19 juillet 2016

Formosa – cây xấu không thể sinh trái tốt


Hoàng Sơn

Chất thải của Formosa chôn tại một trang trại ở Hà Tĩnh.

(TBKTSG Online) – Sau vụ xả thải của Formosa vào tháng 4-2016 gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, chỉ trong vài ngày qua đã có thêm khá nhiều những hành vi cực xấu từ tập đoàn đầy tai tiếng này bị phát hiện. Để nói ngắn gọn về Formosa, có thể một câu trong Kinh Thánh: “Cây xấu không thể sinh trái tốt.”


 

Xấu ở đây mang nghĩa xấu về bản chất, qua lịch sử đầy tai tiếng của Formosa ở nhiều nơi trên thế giới, trước khi tập đoàn này giới thiệu lịch sử tàn phá đó vào Việt Nam.
 
Từ một lịch sử đầy tai tiếng
 
Cái tên Formosa lâu nay đã gắn liền với các hành vi tàn phá môi trường ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1990, Formosa bị Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) phạt 244.000 đô la Mỹ vì 55 hành vi phạm liên quan đến chất lượng nguồn nước; năm 1992, do phát thải khí độc hại hydrochloride, công ty này bị phạt tiếp 330.000 đô la Mỹ.

Năm 1991, Formosa bị EPA phạt 3,7 triệu đô la Mỹ - một khoản phạt kỷ lục lúc đó – do xả thải chất độc hại làm ô nhiễm nước ngầm.

Tháng 11-1998, gần 3.000 tấn chất thải nguy hại chứa thủy ngân từ Formosa ở Đài Loan được đổ tại một cánh đồng tại thành phố cảng Sihanoukville ở Campuchia. Đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, vì trước đó, Formosa tìm cách tống khứ 14.000 tấn chất thải độc hại này ở nhà máy của mình tại thị trấn Jenwu (Đài Loan), nhưng vì bị dân chúng phản đối, Formosa đã tìm một “nơi tiếp nhận” khác, và Campuchia đã trở thành nạn nhân.

Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Đài Loan, trước đó, Formosa đã xin phép chuyển 5.000 tấn chất thải lỏng qua Campuchia nhưng bị bác vì e ngại rằng Campuchia không có khả năng xử lý chất thải này. Thế nhưng, một tháng sau, số chất thải này được xử lý thành chất thải rắn, và chuyển trái phép sang Campuchia.

Cuối năm 2009, hai nhà máy của Formosa ở Texas và Louisiana đã bị Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) buộc nộp phạt 2,8 triệu đô la Mỹ vì những hành vi gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, bên cạnh việc bị buộc chi thêm 10 triệu đô la Mỹ để lắp đặt thêm các thiết bị quan trắc môi trường tại hai cơ sở này.

Và ngay tại Đài Loan, quê hương của Formosa, tập đoàn này cũng đã nhiều lần bị xử phạt vì những vi phạm về môi trường. Một trường hợp điển hình là việc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan vào tháng 4-2010 đã quyết định xử phạt Formosa một khoản tiền gần 5 triệu đô la Mỹ vì gây ô nhiễm môi trường nước và đất ở Cao Hùng do xả thải các hóa chất độc hại vượt quy chuẩn đến 300.000 lần, theo Bản tin Kinh tế Đài Loan.
 

Đến chuỗi vi phạm môi trường ở Việt Nam
 

Ở đây có lẽ không cần nhắc lại vụ xả thải kinh hoàng hủy diệt môi trường biển miền Trung mà báo chí đã mổ xẻ nhiều, mà chỉ nêu một số “phát lộ” mới để thấy “lịch sử” lặp lại như thế nào.

Như bạn đọc đã biết, những ngày này, tin tức về các hành vi vi phạm của Formosa được dồn dập đăng tải trên báo chí theo tiến độ phát hiện, phanh phui của các cơ quan chức năng. Và vụ việc nào cũng nặng nề tâm can.

Ngày 11-6, người dân và các đơn vị chức năng có liên quan phát hiện 100 tấn chất thải từ Formosa do Công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh chôn lấp tại một trang trại ở Hà Tĩnh; con số sau đó được xác định là gần 270 tấn, trong đó có một lượng lớn chất thải từ lò luyện cốc của Formosa vốn là nguyên nhân hủy diệt môi trường biển;

Ngày 14-7, hàng chục tất chất thải của Formosa được tìm thấy tại bãi rác khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh);

Ngày 15-7, Formosa đã điều động máy móc tới cắt một đường ống xả nước thải được chôn dưới lòng đất, từ phía trong nhà máy ra ngoài mương thoát lũ  tại địa phương này, sau khi đường ống bị người dân phát hiện, và theo báo chí, đây là đường ống không nằm trong thiết kế ban đầu của Formosa.

