân thiện quá mức với Mỹ trong thế cân bằng quan hệ Pháp Mỹ và nhiều lần công khai phản đối Pháp nên một số giới chức thẩm quyền trong chính trường Pháp lo ngại. Ủy viên cộng hòa Chanson được lệnh nói thẳng với quốc trưởng Bảo Đại về mối lo lắng này của người Pháp và gây sức ép phải thay Nội các Nguyễn Phan Long. Lúc đó, Pháp vẫn là lực lượng chủ yếu ngăn chận cộng sản nên sau khi cân nhắc thiệt hơn, ngày 26-4-1950, Nội các Nguyễn Phan Long tuyên bố từ chức sau 96 ngày cầm quyền ngắn ngủi.

 

VII- Thời kỳ thủ tướng Trần Văn Hữu (1950-52)

1- Nội các Trần Văn Hữu (1950-51)

 

Sau khi phê chuẩn giải tán Nội các Nguyễn Phan Long, ngày 27-4-1950 Bảo Đại yêu cầu thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu lập nội các mới. Trần Văn Hữu (1896-1984) quê ở Vĩnh Long, có bằng kỹ sư canh nông, xuất thân từ một gia đình đại điền chủ. Ngày 6-5-1950, Bảo Đại chuẩn y Nội các thủ tướng Trần Văn Hữu. Đến tháng 2-1951, Nội các Trần Văn Hữu cải tổ lại một lần cùng lúc với cải tổ các thủ hiến Bắc, Trung, Nam.

Nội các Trần Văn Hữu hoạt động từ 6-5-1950 đến 20-2-1951.

- Thủ tướng kiêm tổng trưởng Ngoại giao và Quốc phòng: Trần Văn Hữu.

- Tổng trưởng Bộ Quân lực: Trần Quang Vinh.

- Bộ trưởng Phủ thủ tướng: Trần Văn Tuyên.

- Bộ trưởng Công vụ: Đinh Xuân Quảng.

- Thủ hiến Trung Phần: Phan Văn Giáo.

- Thủ hiến Bắc Phần: Nguyễn Hữu Trí.

- Thủ hiến Nam Phần: Thái Lập Thành.

- v.v…

 

2- Mỹ tăng cường ủng hộ Quốc gia Việt Nam

 

Ngày 8-5-1950, tổng thống Truman bắt đầu viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến Đông Dương và cho Chánh phủ Quốc gia Việt Nam với số tiền khiêm tốn đầu tiên là 10 triệu đô la. Ngày 11-5-1950, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo về kết quả khảo sát viện trợ của phái bộ đặc biệt Allen R.Greffin dẫn đầu được cử sang Đông Dương hai tháng trước đó. Theo đó, phái bộ này đề nghị một khoản viện trợ gần 135 triệu đô la, trong đó có 60 triệu về kinh tế, kỹ thuật, 75 triệu đô la về quân sự cho Chánh phủ Quốc gia Việt Nam.

Cuối tháng 5-1950, Bộ Ngoại giao Mỹ thành lập một phái đoàn viện trợ các quốc gia liên kết Đông Dương do Robert Blum đứng đầu, đặt trụ sở tại Sài Gòn và một tháng sau, vào ngày 27-6-1950, trong bối cảnh cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản vào Đại Hàn bùng nổ, tổng thống Truman tuyên bố đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ quân sự cho Đông Dương. Chiến trường Đông Dương trở thành gọng kềm thứ hai ở Đông Nam Á, cùng với gọng kềm Đông Bắc Á-chiến trường bán đảo Cao Ly hình thành trận địa chống cộng của Liên Hiệp Quốc mà nòng cốt là Mỹ, Pháp ở Viễn Đông.

Lúc đó, chính trường Pháp lại khủng hoảng do nội các chính phủ Bidault sụp đổ, mãi đến cuối tháng 6-1950 mới thành lập nội các thủ tướng Plevent, trở thành nội các thứ 12 từ khi kết thúc Đệ nhị thế chiến (1945-1950).

Việc Mỹ tham chiến ở bán đảo Cao Ly từ tháng 6-1950 và nhất là cuộc triệt thoái quân Pháp khỏi các tiền đồn bên giới Việt-Hoa tháng 10-1950, khiến cho cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga bắt đầu chi phối nội tình Việt Nam. Pháp bị đặt vào tình thế cực kỳ tế nhị. Một mặt, Pháp phải hỗ trợ phát triển quân đội quốc gia bản xứ để san xẻ gánh nặng cho quân viễn chinh và phải ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào viện trợ Mỹ; mặt khác, Pháp luôn bị Mỹ gây sức ép ngày càng lớn buộc phải trao trả dần độc lập cho các quốc gia Đông Dương, và áp lực này cũng ngày càng tăng theo con số viện trợ Mỹ.

 

3- Hội nghị liên quốc ở Pan và các hiệp định ở Sài Gòn

 

Ngày 29-6-1950, thủ tướng Plevent tổ chức Hội nghị liên quốc ở Pan (Nam Pháp) gồm các chính phủ Pháp, Việt Nam, Lào, Cambodia để thống nhất giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế đã được ấn định trong các hiệp định 8-3-1949 và 30-12-1949 giữa Pháp và các chính quyền quốc gia Việt Nam, Lào, Cambodia. Nhiều phiên họp gay gắt diễn ra và kéo dài đến tháng 12-1950 mới kết thúc, gồm các phiên từ 29-6 đến 9-8-1950, từ 20-8 đến 16-9-1950, từ 8 đến đến 27-11-1950.

