27 juin 2016

Nguy cơ tan rã ĐBSCL: Xác định lại chiến lược an ninh lương thực

Chí NhânChí Nhâní NhânChí NhânChí Nhân Chí Nhân 


Việc đắp đê bao, đào kênh để sản xuất lúa vụ 3 được cho là một nguyên nhân khiến đất ĐBSCL cạn kiệt dinh dưỡng Ảnh: Công Hân


ĐBSCL đang nghèo đi, xét từ góc độ phù sa. Chính vì vậy, chiến lược an ninh lương thực quốc gia cần được xác định lại với tầm nhìn dài hạn.


Nhiều năm qua, VN luôn nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Có được lượng gạo xuất khẩu từ 6 - 7 triệu tấn/năm là nhờ tăng vụ. Nhưng hệ quả của việc này là dù đứng trong top đầu các nước xuất khẩu gạo nhưng người nông dân vẫn nghèo.

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, GDP bình quân đầu người của Lào năm 2013 là 1.638 USD/người/năm, trong khi năm 2014 GDP bình quân đầu người của ĐBSCL chỉ mới đạt 1.242 USD/người/năm.

Mặt trái của đê bao




Theo TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, việc làm đê bao khép kín chủ yếu để sản xuất lúa vụ 3, còn những cái được - mất chưa tính toán một cách đầy đủ. “Cách khắc phục tốt nhất là nhà nước trao lại quyền quyết định - một cách thực sự, cho người nông dân; tạo điều kiện cho họ làm giàu trên mảnh đất của họ. Chính họ mới là người hiểu rõ hơn ai hết cần phải làm gì và làm như thế nào”, ông Ni nói.

Xã Mỹ Hòa, H.Tháp Mười (Đồng Tháp) nằm ở phía nam của vùng Đồng Tháp Mười trước kia là “túi” chứa nước tự nhiên. Vào mùa lũ, nước ngập từ 1,2 - 1,5 m nhưng những năm gần đây vùng này đã đê bao khép kín gần hết để sản xuất lúa vụ 3. Những con đê cao chừng 1,5 - 2 m ngăn cách dòng kênh với đồng ruộng. Ở thời điểm hiện tại, để sản xuất lúa nông dân phải dùng máy bơm nước từ ngoài kênh vào ruộng.

Theo TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), tính đến năm 2012 tổng chiều dài các con kênh đã được đào ở ĐBSCL là 91.064 km, “gấp đôi đường xích đạo”. Những con kênh, đê bao được tạo nên để phục vụ mục đích chính là sản xuất lúa vụ 3, bên cạnh các mục tiêu như cải thiện điều kiện sống cho người dân, giao thông... Nhưng mặt trái là kênh, đê tăng làm cho nước thoát ra biển nhanh hơn, gây thiếu nước vào mùa khô, gây ngập ở khu vực đô thị trong mùa mưa lũ là những thiệt hại mà chưa ai tính đến.

Đáng lo hơn là khi đắp đê để sản xuất lúa vụ 3 ở các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên là chấp nhận một sự đánh đổi. Bởi về mặt tự nhiên, đây là 2 túi chứa nước cho vùng ĐBSCL. Mùa lũ, nước được tích trữ vào 2 túi này, đến mùa khô nó “nhả” ra dần, cung cấp nước ngọt cho cả châu thổ Cửu Long. Nhưng ngày nay, trên những túi nước này người ta đào kênh để thoát lũ và đắp đê ngăn không cho nước vào đồng ruộng nên nước buộc phải tràn về vùng đô thị, gây ngập. Cụ thể, sức chứa lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên đã giảm từ 9,212 triệu m3 hồi năm 2000 xuống chỉ còn 4,518 triệu m3 năm 2011. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, năm 2011 lũ nhỏ hơn năm 2000 nhưng mực nước ở Cần Thơ lại cao hơn 3,9 cm, do đê bao khép kín nhiều hơn. Chỉ tính riêng TP.Cần Thơ, ngập tăng 4 cm sẽ gây thiệt hại cho xã hội từ 3 - 11 triệu USD.

"Vắt kiệt" tài nguyên vì lúa vụ 3

Kênh, đê tăng chóng mặt để phục vụ lúa vụ 3 nhưng cả những người trực tiếp là nông dân và các chuyên gia nông nghiệp đều khẳng định sản xuất lúa vụ 3 không hiệu quả. Nông dân Nguyễn Thành An (xã Tân Tiến, H.Tri Tôn, An Giang) có quy mô sản xuất đến vài chục héc ta cũng khẳng định, làm lúa vụ 3 chắc chắn lỗ vì “nặng” phân thuốc mà năng suất lại thấp. “Kinh nghiệm mấy chục năm qua của tôi cho thấy tốt nhất là xen canh 2 vụ lúa 1 vụ màu. Cách này ngoài tăng thu nhập còn giúp cải tạo đất”, ông An cho biết.

Cụ thể hơn, nghiên cứu của chuyên gia sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện (có tham khảo các nghiên cứu về lúa vụ 3) cho thấy: 1 ha lúa sản xuất 2 vụ, lợi nhuận đạt 31 triệu đồng/năm. Làm 3 vụ lợi nhuận tối đa cũng chỉ đạt 37,751 triệu đồng/năm nhưng phải tốn chi phí đắp đê, duy tu bảo dưỡng, trạm bơm. Một nghiên cứu trên địa bàn tỉnh An Giang cho thấy nếu quy về thời điểm hiện nay (năm nghiên cứu - 2015), tổng chi phí đầu tư đê và trạm bơm để có thể sản xuất lúa vụ 3 lên đến 29,489 triệu đồng/ha, chưa kể những hệ lụy như phân tích trên. Ông Thiện đặt vấn đề: Trước giờ chủ trương phát triển lúa vụ 3 dựa trên tư duy đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng nội hàm an ninh lương thực này là gì thì chưa được làm rõ. “Trung bình mỗi năm chúng ta sản xuất 25 triệu tấn lúa, trong đó xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn (tương đương 6 - 7 triệu tấn gạo/năm). Như vậy, chúng ta tăng vụ không hoàn toàn vì vấn đề an ninh lương thực mà chủ yếu tăng lượng gạo xuất khẩu”, ông Thiện tính toán và chua chát nhận định: “Trong khi vùng châu thổ Cửu Long ngày càng nghèo đi về mặt dinh dưỡng do giảm phù sa và có thể dẫn đến nguy cơ tan rã trong một tương lai không xa thì trước mắt chính chúng ta lại đang vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này để xuất khẩu”.

Để củng cố nhận định trên, ông Thiện cho biết những nghiên cứu gần đây cho thấy các cánh đồng lúa sau 10 năm ở trong đê, nhu cầu phân bón tăng 40% nhưng năng suất vẫn giảm; cá tự nhiên trong mùa lũ cũng giảm vì đê bao khép kín. “Chúng ta cần phải đổi mới tư duy về an ninh lương thực với tầm nhìn dài hơi hơn. Cần làm rõ nội hàm an ninh lương thực cho ai và vì ai. Thay vì vắt kiệt sức khỏe của đất, chúng ta phải tìm cách duy trì sự màu mỡ của nó để có thể khai thác càng lâu càng tốt. Đó mới là chính sách an ninh lương thực cho quốc gia về lâu dài”, ông Thiện đề xuất.
 
Chí Nhân