09 septembre 2015

Việt Nam, một tầm nhìn phát triển

  Phan Tân

Lời giải phát triển, con đường phát triển cho một quốc gia dân tộc sẽ không được tìm ra, không được trả lời thỏa đáng nếu không định vị được hiện trạng quốc gia dân tộc, không biết thế giới đang ở  đâu.
 
 



1. Định vị Việt Nam

Trải qua chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, các thế hệ, các triều đại đã làm nên một nước Việt Nam độc lập, mang bản sắc riêng mà cả ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc đã thất bại mục tiêu đồng hóa. Cái căn cốt tiềm thức văn hóa đã khẳng định được sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Từ "mũi" Cà Mau đến "địa đầu" Móng Cái, từ dãy Trường Sơn ra đến Hoàng - Trường Sa mênh mông đã ghi dấu ấn sự hi sinh xương máu của biết bao thế hệ bảo vệ, dựng xây. Những thương đau mà chiến tranh mang lại đã khiến cho tiềm thức trong mỗi con người Việt Nam đến nay đều vang lên tiếng gọi Hòa Bình.

Trong thời đại mới, thời đại của hội nhập và phát triển; Việt Nam đã mở cửa hợp tác với Cộng đồng chung châu Âu, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, WTO, APEC và rồi đây có thể là TPP và nhiều định chế kinh tế, chính trị, an ninh khác...

Tuy nhiên, cho dù thể chế đã đề ra hệ mục tiêu đúng đắn và mang giá trị phổ quát cho phát triển: "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", nhưng cho đến nay sự phát triển có phần chập chững. Kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cùng các mối quan hệ của nó để tạo thế ổn định và phát triển vẫn có những chỗ còn bộc lộ sự thiếu trưởng thành.

Tại sao vậy?

Trên thế giới, cách mạng khoa học - công nghệ liên tụcphát triển làm thay đổi sâu sắc hoạt độngsản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và đời sống xã hội. Toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động đa tuyến đối với mọi quốc gia dân tộc;bên cạnh xu hướng tự do hóa là chủ đạo còn xuất hiện các phong trào chống tự do hóa; xu hướngphát triểnđan xen xung đột/đụng độ và hợp tác/dung hòagiữa các chủ thuyết phát triển, giữa các hệ giá trị phát triển, giữa các nền văn minh. Địa chính trị - kinh tế - tài chính thế giới đang dường như được cấu trúc lại, cán cân giữa các nước lớn thay đổitừ đa cực sang đơn cực, lưỡng cực trong thời gian ngắn.Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng diễn biến phức tạp, buộc các quốc gia phải hợp tác để phòng ngừa và ứng phó.

Đường lối "Đổi mới" do Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra từ 1986 đã cởi trói sự kìm hãm nhất định nền kinh tế và đã có không ít thành tựu quan trọng, rất đáng khích lệ, phát huy. Nhưng chuyện xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế từ cái không căn bản, lệch lạc, thấp kém với trình độ quản lý lạc hậu và kết quả là không đạt được các mục tiêu chiến lược, các thành tựu hay kết quả thu được không xứng với thời gian, công sức, của cải đã bỏ ra và những cơ hội có được.

Quy hoạch phát triển yếu kém dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên ồ ạt, cạn kiệt, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không tính đến hiệu quả lâu dài; không xét đầy đủ đến tất cả các khía cạnh liên quan đến hiệu quả kinh tế, văn hóa, môi trường,... không cân nhắc đến cái giá con người phải trả khi lãng phí phần lớn những gì đang sử dụng, không dừng lại để bảo tồn các nguồn lợi tự nhiên.

Các thành tựu Đổi Mới chứng tỏ nỗ lực lớn của cả xã hội, nhưng thực tế gần 30 năm Đổi Mới (1986-2015), GDP bình quân đầu người mới chạm ngưỡng 2.000USD, trong khi các nước có điểm xuất phát thấp hơn như Singapore, Thailand, Indonesia, Philippines... đã vượt gấp nhiều lần. Thu nhập thấp nhưng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng khiến cho ước mơ một xã hội đại đồng, một xã hội có bất bình đẳng xã hội ở mức thấp như các nước Bắc Âu càng khó thực hiện.

