11 avril 2016

BÀN THÊM VỀ CHUYỆN “NON NƯỚC THỀ BỒI”


                                   Mênh mông thế sự 32

 

Tương Lai


Thế rồi mọi việc cũng đã an bài. Để đỡ sáo mòn của lối diễn đạt quen thuộc trước những sự kiện nóng hổi mà báo chí chính thống đang làm, xin mượn lời Nguyễn Công Trứ trong bài thơ tả chân chuyện “Đánh tổ tôm” cho sinh động và ngắn gọn:

               Đánh thì không thấp cũng không cao

                Được thì vơ cả, thua thì chạy

                 Nào”!
 



Thì thấp cao mà làm gì. Tất cả đã nằm trong quy trình, quy hoạch gọn ghẽ và nhanh chóng như thò tay vào túi lấy ra. Nhưng mà là chuyện đại sự quốc gia chứ đâu phải chuyện đùa, nên phải có mục tuyên thệ mà báo chí đồng loạt nhấn mạnh đây là chuyện mới.

Mà mới thật. Xin có đôi lời về chuyện mới này, chuyện “non nước thề bồi”.

Xin cũng không nhắc lại, vì bàn dân thiên hạ đều nhìn, đều nghe và thấy cả mấy chức danh đều cùng một công thức thề thốt. Mới ở chỗ, tuy “còn Đảng thì còn mình”, ơn Đảng mới có được niềm vinh dự thề thốt trước cờ này, nhưng công thức được dùng là đặt Tổ quốc và tiếp đó là nhân dân lên trước, sau đó mới nói đến chấp hành nhiệm vụ trước Đảng. Thì cũng phải thế, mới! 

Ai chê rằng đểu cũng oan
        Cuộc cờ bốn nước cung đàn một dây
       Thế nhân mạc oán, tài tình luỵ
Không tài tình, quang cảnh có ra chi…
       
       Trong trần thế thiệt là cảnh giả,
       Dứt tài tình chẳng uổng lắm ru.
      Xin đừng oán mà ngu!

[ Nguyễn Công Trứ. “Tài tình”]

Nào ai có oán nên chẳng thể là ngu. Vả chăng 

“Việc đời đã chắc chắn đâu
          Lỡm lờ con tạo một màu trêu ngươi.
         Hoá nhi đa hí lộng,
         Đúc chuốt ra rồi bắt bẻ làm sao.
        Khéo gán phần những việc đâu đâu…”    
         Mặc xui khiến dám nghĩ đâu thành bại,
        Thử xem con tạo xoay vần!

[Nguyễn Công Trứ. “Người với tạo vật]

 

Chỉ có điều, nếu vứt bỏ cái màn che mắt con lừa nhằm khoanh lại một khung nhìn mà cứ thế thủng thỉnh lần theo con đường sai lầm Đảng đã chọn, để dám mở to mắt ra mà xem con tạo xoay vần thì sẽ thấy trong cuộc xoay vần này, dân mình, nước mình thảm quá.

Lạc hậu thì đã quá rõ, miễn phải nhắc lại chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Xin hãy nói về chuyện lạc điệu. Chuyện này thiếu hẳn trong các lời tuyên thệ, mà thế thì thiếu cái cấp bách nhất, bức xúc nhất. Vì, lạc điệu nên mới lạc hậu đến thê thảm như hôm nay. Bởi vậy, không quyết tâm chấm dứt sự lạc điệu, tự cô lập mình với thế giới, chẳng thật lòng liên minh với ai mà cứ vẫn đu dây hành xử theo lối khôn vặt thì không sao tìm được quyết sách đưa đất nước bứt lên.

Vẫn cứ lạc điệu thì mọi lời thề bồi cứ cho là tâm huyết đi, cũng không thể nào thực hiện được.Vậy thì vì sao mà lạc điệu?

