21 novembre 2016

“Nhiệm vụ chính trị” là gì mà giáo viên không muốn làm thì cũng trốn đằng trời?


Phan Tuyết
 

(GDVN) - Khi việc điều động giáo viên đi tiếp khách cũng được xem là "Nhiệm vụ chính trị" thì liệu có giáo viên nào khước từ được không?
 
Đại biểu Lê Thanh Vân : "Bộ trưởng có nói với sự việc người ta cưỡng ép giáo viên thị xã Hồng Lĩnh đi tiếp khách như vậy, Bộ trưởng nói là bảo vệ quyền lợi giáo viên, nhưng ngược lại với phát ngôn của Bộ trưởng hôm qua trên báo chí là trước hết phải xem lại mấy cô giáo đó. Tôi nghĩ rằng giáo viên chắc chắn đau lòng với câu nói đó của Bộ trưởng.

 
 


 (GDVN) : Trước sự việc lãnh đạo ngành giáo dục thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều động giáo viên nữ phải đi tiếp khách, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ sự không đồng tình.

Tác giả nhấn mạnh hơn nữa đến vai trò của người lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục địa phương để bảo vệ quyền lợi của các nhà giáo.

Tòa soạn GDVN trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Cụm từ “Nhiệm vụ chính trị” phải được hiểu như thế nào mới đúng? Trong Giáo dục, thường thì khi cấp dưới nghe tới cụm từ này thì bất cứ việc gì cũng phải làm mà không dám có ý kiến phản kháng. 

Nếu không đồng tình hóa ra mình đi ngược với “Nhiệm vụ chính trị” hay sao? Có lẽ nắm được điều này, bất kể việc gì cần sự đồng lòng thi hành, người ta đều đội cho nó cái mũ “Nhiệm vụ chính trị”.

Chẳng hạn, việc giáo viên phải thu tiền bảo hiểm cho học sinh. