04 décembre 2015

Ngư dân VN chết và công văn “lạ”

Nhà văn Võ Thị Hảo

Chiếc tàu chở thi thể nạn nhân bị bắn chết ở biển Đông cập cảng Sa Kỳ ở Quảng Ngãi

Ngày 29/11/2015, lại có thêm một ngư dân VN hiền lành vô tội ở xã Bình Châu, Quảng Ngãi bị người của “tàu lạ” bắn chết bằng những loạt đạn AK ngay trên ngư trường lâu đời của VN tại quần đảo Trường Sa thuộc lãnh hải VN. Tàu thì “lạ”, nhưng cách hành hung thì “quen” và có hệ thống nhất quán theo cung cách xâm lăng của TQ.


Tang tóc chung cho chủ quyền VN
Được biết, riêng tại xã Bình Châu, trong vài năm gần đây đã có tới hơn 20 vụ ngư dân bị tàu chiến và người TQ ngang ngược xâm phạm lãnh hải VN, xua đuổi, hành hung, phá hủy phương tiện. Mục đích của chúng là khiến ngư dân phải sợ hãi rời bỏ biển để chúng tiện bề chiếm đóng lãnh hải VN.
Không kể rất nhiều lần bị tấn công trước đây,  sau những hiệp định và văn bản được dồn dập ký kết giữa VN và TQ nhằm “thắt chặt quan hệ”, “cam kết không làm phức tạp thêm tình hình”, 2015 là năm ngư dân Quảng Ngãi thêm tận cùng khốn đốn vì tần số tấn công dồn dập từ TQ với tính chất ngày càng tàn bạo.
Ngày 14/6/2015, tàu Qng 90205 TS đã bị tàu TQ truy cản, cướp đi hơn 5 tấn hải sản và các trang thiết bị. Trước đó khoảng 10 ngày, đã có hai tàu cá cũng của ngư dân xã Bình Châu bị TQ tấn công, cướp tài sản khi đang đánh bắt hợp pháp tại ngư  trường Hoàng Sa của VN.  Ngày 27/11, tàu tiếp tế  Hải Đăng 05 chuyên tiếp tế cho 13 ngọn hải đăng ở Trường Sa đã liên tục bị chĩa súng và vây ép bởi tàu chiến  của  TQ. 
Thật đau lòng và căm phẫn khi liên tục xẩy ra những sự kiện ngư dân Quảng Ngãi, Cà Mau bị bắn chết, cảnh sát TQ chĩa súng vào tàu thuyền  VN, tàu TQ ngăn chặn không cho tàu VN cứu ngư dân gặp nạn… Sự việc nghiêm trọng tới mức đó nhưng nhà cầm quyền VN không lên tiếng, ngoài việc chỉ cho người phát ngôn Bộ ngoại giao trả lời là đang làm rõ vị trí, khu vực xẩy ra sự việc và vài lời tuyên bố phản đối nhạt nhẽo lấy lệ.
Cái chết đau đớn của ngư dân Trương Đình Bảy (*) đã khiến người con trai gan góc làm nghề lặn biển của ông cũng phải ngất lịm nhiều lần. Các ngư dân cùng thuyền với ông thất thần vào bờ mong sống sót. Một người chết nhưng cả xã Bình Châu uất nghẹn tang tóc vì thân phận ngư dân lẻ loi đơn độc, bị tước bỏ tương lai bởi nhà cầm quyền đớn hèn bỏ mặc mạng dân và lãnh hải Tổ quốc cho TQ xâm chiếm. Không một lực lượng chức năng nào ra ứng cứu họ và điều tra tình hình dù đã được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại bằng tiền thuế của dân.
Những ngư dân sống sót về đến nhà nhưng cuộc sống của họ và gia đình cũng chỉ là một chuỗi chết dần mòn. Họ hoảng loạn vì chính quyền, công an, quân đội đã để mặc cho giặc ngoại xâm cướp đoạt ngư trường cha ông tự bao đời. Ra khơi sẽ bị thương hoặc chết và mất tàu thuyền. Ngay cả đến những chiếc tàu dân sự vô hại thuộc nhà nước đi tiếp tế định kỳ cho ngọn hải đăng VN tại  vùng biển này cũng còn liên tục bị tàu chiến TQ chĩa súng đe dọa vây ép và xua đuổi, còn nói gì đến những tàu thuyền mỏng manh của ngư dân.
