23 novembre 2016

Lãng phí hay ngu dốt?


 


Văn Quang

Viết từ Sài Gòn ngày 21.11.2016
 
 
Người dân VN không bất ngờ khi nghe tin rất nhiều nơi lãng phí ngân sách nhà nước, tiền ở đâu ra, cũng là tiền của dân còng lưng đóng thuế cho nhà nước thôi. Nhưng gần đây nhất người dân sửng sốt vì sự lãng phí quá nhiều từ nông thôn mới mang nợ đến các nhà máy khổng lồ “đắp chiếu” sau khi xây dựng tốn kém hàng ngàn tỉ đồng. Sự lãng phí đó bắt nguồn từ đâu? Ai đã cho phép xây dựng những công trình đó? Tất nhiên người dân không có quyền rồi, quyền là ở các quan trên. Các quan có học đâu mà biết công trình đó kiến trúc như thế nào, mang lại lợi ích gì cho xã hội cho người dân. Các quan có dốt thì mới cho phép các công trình đó mọc lên.

 


Lãng phí và sự ngu dốt khác nhau.
 

Sự lãng phí là việc làm xa hoa lộng lẫy của một công trình xây dựng không cần phô trương đến thế. Còn sự ngu dốt là việc làm bừa ký ẩu cho nhà thầu để kiếm hoa hồng, còn sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. “Công trình làm xong để đấy là chuyện của chúng mày không phải của ông.”

Ông Vũ Đình Duy và những dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng.

Kiếm chác xong ông chuồn sang Tây sang Mỹ đố anh nào tìm được như trường hợp của Vũ Đình Duy của công ty PVTex đang bị xem là “có dấu hiệu bỏ trốn ra nước ngoài” là một chỉ dấu nữa cho thấy một phong trào quan chức tìm cách đào tẩu thoát thân đang hình thành, và thậm chí công khai. Chỉ đến giữa năm 2016 quốc hội Việt Nam mới bất ngờ phát hiện một đại biểu quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở Cộng Hòa Malta, và đặt ra nhiều dấu hỏi về triển vọng “một đi không trở lại,” thì ngay sau đó vụ Trịnh Xuân Thanh trốn thoát thành công đã bùng nổ. 

Ngay tại làng xã cũng có những hiện tượng xa hoa lãng phí như vậy. Vậy có thể kết luận rằng từ dưới lên trên đều lãng phí đến mức dân không chịu nổi nữa, ngày càng nghèo đói xác xơ. Há miệng kêu thì bị trù dập. 

Tôi chỉ lấy một chuyện điển hình gần đây nhất. 

Ăn từ cọng rác thải đến tiền của công nhân

Ngày 9-11 cho biết Đoàn Thanh Tra liên ngành tỉnh Tiền Giang đã có cuộc họp thông qua dự thảo kết luận thanh tra Công Ty Đô Thị TP Mỹ Tho. 

Theo Đoàn Thanh tra, ngoài việc Công Ty Đô Thị Mỹ Tho được UBND Mỹ Tho hợp đồng thu gom rác và cân số lượng theo ký để quyết toán, doanh nghiệp này còn “sáng kiến” đến huyện Châu Thành thu gom rác và đưa thêm lá cây vào để cân nhằm tăng số lượng. Từ năm 2013-2016, công ty đã nâng số rác lên thêm hơn 8,000 tấn để quyết toán với UBND TP Mỹ Tho 1.8 tỉ đồng. Sau khi thanh tra vào cuộc, công ty đã nộp lại số tiền này. Ngoài ra, trong quá trình quyết toán tiền hóa chất xử lý rác thải tại bãi rác Tân Lập (huyện Tân Phước), Công ty Đô thị Mỹ Tho cũng nâng số tiền quyết toán từ 4.6 tỉ đồng lên 11 tỉ đồng VN ($480,000 Mỹ kim). 

Đoàn Thanh Tra còn phát hiện số lượng rác thu gom tại TP Mỹ Tho báo với UBND TP ít nhưng khi quyết toán với Sở Tài chính thì nhiều với số tiền chênh lệch 3.3 tỉ đồng. Tổng số tiền sai phạm về kinh tế đến hơn 10 tỉ đồng. Kết quả thanh tra cũng cho thấy việc Công ty Đô thị Mỹ Tho thi công sửa chữa nhà cho gia đình cán bộ lãnh đạo gồm ba căn của người thân lãnh đạo và bốn căn nhà khác đã có nhiều sai phạm như không báo cáo chủ tịch HĐQT, kiểm soát viên, dự toán không đúng với bản thiết kế. Chỉ riêng bảy căn nhà này đã làm cho công ty lỗ 537 triệu đồng ($24,000). Ngoài ra, công ty còn liên doanh với 2 công ty khác để thi công hai tuyến đường, làm lỗ 175 triệu đồng. 

Trả thù người tố cáo?

Theo một nguồn tin, cơ quan thanh tra cũng đã có kết quả điều tra ban đầu cho thấy dấu hiệu trù dập người tố cáo xảy ra ở công ty đô thị Mỹ Tho. Cụ thể, khi ông Lâm Thiện Tất, Đội phó Đội Xây dựng cầu đường và ông Trương Văn Long, Đội phó Đội Vệ sinh môi trường, phát hiện công ty tự đặt ra việc trừ lương công nhân mỗi tháng 1 triệu đồng/người để lấy tiền gửi ngân hàng và chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng của công nhân nên khiếu nại nhiều lần nhưng ban giám đốc đều phủ nhận, họ đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Cũng theo Đoàn Thanh tra, việc ông Nguyễn Công Khanh, phó giám đốc công ty, bị tố cáo “nhờ” công ty làm hai cây cầu và một đường nhựa vào nhà mình nhưng “quên” trả tiền là có thật. Theo đó, Đoàn Thanh tra đã yêu cầu ông Khanh nộp số tiền 33 triệu đồng cho công ty. Ngoài ra, Đoàn Thanh tra cũng xác minh việc công nhân mang hoa đến nhà lãnh đạo trong dịp Tết Nguyên đán bằng tiền của công ty là có thật và đề nghị thu hồi lại toàn bộ số tiền này.


Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất sau 10 năm ì ạch đang được đề nghị chuyển giao cho Tập đoàn Hòa Phát.


Đây là một trong những nhà máy trong danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm.

 

Ăn hàng trăm triệu đồng của công nhân

Đoàn Thanh tra cũng kết luận việc tố cáo công ty đô thị Mỹ Tho đã ăn chặn hàng trăm triệu đồng của công nhân là đúng sự thật. Theo đó, ba cán bộ Phòng Kế toán của công ty có hành vi chiếm đoạt, gồm: Trần Thị Thiện Mỹ (trưởng phòng) chiếm đoạt 145 triệu đồng, Nguyễn Thị Thùy Linh (phó phòng) chiếm đoạt 69 triệu đồng và Đinh Phạm Anh Thư (thủ quỹ) chiếm đoạt 147 triệu đồng... 

Cuộc chạy đua xây dựng nông thôn mới làm tốn tiền dân. 

700 tỷ đồng cho cuộc đua… xã nông thôn mới

Việc xảy ra tại hai xã Tam Sơn và Hương Mạc của thị xã Từ Sơn (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh- Lân cận Hà Nội), đang khiến người dân hoang mang. Hai xã này “ôm” khoản nợ 700 tỷ đồng ($30.5 triệu) với một doanh nghiệp để xây mới, sửa chữa một số công trình theo tiêu chuẩn làm nông thôn mới, góp thêm vào tình trạng sa lầy nợ của Bắc Ninh. 

Bước sang năm 2016, dù nợ đã nhiều như vậy, nhưng để phấn đấu đưa 25 xã, đặc biệt là ba đơn vị cấp huyện là Thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du và TP Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, tổng số vốn địa phương này tiếp tục huy động khoảng 1,220 tỷ đồng ($53 triệu) để thực hiện. 

Và để có được kết quả này, cần đến hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước cũng như đóng góp của người dân đổ vào và Bắc Ninh cũng trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về số tiền nợ hơn 613 tỷ đồng. Xây dựng nông thôn mới chỉ là thứ bệnh mê thành tích của các quan, hành hạ dân thôi, xây mới như thế không bằng để như cũ cho người dân tự làm, không cần đến các cơ quan nhà nước dính vào chỉ rách việc thôi. Hiện tượng chạy đua làm nhà văn hoá, hội trường, làm đường… để được công nhận nông thôn mới.

Nhà máy sơ sợi Đình Vũ, một trong những công trình ngàn tỷ đắp chiếu.



Dự án xử lý nước thải TP Cần Thơ có vốn đầu tư $22 triệu Mỹ kim nhưng không đáp ứng được điều kiện xả thải ra môi trường.

 
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội) cho biết, “Chúng tôi đi giám sát thì thấy ở rất nhiều xã, nợ xây dựng cơ bản đã vượt khả năng thanh toán” những ví dụ như Hương Mạc, Tam Sơn rất nhiều và đó chính là biểu hiện chạy theo thành tích. Thành tích là thứ để các quan tự sướng với nhau thôi, dân chẳng được gì ngoài sự đóng góp đến teo tóp da dầy cho cac quan tha hồ sướng. 

Người dân càng choáng váng hơn khi nghe nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng vì 5 dự án nghìn tỷ đang thua lỗ "một ngày, một tháng rồi một năm". Hãy tạm kể vài nhà máy khổng lồ đang thoi thóp chết. 

Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ được đầu tư gần $22 triệu xây dựng gần 10 năm qua mới hoàn thành, vừa chạy thử đã lạc hậu vì không đáp ứng điều kiện xả thải ra môi trường. 

1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư $305 triệu do công ty cổ phần Hóa Dầu và Xơ Sợi Dầu Khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư; 

2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư $96 triệu. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung; 

3. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư $350 triệu đồng, do công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; 

4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư $130 triệu, do công ty TNHH một thành viên phát triển công nghiệp và vận tải Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 

5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư $523 triệu với chủ đầu tư là công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, tập đoàn Hóa Chất Việt Nam. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Công Thương sớm lập danh mục các dự án đầu tư đắp chiếu, có nguy cơ thua lỗ mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu tại phần giải trình. "Phải rạch ròi số này ra, vì thua lỗ một ngày, một tháng rồi một năm cộng lại thì sẽ là số vốn thất thoát rất lớn.”
 

Nhà máy xử lý nước thải $22 triệu vừa xây xong đã lạc hậu

Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ được đầu tư gần $22 triệu xây dựng gần 10 năm qua mới hoàn thành, vừa chạy thử đã lạc hậu vì không đáp ứng điều kiện xả thải ra môi trường. 

Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ thi công năm 2007, có công suất xử lý 30,000 m3 nước thải một ngày đêm, với vốn đầu tư hơn 19 triệu Euro, tương đương $22 triệu Mỹ kim. Trong đó, vốn vay ODA của Đức hơn 10.4 triệu Euro, còn lại là đối ứng từ ngân sách địa phương, do Công ty cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự kiến hoạt động năm 2010, nhưng đến nay nhà máy mới hoàn thành, chưa nghiệm thu. 

Theo chủ đầu tư, đến nay hai tuyến cống thu gom nước thải Bắc và Nam Cần Thơ dài 23 km và các trạm bơm hoàn thành. Còn nhà máy xử lý nước thải tại quận Cái Răng mới vận hành thử nghiệm với khối lượng 2,000 m3 một ngày đêm. Nhưng nước thải sau khi xử lý chỉ đạt tiêu chuẩn cột B (tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp - giới hạn ô nhiễm cho phép). 

Các quan đừng bịp nữa hãy công khai tất cả cho người dân biết. Các ông sẽ làm gì để bù đắp vào số tiền thua lỗ đó hay chỉ nói để cho có rồi thôi, cứ họp xong lại chễm chệ lên xe ra về đợi kỳ sau họp tiếp? 

Người dân còn trông đợi gì vào các ông? Họp với hành liên miên có giải quyết được gì đâu. Chỉ khổ người dân thôi.

 

Văn Quang

Viết từ Sài Gòn ngày 21.11.2016
 
Nguồn: Theo Khai Dân Trí