Do sự đấu tranh gay gắt của Bảo Đại, Trần Văn Hữu, Shihanouk, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ, ngày 24-12-1950, thủ tướng Plevent ký với lãnh đạo các nước Việt Nam, Lào, Cambodia hàng loạt hiệp định ở Sài Gòn, tuyên bố Cộng hòa Pháp từ đó trở đi không dính líu gì về chủ quyền hành chính, kinh tế, văn hóa ở Đông Dương, ngoại trừ về vấn đế quân sự, lực lượng quân sự chiến đấu ở Đông Dương vẫn do Pháp chỉ huy thống nhất. Pháp, Mỹ, Việt Nam, Lào, Cambodia cũng ký Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương tại Sài Gòn ngày 23-12-1950, theo đó Mỹ cam kết sẽ viện trợ quân sự cho các nước Việt Nam, Lào, Cambodia phòng thủ Đông Dương chống cộng sản.

Tháng 7-1950, Mỹ đặt Phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) tại Sài Gòn. Tháng 8-1950, Mỹ viện trợ kinh tế cho chính quyền Việt Nam 8.654.000 đô la. Ngày 14-5-1950, đại sứ Mỹ và đại diện Việt Nam gồm tổng trưởng Bộ Quốc phòng Trần Quang Vinh, thủ hiến Trung phần Phan Văn Giáo, tổng tham mưu trưởng Quân lực Nguyễn Văn Hinh đàm phán về việc tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ cho Quân đội quốc gia Việt Nam.

Ngày 18-10-1950, ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson gởi thông qua công sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đến Bảo Đại một bức điện nêu rõ: Sự lãnh đạo của Chánh phủ Việt Nam trong thời kỳ nghiêm trọng này là một yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu quyết định kết quả cuối cùng. Chánh phủ Việt Nam đã tỏ ra có một khả năng lãnh đạo và sự can đảm đặc biệt xông xáo trước một công chúng đang bối rối và chịu nhiều đau khổ sau những năm nội chiến, Chính phủ Mỹ cho rằng Chánh phủ Việt Nam hiện tại đang gắn liền với cá nhân quốc trưởng đến mức mà khả năng lãnh đạo và sự gương mẫu của ngài có tầm quan trọng đặc biệt quyết định mức độ hoạt động hiệu quả của Chánh phủ Việt Nam.

Pháp lần lượt bàn giao cho Chánh phủ Trần Văn Hữu các cơ quan: Sở Liêm phóng (11-6-1950), Bưu điện Sài Gòn và hệ thống bưu điện viễn thông (10-1-1951), Ngân khố và hệ thống tài chính (1-10-1951).

Từ 5-11-1950, Bảo Đại tổ chức Hội nghị quân sự tại Đà Lạt. Ngày 25-11-1950, Bảo Đại ra Hà Nội tổ chức Hội nghị lập kế hoạch phòng thủ Bắc Việt. Ngày 19-1-1951, Bảo Đại ra tuyên bố đoàn kết các lực lượng quốc gia tập hợp trong một mặt trận chung hợp tác với Pháp và thế giới tự do ngăn chận chủ nghĩa cộng sản.

 

4- Nội các Trần Văn Hữu 1951-52

 

Ngày 21-1-1951, quốc trưởng Bảo Đại ra lệnh giải tán Nội các Trần Văn Hữu, rồi lại giao Trần Văn Hữu lập nội các khác. Danh sách Chánh phủ do Trần Văn Hữu đề cử vào các ngày 26-1, 30-1, 3-2, 10-2, 13-2-1951 liên tiếp bị Bảo Đại cự tuyệt. Cuối cùng, đến 20-2-1951, thành phần chánh phủ mới được quốc trưởng chấp thuận. Trong số các thay đổi có việc Bộ Quân lực và chức vụ tổng trưởng Quân lực bị bãi bỏ.

Nội các Trần Văn Hữu thứ hai (20-2-1951 đến 7-3-1952)

- Thủ tướng kiêm tổng trưởng Ngoại giao và Quốc phòng: Trần Văn Hữu.

- Bộ trưởng Phủ thủ tướng: Trần Văn Tuyên.

- Bộ trưởng Ngân sách, phụ trách Bộ Công vụ: Đinh Xuân Quảng.

- v.v…

Nhưng sau đó, Nội các Trần Văn Hữu liên tiếp gặp sóng gió. Lãnh tụ Đảng Đại Việt, cũng là thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí công khai đả kích Chánh phủ Trần Văn Hữu. Nhiều lần được Bảo Đại mời ra lập nội các hoặc giao phụ trách Bộ Quốc phòng, Nguyễn Hữu Trí đều cự tuyệt. Ngày 13-3-1951, Nguyễn Hữu Trí từ chức thủ hiến Bắc Việt để phản đối Trần Văn Hữu. Đến tháng 7-1951, bộ trưởng Phủ thủ tướng Trần Văn Tuyên và thủ hiến Trung Việt Phan Văn Giáo từ chức. Thủ hiến Nam Việt Thái Lập Thành bị cộng sản ám sát. Tháng 11-1951, tân thủ hiến Bắc Việt Đặng Hữu Chí cũng xin nghỉ dài hạn để trị bệnh. Sau chiến thắng của liên quân Pháp Việt ở măt trận Hòa Bình, một lần nữa  Bảo Đại lại yêu cầu Trần Văn Hữu giải tán nội các cũ và thành lập nội các mới, cùng lúc thay thế tất cả thủ hiến ba phần. 