Ngư dân VN bao đời nay bám biển. Đi biển là một nghề gian nan, mạng sống treo trên cột buồm lắt lay trước bão tố và hiểm họa. Người VN hàm ơn họ vì máu và nước mắt của ngư dân VN đã  không chỉ đem miếng ăn về nuôi nấng người Việt. Sự có mặt của những con thuyền Việt mong manh ấy là minh chứng xác tín lãnh hải và chủ quyền đất nước, bảo vệ một trong những nguồn sống thiết yếu của VN trước dã tâm chiếm đoạt của kẻ xâm lăng. Tang tóc này không chỉ cho người Bình Châu, mà cho cả chủ quyền của VN.
Công văn “lạ” đổ ngay trách nhiệm giết người cho Philippines
Trong khi dư luận đang sục sôi căm phẫn đòi tìm bằng được những kẻ chủ mưu cho „tàu lạ“ bắn chết ngư dân Trương Đình Bảy (*) và thực ra chưa có manh mối nào để khẳng định đó là tàu nước nào, người của ai, thì  thật đáng ngạc nhiên là Hội nghề cá VN đã có một công văn khác thường, gửi cả Văn phòng chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ ngoại giao và Ban đối ngoại Trung ương.
Công văn này với mục đích “đưa ra thông tin chính thức về việc ngư dân Quảng Ngãi bị bắn chết trên vùng biển Trường Sa”. Hội Nghề cá VN đã mau mắn khác thường quy trách nhiệm giết người cho người Phillippines –  một đồng minh tích cực của VN trong việc chống lại dã tâm xâm lược của TQ.
Điều khiến dư luận nghi vấn là công văn này đã chỉ căn cứ trên lá đơn cũng rất khác thường của ông Tấn, anh trai của chủ tàu Bùi Văn Cu gửi nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu khẳng định thủ phạm là người Phillippines, trong khi ông này và Hội nghề cá đang ở đất liền, chưa gặp ông Cu, không hề chứng kiến cũng như chưa hề điều tra về vụ việc. “Hội nghề cá VN khẳng định hành động bắn chết ngư dân VN của tàu  Philippines là phi pháp, vô nhân đạo, xâm phạm chủ quyền VN”.(theo thông tin của VOV, bài “Hội nghề cá phản đối vụ bắn chết ngư dân VN”. 1/12/2015).
Nội dung này hoàn toàn trái ngược với ý kiến của ông Cu, chủ thuyền – nạn nhân đã chứng kiến sự việc và thông báo trước đó trên công luận:
“Lúc này trời tối chẳng thấy rõ họ mặc đồ gì và nói tiếng ở đâu, cứ thế tôi chạy” – Thuyền trưởng Cu kể… Về việc người nước ngoài đi  trên hai xuồng máy có hò hét hay mặc quần áo quân phục không thì ông Cu cho biết lúc đó rất hoảng loạn không kịp nhìn họ có mặc quân phục hay không vì sự việc diễn biến rất nhanh và thuyền trưởng Cu chỉ nghĩ đến việc chạy tránh xa những người có súng. (Theo Tuoitre online, bài “Thuyền trưởng tàu ngư dân bị bắn chết kể chuyện kinh hoàng qua Icom” – 30/11/2015).
Khi vội vàng quy trách nhiệm giết người cho Phillipin, ai cũng hiểu rằng nghĩa là TQ vô can. Đằng sau kết luận vội vàng khác thường này là động cơ và mục đích gì? Nhất là khi Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2015 đang diễn ra, Phillippines là đồng minh của VN, đang dũng cảm kiện TQ về vụ “đường lưỡi bò”.  TQ đuối lý nên càng hung hăng và đe dọa Phillippines, VN và các nước khác.
Động tác mau mắn đổ lỗi cho Phillippin giết ngư dân VN trong khi chưa có chứng cứ phải chăng là một động thái được “lệnh lạ” nào đó từ cấp cao, có chủ đích chia rẽ VN và Phillipin, hướng công phẫn của dư luận VN và quốc tế sang một hướng khác ?  Điều đó khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về động cơ của sự khẳng định ấy là gì? Phải chăng cũng là một lệnh “lạ” từ trên để bao che cho hành vi xâm lược của TQ và giảm bớt sự phẫn nộ của người VN đối với nhà cầm quyền VN và TQ?
Tôn kẻ xâm lược là thượng khách thì máu dân còn đổ
