12 mars 2016

Tôi đi ứng cử đại biểu Quốc hội


Nguyễn Quang A


12-3-2016
Để xác nhận một sơ yếu lý lịch tôi đã cần đến gần 4 ngày, một việc có thể làm trong 10 phút.


Người dân than phiền bộ máy hành chính là bộ máy “hành” là “chính” chứ không phải là phục vụ dân. Nhân chuyện nộp hồ sơ đăng ký ứng cử vào Quốc hội, với kinh nghiệm của chính mình, tôi nghĩ cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính nói chung và thủ tục đăng ký ứng cử nói riêng.
Một bộ hồ sơ đăng ký ứng cử quốc hội gồm bốn tài liệu phải điền theo mẫu: 1) Đơn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; 2) Sơ yếu lý lịch; 3) Tiểu sử tóm tắt; 4) Bản kê khai tài sản, thu nhập; kèm 3 chiếc ảnh 4 x 6 và tài liệu khác (nếu có). Phải nộp cho Ủy Ban Bầu Cử (UBBC) hai bộ hồ sơ đăng ký như vây. Hai cơ quan hành chính liên quan ở đây là UBBC và UBDN phường nơi mình có hộ khẩu.
Điền hồ sơ là một công việc khá vất vả và nhiều khả năng xảy ra lỗi. Tôi đã dành cả tuần lễ để vật lộn với việc này. Rất cần đơn giản hóa bản thân các mẫu hồ sơ. Nhưng ở đây chúng ta chưa bàn đến nội dung của các tài liệu, đến việc có cần hồ sơ này hay hồ sơ nọ, đến có cần kê khai chi tiết như mẫu yêu cầu hay không. Ở đây chỉ bàn về các thủ tục liên quan đến nộp hồ sơ đăng ký mà thôi.
Theo mẫu, sơ yếu lý lịch (do người ứng cử tự khai và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai) phải được UBND Phường nơi cư trú xác nhận. Việc xác nhận chỉ là xác nhận về người khai, tức là xác nhận ông/bà X có CMTND số Y (có thể thêm có hộ khẩu Z) là người khai và ký bản sơ yếu lý lịch này, rồi phường đóng dấu vào ảnh, giáp lai và ký tên đóng dấu sự xác nhận. Việc này có thể chỉ cần không quá 10 phút hoặc tối đa 1-2 giờ nếu Chủ tịch UBND phường  có quá nhiều hồ sơ phải ký.
Tôi mang sơ yếu lý lịch của mình xin xác nhận sáng ngày 1.3.2016 và khá nhanh tôi nhận được xác minh của phường. Tôi rất hài lòng. Tuy nhiên, buổi chiều khi mang đến UBBC để nộp thì họ nói tôi phải xin lại xác nhận của phường vào đúng chỗ như ở trong mẫu chứ không phải xác nhận ở một tờ riêng (dù có đóng dấu giáp lai cả tờ xác nhận và các trang sơ yếu lý lịch). Thế là mất toi một ngày. Để tránh sai sót tôi yêu cầu UBBC xem các hồ sơ tôi định nộp và hướng dẫn tôi sửa chi tiết (từng chấm, phảy) theo đúng cách hiểu của UBBC. Tôi đã nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình và chu đáo của UBBC.
Về nhà sửa lại đúng như hướng dẫn của UBBC, sáng hôm sau 2.3.2016 tôi mang lại phường để xin lại xác nhận. Suốt một buổi sáng hỏi đi hỏi lại và đôi khi tranh luận với phường về bản xác nhận. Tôi nói lại yêu cầu của UBBC là phường xác nhận vào đúng chỗ theo mẫu. Phường bảo họ làm đúng luật còn UBBC chỉ là cơ quan nhất thời nên có thể họ không hiểu quy định. Tôi đồng ý phường cứ làm đúng như quy định của Nghị định mà phường dẫn ra và tôi ghi hình cuộc trao đổi để đưa ra công khai xem phường đúng hay UBBC đúng.
H1Ảnh: Satế/ Dân Việt
Theo đúng hẹn, 8 giờ sáng 4.3.2016 tôi lại đến phường để lấy chữ ký xác nhận. Vì bản hôm trước đã ghi ngày 2.3.2016, nên tôi phải sửa và in lại thành ngày 4.3.2016. Đợi suốt từ 8 giờ sáng đến gần 11 giờ trưa mới lấy được xác nhận. Giữa chừng nhân viên hộ tịch chạy lên chạy xuống chắc để xin chỉ thị về việc ghi xác nhận ra sao. Có 2 camera dường như ghi hình hoạt động khác nhưng đôi khi chĩa chẳng vào tôi gây cảm giác khá khó chịu. Cuối cùng họ cũng ghi vào đúng chỗ trên sơ yếu lý lịch, thêm một câu vô nghĩa: “Hiện không ăn ở thường xuyên tại phường…” nhưng tôi thấy nó không mâu thuẫn với điều tôi đã khai nên không tranh cãi và vui vẻ chấp nhận. Như thế để xác nhận một sơ yếu lý lịch tôi đã cần đến gần 4 ngày, một việc có thể làm trong 10 phút.
Chiều 4.3 tôi mang toàn bộ hồ sơ đến UBBC, tất nhiên phải in lại toàn bộ cho đúng ngày 4.3 thay cho ngày 2.3 của bản cũ. Cán bộ của UBBC tận tụy xem lại và phát hiện ra 2 lỗi nhỏ: trong sơ yếu lý lịch tôi ghi CMTND…. Nơi cấp: Công an Hà Nội, song ở 2 bản khác chỉ ghi nơi cấp: Hà Nội, nên lại phải xuống in lại thêm 2 chữ Công an. Theo hướng dẫn cần 2 ảnh rời, nhưng hóa ra là cần 3 và lại phải đi làm cho đủ 6 chiếc. Tôi hoàn tất việc nộp hồ sơ vào lúc gần 16h ngày 4.3.2016.
Có thể thấy có thể cải thiện rất nhiều trong thủ tục để phục vụ tốt hơn cho nhân dân, cũng có thể thấy năng lực của công chức còn chưa được như mong đợi. Cả hai việc đều có thể được cải thiện dễ dàng và tôi hy vọng thủ tục phải được đơn giản hóa cho các kỳ bầu cử sau