Nội các Trần Văn Hữu thứ ba (8-3 đến 23-6-1952)

- Thủ tướng kiêm tổng trưởng Ngoại giao và Quốc phòng: Trần Văn Hữu.

- Bộ trưởng Phủ thủ tướng: Đinh Xuân Quảng.

- Phụ tá tổng trưởng Bộ Quốc phòng: Nghiêm Văn Trí.

- v.v…

 

Thủ tướng Trần Văn Hữu ký Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản
5 - Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản

 

Ngày 14-7-1951, Bảo Đại cùng De Lattre - tư lệnh Quân lực Pháp ở Đông Dương đi xem xét tình hình và tổ chức lễ quốc khánh Pháp rầm rộ. Trong tháng 7-1951, phái đoàn Chánh phủ Quốc gia Việt Nam sang Mỹ cùng các quốc gia khác tham dự Hội nghị hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Ngày 20-7-1951, bộ trưởng Ngoại giao Việt Cộng Hoàng Minh Giám ra tuyên bố về vấn đề hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, chỉ có Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là chính phủ duy nhất hợp pháp đại diện cho Việt Nam để tham dự lễ ký hòa bình với Nhật Bản. Thế nhưng, Chính phủ Việt Cộng lúc đó thuộc một thế giới khác. Chánh phủ Quốc gia Việt Nam là một trong số 19 quốc gia ký với Nhật hiệp ước bảo vệ an ninh Nhật ngày 8-9-1951 tại San Francisco để bảo vệ Nhật lúc đó còn đang bị Liên Hiệp Quốc cấm võ trang, đảm bảo không bị cộng sản Nga, Trung Cộng, Triều Tiên xâm lấn. Theo đó, Mỹ sẽ đóng một số quân thường trực tại Nhật. Khi Nhật bị xâm lược thì quân 19 nước trong đó có Việt Nam sẽ kéo vào bảo vệ Nhật.

 

6- Hiệp ước hợp tác Việt Mỹ

 

Ngày 7-9-1951, Mỹ ký trực tiếp với Chánh phủ Quốc gia Việt Nam bản hiệp ước song phương, gọi là Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt Mỹ. Tháng 12-1951, Mỹ lại ký với Chánh phủ Việt Nam một bản hiệp nghị an ninh chung. Từ sau khi các bản hiệp định viện trợ quân sự, an ninh, kinh tế được ký kết, sự viện trợ của Mỹ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong ngân sách của Pháp ở Đông Dương và ngân sách Chánh phủ Quốc gia.

Viện trợ Mỹ bắt đầu khiêm tốn với 10 triệu đô la từ 8-5-1950 đã tăng đến 100 lần (1,063 tỉ năm 1954) chiếm 73% chiến phí Pháp ở Đông Dương. Năm 1951, viện trợ Mỹ chiếm 19% ngân sách chiến tranh, năm 1952 chiếm 35%, năm 1953 chiếm 43%, năm 1954 chiến 73%. Nếu trong những năm đầu (1950-1951) trang bị của Mỹ đổ vào Đông Dương trung bình 6.000 tấn mỗi tháng thì năm 1954 tăng lên 80.000 tấn mỗi tháng. Đầu năm 1954, Mỹ viện trợ cho Pháp 360 máy bay, 259 thủy phi cơ, 16.000 xe hơi, 1.400 xe tăng thiết giáp, 390 tàu xuồng, 175.000 súng trường súng máy, 240 triệu đạn nhỏ, 15 triệu đạn pháo. Cuối năm 1951-1952, Mỹ viện trợ Pháp 300 khẩu pháo, 1 triệu đạn pháo, 15 triệu đạn nhỏ, 150 tàu xuồng đổ bộ, 100.000 súng trường, 200 máy bay trong đó có 30 máy bay B26 tối tân nhất.

Nhiều phái đoàn viện trợ kinh tế, cố vấn quân sự Mỹ lần lượt sang Việt Nam. Tháng 5-1950, Phái đoàn Viện trợ Mỹ do Robert Blum dẫn đầu đặt trụ sở tại Sài Gòn. Tháng 9-1950, Phái đoàn Cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) thành lập ở Sài Gòn và nhiều chi nhánh khắp Việt Nam. Ngày 24-11-1951, trưởng Phái đoàn Viện trợ kinh tế Mỹ Williamson thông báo việc tài trợ kinh tế tài khóa 1951-1952 là 25 triệu đô la. Năm 1952, các phòng thông tin Mỹ đặt ở nhiều trung tâm như Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hà Nội, Hải Phòng. Các tướng tá, chính khách Mỹ đi lại Đông Dương ngày càng nhiều. Các trung tâm và các trại huấn luyện của Mỹ bắt đầu lựa chọn, đưa người từ Việt Nam sang Mỹ du học và tu nghiệp.

