27 juillet 2016

Formosa Hà Tĩnh đã xâm hại các giá trị cốt lõi của Việt Nam như thế nào?

Thảm họa có tên Formosa đã cho thấy rất nhiều giá trị cốt lõi bị xâm phạm, xé rào... một cách ngang nhiên. Ảnh : giaodiemonline.com

   
       
(TBKTSG) - Giá trị cốt lõi không là pháp luật, nhưng nó in dấu sâu đậm trong tiềm thức và tạo nên khuôn khổ về cách cư xử của cá nhân và xã hội. Khi phải chọn lựa cách cư xử trước một hoàn cảnh nhất định, giá trị cốt lõi sẽ giúp một người hay một tập thể ra quyết định nên có hành vi ứng xử này hay hành vi ứng xử khác.
 


Thông thường, người ta phải chọn lựa về hành vi ứng xử khi đứng trước mâu thuẫn lợi ích hay một sự thay đổi lớn. Ví dụ, khi một cơ quan công quyền không hoàn thành trách nhiệm, họ sẽ phải chọn lựa giữa nói thật, minh bạch với công chúng để sửa đổi hay giấu giếm, nói dối. Ví dụ khác, khi hai xe va chạm nhau trên đường phố, người điều khiển xe sẽ xem xét thương tích cho nhau hay chửi mắng, đâm chém nhau.

Trong những trường hợp đó, giá trị cốt lõi có vai trò rất quan trọng.

Giá trị cốt lõi có thể xem là đạo đức của xã hội. Chúng chính là kết tinh các quy tắc sống qua thời gian dài từ đời sống thực tế của một cộng đồng, một quốc gia nhằm bảo vệ lợi ích chung nhất của cộng đồng, quốc gia đó. Giá trị sống trung thực nhằm khiến các thành viên của cộng đồng tin cậy nhau hơn, từ đó gắn bó nhau hơn, có trách nhiệm với nhau hơn.

Khi nhà máy thép của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) bắt đầu chạy thử, các sự cố môi trường liên tục xảy ra. Sự cố mà tác hại ở mức rất rộng (bờ biển chạy dài bốn tỉnh miền Trung, trên 250 ki lô mét), rất độc hại (môi trường bị nhiễm độc, cả bề mặt lẫn đáy biển), sự cố đó phải được gọi là thảm họa môi trường. Rất nhiều tiếng nói trong dân đã yêu cầu minh bạch thông tin.

Sau ba tháng làm việc với Chính phủ Việt Nam, dưới áp lực của các nhà đấu tranh môi trường cũng như dư luận xã hội, cuối cùng Formosa chấp nhận xin lỗi dân chúng Việt Nam và trả số tiền hỗ trợ 500 triệu đô la Mỹ.

Bức xúc trong dư luận về thảm họa môi trường do Formosa gây ra chưa kịp lắng xuống thì cách đây vài ngày, dân chúng lại phát hiện một khối lượng lớn chất thải công nghiệp của Formosa bị đem đi chôn lén lút trong một trang trại và nhiều nơi khác.

Thảm họa có tên Formosa đã cho thấy rất nhiều giá trị cốt lõi bị xâm phạm, xé rào... một cách ngang nhiên và ngang ngược:

Thứ nhất, bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường là một giá trị cốt lõi của thế giới văn minh, hiện đại, vừa có tính nhân văn vừa có tính khoa học, đã bị xâm phạm một cách phi pháp và tàn nhẫn.

Thứ hai, trung thực, liêm chính là giá trị cốt lõi cực kỳ quan trọng của xã hội văn minh, nhân bản. Giá trị này giúp các thành viên trong xã hội kết nối nhau trong sự tin cậy, đồng lòng... Những gì Formosa đã làm tại Việt Nam tạo cho dân chúng mối nghi ngờ rộng rãi rằng họ không những không tôn trọng các giá trị trung thực, liêm chính, mà thậm chí có thể họ còn dựa vào sức mạnh kim tiền để phá hủy các giá trị này trong lòng xã hội Việt Nam.

Thứ ba, tôn trọng pháp luật cũng là một giá trị cốt lõi rất quan trọng đã bị Formosa xâm phạm một cách có chủ ý và lặp lại nhiều lần. Một xã hội có thể tồn tại được không nếu ai cũng vi phạm pháp luật?

Thứ tư, lòng nhân ái, giá trị cốt lõi quan trọng khác, cũng bị xâm hại nặng nề qua các việc Formosa đã tiến hành. Formosa có lỗi khi gây ra thảm họa môi trường. Formosa, qua cách thức đối phó với thảm họa, lại cho thấy họ thật không có lòng nhân ái đối với hàng triệu người dân khốn khổ vì tai họa do chính họ gây ra.
Nhiều giá trị cốt lõi khác cũng bị xâm phạm, nhưng chỉ những giá trị nêu trên cũng cho thấy thảm họa mà Formosa gây ra cho dân tộc chúng ta thật là khủng khiếp.

Một xã hội mà các giá trị nói trên bị xâm phạm công khai và rộng lớn như vậy, xã hội đó không bảo vệ được các lợi ích lớn nhất và chung nhất cho toàn thể quốc gia. Nó chỉ bảo vệ các lợi ích cục bộ, riêng biệt, giành cho những nhóm rất nhỏ bé so với cả quốc gia.

Thảm họa có tên Formosa bao trùm lên môi trường, kinh tế, văn hóa... và không loại trừ còn những lĩnh vực khác. Người dân Việt Nam cần biết kinh sợ cho tương lai. Tác hại trước mắt của thảm họa đã kinh hoàng, nhưng tương lai có thể là đất nước này mất nhiều hơn nữa nếu nguồn gốc của thảm họa vẫn còn được giữ lại trong lòng đất nước, treo lơ lửng trên đầu dân tộc.

Tôi mong chính quyền không để cho Formosa tiếp tục lợi dụng lòng “vị tha, bao dung, độ lượng...” của mình nữa. Pháp luật của đất nước phải được giữ vững bởi mọi người, nhất là bởi Chính phủ, và nhất là khi cần bảo vệ các giá trị cốt lõi của đất nước. Tôi tin rằng đây chính là lòng dân. Rất, rất mong!
Lê Học Lãnh Vân