06 janvier 2016

QUÂN ĐỘI, CÔNG AN CŨNG BỊ TƯỚC ĐOẠT QUYỀN CON NGƯỜI


Tạ Phong Tần


Trong một lần gặp tôi tại trại tạm giam Chí Hòa (Sài Gòn) vào khoảng tháng 9 năm 2012, Thượng tá Điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Trần Văn Cống nói: “Tôi không hiểu sao chị cứ phải đòi hỏi quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tôi biết chị là người giỏi nghiệp vụ, nếu muốn chị vẫn có thể có một vị trí tốt trong xã hội.

Chế độ chúng ta vẫn đang có quyền con người đấy thôi. Người ta đã xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, xây dựng bệnh viện, trường học, cầu đường, có chương trình xóa đói giảm nghèo hàng năm. Liên hiệp quốc đã công nhận những vấn đề này rồi mà”.

Tôi trả lời ông ta rằng: “Anh nuôi con gà, con heo anh có cho nó ăn uống đầy đủ không? Có lo chuồng trại cho nó ở sạch sẽ tử tế không? Có chăm sóc y tế cho nó không? Có chứ gì! Những điều anh vừa nói chỉ mới giải quyết phần “con” thôi, chưa phải là phần “người”.
Con người khác con vật ở chổ có suy nghĩ riêng, có tư tưởng riêng, có tình cảm riêng, có ngôn ngữ riêng. Đã là con người thì phải có quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu chính kiến, tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Con người có phải cái máy cassette đâu mà cứ nhấn nút play là phát y chang như nhau, lần nào cũng bao nhiêu câu đó, nói mỗi một ý đã ghi âm sẳn. Tôi biết những điều tôi nói, tôi viết không làm hài lòng đảng cộng sản của anh, nhưng tôi vẫn làm vì đó là quyền con người của tôi, nếu tôi không làm thì tôi có khác gì con vật.
Anh có công nhận là tôi nói đúng không? Anh mà không có các quyền tự do cơ bản đó thì anh có khác gì con vật đang được nuôi trong chuồng”.
Ông Trần Văn Cống nói: “Tôi cũng biết vậy. Nhưng giờ tôi cũng đã lớn tuổi rồi. Tôi khó mà quay lại được. Chị cũng biết rõ trong lực lượng có nhiều người hiểu điều đó, nhưng vì gia đình, vì vợ con, đã trót lên thuyền rồi cho dù đang bão tố cũng phải đi tới thôi”.
Tôi nói với ông ta: “Vậy tại sao anh còn giương buồm lên trong cơn sóng dữ? Anh hạ buồm đi, đó mới là cách cư xử khôn ngoan của một con người biết suy nghĩ”.
Ông ta ngồi im không nói thêm câu gì nữa. Không biết là do ông ta không muốn nói, hay có thằng cán bộ công an trẻ đi theo ngồi cạnh bên làm ông ta không dám nói.
Khi tôi ở trại giam Xuân Lộc Đồng Nai, tôi nói với Quản giáo Nguyễn Thị Phương rằng: “Trước khi nói chuyện với tôi về chính trị xã hội hãy lên mạng đọc những bài viết của tôi rồi hãy nói. Cán bộ Phương có đủ trình độ tranh luận với tôi không?”.
Quản giáo Nguyễn Thị Phương (khoảng hơn 25 tuổi) trả lời rất thành thật: “Chúng tôi không được phép đọc thông tin trên mạng”. “Tại sao vậy? Về nhà mình mà đọc, đừng đọc ở cơ quan?”, tôi hỏi lại. Nguyễn Thị Phương nói: “Ở nhà cũng không được, người ta biết hết”.
Tôi nhớ lại ông Trần Văn Cống cũng có nói với tôi y chang Nguyễn Thị Phương: “Tôi không đọc những bài viết của chị, việc đó có người khác đọc”, trong khi theo luật định, đọc những bài viết của tôi là trách nhiệm của ông ta, vì ông ta là Điều tra viên chính trong vụ án.
Nhưng thôi, chuyện này gác qua một bên, mà nói chuyện quyền con người của lực lượng gọi là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam và Công An Nhân Dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản Việt Nam.
Lâu nay, phong phanh nghe tin “giang hồ mạng đồn” rằng người lính trong hàng ngũ QĐNDVN bị cấm đoán nhiều thứ: không đọc sách báo nào bên ngoài trừ báo Quân đội nhân dân, không được tiếp xúc internet, về nhà thăm nhà có người đi theo giám sát, không dùng điện thoại di động… nghe kinh hãi quá. Vậy có khác gì đang ở trong tù đâu?