Ngày 6-12-1950, Chính phủ Pháp cử đại tướng De Lattre de Tassigny, tư lệnh Lục quân khối Tây Âu sang làm tổng chỉ huy Quân lực kiêm cao ủy Pháp ở Đông Dương. Trung tuần tháng 9-1951, De Lattre sang Mỹ hội kiến với tổng thống Truman. De Lattre khẳng định: Trước đây, Đông Dương là vấn đề nội bộ của Pháp. Người Mỹ có thể đứng ngoài cuộc để phê phán, cho rằng người Pháp tiến hành cuộc chiến tranh thuộc địa, rằng Pháp ngoan cố không chịu trả độc lập cho người Việt Nam. Bởi vậy, Mỹ có thể do dự, với những lời cam kết mập mờ, không muốn tích cực giúp Pháp trong cuộc chiến tranh chống Việt Cộng. Nhưng ngày nay, người Mỹ từ giới lãnh đạo cũng như công chúng cần hiểu rằng cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương là cuộc chiến cho nền an ninh thế giới, là cuộc thập tự chinh chống cộng của cả thế giới tự do. Cuộc chiến tranh Cao Ly và cuộc chiến tranh Đông Dương đều nhằm chống lại sự bành trướng của cộng sản, nên nhu cầu trang bị mà Mỹ dốc vào hai cuộc chiến tranh đó đều cần thiết như nhau và phải được coi trọng như nhau.

 Trong suốt nửa tháng ở Mỹ, De Lattre đã gặp từ lãnh đạo Bạch Cung, Ngũ giác đài, giáo hội Mỹ (hồng y giáo chủ Spellman), liên tục xuất hiện diễn thuyết trên tivi và các cuộc họp báo: Pháp giữ quân ở Đông Dương lúc này không phải vì mục đích chiến tranh thuộc địa nữa mà chính là để bảo vệ vòm  trời Đông Nam Á luôn xanh. Đông Dương mà sụp đổ sẽ kéo theo Trung Đông, sẽ làm rung chuyển Bắc Phi. Châu Âu sẽ đứng trước nguy cơ bị bao vây từ phía Nam. Nước Mỹ hãy cứu lấy Đông Dương, tức là cứu lấy nền an ninh của thế giới của chính cả nước Mỹ.

Liên tiếp hai ngày 19 và 23-9-1951, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nhắc lại rằng Chính phủ Mỹ đồng quan điểm với người Pháp về công cuộc chống cộng ở Đông Dương và sẽ tăng cường viện trợ cho Pháp và các quốc gia Đông Dương về vật chất chỉ sau Đại Hàn.

Tháng 1-1952, De Lattre chết, bộ trưởng Bộ Quốc gia liên kết Jean Le Tourneau được cử kiêm chức cao ủy Đông Dương.

 

VIII- Thời kỳ thủ tướng Nguyễn Văn Tâm (1952-54)

1- Nội các Nguyễn Văn Tâm (23-6-1952 đến 4-1-1954)

 

Ngày 3-6-1952, quốc trưởng Bảo Đại quyết định giải tán Nội các thủ tướng Trần Văn Hữu và hôm sau cử Nguyễn Văn Tâm đứng ra lập chánh phủ mới. Nguyễn Văn Tâm quê ở quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, thời trước 1945 là đốc phủ sứ quận Cai Lậy. Nội các Nguyễn Văn Tâm tập họp được những phần tử quốc gia chống cộng ráo riết và hữu hiệu hơn, theo khẩu hiệu: Tôi đánh giặc.

Ngày 23-6-1952, Nội các Nguyễn Văn Tâm ra mắt, hoạt động đến tháng 1-1953.

- Thủ tướng: Nguyễn Văn Tâm.

- Phó thủ tướng: Ngô Thúc Định.

- Phó thủ tướng: Phan Văn Giáo.

- Tổng trưởng Bộ Quốc phòng: Nghiêm Văn Trí (Nghiêm Xuân Tri).

- Tổng trưởng Bộ Ngoại giao: Trương Vĩnh Tòng.

- v.v...

Nội các này tăng cường phát triển Quân đội quốc gia, phối hợp cùng quân Pháp đánh cộng sản. Quân đội quốc gia Việt Nam lúc này đã có 40 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn không quân. Cambodia và Lào mỗi nước cũng có 6 tiểu đoàn bộ binh.

Đến tháng 6-1952, ở Đông Dương chỉ còn 1.400 công chức Pháp so với 7.000 người vào năm 1949. Phần lớn các bộ máy hành chính, kinh tế, tư pháp và tất cả các vị trí chủ chốt ở trung ương và địa phưong đều do người Việt nắm giữ và quyết định.

Trong điều kiện chiến tranh, chính trường Pháp và Việt Nam luôn biến động theo thời cuộc. Từ 1946 đến 1952, Việt Nam đã thay đổi ba lần nội các ở Nam Việt với ba đời thủ tướng và bảy lần thay đổi nội các Việt Nam với năm đời thủ tướng. Trong khi đó ở Pháp từ 1945 đến 1954 thay đổi tới 19 chính phủ tại Paris và 7 cao ủy tại Đông Dương. Với sự bảo trợ của Pháp, Anh, Mỹ, Trung Hoa, Chánh phủ Quốc gia Việt Nam nộp đơn xin vào Liên Hiệp Quốc ngày 12-9-1952. Kết quả biểu quyết chấp thuận tại Hội đồng Bảo an là 11/12. Liên Xô dùng quyền phủ quyết nên Quốc gia Việt Nam không được gia nhập chính thức Liên Hiệp Quốc, nhưng từ đó trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự tất cả các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc và quốc tế cho đến tháng 4-1975.

Tháng 1-1953, Nội các Nguyễn Văn Tâm cải tổ lại và hoạt động đến 4-1-1954.

- Thủ tướng: Nguyễn Văn Tâm

- Phó thủ tướng: Lê Văn Hoạch, Nguyễn Huy Lai.

- Tổng trưởng Bộ Quốc phòng: Lê Quang Huy (quyền, tháng 1 đến 6-1953); Phan Huy Quát (tháng 6-1953 đến tháng 7-1954).

- Tổng trưởng Bộ Ngoại giao: Trương Vĩnh Tòng.

- v.v…

Tháng 6-1953, Nguyễn Văn Tâm cử Phan Huy Quát làm tổng trưởng Bộ Quốc phòng. Thủ tướng Tâm và tổng trưởng Quát rất chú trọng xây dựng quân đội bằng các biện pháp đặc biệt để tăng quân số và đào tạo sĩ quan chính qui.

 

2- Cuộc vận động đòi độc lập hoàn toàn của Shianouk-Nguyễn Văn Tâm

 

Ngày 20-1-1953, nước Mỹ có tổng thống mới là Dwight David Eishenhower, 63 tuổi, vốn là đại tướng chỉ huy quân Đồng minh ở mặt trận Bắc Phi-Địa Trung Hải-Nam Âu. Trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia tháng 8-1953, Eishenhower khẳng định: Trong điều kiện hiện nay, để mất Đông Dương vào tay cộng sản quốc tế là mối nguy kịch hàng đầu tới nền an ninh của Mỹ. Từ năm 1950 đến 1954, Mỹ đã viện trợ quân sự cho cuộc chiến Đông Dương hơn 2,6 tỉ đô la. Đầu năm 1953, Mỹ đã gánh 43% chiến phí Đông Dương, các quốc gia Việt-Lào-Cambodia góp 6%, còn lại 50% vẫn là một gánh nặng đối với ngân sách đang còm cõi của Pháp.

Tính đến năm 1953, mỗi năm các chính phủ liên kết Việt-Lào-Cambodia chi phí khoảng 35 tỉ franc, tức khoảng 100 triệu đô la cho chiến tranh. Quân đội quốc gia Việt Nam lúc này tăng lên 160.000 người cộng với 40.000 quân Lào, Cambodia chiếm 65% quân tham chiến với cộng sản.

Các nước liên kết ở Đông Dương, nhất là Cambodia và Việt Nam không hài lòng về thái độ mập mờ của Pháp đối với mình. Đúng là các chính phủ liên kết (Việt Nam, Lào, Cambodia) đã tự chủ phần lớn công việc nội trị, ngoại giao. Đúng là sự có mặt của quân Pháp ở Đông Dương lúc này là cần thiết để ngăn chận cộng sản. Nhưng vì sao các nước Đông Dương vẫn phải nằm trong khối Liên hiệp Pháp để làm gì? Vì sao các chức vị cao ủy Đông Dương, ủy viên cộng hòa Pháp vẫn còn tồn tại ở Đông Dương. Vì sao vẫn còn hàng ngàn viên chức dân sự Pháp trong bộ máy chính quyền. Nếu dẹp yên được hiểm họa cộng sản thì người Pháp có khôi phục trở lại trọn vẹn sự thống trị như thời thuộc địa hay không ?

Vì thế từ năm 1953, quốc vương Cambodia Norodom Shianouk châm ngòi cho một cuộc đấu tranh  sôi nổi về chính trị, liên kết chặt chẽ với thủ tướng Nguyễn Văn Tâm đòi Pháp phải xét lại Hiệp ước 8-3-1949.

Vào lúc đó, từ khi chiến tranh Cao Ly bùng nổ (25-6-1950) đến ngày ký hiệp ước đình chiến ở Bàn Môn Điếm (26-7-1953), Trung Cộng vẫn liên tục viện trợ cho Việt Cộng tối đa về mọi mặt, nhờ đó đến tháng 5-1953, mặc dù đã thương vong hơn một triệu cán binh, Việt cộng vẫn mở rộng được binh đội lên tới hơn 300.000 người. Để đối phó với cuộc đấu tranh của Shianouk, sau cuộc bàn thảo giữa thủ tướng Laniel và đại tướng Navarre, tổng tư lệnh Quân đội Pháp ở Đông Dương, ngày 3-7-1953, thủ tướng Laniel tuyên bố: Năm 1953-54, quân đội Pháp sẽ giữ thế phòng thủ để năm 1954-55 sẽ tấn công tiêu diệt dứt điểm cộng sản. Nhưng muốn như thế, thì

1- Ngoại quốc phải viện trợ thêm cho đủ.

2- Các quốc gia liên kết phải tự lực hoàn toàn về mọi vấn đề phi quân sự.

3- Chấp nhận thương lượng đình chiến với Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tại Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Văn Tâm tổ chức một hội nghị toàn quốc tại Tòa đô sảnh Sài Gòn từ 9 đến 12-10-1953 sau bản tuyên bố của thủ tướng Pháp. Tất cả 200 đại biểu các giới nhân dân, chính đảng, đoàn thể Bắc Trung Nam về họp để bàn về vấn đề độc lập hoàn toàn và liên hệ với Liên hiệp Pháp của Việt Nam. Qua ba ngày họp, hội nghị quyết định hai điểm:

1- Việt Nam phải độc lập hoàn toàn theo quốc tế công pháp.

