10 novembre 2016

Giới hoạt động VN phản ứng với chiến thắng của ông Trump

Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump vào sáng sớm ngày 9/11 đã gây chia rẽ, không những chỉ trong nước Mỹ, mà trên thế giới. Một số nhà hoạt động dân chủ, bênh vực nhân quyền lo sợ chính sách tương lai của tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ có tác động tiêu cực đối với phong trào dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên, giới hoạt động tại Việt Nam không hẳn đồng tính với ý kiến đó.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam, nói hãy còn quá sớm để đánh giá những tác động có thể có của các chính sách của Tổng thống tân cử Trump đối với phong trào dân chủ ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông A bày tỏ sự quan ngại lẫn niềm hy vọng về tổng thống tân cử của Hoa Kỳ:
“Nếu ông Trump làm đúng như những điều mà ông đã nói trong suốt một năm rưỡi tranh cử qua, thì tôi nghĩ là một tai họa cho cả thế giới, chứ không phải chỉ tác động trên đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Vì ông ấy đánh giá mọi thứ theo quan điểm của một con buôn: lời lãi, chi phí, tốn kém. Và ông ấy co cụm về chính sách riêng của Mỹ thôi. Tôi nghĩ có thể khi ông ấy vào ngồi trong Nhà Trắng thì ông ấy bị những ràng buộc của thực tế, nó sẽ điều chỉnh hành động của ông ấy không giống như những điều mà ông ấy nói trong 1,5 năm qua”.
TS. Nguyễn Quang A cho rằng cuộc bầu cử ở Mỹ có những “điểm cộng” và “điểm trừ”. Điểm cộng, theo TS. Quang A, là cuộc bầu cử diễn ra công khai, minh bạch, sôi nổi và có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Nhưng nhà hoạt động cũng cho rằng cuộc bầu cử vừa diễn ra ở một quốc gia được xem là đại diện cho tinh thần dân chủ cũng có những điểm tiêu cực.
Ông nói: “Một điểm dở mà tôi nghĩ không cần phải học là kiểu cạnh tranh bới móc lẫn nhau, rất tốn tiền bạc. Miệt thị lẫn nhau chỉ để triệt đối thủ bằng mọi giá của cả hai ứng cử viên vừa rồi, tôi nghĩ là điểm không nên học chút nào”.
TS. Quang A nói cuộc đấu tranh cho dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và cam go, ngay cả tại nước Mỹ. Theo TS. Quang A, mỗi khi có sự lơ là trong đấu tranh dân chủ thì có thể thấy một sự thụt lùi về dân chủ, chẳng hạn như tình trạng tại Thái Lan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ… hiện nay.
Trong khi đó, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho VOA biết ông rất vui với kết quả bầu cử ở Mỹ và không hề lo lắng về những điều “thị phi” lâu nay liên quan tới tổng thống tân cử của Hoa Kỳ.
Ông Tuyến cho biết: “Tôi không thể hiểu hết được ông Trump, nhưng trong giai đoạn tranh cử thì ông ấy có thể sử dụng những cái ‘chiêu’. Khi ông thắng cử trở thành tổng thống, ông sẽ có những lời lẽ với cương vị của một tổng thống. Nó sẽ khác hẳn với phát ngôn của một người khi còn là ứng cử viên. Đặc biệt, tôi nghĩ ông Trump không phải được toàn quyền tất cả. Mà nước Mỹ là tam quyền phân lập cho nên bên lập pháp, tư pháp cũng sẽ có những tác động để điều chỉnh ông ấy và những chính sách của ông ấy có ảnh hưởng đến nước Mỹ hoặc thế giới”.
Mặc dù đang bận rộn với công tác cứu trợ lũ lụt ở miền Trung, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cũng theo dõi sát cuộc bầu cử ở Mỹ và cho biết ông ủng hộ ông Trump vì “tinh thần tự do Mỹ” nơi ông Trump.
Nhà hoạt động Lân Thắng nói: “Trên quan điểm của một người hoạt động xã hội cũng có quan tâm đến các vấn đề chính trị trong nước và quốc tế, tôi rất vui mừng đón nhận tin ông Trump thắng cuộc. Về mặt cảm tính, tôi cảm nhận ông Trump có các đặc tính của một doanh nhân rất mạnh mẽ, rất thành công. Và ẩn sâu bên trong con người ông là tinh thần tự do Mỹ. Tôi cho rằng tinh thần tự do Mỹ đấy chính là sức mạnh của nước Mỹ”.
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng những chính sách của ông Trump trong tương lai sẽ không tạo ra một sự khác biệt đáng kể cho phong trào dân chủ và xã hội dân sự tại Việt Nam. Theo ông, chính người Việt Nam mới có khả năng tạo ra sự thay đổi đó:
“Tôi quan sát từ trước tới nay thì với phương pháp ngoại giao đu dây của Việt Nam, những cảnh báo, đòn trừng phạt của Mỹ nếu có đối với Việt Nam khi mà họ có những động thái đàn áp phong trào dân chủ, đàn áp xã hội dân sự, vì họ đu dây nên những chính quyền Mỹ trước đây thực ra là ‘giơ cao, đánh khẽ’. Họ không có tác động thực sự nào đối với sự thay đổi về chất trong hoạt động đòi dân chủ, nhân quyền”.
Các nhà hoạt động đánh giá mô hình bầu cử của Mỹ là những tiến bộ và sự hùng cường của Mỹ có được hôm nay là do có một hệ thống chính trị tốt đẹp và lành mạnh.


Nguồn :  : VOA