Vì đã trót chọn sai mô hình phát triển theo kiểu Xô Viết nhân danh Chủ nghĩa Mác-Lênin, biến thành một đất nước không chịu phát triển. Điều này là một sự thật đau đớn dân tộc đang phải trằn mình gánh chịu mà trong “Thư Ngỏ gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày 9.12.2015” chúng tôi đã nói rõ. Một sự thật khắc nghiệt đến thê thảm và tàn nhẫn mà cho dù có bịt mắt bưng tai cũng nhìn thấy, nghe thấy. Mà nghe và thấy bằng sự trải nghiệm máu xương của cả mấy thế hệ chứ đâu chỉ là lời nói bâng quơ vô trách nhiệm: “Không biết đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Tệ hại ở đây là, cho dù đã biết không làm gì có chủ nghĩa xã hội hiện thực, chỉ có trong ảo tưởng mà cứ biến ảo tưởng thành giáo điều để mỵ dân và ngu dân. Để làm gì? Để thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền thiên về dùng bạo lực và dối trá này áp đặt mục tiêu xây dựng CNXH “theo con đường đã chọn”. Thế là, một bộ phận chóp bu trong thế lực cầm quyền vẫn quyết bức tử cả dân tộc, vẫn đặt Cương Lĩnh sai lầm lên trên Hiến Pháp, gạt bỏ mọi đóng góp trí tuệ, tâm huyết và thiện chí của nhân dân, đặc biệt là của giới trí thức yêu nước thương nòi không muốn xương máu của bao thế hệ suốt hơn nửa thế kỷ qua bị phản bội đã chân thành gửi đến Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp.

Và cũng thế là xương máu của những thế hệ Việt Nam đổ ra suốt hơn nửa thế kỷ qua chỉ để biến thành bê tông cốt thép gia cố thêm cái ghế toàn trị của Đảng đang lung lay tận gốc mà sự sụp đổ chỉ là chuyện sớm chiều. Đâu chỉ xương máu của các liệt sĩ hy sinh ở biên giới phía bắc mà người ta đã táng tận lương tâm đục bỏ bia kỷ niệm. Xuơng chất thành núi, máu chảy thàng sông non một thế kỷ để đổi lấy sự lạc hậu thê thảm của đất nước hôm nay.

Điều này thì trong thâm tâm mọi người đều cảm nhận được, tuy nông sâu khác nhau, song không dám nói ra. Bài học của Kim Ngọc, Trần Xuân Bách, Trần Độ…đã khiến người ta phải lựa chọn cách ứng xử, đặc biệt là những người đang được “cơ cấu” vào những trọng trách. Và rồi những cải cách nhỏ giọt, những cố gắng âm thầm để cố đưa vào trong chủ trương đường lối, trong quản lý vận hành guồng máy cai trị những nhân tố mới vẫn không đủ để xoay chuyển tình thế. Sự lạc điệu vẫn tiếp tục được đẩy tới với các kỳ Đại hội, đặc biệt là hai Đại hội XI và XII vừa qua, khiến cho mọi cơ hội đều bị bỏ lỡ một cách oan uổng. Trên thực tế, các Đại hội, đặc biệt là Đại hội XII, chỉ cốt giải quyết vấn đề nhân sự, nhằm khẳng định tiếp tục quán triệt chủ nghĩa Mác – Lênin, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đẩy tới sự lạc điệu trong bối cảnh mới của một thế giới nhiều biến động, vừa tiềm ẩn những nguy cơ song cũng tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam hội nhập với thế giới, chấm dứt sự lạc điệu.

Chỉ tính 40 năm sau ngày thống nhất, ít nhất đã 5 lần đất nước đứng trước sự lựa chọn con đường phát triển mới, nhưng cả 5 lần Đảng vẫn cứ tiếp tục lạc điệu với con đường cũ không có lối thoát. Mà đâu phải không có những đầu óc tỉnh táo nhận ra sự lạc điệu đó, đưa ra những kiến nghị rất mạnh mẽ đưa đất nước đi tới. Bức thư của Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ngày 9.8.1995 cách đây 21 năm là một minh chứng đầy thuyết phục nhưng cũng thật đau đớn cho vận nước!

Những ý tưởng sáng láng như: nhìn nhận lại thế giới để thay đổi mục tiêu chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền gắn với đổi mới Đảng về đường lối và về tổ chức đều bị những đầu óc thủ cựu và khô cứng gạt bỏ. Thử hỏi, nếu những ý tưởng đó được thực hiện nhằm chấm dứt sự lạc điệu của đường lối phát triển theo mô hình đã sụp đổ thì đất nước có lạc hậu thê thảm như hôm nay không?

