01 décembre 2015

Người nông dân Việt Nam cần làm những gì trước những tác động từ Hiệp định TPP


 Huỳnh Việt Lang

Trước khi gia nhập Hiệp định TPP, Việt Nam đã ký 11 Hiệp định tự do mậu dịch khác. Trong lãnh vực nông nghiệp, nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã được hưởng mức thuế suất rất thấp hoặc miễn thuế khi nhập khẩu vào các thị trường này. Do đó, dù có hay không có TPP thì cũng không còn nhiều khoảng trống cho các mặt hàng nông sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu.


Tuy nhiên, Hiệp định TPP không đơn thuần là một Hiệp định thương mại thuần túy; dựa trên nền tảng tự do mậu dịch, Hiệp định này còn là nhưng cam kết chia sẻ các giá trị dân chủ, nhân quyền và pháp trị.

Dân chủ hóa Việt Nam là một công cuộc vận động lâu dài. Bên cạnh một chiến lược là đấu tranh bất bạo động đối với chế độ độc tài toàn trị, nhằm cho mục tiêu tiến đến thiết lập một thể chế chính trị dân chủ pháp trị tại Việt Nam – tiến trình vận động dân chủ hóa luôn cần những điều chỉnh bổ sung thích ứng cho từng giai đoạn thời cuộc.

Thời điểm Việt Nam sắp chính thức tham gia Hiệp định TPP là một thời điểm phù hợp để xem xét những điều chỉnh bổ sung này. Quan tâm đến điều kiện Dân sinh cần được xem là một chủ đề lớn trong giai đoạn hiện nay và kéo dài trong nhiều năm tới. Đây cũng là thời điểm để công cuộc dân chủ hóa Việt Nam chuyển sang cấp độ cao hơn: thay vì chỉ dựa vào các cơ hội đẩy mạnh dân chủ hóa, thì cần tập trung vào hoạt động tự sáng tạo ra các cơ hội.

Một chiến lược trước hết phải xuất phát từ tư tưởng. Cũng nên nhắc lại rằng, nếu chế độ Cộng sản Việt Nam thất bại vì một trong những nguyên nhân là nhập khẩu một thứ lý luận chưa bao giờ được thực tiễn chứng minh, thì công cuộc vận động dân chủ hóa cho Việt Nam hiện nay sẽ khó có những bước phát triển mạnh nếu thiếu những cập nhật cần thiết trong lãnh vực lý luận.

Người nông dân Việt Nam cần làm những gì trước bối cảnh hội nhập quốc tế – qua Hiệp định TPP – đang cần những nghiên cứu cấp thiết bổ sung về mặt dân sinh cho các lý luận dân chủ. Cụ thể ở đây là những số phận của 21 triệu lao động, với các nhân sự liên quan đang cư trú trên địa bàn nông thôn, chiếm 66,9% dân số Việt Nam. Hãy giúp người nông dân tự cứu mình – thay vì trông đợi vào những chính sách của nhà cầm quyền toàn trị.

1. Cần đổi mới về cách nghĩ

Khi đề cập đến nông dân Việt Nam, người ta hay viện dẫn thành ngữ “lão nông tri điền”. Nếu xem xét trong giai đoạn tự sản tự tiêu thì có lẽ thành ngữ trên là đúng. Song ở thời hội nhập quốc tế đã nảy sinh các nghi vấn: liệu là “lão nông” thì có “tri điền” hay không; hoặc để “tri điền” thì nhất thiết phải là “lão nông” ? Bởi xét về trình độ chuyên môn nông nghiệp, thì trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp trên cả nước hiện nay có tới 97,25% không được đào tạo nghề nghiệp, chỉ có 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp; 1,23% có trình độ trung cấp và 0,21% trình độ cao đẳng, đại học.

Hiện nay, mọi thứ liên quan đến nông nghiệp không đơn giản chỉ là “nước, phân, cần, giống”. Trước khi gieo hạt giống xuống đất, thì phải liệu chừng sau khi thu hoạch loại nông sản này sẽ bán cho ai, có được giá hay không ? Quả là rất khó khăn, nếu làm nông chỉ với kiến thức “tri điền”.

Nên dù muốn dù không, nông sản thực sự phải xem là hàng hóa trong nhận thức của người nông dân. Việc tuân thủ những tiêu chuẩn về sản phẩm trở thành một nguyên tắc sống còn trong quá trình làm nông nghiệp. Không thể tiếp tục mãi tình trạng người trồng rau chỉ dám ăn cá, trong khi người nuôi cá chỉ dám ăn thịt gà, người nuôi gà lại chỉ dám ăn rau…

Việc tham gia Hiệp định TPP khiến người nông dân Việt Nam sẽ phải đối mặt quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Ngoài kinh nghiệm về thời tiết, canh nông người nông dân cần phải có những hiểu biết về hàm lượng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng, những quy chuẩn về an toàn thực phẩm.

