23 novembre 2016

Dân nào chịu cho thấu!


 LÊ THANH PHONG

 

Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên bị đội vốn hơn 1,09 tỉ USD lên 2,47 tỉ USD, đó là số tiền phải trả do chưa có kinh nghiệm, cái giá của bài học kinh nghiệm đã được Lao Động phân tích trong bài “Học phí không chỉ trả bằng tiền” ra ngày 12.11.2015.

Tiếp theo là tiền phải trả cho bài học “kịch bản ngoài dự tính”.

Đó là nhà thầu đòi chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM bồi thường 2,5 tỉ đồng/ngày do chậm bàn giao mặt bằng thi công so với cam kết. Theo hợp đồng, bàn giao mặt bằng vào tháng 1.2013, nhưng trên thực tế, hoàn tất bàn giao vào tháng 3.2015. Tổng cộng thời gian chậm là 27 tháng, 2,5 tỉ đồng/ngày nhân với 27 tháng sẽ cho ra con số đủ để cho người dân mất bình tĩnh.
 
 
 


Ông Lê Khắc Huỳnh - Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - trả lời với Dân Trí rằng: “Việc nhà thầu khiếu nại đòi bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng là “kịch bản” ngoài dự tính... Qua sự việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc cho những dự án tiếp theo”.

Lại rút kinh nghiệm sâu sắc. Bài học đội vốn trả học phí hơn 1 tỉ USD, bài học chậm giải phóng mặt bằng phải trả thêm trên 2.000 tỉ đồng. Quý vị làm thiệt hại tiền tấn do trình độ quản lý hạn chế mà cứ nói nhẹ nhàng, giống như mất ít giấy vụn.

Xin trao đổi với ông Lê Khắc Huỳnh hai vấn đề. Thứ nhất, việc chậm bàn giao mặt bằng phải chịu bồi thường chắc chắn có quy định trong hợp đồng cho nên nhà thầu mới có căn cứ đòi bồi thường. Đã có quy định trong hợp đồng thì không thể nói việc nhà thầu đòi bồi thường là “kịch bản ngoài dự tính”. Hợp đồng một dự án lớn có giá trị hơn 2 tỉ USD, không phải chuyện đùa, cho nên phải đàm phán các điều khoản rất chặt chẽ. Một nội dung rất quan trọng, đó là sự xác định thời hạn bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trên cơ sở dự liệu năng lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và sự cam kết hoàn thành của các địa phương có liên quan. Vì vậy, vấn đề thứ hai đặt ra, đó là quý vị đã dự tính sai về thời gian hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến hậu quả bị đòi bồi thường mỗi ngày 2,5 tỉ đồng, hoàn toàn không phải do “kịch bản ngoài dự tính”.

Quý vị dự tính sai, quản lý kém, phải bồi thường cho nhà thầu, tiền này ai chịu? Các địa phương không giải phóng mặt bằng đúng thời hạn theo cam kết là địa phương nào, ai phải chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ dẫn đến thiệt hại này?

Làm hỏng việc lớn, nhưng chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc”, quan nào yên ấm ghế quan đó thì dân nào chịu cho thấu quý vị!
 
Nguồn: Theo Lao Động