17 novembre 2016

Donald Trump đắc cử: Hậu quả cho thế giới và Việt Nam trong tương lai

Vũ Ngọc Yên

Kết quả hình ảnh cho Trump
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Trump  - Hình intdrnet

Chủ nghĩa dân túy, mị dân đã thắng lương tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 8. 11. 2016. Donald Trump, một ứng cử viên Cộng hòa đã gây phân hóa trầm trọng cho đất nước qua chiến dịch tranh cử với những phát ngôn phân biệt chủng tộc, phỉ báng người ngoại quốc, miệt thị phụ nữ và gieo rắc hận thù giữa các giai tầng xã hội, lại có thể đánh bại nữ ứng cử viên dân chủ nhiều uy tín Hillary Clinton, để trở thành người lãnh đạo một siêu cường.
Vào tháng giêng 2017, Donald Trump sẽ chính thức được tấn phong vào chức vụ Tổng thống, thay thế Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Thế giới sẽ trực diện trước một tân Tổng thống có quyền lực nhất trong thế giới tư do mà đường lối và chủ trương có ảnh hưởng lớn đến chính trường quốc tế.

Bất ổn trong chính sách kinh tế và an ninh
Đến nay công luận chưa rõ chiều hướng chính sách của chính quyền Trump, vì vị tân Tổng thống 70 tuổi, chỉ đưa ra những tuyến bố mập mờ trong cuộc tranh cử mà không cụ thể hóa kế hoạch điều hành quốc gia.
Trong cuộc tranh cử, Trump luôn nhấn mạnh mọi chính sách của ông sẽ phục vụ cho nước Mỹ qua các khẩu hiệu Nước Mỹ trước hết (America first) và làm nước Mỹ vĩ đại trở lại “Make America great again”.
Trump khẳng định lập trường đối nghịch thương mại tự do và sẽ xét lại sự tham gia Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên các quan hệ quốc tế có thể đứng trước nhiều thử thách.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) đang lo ngại: Nếu chính quyền Trump thực sự hủy bỏ đường lối thương mại tự do, để theo đuổi chính sách bảo hộ kinh tế thì kinh tế thế giới sẽ bị khủng hoảng. Đặc biệt đối với Âu Châu giao dịch thương mại tư do với Mỹ là cột xương sống cho sự thành công kinh tế của nhiều nước từ khi chấm dứt Đệ nhị thế chiến nên chính sách bảo hộ kinh tế của Mỹ sẽ mang nhiều bất lợi cho các quốc gia xuất cảng. Ngoài ra, một khi Mỹ không còn quyết tâm bảo vệ NATO và cắt giảm tài trợ, thì các quốc gia Âu châu thành viên trong liên minh buộc tăng ngân sách quốc phòng và điều này sẽ ảnh hưởng đến các chương trình đầu tư và phát triển kinh tế. Hiện nay Mỹ đóng góp hơn một nửa vào toàn bộ ngân sách quân sự của NATO.
Trump xem chính sách đối ngoại của Obama và Clinton là một thảm họa, do đó chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của ông sẽ chuyển hướng rõ ràng để các đồng minh và đối thủ nhận thức được quyết tâm của Mỹ và sẽ kính trọng nước Mỹ trở lại. Trump sẽ đưa ra yêu sách đòi các đồng minh phải tăng cường an ninh nhiều hơn “Các quốc gia mà chúng ta bảo vệ phải trả tiền cho việc này. Nếu không, Mỹ sẽ sẵn sàng để các quốc gia đó tự lo cho mình”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Washington Post, Trump nói: Là tổng thống, ông không chỉ giảm sự can thiệp của Mỹ ở nước ngoài mà còn giới hạn vai trò của Mỹ trong Liên minh NATO vì NATO quá tốn kém cho Mỹ. Ông nói thêm, các quốc gia thành viên khác trong NATO như Đức phải đóng góp nhiều hơn nữa. Tại sao Đức không lo cho nước Ukraine? Tại sao các quốc gia láng giềng của Ukraine chẳng làm gì hết? Tại sao luôn là chúng ta phải lãnh đạo chiến tranh, thậm chí có thể dẫn đến thế chiến thứ ba với Nga Sô?