Phát biểu mới tinh trên báo Quân Đội Nhân Dân ngày 02/1/2016, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Ngụ, Chính ủy Binh chủng Pháo binh đã chính thức khẳng định: “Đặc biệt, Đảng ủy Binh chủng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ thực hiện 4 không: “Không nghe, không xem, không đọc, không tin” những thông tin bịa đặt, xuyên tạc… Chính vì vậy, đại đa số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Binh chủng Pháo binh đều có nhận thức rõ ràng, đúng đắn, không dao động, không mắc mưu trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động của kẻ xấu.”
Thì ra sự thật là như vậy, cả lực lượng Công an lẫn Quân đội đều là những người bị bưng tai, bịt mắt, cắt lưỡi nhiều hơn bất cứ công dân Việt Nam nào.
Kiểu của đảng cộng sản Việt Nam đối xử với công an và quân đội nói riêng và tất cả người Việt Nam nói chung giống như người ta đối xử với trẻ nít dưới một tuổi.
Người chăm nó quyết định cho nó ăn thứ gì, uống thứ gì, xay nhỏ ra, pha sẳn… rồi ngày nào cũng nhét vào mồm đứa trẻ. Đứa trẻ không có quyền phản đối, không có quyền có ý kiến, cũng không có quyền từ chối ăn uống thứ người lớn đưa cho, bởi nó có biết thứ gì khác ngoài thứ mà mỗi ngày người ta ấn mồm nó? Với đứa trẻ dưới một tuổi thì chấp nhận được, nhưng với một người trưởng thành thì không.
Mà Công an và Quân đội là những con người đều từ 18 tuổi trở lên, tức là người trưởng thành có đầy đủ quyền công dân, sao lại bị đối xử như trẻ nít?
Đó cũng là cách hành xử theo kiểu quan cách, trên trước, khinh thường người khác không có đầu óc suy nghĩ, phải nhờ đảng cộng sản suy nghĩ hộ, quyết định hộ tất cả mọi thứ trong đời sống cá nhân của mình.
Tại sao lại ngăn cấm Công an, Quân đội tiếp cận các nguồn thông tin một khi họ là người được đào tạo, nhồi sọ mấy chục năm “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” ngay từ lúc học Mẫu giáo dài dài lên trên?
Cổ nhân có câu: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng”. Muốn thắng địch, phải hiểu tường tận từng chân tơ kẻ tóc của địch. Phải nghe, phải đọc, phải xem để biết “thế lực thù địch” chúng nó xấu xa thế nào, nó tuyên truyền bịp bợm, dối trá ra sao chứ?
“Lực lượng ta” sau hai mươi năm “đảng ta” phát động phong trào “thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh”, “học tập đạo đức Hồ Chí Minh” mà không biết phân biệt đúng sai thế nào à? Sao “đảng ta” lại đánh giá thấp, khinh thường trí tuệ của “lực lượng ta” đến như vậy? “Tin” hay không là do khả năng đánh giá, nhận thức của con người có trình độ kiến thức văn hóa, xã hội chính trị, không phụ thuộc vào điều kiện xã hội xung quanh tác động.
Chỉ có một cách giải thích duy nhất: Đó là đảng cộng sản Việt Nam sợ công an và quân đội tiếp xúc với những tin “ngoài luồng” khác sẽ hiểu ra rằng bấy lâu nay cộng sản chỉ tuyên truyền dối trá, lừa bịp, hiểu ra rằng công an và quân đội lâu nay bị chế độ cộng sản tước đoạt mất những quyền cơ bản của con người. Và sử dụng họ như một thứ công cụ vô tri vô giác trong tay đảng cộng sản, lúc nào cũng phải “tuyệt đối trung thành” với đảng cộng sản một cách mù quáng, kể cả chống lại nhân dân là nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng họ nên người.
Kết thúc câu chuyện này, tôi nhắc lại lời tôi đã nói với Thượng tá Điều tra viên Cơ quan An ninh điều tra Trần Văn Cống khi ở trại tạm giam An ninh điều tra (số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn): “Tôi tuy ở trong tù nhưng tôi mới là người tự do, tôi thích nói điều gì thì tôi nói, không ai ngăn cản tôi được. Còn anh tuy là đang ở vai trò đại diện cơ quan pháp luật, nhưng anh là tù nhân của cái chế độ mà anh đang phục vụ.


Anh có dám nói to những điều anh suy nghĩ một cách công khai như tôi, hay anh chỉ dám vào đây nói với tôi hoặc anh về nhà nói rù rì nhỏ nhỏ với vợ anh?”