12 mars 2016

Việt Nam chuẩn bị chuyển giao lãnh đạo

  • 6
Image copyrightGetty
Image captionÔng Nguyễn Phú Trọng nói quyết định nhân sự 'bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện'
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp bàn về vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội từ hôm 10/3.


Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa XII kéo dài từ 10 đến 12/3 tại Hà Nội.
Một nội dung chính là bàn về việc "giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước", Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta, đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền."
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói việc quyết định nhân sự này nhằm "bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung".
Thông tin về Hội nghị được đưa ra một ngày sau khi Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo Quốc hội Việt Nam sẽ "xem xét và quyết định về công tác nhân sự Nhà nước" từ ngày 4-16/4/2016 trong kỳ họp 11 khóa XIII.
Kỳ họp 11 sẽ kéo dài từ 25/3 tới 16/4, trong đó nhân sự Nhà nước là một trong các chủ đề chính chiếm hơn một nửa thời lượng.
Thông tin này càng làm dấy lên đồn đoán rằng có thể một số chức vụ chính trong Chính phủ sẽ được chuyển giao sớm trước thời hạn.
Thông thường phải sau bầu cử Quốc hội thì mới quyết định nội các mới tuy các nhân vật chủ chốt do Đảng CSVN quyết định đã được chọn lọc từ Đại hội Đảng diễn ra trước đó.

Ý kiến

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng việc giới thiệu nhân sự cao cấp sớm là "vi hiến". Facebooker tên Trần Đại Việt nói: "Sự chỉ đạo sắp xếp các nhân sự của bộ máy khi chưa diễn ra bầu cử là vi hiến, là biến cử tri thành con rối"
Một Facebooker khác viết đây là hành động "vi phạm Hiến pháp: đó là thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực sớm sủa, trước khi Quốc hội mới được bầu vào ngày 22/5 sắp tới."
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Quang A nói: "Tôi nghĩ rằng đấy cũng không có gì sớm cả. Đã có nhiều lần xảy ra tương tự như thế."
"Thực sự Quốc hội bất kể lúc nào đều có quyền cho nghỉ hoặc thay đổi hoặc bổ nhiệm mới bất kể chức danh nào từ chức danh chủ tịch nước, thủ tướng đến các bộ trưởng. Đó là chuyện trong thẩm quyền của quốc hội và đã xảy ra một số lần, và không cần phải đợi đến khi quốc hội mới được bầu vào ngày 22/5 và họp phiên họp thành lập đầu tiên vào khoảng tháng Bảy."
"Thời ông Phan Văn Khải đã xảy ra trường hợp như thế. Và trước đó cũng xảy ra trường hợp tương tự. Theo tôi thì không có gì là vi hiến ở đây cả, theo đúng Luật Tổ chức của Quốc Hội là như vậy." - ông Quang A giải thích.
Ông Quang A nói "chẳng có gì là bất ngờ cả".
"Ngay sau Đại hội 12 kết thúc thì chỉ vài ngày người ta cũng đã đồn lên là chính ông Nguyễn Tấn Dũng muốn có một sự chuyển quyền càng nhanh càng tốt.
"Người ta đã thực sự cử ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, và ông Bộ trưởng Đinh La Thăng làm việc khác. Và như thế chắc chắn phải có ai đó thế cho ông Hoàng Trung Hải và ông Đinh La Thăng.
Và việc thay toàn bộ dàn lãnh đạo của nhà nước là có thể xảy ra trong vài tuần nữa vào lúc quốc hội sắp sửa họp. Cũng có người nói phải đợi đến hết nhiệm kỳ mới bổ nhiệm những người lãnh đạo mới trong nhiệm kỳ mới."

Nguồn : BBC