20 septembre 2016

Kẻ khôn lỏi trên nỗi đau của đồng bào



Được mua điện dưới giá giá thành sản xuất, được mua than chỉ 2/3 so với giá xuất khẩu, có thể xả ra biển, có thể chôn lấp ở một trang trại nào đó. Và khi đầu độc môi trường thì được nộp phạt, thay vì ra tòa. Phải chăng ông Vũ Hoa Sen đã nói quá đúng: Ngu gì mà không làm thép?!

Ông chủ Hoa Sen Lê Phước Vũ



Cái chữ "ngu" mà ông chủ Hoa Sen Lê Phước Vũ đã sổ toẹt có vẻ khiến dư luận đùng đùng nổi giận. Báo chí, mạng xã hội tràn ngập chỉ trích, và thậm chí cả chửi rủa. Bởi với những gì ông nói sau đó, người ta còn nhìn thấy một chữ "ngu gì" khác: Ngu gì không sử dụng công nghệ Trung Quốc. Mà bài học của Formosa còn sờ sờ ra đó.

Nhưng cho tôi nói thật: Cái câu của ông "ngu gì không làm thép", là tuyệt đối đúng. Hoặc ít nhất là ông Vũ đã không ngu.

Hãy thử xem vì sao lại "ngu gì", thử xem vì sao trước là Formosa, sau là Hoa Sen "ngu gì mà không làm thép".

Năm 2010, Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông Vương Đình Huệ, trước nghị trường đã cảnh báo tình trạng bao cấp vô lối cho sản xuất thép.

Chẳng hạn theo kết quả kiểm toán năm 2010, ngành thép và xi măng tiêu thụ hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm (982 triệu kWh) nhưng giá điện phải trả chỉ có 914 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện là 1.180 đồng/kWh.

Có nghĩa là cứ bán 1 kWh là phải bù lỗ cho thép trên dưới 200 đồng.

Không chỉ điện, ngành thép cũng được mua than với giá chỉ bằng 57-63% giá thành xuất khẩu.

Để tôi mở ngoặc thêm điều này: Tuy là nhà nước bao cấp nhưng người trả tiền lại là nhân dân nhờ việc… bù chéo từ giá điện sinh hoạt. Cho dễ hiểu thì trong mỗi kg thép, có vị mặn mồ hôi của các bác nông dân chỉ dám chạy cái quạt tai chuột để tiết kiệm điện giữa đêm hè.

Được mua điện dưới giá giá thành, được mua than chỉ 2/3 so với giá xuất khẩu, ông Vũ nói đúng rồi: Ngu gì mà không làm thép. Formosa vào VN là đúng rồi.

Giờ chuyển qua vấn đề môi trường. Theo số liệu của bốn tổ chức WB/UNEP/UNIDO/WHO, với 1 tấn thép được sản xuất thì lượng phát thải trung bình 0,5 đến 1 tấn xỉ, 10.000 m3 khí thải bao gồm cả oxit lưu huỳnh, oxit Nito và hạt lơ lửng, 100 kg bụi và 80 m3 nước thải thuộc loại rất khó xử lý, chứa toàn hóa chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, kim loại nặng và một số chất hữu cơ khác.

Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi vì sao Formosa chọn Việt Nam?


Bởi nó được những quan chức như ông Võ Kim Cự trải tấm thảm đỏ biệt đãi. Bởi nó được hưởng nguồn năng lượng bán với giá dưới thắt lưng, từ năng lượng không tái tạo bán với giá bèo bọt, từ nguồn nhân lực với đồng lương chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Và từ việc giám sát xả thải – không gì sinh động hơn chi tiết – vào thanh tra trong đúng 1 ngày, và không phát hiện vi phạm gì.

Còn bởi nó có thể xả ra biển, để tiết kiệm chi phí, để có thể chôn lấp ở một trang trại nào đó. Chỉ vì nó được nộp phạt, thay vì ra tòa.

Và câu chuyện Formosa hình như chưa hề dừng lại.

Với tư chất nhà buôn, ông Vũ nhìn thấy cái lợi qua những chính sách không mấy thông minh mà ngay một phật tử chay trường cũng "ngu gì mà không làm". Nhưng thưa ông, đó là sự khôn lỏi trên nỗi đau của đồng bào.

Trên trang chủ của Hoa Sen, ông Vũ giải thích cái tên tập đoàn của mình lấy từ ý nghĩa triết lý: Vô nhiễm, trừng thanh, kiên nhẫn, viên dung, thanh lương, hành trực, ngẫu không và bồng thực.

Nhưng với một người hành trực (ngay thẳng) không thể nói "ngu gì" để chiếm phần tiện nghi về mình.

Còn Trừng thanh ư? Chỗ của loài sen mọc, nước ở đó không bao giờ đục nhưng chỗ của nhà máy thép thì biển cũng sạch đến nỗi cá nổi đầy bờ, trừng thanh đến nỗi chỉ có vài người xuống tắm cảnh!

Đào Tuấn

(Lao Động)