Mà là sụp đổ của cả hệ thống ngay tại thành trì của CNXH với Liên Xô, rồi các nước XHCN Đông Âu, chỉ còn lại 4 nước châu Á cùng với Cu Ba ở bên kia bán cầu! Nhưng giờ thì Raun Castro đã không còn “thức ngủ” với người anh em Việt Nam “bên tiền đồn phía đông” mà những đầu óc mê muội đang ngủ vùi trong cảnh điền viên của giấc mộng tiểu nông còn vương vấn! Chuyện này thì “Mênh mông thế sự số 24” đã phân tích xin miễn nhắc lại. Nhưng đó chỉ là chuyện hy hữu. Còn lại thì người ta đều hiểu cả.

Hiểu, nhưng dấu kín trong bụng rồi bỗng một ngày đẹp trời, do lú lẫn buột miệng nói ra. Ác thay, tô hô sự thật dấu kín đó ra theo kiểu “sáng trăng em tưởng tối trời” khiến cho người đời hiểu ra bụng dạ những người kiên định đổ bê tông cho cái ghế đang ngồi là thế nào!

Nói cho công bằng, sự thật dấu kín đó từng được phơi bày trong sự kiện Thành Đô 1990. Thậm chí khi một cơ hội mang tính đột phá mở ra với việc Obama mời Nguyễn Phú Trọng, thì để chuẩn bị cho việc tập dượt trình diễn bản giao hưởng mới, người ta vẫn cứ phải dạo khúc Thành Đô như một “prélude” bằng cách nhắc lại lời Nguyễn Văn Linh: “Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân"…vì vậy: "Kiên trì chủ nghĩa Marx-Lenin là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta”. Nếu vậy thì vô phương cứu chữa, sự lạc điệu sẽ tiếp tục nhấn chìm dân tộc trong vòng tăm tối.

Khi vẫn ngoan cố khẳng định “vấn đề có tính nguyên tắc số một” nói trên thì những cam kết để gia nhập TPP không thể xuôi chèo mát mái được. Khi vẫn nhất quyết kiên định một mình một chợ với mục tiêu XHCN, nền kinh tế thị trường cứ nhất định phải ve vẩy cái đuôi XHCN đằng sau, thì đất đai vẫn phải sở hữu toàn dân để tiếp tục trói nền nông nghiệp trong quy mô hiện tại của điều khoản hạn điền trong Luật Đất đai. Điều này đã thủ tiêu động lực của nhà đầu tư nhằm đưa nông nghiệp tiến lên hiện đại. Không quyết liệt thay đổi quan điểm về sở hữu vì sợ “mất CNXH”, cái ảo ảnh đang triệt tiêu các nguồn lực trong dân, trước hết là trong doanh nghiệp tư nhân khiến không thể huy động được nguồn lực mới nhằm tìm lối ra. Đã thế, vẫn cứ phải bám giữ đến cùng quan điểm kinh tế nhà nước phải là chủ đạo. Tuy là cái đuôi ve vẩy, nhưng oái oăm thay lại là “định hướng” cho cái đầu.Vì vậy, thực trạng lạc hâu do lạc điệu sẽ là vô phương cứu chữa. 

Duy trì và đắp điếm thêm cho cái nền tảng kinh tế theo định hướng XHCN ấy thì tất nhiên nhất định “không tam quyền phân lập”, phải một mực tự khẳng định “không có nhu cầu đa nguyên đa đảng”.  Hậu quả tất nhiên sẽ là bầu cử, ứng cử vào Quốc hôi “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” thì phải qua bộ lọc “hiệp thương” của Mặt trận để thực thi bằng được phương thức phản dân chủ đến lì lợm theo kiểu “đảng cử dân bầu” nằm duy trì chế độ toàn trị độc đảng!

Hệ luỵ sẽ thế nào, người ta biết cả. Nhưng trước mắt để giữ cho bằng được cái ghế quyền lực đã quá rệu rã thì những giải pháp tình thế cứ phải tung ra. Những giải pháp tình thế chỉ có thể chắp vá những mảnh vỡ, song sẽ đẩy tới hơn nữa sự đổ vỡ lòng tin của dân mà những lời hứa hẹn mùi mẫn theo kiểu xức dầu thánh “nghiêm túc lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân” chỉ càng làm đậm nét thêm sự tương phản lố bịch trên bức tranh xã hội nham nhở!

Mà đâu chỉ nham nhở. Lòng dân một khi lung lay thì xuất hiện thế đất lở” như cụ Lê Quý Đôn từng phân tích trong “Quần Thư khảo biện” đã có dịp nói đến trong “Mênh mông thế sự số 26”.

Thế đất lở” ấy đang ngày càng dữ dội, nhân lên với cấp số nhân trong hai thập kỷ gần đây trong các nhiệm kỳ của những nhân vật chịu sự chi phối nặng nề của Trung Quốc. Điều cần đặc biệt lưu ý là chính Bắc Kinh đang mong điều này xảy ra. Tập Cận Bình đang cần một Việt Nam yếu hèn, phải duy trì cho được những xung đột gay gắt giữa nhân dân và nhà cầm quyền để không sao đủ sức lực và dũng khí cưỡng lại sự lũng đoạn, áp đặt của thiên triều như ông cha chúng từng phải vất vả đối phó trong trường kỳ lịch sử mối quan hệ Trung –Việt. Chúng cần một chư hầu ngoan ngoãn mà hai gọng kềm đang thít chặt, một ở Biển Đông, một là dòng nước thượng nguồn sông Mekong tuy thật xảo quyệt, song xem ra vẫn chưa đủ.

Hãy chỉ nói vào tình thế cấp bách và nguy hiểm của lưu vực sông Mêkông đang phải chịu đựng áp lực trực tiếp từ hệ thống đập thuỷ điện trên dòng chảy xuyên qua lãnh thổ Trung Quốc mà việc đóng hay xả nước được điều phối bằng sức ép chính trị! Muốn thoát ra khỏi áp lực này thì vấn đề nông nghiệp của đồng bằng Nam Bộ đòi hỏi một tầm nhìn mới, quyết tâm mới, bứt khỏi những quyết sách hiện tồn. Vậy là, vấn đề không chỉ là khô hạn trên đồng lúa mà sự khô hạn đáng sợ trong não trạng của những người đang nắm quyền lực. Họ quyết duy trì ý thức hệ để tìm sức hậu thuẫn của ông bạn láng giềng với phương châm mười sáu chữ vàng và bốn nguyên tắc ứng xử để giữ bằng được cái ghế!

Cho nên, nếu trong những lời thề thốt mà không nói đến điều then chốt có ý nghĩa quyết định vận mệnh của đất nước này, thì không khéo những tay ác khẩu lại mượn lời dân gian “ thề cá trên chui ống” để áp vào thì nguy.

Hãy chỉ gợi ra một điều: Trong các tuyên ngôn, tuyên thệ và những trọng tâm mà các vị sẽ giữ trọng trách đều hứa hẹn quyết liệt chống tham nhũng. Thì chẳng có thực tế nhỡn tiền đó sao. Càng chống, tham nhũng càng tăng. Chuyển vị thế người đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng sang bên Đảng, Tổng bí thư trực tiếp làm tổng tư lệnh chiến dịch này, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Tham nhũng tiếp tục là đại nạn quốc gia. Nguyên nhân thì ai cũng biết nhưng chẳng dại gì “lấy đá ghè chân mình” trừ ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, người duy nhất có một tiếng nói trung thực có trọng lượng tại Đại hội XII, để rồi được ưu tiên cho “nghỉ chính sách”!

Cái gốc vẫn nguyên đấy, thậm chí còn gia cố thêm cho khỏi đổ, tạo điều kiện cho “tư duy nhiệm kỳ” đâm hoa kết trái lu bù nhằm “ngoạm một miếng rồi chuồn”. Đó là điều mà cụ Lê nin xưa đã ngán ngẩm mà cảnh báo về cái ung nhọt đã được cấy sâu vào trong thể chế độc đảng toàn trị của chuyên chính vô sản mà ông ta dựng lên sẽ làm mục ruỗng lục phủ ngũ tạng dẫn đến sụp đổ. Một sự sụp đổ mà cha đẻ của nó cũng không sao hình dung nổi rồi nó thê thảm đến vậy.

