21 juin 2016

Indonesia bắn ngư dân Trung Quốc đánh cá trộm?


Tàu tuần tra cao tốc của hải quân Indonesia
 
Ngày 19.6, Trung Quốc cáo buộc lực lượng chức năng Indonesia đã bắn vào ngư dân nước này khiến một số người bị thương, động thái căng thẳng mới nhất giữa Bắc Kinh và Jakarta.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã "tỏ thái độ kháng nghị mạnh mẽ" với những hành động mà họ nói là sự "quấy rối" của hải quân Indonesia đối với ngư dân Trung Quốc.



Trung Quốc tuyên bố rằng hôm 17.6 một tàu hải quân Indonesia đã bắn vào tàu cá Trung Quốc đang hoạt động trong "vùng biển tranh chấp". Một ngư dân Trung Quốc trên tàu bị thương và 7 người khác bị lực lượng Indonesia bắt.

"Trung Quốc mạnh mẽ phản đối và lên án việc sử dụng vũ lực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi khu vực xảy ra vụ việc là "ngư trường truyền thống" của nước này.

“Tàu chiến của hải quân Indonesia đã sách nhiễu, bắn tàu cá Trung Quốc và đe dọa sự an toàn của ngư dân Bắc Kinh. Điều này vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông”, bà Hoa nói thêm.

Đáp lại, hải quân Indonesia đã ra một tuyên bố nói rằng có một tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ nhưng không có người nào bị bắn trên chiếc tàu này.

Hải quân Indonesia nói họ nhận được tin báo của đơn vị giám sát hàng hải trên không về việc 12 tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển Natuna. Khi tàu Indonesia tiếp cận, những tàu cá nước ngoài bỏ chạy. Tàu Indonesia truy đuổi và bắn cảnh cáo nhưng những tàu cá này phớt lờ. Cuối cùng, sau nhiều phát súng cảnh cáo, một tàu Trung Quốc đã bị chặn lại. 

"Tất cả các thành viên trên tàu đều an toàn. Sáu người đàn ông và một người phụ nữ đang ở Ranai (một hải cảng của Indonesia)", phát ngôn viên của hải quân Indonesia, ông Edi Sucipto nói với AFP.

"Bất kỳ nước nào khi có hành vi vi phạm trong thẩm quyền giải quyết của Indonesia, chúng tôi, trong trường hợp này là lực lượng hải quân sẽ không ngại hành động dứt khoát", ông Sucipto nhấn mạnh.

Hồi cuối tháng trước, Trung Quốc đã "lên tiếng phản đối mạnh mẽ" sau khi hải quân Indonesia bắt giữ một tàu Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia vì đánh bắt cá bất hợp pháp.

Hồi tháng 3, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu tuần tra Indonesia để giải cứu một tàu cá nước này bị phía Indonesia bắt. Jakarta khi đó đã phản ứng mạnh bằng cách kháng nghị và triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia để chỉ trích.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên chủ quyền hợp pháp của nhiều nước Đông Nam Á. Trong khi đó, những tháng gần đây, Indonesia thực hiện chính sách cứng rắn với tàu cá của nước ngoài đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này và các tàu bị bắt giữ sẽ bị phá bỏ.

Thiên Hà (theo Channel News Asia)
 

Ngư dân Indonesia kêu cứu vì tàu Trung Quốc đánh cá trái phép

Quần đảo Natuna, hoàn toàn nằm trong lãnh thổ của Indonesia và không hề có tranh chấp trước đây, nhưng các vùng biển lân cận của khu vực này đang bị Trung Quốc "dòm ngó".
Ngư dân tại Natuna đang kêu cứu chính phủ bảo vệ lãnh hải của mình, khi Trung Quốc gần đây thường xuyên "kiểm tra ranh giới" bằng cách xua tàu đánh cá đến hoạt động trong lãnh hải của Indonesia.

Ông Idris là một ngư dân 42 tuổi tại Natuna đã sống hơn phân nửa cuộc đời mình bằng nghề câu cá truyền thống, không sử dụng lưới để đánh bắt. Ông nói rằng không hề biết cái gọi là Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) như cách Trung Quốc hiểu.

"Vâng, trên bản đồ nó là Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) nhưng tôi không biết điều đó. Đối với tôi đây là biển Natuna. Chúng tôi câu cá ở đây là vì nó là vùng biển của chúng tôi. Chúng tôi không biết Biển Nam Trung Hoa là gì", ông Idris nói với ABC News.

Nhưng với Trung Quốc, quốc gia có khoảng cách từ đất liền đến Natuna lên tới 3.000 km thì lại khác, họ tuyên bố vùng biển gần quần đảo Natuna là "vùng biển truyền thống" của mình dựa trên cái gọi là "đường 9 đoạn".

Không chỉ Natuna, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lên lãnh hải hợp pháp của các quốc gia Đông Nam Á khác là Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Nhà chức trách Indonesia khẳng định, các đảo vào vùng biển xung quanh Natuna là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

"Tôi rất buồn vì tôi đã làm việc ở Natuna một thời gian dài và bây giờ Trung Quốc tuyên bố rằng đây là vùng biển của họ. Đương nhiên tôi tức giận vì chúng tôi không thể cạnh tranh với ngư dân của họ khi những người ấy sử dụng lưới kéo. Chúng tôi là người Natuna", ông Syahrizal, 42 tuổi một ngư dân tại Natuna nói.

Trong năm nay Bắc Kinh đã 2 lần "phản đối" khi Indonesia bắt giữ các tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển của Indonesia. Trung Quốc tuyên bố những tàu cá của họ đang "hoạt động trong ngư trường truyền thống của mình", đồng thời yêu cầu Indonesia thả công dân của mình.

Chính phủ Indonesia đã không tuân thủ yêu cầu phi lý của Bắc Kinh, dù Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Indonesia. Indonesia còn đưa các ngư dân Trung Quốc mà họ bắt được ra xét xử vì tội đánh bắt cá trái phép, những người này phải đối mặt với nguy cơ bị xử tù vì hành động của mình.

Dù vậy, các ngư dân Indonesia vẫn không yên tâm, họ muốn chính phủ của mình lên tiếng mạnh hơn và đưa quân bảo vệ cộng đồng và sinh kế của họ trong tương lai.

"Chính phủ cần phải tìm ra giải pháp để Trung Quốc không tuyên bố vùng biển Natuna là của họ nữa. Đó là những gì chúng tôi muốn chính phủ làm", ông Zakaria - người đứng đầu làng chài Sabang Mawang nói với ABC News.

Thiên Hà (theo ABC News)