Là Tổng thống, Trump sẽ giới hạn sự tham gia quân sự ở khu vực Á châu – Thái Bình dương. Nam Hàn và Nhật bản phải đóng góp nhiều hơn cho việc phòng thủ quốc gia. Trump sẽ tăng cường đối phó với Trung Quốc và có chính sách ngăn cản thương mại.
Đối với Nga, Trump ngợi khen Tổng Thống Vladimir Putin, là một Tổng thống mạnh có nhiều đóng góp cho quốc gia. Khác với Obama, Trump sẽ hòa hoãn với Nga và không có gì chống sự tham chiến của Nga ở Syria. Ông nói “Nếu Nga bỏ ra một triệu đô la mỗi ngày để dội bom chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thì tôi tuyệt đối ủng hộ”.
Tại Hội nghị của Hiệp Hội AIPAC (một tổ chức vận động chính trị hỗ trợ Do Thái), Trump tuyên bố sẽ giữ lập trường trung dung giữa Do Thái và Palestine. Thỏa thuận nguyên tử với nước Ba Tư sẽ được duyệt lại.
Bảo hộ kinh tế và rút khỏi các Hiệp định thương mại tự do
Lập trường chống đối các Hiệp định Thương mại tự do và đưa ra chủ trương bảo hộ thương mại, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ các nước khác, được Trump nhấn mạnh nhiều lần trong các diễn văn tranh cử.
Donald Trump cho biết sẽ đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada (NAFTA), Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại tây dương Transatlantic Trade and Investment Partnership (TTIP) và Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dươngTrans-Pacific Partnership (TPP).  Trump đả từng tuyên bố “tôi sẽ không ký Hiệp định TPP và sẽ nói cho các đối tác của Hiệp định NAFTA biết là phải thương thảo lại để tạo các điều kiện thuận lợi cho công nhân của chúng ta”.
Trong quá trình tranh cử, Trump từng đề xuất việc áp mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng ngoại nhập, ví dụ hàng từ Trung Quốc có thể lên đến 45%, các mặt hàng xuất xứ từ Mexico lên đến 35% và mức thuế 15%-45% đối với hàng hóa đến từ các quốc gia có dấu hiệu thao túng tiền tệ. Các nước có tiềm năng bị áp mức thuế cao có cả liên hiệp Châu Âu (EU), Nhật, Hàn Quốc.
Trump hứa hẹn sẽ làm một cuộc “cách mạng thuế vụ” vĩ đại. Thuế lợi tức tối đa 33% cho thành phần có mức thu nhập lớn. Những người có lợi tức thấp được giảm thuế nhiều. Thuế doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 15% để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa trong cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra Trump sẽ có biện pháp ngăn cản các công ty Mỹ sản xuất hàng ở ngoài nước trong tương lai như sẽ đánh thuế cao vào các hàng nhập khẩu trở lại Mỹ.
Về mặt dân sinh, Trump sẽ thực hiện một chương trình cải thiện hạ tầng cơ sở để tạo ra 25 triệu việc làm mới cũng như sẽ trục xuất tới 3 triệu trong số 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Hệ thống bảo hiểm y tế hiên hành (Obamacare) chỉ được duy trì một phần. Các chương trình bảo vệ khí hậu, môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được xét lại. Nói chung, về kinh tế và thương mại quốc tế, nếu Donald Trump thực hiện những lời hứa trong lúc tranh cử, sẽ bày ra thế cờ mới trên thế giới.
Bắc Kinh lo sợ trước cuộc chiến thương mại?
Dư luận đã cảm nhận điều này khi Chủ tịch nhà nước và đảng Tập Cận Bình đã gọi điện thoại chúc mừng Donald Trump và mong muốn hợp tác tốt với tân chính quyền ngay sau khi có kết quả bầu cử. Chính quyền Trung Cộng biết rõ những gì có thể xảy ra trong quan hệ kinh tế. Một cuộc chiến thương mại sẽ diễn ra nếu Tổng thống Trump thực sự áp dụng thuế nhập khẩu 45% đối với hàng Trung Cộng. Tuy nhiên, không ai ở Bắc Kinh cũng như ở các thủ đô khác trên thế giới dám tiên liệu Trump sẽ thực hiên những tuyên bố trong lúc tranh cử ở mức độ nào hay chủ nghĩa thực dụng sẽ kiềm chế được phản ứng của hai bên.