Đã chưa thành công trong kinh tế, mà đạo đức, văn hoá cũng xuống cấp trầm trọng. Cái xấu và cái ác đang hoành hành ngoài xã hội và tràn lên mặt báo mỗi ngày. Kỷ cương, phép nước bị coi thường, tính tự giác tôn trọng pháp luật, các quy ước xã hội rất thấp; mê tín dị đoan lên ngôi,... Nhân phẩm của con người có thể bị xúc phạm dễ dàng và tính mạng của con người có thể bị coi rẻ. Sự băng hoại, tha hóa của nhiều công chức bộc lộ qua việc tham nhũng và hối lộ, qua sự thiếu noi gương, sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, người đứng đầu. Báo chí và truyền thông đã không đóng đúng vai trò giám sát đạo đức xã hội... Hệ quả của điều này là các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn. Sự tự trọng, danh dự đã bị sự giảo hoạt, gian dối lấn át.

Quan hệ giữa công dân và nhà nước còn nhiều nơi, nhiều lúc bị đảo ngược với lẽ thường: chính quyền sợ dân bằng luật pháp, dân sợ chính quyền bằng "luật - quyền lực".

Giáo dục được coi là “quốc sách hàng đầu”, nhưng thiếu tầm nhìn chiến lược tổng thể; thiếu kiên quyết theo đuổi một triết lý giáo dục xác định; thiếu kế hoạch đồng bộ từ cơ cấu tổ chức đến triển khai các hoạt động giáo dục, hậu quả là càng cải cách càng tụt lùi. Nguy cơ cả một thế hệ trẻ em bị phát triển lệch lạc về trí tuệ, nhân cách do sự phân tầng trong giáo dục đã nhãn tiền. Y tế không được chú tâm đầu tư đúng mức, tỷ lệ bệnh tật tăng nhanh là cái giá mà Việt Nam đang phải trả cho kiểu phát triển kinh tế thiếu bền vững. Thói làm ăn giả dối dẫn đến môi trường bị ô nhiễm và thực phẩm độc hại. Người thầy giáo và người thầy thuốc vốn là những người được xã hội ta tôn trọng từ xưa, nhưng sự suy thoái về đạo đức và "văn hóa phong bì" của một bộ phận đã làm phai nhạt đi truyền thống tốt đẹp này.

Khoa học và công nghệ thiếu một chiến lược thích hợp, chưa xác định được lộ trình của khoa học và công nghệ, chưa tập trung vào những hướng quan trọng rất cần cho phát triển đất nước để có thể tạo ra thành quả ý nghĩa. Vì vậy các kết quả nghiên cứu phần lớn được "xếp vào tủ".

Nội lực của đất nước còn yếu nên khi hội nhập với thế giới không hoặc ít tranh thủ được thời cơ từ ngoại lực để phát triển, ngược lại bị ngoại lực chi phối. Đất nước đứng trước sự thách thức tụt hậu của lịch sử làm nhức nhối tâm can người có lương tri.

Tình trạng trên đòi hỏi chúng ta phải hành động - chúng ta không còn đường lùi.

2. Tầm nhìn - con đường phát triển

Trong cơ hội hiện nay, với lực lượng của mình, với tiềm lực hiện có chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được cuộc cách mạng, mới tiếp tục được sự nghiệp Đổi Mói (Đổi Mới lần 2, lần 3). Đảng cần tự đổi mới hơn nữa về tư duy, tổ chức để lãnh đạo dân tộc bước vào một thời đại mới, thời đại củng cố và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để đất nước trở nên giàu mạnh, tự chủ. Hướng phát triển của dân tộc phải được định hình.

1)   Vì sự phát triển cùng thời đại, bên cạnh chọn lọc tinh hoa lý luận Mác-Lênin, cần tiếp thu mọi tư tưởng tiến bộ của thế giới, mọi tinh hoa tư tưởng của nhân loại; không nặng nề ràng buộc một ý thức hệ duy nhất nhưng cũng không được xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh.

2)   Xây dựng chế độ chính trị dân chủ - pháp quyền, vì Dân chứ không vì mình.Tôn trọng Hiến pháp, thực hiện dân chủ. Tôn trọng và thực hiện các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, và được quyền lập hội, quyền biểu tình trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật mà Hiến pháp cho phép. Bảo đảm quyền tự do của người này không xâm phạm đến quyền tự do của người khác.

3)   Xây dựng kinh tế thị trường hiện đại; xây dựng quan hệ sản xuất mới với hạt nhân là chế độ sở hữu nhiều thành phần các loại tài sản. Chú trọng sự cân đối và hài hòa không chỉ các khu vực và thành phần kinh tế, mà còn phải chú trọng phát triển các vùng, miền, thu hẹp khoảng cách phân hóa giàu - nghèo, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng phát triển vượt trội với các vùng còn nhiều khó khăn, chậm phát triển..

4)   Phát triểnsức mạnh nội sinh của nền văn hóa; bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống làm nền tảng cho mọi sinh hoạt của xã hội; thông qua hội nhập, tiếp biến văn hóa để phát triển và hiện đại hóa các quan hệ xã hội một cách văn minh.

5)   Dân chủ hóa và nhân văn hóa giáo dục để khoa học hóa và hiện đại hóa quá trình đào tạo. Tôn trọng quyền tự do học thuật và tư tưởng ở đại học cũng như trong các hoạt động trí thức, văn hoá nghệ thuật. Chú trọngphát triển nghiên cứu cơ bản, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn.

6)   Đầu tư và tạo niềm tin ở các cơ sở y tế nông thôn, y tế tuyến dưới; phổ cập bảo hiểm y tế để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế với phụ phí thấp.

7)   Xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam, sống tử tế, biết xấu hổ, biết nhường nhịn. Xây dựng tấm gương, tinh thần phục vụ, tạo cơ chế công khai và dân chủ hóa để có thể tuyển chọn những nhà lãnh đạo tài đức và đáp ứng được đòi hỏi của dân tộc, được dân tin tưởng và được thế giới nể trọng. Những người đủ tài đức bất kể là trong hay ngoài Đảng cũng cần được xem xét bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng.

8)   Đại đoàn kết toàn dân tộc tạo ra sức mạnh tổng hợp có vai trò quyết định đối với đổi mới và phát triển. Chấp nhận và dung hòa khác biệt nhưng cùng mục tiêu phát triển, trước yêu cầu tăng nội lực để phát triển đất nước và trước nguy cơ ngoại xâm. Xác tín tự do tín ngưỡng tôn giáo và đối xử bình đẳng giữa các tôn giáo.

9)   Chủ quyền và lợi ích của dân tộc là tối cao và thiêng liêng, cần được bảo vệ trong mọi tình huống, bằng sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Việt Nam tôn trọng lợi ích và chủ quyền của các nước, các quốc gia dân tộc khác, đồng thời cũng kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng và chủ quyền hợp pháp của mình.

10) Đường lối ngoại giao của Việt Nam là thân thiện với mọi quốc gia trên thế giới. Việt Nam mong muốn là bạn của tất cả các nước, sẵn sàng hợp tác song phương và đa phương, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và cùng có lợi. Việt Nam sẽ không bao giờ là chư hầu của ai nếu biết vận dụng được trí tuệ của toàn dân. Người Việt đi ra nước ngoài không phải vì mục đích kinh tế, hôn nhân là tối thượng mà là học tập, truyền bá những giá trị của đất nước và nhân loại.

11) Phát triển bền vững kinh tế gắn liền với phát triển bền vững về xã hội và môi trường. Hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng năng lượng và tài nguyên thô đang ngày càng cạn kiệt, không thể tái tạo được của trái đất đang cưu mang chúng ta.

Xây dựng chính thể dân chủ, đất nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững chủ quyền dân tộc;nhân dân có quyền tự do và làm chủ, kinh tế phồn vinh giàu mạnh.Chủ thể không được suy yếu, Chủ quyền không được lung lay, Lý tưởng không thể nhạt nhòa, Mục tiêu không hề thay đổi, cái Bất biến kiên định được đảm bảo bởi cái Khả biến uyển chuyển, linh hoạt, mưu lược, sáng suốt, phù hợp với những biến đổi của Thời, sự tăng trưởng của Thế và sự phát triển của Lực.

Phát triển đúng quy luật, thuận lòng dân, hợp thời đại - đó là những yêu cầu nhất thiết nếu muốn đạt được sự Thịnh Vượng cho quốc gia, trong điều kiện lịch sử mới./.


       Phan Tân

Nguồn: Theo Văn Hóa Nghệ An