Thế nhưng chẳng nhẽ lại không hô hào chống căn bệnh ung thư đã di căn tùm lum? Còn nước còn tát chứ. Phải “kiên quyết” chứ. Sờ lên gáy mình thì cứ lẳng lặng mà sờ, nhưng miệng thì vẫn cứ phải nói chứ. Không nói sao tồn tại được.Thì đó, không chỉ các “Tân” mà các “Cựu” đều có lời nguyện như thế cả. Thậm chí còn có vị còn khẳng định chống tham nhũng là nhiệm vụ số một, phải tập trung toàn lực. Khi có người phản bác, đòi phải tập trung cả hai nhiệm vụ chiến lược, thậm chí phải đặt việc chống xâm lược lên hàng đầu thì ngài còn hùng hồn “cứ đánh gục tham nhũng rồi sẽ tòi ra đó là kẻ thân Tàu, là sẽ hiểu cần chống xâm lược như thế nào”! Và rồi, bằng những thủ đoạn liên kết đánh gục đối thủ trong cuộc tranh bá đồ vương bằng nhiều thủ đoạn trí trá, lật lọng sở trường để phải nhận ra rằng

“Cuối Tết mới hay rằng sớm muộn,

Giữa vời sao đã biết nông sâu!
 
[Nguyễn Công Trứ.”Thế tình đen bạc”]

đến hồi chung kết“bừng con mắt dậy thấy mình tay không[Nguyễn Gia Thiều. “Cung oán Ngâm khúc]

Thì ra sự đời là vậy, cũng chẳng hơi đâu mà nghĩ ngợi:

Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ…

…Nào những kẻ tay trên ban nãy

Tới bây giờ thay thảy dưới tay ta.

                May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ.
 
[Tú Xương.Đánh Tổ Tôm]

 

Cho nên, muốn tồn tại để rồi còn “phát triển” thì cứ phải thề đã. Dù vận đỏ, cũng phải thề bồi chứ? Trót đa mang thì phải đèo bòng chứ lờ đi sao đặng. Thề thì thề, sợ gì nào, chẳng phải là Tú Xương đã từng gỡ bí cho chuyện này từ não từ nao đấy thôi:
 
      Non nước thề bồi thôi xí xoá
       Quỷ thần nào chứng ở hai vai? 

Quỷ thần chẳng biết có chứng hay không chắc khó đoán, nhưng đôi mắt của nhân dân thì thông tường mọi nhẽ.

Nhưng kìa, sao lại có người chồm chỗm ngồi trên cao kia lại chẳng phải thề bồi gì sất? Thế là thế nào? Còn thế nào nữa, chẳng phải Cương lĩnh đặt lên trên Hiến pháp đó sao? “Ta đây nào phải ai đâu mà rằng[Lời Sở Khanh], dân có phải bầu bán gì đâu mà đòi người ta phải thề bồi. Có gì mà phải thắc mắc nào. Vả lại, đã vô thần thì còn thề bồi làm chi cho thêm chuyện, chẳng “xí xoá” thì cũng bằng không. Dân chủ đến thế là cùng chứ còn gì nữa.

Ấy vậy mà dù chỉ là một lời hứa đãi bôi chứ không là lời tuyên thệ, thì rồi “mỗi lời là một vặn vào”, tuy “khó nghe” nhưng tránh sao được sự phán xét sòng phẳng của công luận:

        Mai sau dầu đến thế nào,

       Kìa gương nhật nguyệt nọ đao quỷ thần
 
[Lời Mã Giám Sinh ]


Xem ra chuyện thề thốt thì càng thận trọng càng đỡ rủi ro. Thề mà biết là khó hoặc không thể thực hiện càng phải muôn phần đắn đo, cân nhắc. Quả là khó để đoan chắc như nàng Kiều trước mộ Đạm Tiên “chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ”, nhưng búa rìu của dân đang trong cái “thế đất lở” thì có khi đáng sợ chẳng kém “gương nhật nguyệt” , “đao quỷ thần” là bao.

Mà có khi hơn! “Thấy người [ngồi] đó biết sau thế nào”! [Lời Thuý Kiều]

Cho nên, để thực hiện những lời thề bồi nghiêm túc, xin làm ơn đặt ưu tiên cho lời thề cốt lõi: “chống lạc điệu”.

 

                                                                                                               10.4.2016