Trong hoàn cảnh trình độ sản xuất và kỹ năng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đi sau so với 11 nước còn lại, người nông dân cần phải xem lại cung cách làm ăn khá phổ biến hiện nay. Làm nông cần hiểu là một nghề nghiệp, do đó người nông dân Việt Nam thời hiện đại sẽ là người “Nông dân chuyên nghiệp”, chứ không phải là người “Nông dân gia truyền”. Thế giới đang tiến đến giai đoạn cần phải sản xuất nhiều hơn trong điều kiện tài nguyên ít hơn, điều đó đòi hỏi sự chính xác cao trong nông nghiệp; hay nói cách khác chính là làm nông nghiệp theo công nghệ mới.

2. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đích thực nên được xem là mô hình các tổ chức xã hội dân sự cần phát triển ở nông thôn.

Diện tích đất canh tác của các nông hộ đang trong tình trạng nhỏ vụn; trong gần 12 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, thì 80% trong số đó có diện tích canh tác dưới 1ha/hộ.

Hiện tại, người nông dân Việt Nam muốn đổi đời thì phải thấy rằng: các dự tính cho mảnh ruộng sau nhà luôn cần những liên kết láng giềng. Hình thức canh tác đơn lẻ và tự phát không thể tương thích với nền kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay.

Qua mô hình HTX nông nghiệp, các nông hộ sẽ xây dựng được những liên kết chặt chẽ. Trong mô hình HTX này: tài sản, vốn liếng, đất đai vẫn là thuộc về các thành viên. Các HTX nông nghiệp này sẽ vận hành theo nguyên tắc chung: cái gì HTX làm có lợi hơn là thành viên tự làm, hoặc không thể làm được thì HTX mới làm.

Mô hình HTX nông nghiệp được tổ chức hợp lý rất khác với kiểu HTX theo mô hình XHCN trước đây. Lúc đó, nông dân làm công cho nhà nước là những công nhân nông nghiệp, làm đền đâu được nhà nước trả công đến đó. Giờ đây, nông dân tự góp vốn vào HTX; giờ đây chỉ có quan hệ giữa HTX và xã viên, không còn tồn tại kinh tế nông hộ, đồng thời các nông dân xã viên làm chủ HTX của mình.

Nền tảng của HTX nông nghiệp là sự liên kết giữa các nông hộ. Mục tiêu phát triển của HTX đúng nghĩa sẽ lấy thu nhập của thành viên làm cốt lõi, khác mô hình HTX XHCN hay một doanh nghiệp bình thường: lấy lợi nhuận cho tổ chức thành lập làm mục tiêu phát triển.

Có thể hiểu các HTX nông nghiệp không đơn thuần là tổ chức kinh tế của nông dân – mà đây còn là mô hình các tổ chức xã hội dân sự ở nông thôn, có chức năng giữ sự phát triển ổn định cho đời sống của người nông dân và nông thôn – một khi các định chế toàn trị ngày càng trở nên vô tích sự.

Trong khi cuộc vận động xây dựng công đoàn độc lập trong lãnh vực công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì những cản trở từ phía nhà cầm quyền – thì việc thành lập các HTX nông nghiệp đang có nhiều thuận lợi hơn. Các HTX sản xuất nông sản an toàn đã xuất hiện nhiều nơi trên địa bàn cả nước. Một hành lang pháp lý tối thiểu cho việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp đã có. Trong 5 năm qua, hầu hết các HTX thành lập ở Hà Tĩnh miền Trung chỉ với 7-20 xã viên. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, các HTX nông nghiệp bình quân lên đến vài chục thành viên đã xuất hiện tại An Giang, Vĩnh Long…

TPP được đánh giá là hiệp định của thế kỷ 21; về phạm vi, hiệp định TPP không thuần túy là một Hiệp định thương mại – vì Hiệp định này còn đề cập đến các vấn đề phi thương mại như hoạt động mua sắm của chính phủ, môi trường, tiêu chuẩn lao động, công đoàn…

Qua việc siết chặt quan hệ thương mại với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, những giá trị như tự do dân chủ, nhân quyền và pháp trị được chia sẻ nhiều hơn. Khác với nhiều hiệp định tự do mậu dịch trước đây, Hiệp định TPP yêu cầu cải cách về thể chế. Khi Việt Nam cải cách sang một hệ thống thị trường đầy đủ hơn, minh bạch hơn thì lợi ích của một số nhóm lợi ích hiện nay chắc chắn sẽ bị kiểm soát nhiều hơn.

Đây chính là điều kiện cho phép các hoạt động nông nghiệp nhận được những thuận lợi cơ bản và lâu dài trong tương lai. Trước khi được sống trong văn hóa chính trị dân chủ – người dân sẽ có cơ hội được tiếp cận một nền kinh tế thị trường thực sự, Hiệp định TPP góp phần cắt đứt cái đuôi “theo định hướng XHCN”.

Nền nông nghiệp Việt Nam đón Hiệp định TPP như đối mặt một con sóng lớn. Chắc chắn con sóng này sẽ làm con tàu nông nghiệp Việt Nam lắc lư; nhưng nếu mỗi nông hộ có những điều chỉnh về cách nghĩ và cách làm thích hợp, TPP sẽ trở thành một vận hội giúp con tàu nông nghiệp Việt Nam có ngày ra biển lớn.

Huỳnh Việt Lang

(Ngày 29/11/2015)
Nguồn: Theo Chuyển Hóa Việt Nam