2- Việt Nam không gia nhập Liên hiệp Pháp với hình thức hiện tại nữa.

Sau hội nghị, Việt Nam cử một phái đoàn sang Pháp đàm phán việc bãi bỏ quy chế thành viên Liên hiệp Pháp của Việt Nam.

Ngày 6-8-1953, tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, tổng thống Eishenhower tuyên bố trong tài khóa 1954, Mỹ có thể viện trợ một tỷ đô la cho cuộc chiến Đông Dương.

Từ 6-9-1953, Bảo Đại cử Trần Trọng Kim làm chủ tịch Hội đồng Quốc gia, điều hành Quốc hội lâm thời, nhưng đến 2-12-1953, Trần Trọng Kim bị tai biến mạch máu não và chết đột ngột.

 

IX- Thời kỳ thủ tướng Bửu Lộc (1954)

1- Nội các Bửu Lộc

 

Ngày 4-1-1954, quốc trưởng Bảo Đại giải tán Nội các Nguyễn Văn Tâm và cử hoàng thân Nguyễn Phước Bửu Lộc làm thủ tướng lập Nội các mới. Nội các Nguyễn Văn Tâm chính thức ngưng hoạt động từ 12-1.

Ngày 16-1-1954, Bửu Lộc công bố Nội các mới, hoạt động đến 18-6-1954.

- Thủ tướng: Nguyễn Phước Bửu Lộc (4-1 đến 16-6-1954).

- Quyền thủ tướng: Phan Huy Quát (18-6 đến 7-7-1954).

- Phó thủ tướng: Nguyễn Trung Vinh (16-1 đến 7-7-1954).

- Tổng trưởng Quốc phòng: Phan Huy Quát (tháng 6-1953 đến 16-6-1954); Lê Thăng (quyền, 16-6 đến 7-7-1954).

- Tổng trưởng Nội vụ: Đinh Xuân Quảng (16-1 đến 7-7-1954).

- Tổng trưởng Ngoại giao: Nguyễn Quốc Định (16-1 đến 7-7-1954).

- Tổng trưởng Giáo dục: Vũ Quốc Thúc.

- v.v…

Nội các Bửu Lộc được xem là một “nội các ngoại giao”, bởi vì quốc trưởng Bảo Đại đã chiếu theo bản tuyên ngôn của Chính phủ Pháp ngày 3-7-1953, xác định lập trường dành sự độc lập và chủ quyền quốc gia cho các quốc gia Việt Nam-Lào-Cambodia, và Pháp sẽ họp riêng với từng quốc gia này để giải quyết thỏa đáng rốt ráo mọi vấn đề. Việc thành lập Chánh phủ Bửu Lộc là để chuẩn bị hội đàm với Pháp, và cuộc hội đàm Việt-Pháp đã diễn ra tại Paris từ ngày 8-3-1954.


Nội các Bửu Lộc (1954)
 





Hai phái đoàn Việt-Pháp tại cuộc hội đàm Paris, 8-3-1954



 

2- Hiệp định kiện toàn nền độc lập Việt Nam và Hiệp ước liên kết Pháp-Việt (1946)

 

Sau khi Nội các thành lập, ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định ráo riết vận động quốc tế hậu thuẫn gây sức ép để Pháp chấp nhận chủ quyền triệt để và toàn diện của Quốc gia Việt Nam. Từ ngày 8-3-1954 tại Paris, phó thủ tướng Nguyễn Trung Vinh và thủ tướng Joseph Laniel bắt đầu đàm phán về việc bổ sung sửa đổi Hiệp định Elysée.

Ngày 4-6-1954, Nguyễn Trung Vinh và Laniel ký Hiệp định kiện toàn nền độc lập của Việt Nam và Hiệp định liên kết Pháp-Việt.

Nội dung Hiệp định kiện toàn nền độc lập của Việt Nam nêu rõ:

 - Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập và đầy đủ chủ quyền, với mọi thẩm quyền theo quốc tế công pháp.

- Nước Việt Nam thay thế nước Pháp trong mọi quyền hành và nghĩa vụ qui định tại các hiệp ước quốc tế hay các hiệp ước mà Pháp đã ký kết cho Việt Nam hoặc nhân danh Việt Nam, hoặc tại các hiệp ước mà nước Pháp đã ký kết nhân danh Đông Pháp (Indochine-France) trong giới hạn các văn kiện đó liên hệ tới Việt Nam.

Hiệp ước liên kết Pháp-Việt quy định

- Việt Nam  không nằm trong khối Liên hiệp Pháp nhưng khẳng định sẽ liên kết chặt chẽ với Cộng hòa Pháp trên mọi phương diện.

- Việt Nam và Pháp sẽ phối hợp sức lực và điều hòa chính sách trong những việc liên quan đến quyền lợi chung theo nguyên tắc bình đẳng giữa hai quốc gia độc lập tự chủ.

