25 octobre 2016

Nhân vật số 2 của đảng CSVN thăm Mỹ trong chuyến đi ‘quyết định’


Người Việt


Ông Đinh Thế Huynh (thứ nhất từ trái) đứng cùng “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam trong ngày kết thúc đại hội đảng hồi Tháng Giêng. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

WASHINGTON, DC (NV) – Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN và là thường trực ban bí thư đảng, vừa đến Mỹ hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Mười, và kéo dài tới ngày 31 Tháng Mười, trong chuyến viếng thăm được coi là “quyết định” trong quan hệ giữa Washington và Hà Nội, theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc đại học George Mason University ở Arlington, Virginia, và cũng là một học giả của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), Washington, DC, cho biết.

Trong bài viết trên trang web của CSIS hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Mười, với tựa đề “Why the Washington Visit of the Vietnam Communist Party Permanent Secretary is Critical” (Tại sao chuyến thăm Washington của thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng CSVN lại mang tính quyết định), vị giáo sư cho biết ông Huynh bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày Chủ Nhật, 23 Tháng Mười, trong vai trò thường trực ban bí thư.

Là lãnh đạo cao thứ nhì trong đảng, ông là một ứng cử viên có thể thay thế Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi ông này quyết định nghỉ hưu trong hai năm, theo như dự trù.

Vì thế, ông Huynh được coi là người “có đủ tư cách” nói chuyện với Washington, theo Giáo Sư Hùng.

Trong nhiều năm, thủ tục ngoại giao của Mỹ không bao giờ tiếp lãnh đạo đảng trong một hệ thống chính trị “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý,” vị giáo sư viết. Sự kiện mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Washington, DC, cách đây hai năm đã phá bỏ thủ tục này.

Cũng trong chuyến thăm này, theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, ông Trọng đưa ra hai tuyên bố quan trọng: Việt Nam sẽ làm mọi cách có thể để tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ chủ xướng và Mỹ là “lãnh vực ngoại giao quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam.”

Vẫn theo giáo sư, chuyến thăm của ông Huynh cũng có thể được xem như một phần trong chính sách “đu dây” của Việt Nam giữa các cường quốc. Là một quốc gia nhỏ nằm cạnh ông hàng xóm khổng lồ, với những tham vọng thế giới và khu vực, Việt Nam phải hòa giải với Trung Quốc, nhưng không tới mức làm mất sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Thành ra, chuyện Hà Nội tranh thủ xây dựng quan hệ với các cường quốc có khả năng và ý muốn để cân bằng với Trung Quốc là điều bình thường.

Việt Nam phải có chiến lược cân bằng bằng ngoại giao uyển chuyển, trong khi không làm Trung Quốc khó chịu, theo vị giáo sư gốc Việt, và các chuyến đi nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam là để thăm dò với mục đích đó. Trong quá khứ, các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến Hoa Kỳ luôn luôn xảy ra sau khi, hoặc trước khi (hoặc cả hai), họ đã đến thăm Trung Quốc.

Sau đại hội đảng hồi Tháng Giêng, vẫn theo Giáo Sư Hùng, Việt Nam bắt đầu gởi các lãnh đạo đi thăm các quốc gia với mục đích thăm dò rất khéo léo.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch thăm Trung Quốc trong Tháng Tám và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quốc gia đông dân nhất thế giới này trong Tháng Chín.

Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang thăm Singapore, một quốc gia nhỏ nhưng lại là một thành viên chiến lược trong khối ASEAN, hồi Tháng Tám. Tại đây, ông Quang giới thiệu khái niệm “chung sức hành động, cùng phát triển bền vững,” đối với nguyên tắc đồng thuận của ASEAN, mà thường xuyên bị “tê liệt” mỗi khi tìm sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, theo giáo sư.

Vẫn theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Đinh Thế Huynh xảy ra vào giữa thời điểm có hai sự kiện đáng chú ý: Khai mạc hoạt động hải quân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tại Đà Nẵng hồi cuối Tháng Chín (sau đó là hai chiến hạm Mỹ ghé thăm quân cảng Cam Ranh vào đầu Tháng Mười) và chuyến thăm Bắc Kinh của ông Huynh, từ ngày 19 đến ngày 21 Tháng Mười.

Trước chuyến đi Trung Quốc và Hoa Kỳ của ông Huynh, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng, trong buổi gặp gỡ với bà Cara Abercrombie, phó phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Nam Á và Đông Nam Á, đã đưa ra một tuyên bố rất mạnh mẽ: “Việt Nam ủng hộ Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác can dự vào khu vực nếu như sự can dự này đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.”

Theo Giáo Sư Hùng, chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Huynh trùng với một số sự kiện ảnh hưởng vị trí chiến lược của cả Mỹ lẫn Việt Nam: Không khí chính trị khó dự đoán tại Mỹ đối với việc chuẩn thuận TPP, phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế có lợi cho Philippines, phát biểu của tổng thống Philippines nói rằng sẽ nghiêng về Trung Quốc và “nghỉ chơi” Hoa Kỳ, và tương lai không chắc chắn của liên minh quân sự Mỹ-Philippines.

Trong bối cảnh này, theo ông Hùng, ông Đinh Thế Huynh muốn có một sự bảo đảm về TPP và chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ sang Châu Á, nhất là sự bảo đảm chắc chắn của Washington tiếp tục hiện diện trong khu vực. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ muốn biết quan điểm và kế hoạch của Việt Nam về tương lai của TPP và ASEAN, trong bối cảnh Philippines thay đổi chính sách quá nhanh chóng. Đây là quyền lợi của cả hai nước trong việc thảo luận xem họ có thể cùng nhau làm gì với tình thế thay đổi nhanh chóng tại Châu Á-Thái Bình Dương. Hợp tác có ý nghĩa giữa hai bên tùy theo những câu trả lời trong các vấn đề này.

Và để trả lời cho quan tâm của Việt Nam về “diễn tiến hòa bình” có thể có của Mỹ, Washington, trong cả lời nói lẫn hành động (nhất là tiếp tổng bí thư đảng CSVN tại Hoa Kỳ), đã cho thấy họ tôn trọng hệ thống chính trị tại Việt Nam. Đổi lại, Washington cũng không muốn làm ông Huynh “mất hứng” khi khai thác hai đề tài nhân quyền và quyền của công nhân, theo nhận định của Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng. Sự thông hiểu nhau và tin tưởng nhau giữa hai bên trong các vấn đề này sẽ là một sự vững chãi trong hợp tác có hiệu quả và lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. (Đ.D.)