21 juin 2016

Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền” từ quyển sách bị mất tích


TTO - Phóng sự của Đài BBC đi tìm nhưng không ra “bằng chứng thép” chứng minh chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông tại đảo Hải Nam, Trung Quốc. 
 
Trung Quốc bị chỉ trích đã quân sự hóa đội tàu đánh cá của mình - Ảnh: Reuters


Nếu bạn muốn hiểu người Trung Quốc cảm thấy thế nào về yêu sách đòi chủ quyền một vùng lãnh hải rộng lớn ở Biển Đông, đảo Hải Nam là một nơi tốt để bắt đầu.

Đây là nơi tất cả mọi thứ đều được “gia cố” để chứng minh những gì Bắc Kinh nói, từ chính quyền, chính sách quân sự, hoạt động đánh cá, du lịch và thậm chí là lịch sử.

Chúng tôi đến cảng cá Tanmen, bờ đông đảo Hải Nam vì gần đây truyền thông Trung Quốc đưa tin về sự hiện diện của một tài liệu quý hiếm - quyển sách 600 tuổi chứa đựng bằng chứng có tầm quan trọng quốc gia.

“Bằng chứng thép” đã được ném đi?!

Quyển sách thuộc về một ngư dân đã về hưu tên Su Chengfen, được cho là ghi chép lại những chỉ dẫn hàng hải chính xác bởi tổ tiên của ông về con đường đi đến các bãi đá, bãi cạn ở Trường Sa cách Hải Nam hàng trăm hải lý.

Lập trường của Trung Quốc trước nay cho rằng họ là “những người đầu tiên” đặt chân đến các quần đảo ở Biển Đông nên chúng phải thuộc về họ. Bởi vậy, quyển sách của ông Su được “trân trọng” nhưng một “báu vật vô giá”.

Truyền thông Trung Quốc khẳng định đây là “bằng chứng thép” chứng minh chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chúng tôi gặp ông Su trong lúc ông đang bận rộn làm một mô hình tàu trong sân nhà, chỉ cách bãi biển một quãng đi bộ.

“Nó được truyền lại từ đời này sang đời khác, từ đời ông nội tôi đến đời cha tôi, rồi đến tôi”, ông Su nói về quyển sách.

“Nó chủ yếu chỉ dẫn cách đi đến Hoàng Sa và Trường Sa, rồi làm sao để quay về lại đảo Hải Nam”, ông nói. Nhưng khi chúng tôi muốn được xem qua tài liệu đó, vốn cách đây vài tuần xuất hiện dày đặc trên truyền thông, thì ông Su nói quyển sách không còn nữa!

“Dù nó quan trọng nhưng tôi đã ném nó đi do bị hư hỏng. Nó đã được đọc qua nhiều lần, nước biển đã làm hư hỏng… Cuối cùng không còn đọc được nữa nên tôi ném nó đi”, lão ngư dân 81 tuổi kể.

Chúng tôi rời nhà ông Su, vẫn còn hơi chưng hửng, thì lại được chứng kiến một góc khác của đảo Hải Nam. Chúng tôi đi đến đâu cũng có một số xe hơi bịt kín màu đen theo đuôi; từ bến cảng nơi chúng tôi phỏng vấn các ngư dân, chợ cá nơi chúng tôi nói chuyện với thương lái, về đến tận cửa khách sạn chúng tôi ở.

Sự chú ý có vẻ không cần thiết lắm vì cũng chẳng ai muốn nói chuyện với chúng tôi, những người chịu mở miệng thì cũng không có gì mới ngoài những thông tin chính thống của chính quyền: rằng Biển Đông thuộc về Trung Quốc vì các ngư dân Trung Quốc là những người đầu tiên đặt chân đến.

Du lịch nghĩa vụ

Chúng tôi kết thúc chuyến đi Hải Nam ở thành phố miền nam Sanya, ngắm một con tàu du lịch ra khơi tiến về các đảo ở Trường Sa. Chuyến đi dài 5 ngày được giới thiệu lần đầu hồi năm 2013 và hàng ngàn khách du lịch Trung Quốc đã mua tour này, riêng ai sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì không được đi.

Đây quả là một kỳ nghỉ dưỡng lạ lùng - một hành trình dài hàng trăm dặm trên biển chỉ để ngắm vài bãi cạn và bãi đá không người ở. Có thể tổ tiên của ông Su đã đặt chân đến đó nhiều thế kỷ trước. Một số kiến thức về hàng hải quả thật đã được truyền khẩu từ thời xưa qua nhiều thế hệ.

Nhưng chỉ bấy nhiêu có đủ để biến quyển sách gia truyền của ông Su thành một bằng chứng phục vụ cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc? Thậm chí nếu ông Su cho chúng tôi xem được quyển sách 600 tuổi thì đó chỉ là bằng chứng cho việc di chuyển ở Biển Đông từ thời xưa, không phải là sự sở hữu.

Rất nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng có thể trưng ra bằng chứng về các hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông. Nhưng ở Trung Quốc chỉ có một cách diễn giải duy nhất và kinh nghiệm của chúng tôi ở Hải Nam cho thấy các diễn giải đó được bảo vệ và thực thi như thế nào.

Tôi hỏi một người phụ nữ khi cô đang chuẩn bị lên tàu du lịch rằng tại sao cô lại chọn trải qua thời gian nghỉ ngơi quý giá để đi thăm vài bãi đá.

“Chúng tôi không tận hưởng gì cả. Chúng tôi đã được giáo dục từ lúc sinh ra rằng đó là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc. Nghĩa vụ của chúng tôi là ra đó và chứng kiến” - đây là câu trả lời của cô.

 

M. TRUNG