27 juillet 2016

Lỗ kim to bằng con voi


Nguyễn Vũ

 
Trả lời báo chí, ông Võ Kim Cự, người ký giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa khi là lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn bao biện rằng cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa là đúng luật! (Ảnh Nam Trần/tuoitre.vn)

(TBKTSG Online) - Ai cũng nghĩ hệ thống luật pháp, mỗi khi đã có quy định chặt chẽ về một vấn đề gì đó rồi thì bộ máy hành chính bên dưới cứ thế mà thực thi. Thực tế cho thấy nhiều cán bộ, nhiều địa phương bất kể luật lệ, cứ hành xử theo ý mình và quan trọng hơn, sự phớt lờ kỷ cương hành chính như thế lại không bị trừng trị nghiêm khắc ngay từ đầu để nơi khác, cán bộ khác cũng cố ý làm trái theo.
 


Dự án Lee & Man ở Hậu Giang có hai nhà máy, một nhà máy giấy và một nhà máy bột giấy. Giờ mới rõ Bộ Công Thương có đồng ý chủ trương xây dựng nhà máy giấy khi được UBND tỉnh Hậu Giang hỏi ý kiến nhưng bộ này khẳng định không nhận được đề nghị nào của tỉnh liên quan đến nhà máy bột giấy nên không có ý kiến.

Cho dù Hậu Giang được quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng theo nguyên tắc phân cấp, dự án nhà máy bột giấy một khi chưa có ý kiến của bộ chuyên ngành, tức Bộ Công Thương thì việc Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư là sai nguyên tắc và vì thế giấy chứng nhận này không có giá trị.

Không hiểu vì sao các chuyên gia môi trường, kể cả các hiệp hội ngành nghề đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của dự án Lee & Man từ lâu thế nhưng việc cấp giấy chứng nhận sai thẩm quyền như thế không được phát hiện. Và Bộ Công Thương, chỉ sau khi Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường của Công ty giấy Lee & Man thì mới lên tiếng nói về một vi phạm nguyên tắc xảy ra nhiều năm trước đây. Giả thử không có yêu cầu này, giả thử công luận không lên tiếng thì việc địa phương phớt lờ nguyên tắc tham khảo ý kiến của bộ chuyên ngành xem như bị bỏ qua, một cơ chế kiểm soát bị vô hiệu hóa!

*                       *                                  *

Cũng đầu tuần này, trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Võ Kim Cự, người ký giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa khi là lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa là đúng luật! Ông này còn cho rằng việc cấp phép đầu tư 70 năm là căn cứ vào điều 36 của Luật Đầu tư. Đây là một lập luận vừa sai vừa bao biện, không thể chấp nhận được ở một quan chức.

Đúng là điều 36 Luật Đầu tư (2005) có quy định: “Thời hạn sử dụng đất của dự án đầu tư không quá năm mươi năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, thuê đất không quá bảy mươi năm”. 

Luật quy định như vậy nhưng đâu có dành cho chủ tịch UBND làm chuyện đó đâu. Điều 52 cũng của luật này nói rõ: “Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm”.

Tức là người căn cứ vào điều 36 để xét cấp giấy chứng nhận đầu tư kéo dài đến 70 năm là Chính phủ, chứ không phải ông Cự. Thế mà ông này vẫn lên mặt báo, khẳng định: “Tôi khẳng định tôi làm đúng…”

Khẳng định này được đưa ra khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là sai. Nên nhớ Luật Đầu tư ghi rõ là “Chính phủ” chứ không phải “Thủ tướng Chính phủ”.

Lẽ ra khi đã có kết luận thanh tra, cần minh định rõ giấy chứng nhận đầu tư như Hà Tĩnh đã cấp cho Formosa là sai luật nên cũng bị vô hiệu hóa và phải có biện pháp kỷ luật với người cấp giấy này. Có như thế kỷ cương phép nước mới được duy trì và các tỉnh khác không dám làm sai nguyên tắc.