 

3- Pháp bỏ cuộc tại Đông Dương

 

Từ đầu năm 1954, được Trung Cộng và Liên Xô viện trợ khí giới, trang bị hùng hậu, quân Việt cộng đánh phá khắp Đông Dương thu nhiều thắng lợi dù phải trả giá rất đắt với hàng trăm ngàn binh sĩ thương vong chỉ trong sáu tháng đầu năm 1954. Về phía Pháp, sau chín năm chinh chiến, nhân tài vật lực tiêu hao rất lớn. Dân chúng Pháp chán nản, các đảng phái chính trị bắt buộc Chính phủ phải sớm kết thúc chiến tranh bằng mọi giá và đi đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương.

Ngày 21-6-1954, thủ tướng Anh Winston Churchill viết thư cho tổng thống Mỹ Eisenhower, đề nghị thành lập một chiến tuyến chống cộng trong vùng Thái Bình Dương (establishing a firm front against Communism in the Pacific sphere). Churchill cũng ủng hộ việc thành lập một minh ước liên phòng Đông Nam Á, giống như Khối NATO. Churchill nhấn mạnh: We should certainly have a SEATO, corresponding to NATO in the Atlantic and European sphere. In no foreseeable circumstances, except possibly a local rescue, could British troops be used in Indochina, and if we were asked our opinion we should advise against United States local intervention except for rescue. Tuy nhiên, lúc này tổng thống Mỹ chưa muốn dính líu sâu vào trận địa quân sự ở Đông Dương.

Bị quân Việt cộng tấn công trên khắp các mặt trận, quân Pháp phải rút lui, tập trung binh lực ở Điện Biên Phủ định thu hút quân Việt cộng về đó để tiêu diệt. Nhưng Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7-5-1954, Pháp phải chấp nhận ký kết thỏa hiệp đình chiến Genève 20-7-1954, chấp nhận chia đôi lãnh thổ Việt Nam.

 

4- Ngô Đình Diệm vận động tham chính

 

Ngày 14-8-1950, hai anh em Ngô Đình Thục và Diệm rời Sài Gòn lên tàu La Marseillaise bắt đầu hành trình sang Tòa thánh La Mã. Trên đường đi có ghé sang Nhật, Diệm gặp Cường Để, đề nghị hợp tác thành lập một chính phủ chống cộng và bài Pháp. Ngay sau đó Cường Để sang Bangkok, nhưng tình báo cộng sản quốc tế tại đây phát hiện và theo dõi. Trung cộng và Việt cộng cử một cán bộ tên Quy gặp Cường Để, đe dọa tính mạng nếu còn ở Thái Lan. Sau vài ngày suy nghĩ, Cường Để trở lại Nhật Bản.

Ngày 2-9-1950, Thục và Diệm tới Mỹ. Ngày 21-9, hai người gặp vụ trưởng Philippines và Đông Nam Á William S.B. Lacy. Thục đề nghị Mỹ hậu thuẫn thành lập một quân đội quốc gia, tuyển mộ thanh niên tình nguyện có tinh thần hăng hái chống cộng, trong đó lấy thanh niên Công giáo làm nòng cốt để đảm bảo chắc thắng cộng sản.

Tối 25-10-1950, ngoại trưởng Mỹ Acheson điện cho đại sứ Heath ở Sài Gòn về việc thành lập Quân đội quốc gia Việt Nam. Acheson cho biết người Pháp nghĩ rằng có thể đưa các lực lượng giáo phái sáp nhập vào, tổng số khoảng 75.000 người. Nhiều người trong giáo phái có tinh thần và kinh nghiệm chống cộng khá tốt.

Ngày 15-10, Diệm và Thục rời Mỹ sang Paris, sau đó đến Tòa thánh La Mã làm lễ Năm Thánh rồi trở lại Paris vào trung tuần tháng 11-1950. Trong quá trình du hành hải ngoại, hai người đã viếng thăm nhiều chức sắc Công giáo và chính quyền, tổ chức, đảng phái, mở rộng được rất nhiều mối quan hệ ở Mỹ, Pháp, Ý và Tòa thánh La Mã. Ngày 8-12-1950, giám mục Thục trở về Việt Nam tìm cách thâu nhận sự hậu thuẫn của Công giáo trong nước. Cuối tháng 12-1950, Diệm nhờ nghị viên Hội đồng Liên hiệp Pháp là Bửu Kỉnh chuyển cho quốc trưởng Bảo Đại một lá thư, đề xuất một chương trình hoạt động toàn diện.

Ngày 15-1-1951, Diệm trở lại Mỹ với lý do nghiên cứu giáo lý Thiên chúa và cơ cấu chính quyền Mỹ. Diệm tá túc trong một tu viện ở bang New Jersey và đi diễn thuyết nhiều nơi, được hồng y Francis Spellman giới thiệu quen biết nhiều người có thế lực ở Mỹ. Diệm nhanh chóng trở thành một người Việt Nam có uy tín nhất trong mắt của những người có thế lực ở Mỹ.

Ngày 24-1, xử lý thường vụ đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn Guillon báo cáo về Washington là Bảo Đại đã nhận được thư của Diệm, nhưng chưa muốn hợp tác. Một trong nhiều lý do là vì có tin đồn là anh em Thục-Diệm đang chủ trương giải pháp lập hoàng thân Bảo Long lên ngôi, có Nam Phương hoàng hậu và Cường Để làm nhiếp chánh. Một lý do khác là do Diệm tuy có uy tín chống cộng nhưng lại sẵn có hiềm khích lẫn nhau với Pháp và thuộc loại quyền thần cứng đầu khó bảo và nóng nảy không phù hợp với tính cách mềm mỏng của Bảo Đại.

Ngày 3-7-1953, thủ tướng Joseph Laniel tuyên bố sẵn sàng bàn giao hoàn toàn mọi cơ chế chính trị và hành chánh cho Chánh phủ Quốc gia Việt Nam và rút hết người Pháp về nước. Ngay sau đó, Ngô Đình Diệm ráo riết vận động để về nước cầm quyền.

Tại Việt Nam, Ngô Đình Nhu mở rộng hoạt động với các tổ chức tôn giáo và chính trị. Nhu hợp tác với hộ pháp Cao Đài Phạm Công Tắc, đại tá Bình Xuyên Lê Văn Viễn, lập liên minh chính trị vào tháng 12-1953.

Đầu năm 1954, Ngô Đình Nhu liên kết với Liên đoàn Thanh niên lao công do Trần Quốc Bửu lãnh đạo, nhóm Tinh Thần do bác sĩ Trần Văn Đỗ lãnh đạo, để lập ra Cần lao Nhân vị cách mạng đảng.

Thấy rõ Diệm có uy tín với Mỹ, nên ngày 17-5-1954, Bảo Đại cử em trai Diệm là Ngô Đình Luyện làm đặc phái viên tại Hội nghị Geneva để phụ trách việc tiếp xúc với Mỹ.

Thấy tình thế cấp bách, đầu tháng 6-1954, lãnh đạo nhiều đảng phái quốc gia đồng ký một bản thỉnh nguyện yêu cầu cần chọn một người có uy tín chống cộng lẫn chống thực dân lãnh đạo Chánh phủ, và thể hiện sự bất tín nhiệm với thủ tướng Bửu Lộc. Ngày 8-6-1954, quốc trưởng Bảo Đại cử một phái đoàn sang Mỹ mời Ngô Đình Diệm về Sài Gòn lập nội các. Ngày 16-6-1954, Bửu Lộc tuyên bố từ chức, giao quyền thủ tướng cho tổng trưởng Quốc phòng Phan Huy Quát. Ngày 18-6-1954, quốc trưởng Bảo Đại chuẩn y sự bàn giao Chánh phủ giữa Bửu Lộc và Phan Huy Quát. Ngày 16-6-1954, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, được toàn quyền về quân sự và dân sự. Ngày 25-6, Diệm lên đường về Sài Gòn nhậm chức.

 

X- Thời kỳ thủ tướng Ngô Đình Diệm (26-6-1954 đến 25-10-1955)

1- Nội các Ngô Đình Diệm

 

Ngày 26-6-1954, Ngô Đình Diệm về tới Sài Gòn và tiếp nhận quyết định của quốc trưởng Bảo Đại cử làm thủ tướng. Ngày 7-7-1954, Ngô Đình Diệm công bố Nội các Chánh phủ mới gồm 17 người, hoạt động đến 25-10-1955.

- Quốc trưởng: Bảo Đại.

- Thủ tướng kiêm tổng trưởng Quốc phòng và Bộ Nội vụ: Ngô Đình Diệm.

- Bộ trưởng Nội vụ: Nguyễn Ngọc Thơ (đến 9-1954).

- Bộ trưởng Quốc phòng: Lê Ngọc Chấn (đến 9-1954).

- Bộ trưởng Phủ Thủ tướng: Trần Chánh Thành (đến 9-1954).

- Bộ trưởng Phủ Thủ tướng đặc nhiệm thông tin: Lê Quang Luật (đến 9-1954).

- Bộ trưởng đặc nhiệm và phát ngôn nhân Phủ thủ tướng: Phạm Duy Khiêm.

- Tổng trưởng Ngoại giao: Trần Văn Đỗ.

- Bộ trưởng Tư pháp: Bùi Văn Thinh.

- Tổng trưởng Kinh tế tài chánh: Trần Văn Của (đến 9-1954).

- Bộ trưởng Kinh tế: Nguyễn Văn Thoại (đến 9-1954).

- Bộ trưởng Tài chánh: Trần Hữu Phương .

- Tổng trưởng Canh nông: Phan Khắc Sửu (đến 9-1954). 

- Tổng trưởng Giao thông công chánh: Trần Văn Bạch (đến 9-1954).

- Tổng trưởng Lao động và thanh niên: Nguyễn Tăng Nguyên.

- Tổng trưởng Quốc gia giáo dục: Nguyễn Dương Đôn.

- Tổng trưởng Y tế xã hội: Phạm Hữu Chương (đến 9-1954).

- Quốc vụ khanh: Trần Văn Chương (đến 9-1954).

- Giám đốc Nha Tổng giám đốc Công an: Lại Văn Sang (Bình Xuyên).

 

2- Quốc gia Việt Nam phản đối việc chia cắt đất nước

 

Ngô Đình Diệm cực lực phản đối và yêu cầu ngoại trưởng Trần Văn Đỗ không được ký kết hiệp định Genève chia đôi Việt Nam. Từ đó, chính trường Việt Nam lại nối tiếp sang những trang lịch sử nóng bỏng mới mặc dù cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã kết thúc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trích: Lý Đăng Thạnh - Lịch sử Việt Nam – tập 9: “Cuộc chiến Đông Dương lần nhất (1945-1954)” (1996).