19 juillet 2016

Tại sao dân tộc này vẫn lặng như tờ?


Lê Công Tư
 

Trong lúc người dân Philippines nhảy múa, ăn mừng phán quyết của PCA, thì báo lề Đảng Việt Nam vẫn im lặng như tờ, như thể kết quả đó chẳng dính dáng gì tới mình. Cái cảm xúc của một đất nước mà đúng ra là phải trào dâng như biển lớn thì gần như thể đã bị vắt kiệt đến cùng cạn bởi một guồng máy cai trị mà tiếng nói của người dân chưa bao giờ có được chỗ đứng giữa lòng quê hương mình. Còn những người tự nhận là đại diện của dân thì không còn gì để bàn nữa, họ vẫn im như thóc từ mấy chục năm nay, không ai còn có thể kỳ vọng. Cuộc sống vẫn trôi lăn với tất cả những nhẫn nhục khốn nạn nhất mà cả một dân tộc phải cam chịu.




Tại sao lại không cho dân chúng biểu tình hò reo ăn mừng ngoài phố dưới sự giám sát, bảo vệ của công an? Bởi nhiệm vụ chính của công an không phải là trấn áp người biểu tình, mà là giữ trật tự cho đám đông đang hò reo cuồng nhiệt đó không vì quá phấn khích mà dẫn đến những hành động không đáng có. Tại sao không để cho người dân được bày tỏ thái độ yêu nước của mình một cách nồng nàn cuồng nhiệt theo cái cách mà nhân loại đã từng thể hiện từ hồi nào đến giờ là ra đường ăn mừng, nhảy múa? Tất cả những điều này nếu không phải là linh hồn của cả một dân tộc thì là gì?

Có một câu nhạc của Nguyễn Đức Quang trong bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ đáng được ghi lại vào đây vì trong đó có bóng dáng linh hồn đất nước này: “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài, từng ngày qua cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi… Trên bàn chông hát cười đùa vang vang. Còn Việt Nam triệu con tim còn triệu khối kiêu hùng”.

Một cá nhân, nếu cứ phải sống triền miên trong những nỗi sợ hãi, hết sợ cái này đến sợ cái khác thì anh ta nên chết đi cho xong bởi cuộc sống đó không còn ý nghĩa nào nữa. Với một đất nước, không có lỗi lầm nào lớn và tệ hại cho bằng một đường lối cai trị hủy diệt khí phách ngang tàng vốn được gầy dựng từ cái hào khí đã nuôi lớn dân tộc này trong suốt mấy ngàn năm, được nuôi dưỡng từ bóng mát của những đại ngàn, sông biển, mà biểu tình là một trong những cách bày tỏ tình cảm của người dân với quê hương mình một cách trong sáng, thiết thực nhất. Một đất nước nuôi dưỡng triền miên trong sợ hãi còn tệ gấp ngàn lần bởi sự tồn tại của một quốc gia là do hàng triệu thế hệ của cá nhân vun đắp nên. Điều lạ lùng nhất vẫn là một dân tộc vốn đã không biết bao phen nằm gai nếm mật lại dễ dàng khuất mình trước một chút ơn huệ rác rưởi của Trung Quốc.

Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam có được thế mạnh như bây giờ, sau khi trọng tài phán quyết phủ nhận gần như tất cả những yêu sách của Trung Quốc – những yêu sách thể hiện sự tham lam vô độ của một thứ đàn anh không đáng mặt đàn anh, bẩn thỉu không thể chịu đựng nổi.

Với cơ hội hiếm có này, Việt Nam có làm được trò trống gì không lại là chuyện khác. Những phản đối quyết liệt của Bộ Ngoại giao Việt Nam gần như đã mất tác dụng, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô dụng. Thực tế đã chứng minh cứ sau một lần phản đối “quyết liệt” của Bộ Ngoại giao Việt Nam là một công trình nào đó của Trung Quốc ở ngoài Biển Đông lại hoàn thành. Nó cho thấy tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng vô cùng thấp, chỉ phản đối cho có chuyện, còn Trung Quốc thì đã thuộc lòng bài này từ mấy chục năm nay. Những phản ứng quá yếu ớt của Đảng chỉ khiến cho Trung Quốc an tâm hơn với chính sách vết dầu loang, tằm ăn rỗi của mình ngoài Biển Đông.

Đã đến lúc chín muồi để người dân được bày tỏ tiếng nói, tình yêu tự nhiên của họ với đất nước này, bày tỏ hạnh phúc, niềm vui để cho hàng triệu oan hồn của loài cá cùng anh linh của tất cả những ngư dân được giải thoát từ tiếng hò reo của những đoàn người biểu tình. Và trên tất cả mọi thứ là đất nước này, dân tộc này, quê hương này với biển xanh sóng trắng, với đảo xa mây trời, với cồn cát bóng dừa, với nắng gió đại dương cùng sóng đùa con trẻ.

Chẳng bao giờ trễ và không bao giờ muộn màng với một cách hành xử đúng đắn vì lợi ích chung của cả dân tộc này.

Đà Lạt, 16-7-2016

L. C. T.

Nguồn: Theo Văn Việt