Câu hỏi đó càng phải đặt ra, trong thực trạng hiện nay. Điều khiến mọi người càng thêm công phẫn là thay vì lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, quân đội được trang bị rất hiện đại bằng tiền thuế của dân và các lực lượng chức năng khác phải có trách nhiệm đến tận nơi để ứng cứu, điều tra, phải tố cáo ra tòa án quốc tế, yêu cầu cảnh sát quốc tế điều tra can thiệp…và những việc làm mạnh mẽ khác trên phương diện quốc gia, thì những cơ quan hữu trách này vẫn “án binh bất động”, chỉ đến khi con tàu đơn độc chở thi thể ông Bảy về đến đất liền thì công an mới lên tầu để lấy lời khai của các nạn nhân.
Người ta hoàn toàn có thể đặt ra rất nhiều câu hỏi và nghi ngờ như vậy bởi sự im lặng của nhà cầm quyền VN là lâu dài và có hệ thống quanh việc xâm lược của TQ.
Đặc biệt, trước thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm VN lại có dồn dập những chuyến xâm phạm trắng trợn của tàu chiến TQ, chưa kể những động thái khác trên đất liền. Lẽ ra VN chỉ cho phép Tập Cận bình sang thăm sau khi TQ dừng, trả lại những phần lãnh hải lãnh thổ đã chiếm đóng và đền bù giải quyết hậu quả kèm theo lời xin lỗi công khai trước quốc tế. Trong trường hợp chưa làm được như vậy, thì nghi thức đón khách cũng phải thể hiện sự dè dặt, thận trọng, không thể tôn kẻ đứng đầu một nhà nước xâm lược là thượng khách.
Vậy mà toàn thể nhà cầm quyền VN, đến cả Quốc hội còn nhiệt liệt đón mừng kẻ đầu lĩnh quốc gia xâm lăng bằng 21 phát đại bác. Khôi hài và hổ nhục thêm nữa, họ đã đón kẻ ấy ngay tại Hội trường Diên Hồng của quốc hội VN.  Hơn 500 đại biểu quốc hội đã cúi đầu nghe từng lời giả dối được phun ra từ chính kẻ đó, không ai đưa ra một lời chất vấn đến việc xâm lược ngang ngược của TQ.
“Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, 2015 là năm 2 nước kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao. Chúng ta vui mừng nhận thấy trải qua nhiều sóng gió, quan hệ hai nước đến này đã phát triển theo đúng định hướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng mong muốn, đó là quan điểm hợp tác tích cực…Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn hai nước tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn nữa.” (theo “Chủ tịch Trung quốc phát biểu trước Quốc hội VN gấp đôi thời lượng dự kiến” – thứ 6, 6/11/2015- Vietnamnet…).
Và hậu quả của việc đón mừng kẻ đầu lĩnh xâm lăng là máu của người VN tiếp tục đổ bởi người TQ. Đến mức một số trang tin tức „lề phải“ cũng không kìm được tiếng kêu phẫn nộ:  “…Ngư dân thường xuyên bị ức hiếp như thế, nhưng nhiều ngư dân chỉ biết cách tự cứu lấy mình, lẻ loi đơn độc chống lại sự cường bạo của những kẻ ngang ngược xâm phạm muốn làm chủ lãnh thổ của VN. Đã có nhiều vụ ngư dân bị nạn, không một tàu cảnh sát biển, không một lực lượng quân đội nào có mặt để bảo vệ tính mạng cho họ….Vậy thì vai trò của các cơ quan chức năng, những lực lượng chuyên trách đã và đang ở đâu?”.
“Chúng ta có cả lực lượng quân đội nồng hậu, cảnh sát biển được đầu tư rất tinh nhuệ. Vậy thì vì sao, trong suốt những năm nay, an nguy, sự sống của ngư dân trên vùng biển thuộc chủ quyền của ta lại bị bỏ mặc???.” “Chúng ta đã hô hào bảo vệ chủ quyền biển đảo nhiều rồi, nhưng chúng ta có thực sự hành động hết khả năng hay chỉ là lời nói suông” (theo nguyentandung.org, 1/12/2015, bài “Phải chăng chúng ta bỏ mặc tính mạng và tài sản của ngư dân?”).