Thông tấn xã Tân Hoa (Xinhua) tường thuật về sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai cường quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) bình luận đề cao mối quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai và nhấn mạnh, Trung Cộng đủ mạnh để ứng xử với sự thay đổi lãnh đạo ỡ Mỹ. Giới bình luận chính trị Trung Quốc nhận xét chiến thắng của Trump là điều tốt cho Trung Cộng. Trung Cộng sẽ không còn chịu nhiều áp lực từ Mỹ vì siêu cường sẽ phải lo đối phó tranh cãi với nhiều đối tác thương mại khác. Một khi Mỹ rút lui Trung Cộng có thể đảm nhận một vai trò lớn trong việc phát huy toàn cầu hóa. Và nếu Hiệp định TPP thực sự không thành, Bắc Kinh sẽ mưu tìm hậu thuẫn cho một thỏa thuận mới về khu vực thương mại tự do ở châu Á – Thái Bình Dương do Trung Cộng dẫn đầu.
Tác động của chính sách bảo hộ kinh tế Mỹ đối với Việt Nam
Quan điểm phản đối các Hiệp định Thương mại tự do và đưa ra các chính sách mang tính bảo hộ thương mại cao, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ các nước khác là một trong những điểm luôn được Trump nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử. Trump đã tuyên bố sẽ không ký Hiệp định TPP.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được coi là một trong những “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. TPP không được thông qua thì đây là một tín hiệu tiêu cực. Các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ TPP như dệt may, da giày, logistics… sẽ mất đi yếu tố thuận lợi. Các dòng vốn FDI mới hoặc mở rộng quy mô của các dự án FDI đã đầu tư vào Việt Nam trong các năm gần đây để đón đầu TPP có thể chững lại.
Trong thời gian qua, đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam (kể cả của doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước) tăng nhanh khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào cơ hội mà TPP đem lại cho lĩnh vực này. Một khi TPP bị hủy bỏ thì việc này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của không ít nhà đầu tư tại Việt Nam.
Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam cũng luôn có thặng dư thương mại với Mỹ với giá trị ngày càng tăng (gần nhất năm 2015 Việt Nam xuất siêu 25 tỷ USD sang Mỹ).
Trong 9 tháng đầu năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 28, 3 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ: dệt may (8, 6 tỷ USD); giày dép (3, 3 tỷ USD); điện thoại (3, 1 tỷ USD), máy vi tính và sản phẩm điện tử (2, 1 tỷ USD)…Do đó, chủ trương cứng rắn của Trump về bảo hộ sản xuất trong nước qua việc áp dụng tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại sẽ làm lượng xuất khẩu hàng Việt Nam bị suy giảm.
Với sự “khai tử” TPP, những cam kết ràng buộc của nhà nước CSVN với Hoa Kỳ về Nhân quyền, tự do Nghiệp đoàn, Tài chính, Môi trường… xem như không còn nữa. Đây sẽ là một bất lợi lớn cho công cuộc dân chủ hóa đất nước. Ngoài ra có ý kiến cho rằng có nhiều triển vọng là chính quyền Trump sẽ ít can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trump đến nay chưa có thái độ rõ ràng về chiến lược chuyển trục về Á châu của Obama mặc dù đã có lập trường về Hiệp định TPP.