Ngày 16-7, Công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh khai báo ngoài việc chôn 100 tấn chất thải của Formosa, hơn 10 tấn chất thải của Formosa còn được chôn ở công viên Hưng Thịnh, thị xã Kỳ Anh.

Hoặc 145 tấn thùng phuy đựng hóa chất độc hại từ Formosa được một đơn vị trong nước vận chuyển đi nơi khác cũng đã được phát hiện cuối tuần qua.

Những vi phạm của Formosa cứ liên tục được phát hiện – một số vi phạm có sự tiếp tay của các đơn vị trong nước – cho thấy việc tàn phá môi trường của tập đoàn gốc Đài Loan này rõ ràng là bản chất chứ không còn là hiện tượng, là sự cố ý chứ không còn là sự cố ngoài tầm kiểm soát. Phải khẳng định như thế vì trong vụ việc xả thải hủy diệt môi trường biển, Formosa cho rằng sự cố xảy ra là lỗi của nhà thầu, là do mất điện nên hệ thống xử lý chất thải không hoạt động...

Đỗ lỗi như vậy là không được vì trong quản trị doanh nghiệp và quản trị thương hiệu, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cho tất cả các khâu, dù có thể đó là do nhà thầu phụ. Một khi không làm tròn vai trò quản trị nội bộ, coi như thương hiệu này bị tiếng xấu khắp nơi.

Những hành vi vi phạm như vậy đã thêm nhiều điểm đen vào lý lịch rất xấu của nhà đầu tư này. Và, lý lịch đó đã được nhà báo Andrew Tanzer đúc kết từ cách đây hơn ba thập niên, một lịch sử rất dài.

Trong một bài viết dài cho tạp chí Forbes vào năm 1985 về đế chế của ông Wang, Chủ tịch tập đoàn Formosa, Andrew Tanzer trích dẫn một nguồn tin khẳng định rằng “Wang không chơi theo luật lệ. Nếu ông ta bị phát hiện gây ô nhiễm hay trốn thuế, ông ta sẽ mặc cả với chính quyền.”

Texans United, một nhóm bảo vệ môi trường ở Texas, Hoa Kỳ, đã gọi Formosa là một “kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế về môi trường”, trong khi Quỹ Ethercon ngày 21-11-2009 tại Berlin (Đức) đã “trao tặng” các lãnh đạo Formosa Giải thưởng Hành tinh Đen vì những “nỗ lực” tàn phá trái đất.

Tiếc rằng, Formosa, sau khi bị từ chối, tẩy chay ở nhiều nơi trên thế giới, lại tìm thấy Việt Nam là điểm đến để thiết lập đế chế gây ô nhiễm của mình. Thời báo Đài Bắc khẳng định rằng Formosa chỉ quyết định đến Việt Nam sau khi từ bỏ kế hoạch mở nhà máy tại quận Yunlin ở Đài Loan vì gặp khó khăn trong quy trình kiểm soát môi trường của chính quyền địa phương này. 

Đâu là giải pháp 

Một số biện pháp khả dĩ nhất lúc này có lẽ là áp dụng các mức phạt cao nhất cho các hành vi tàn phá môi trường của Formosa, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát các hoạt động của tập đoàn này.

Cho đến nay, có thể thấy thái độ của Formosa là đối phó, che giấu, và chỉ thừa nhận các vụ việc sau khi các cơ quan chức năng đã chứng minh được hay phát hiện được. Điều đó sẽ gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các hoạt động sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm của tập đoàn này.

Trong vụ việc gây ô nhiễm ở Hoa Kỳ nêu trên, các cơ quan chức năng nước sở tại phải tự kiểm tra mức độ ô nhiễm nguồn nước, không khí, và đất đai do tập đoàn này gây ra, và buộc Formosa phải đầu tư thêm 10 triệu đô la Mỹ để lắp đặt các thiết bị bổ sung để xử lý các nguồn thải.

Tương tự như vậy, cần phải có các cơ quan độc lập đứng ra kiểm soát các nguồn phát thải của Formosa, chủ động theo dõi, đánh giá chất lượng nguồn nước, không khí, đất đai xung quanh nhà máy của tập đoàn này, thay vì chỉ dựa vào các báo cáo của tập đoàn.

Và, rất cần thiết lập một cơ chế kiểm toán nguồn thải của Formosa. Các hoạt động sản xuất năng lượng, sản xuất thép… tùy loại công nghệ sử dụng đều có những định mức đầu vào, đầu ra cụ thể. Cần phải buộc Formosa báo cáo cụ thể định kỳ về việc vận chuyển, xử lý chất thải của mình. Không thể không áp dụng cơ chế “luồng đỏ” cho một doanh nghiệp có tiền sử vi phạm như Formosa.

Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon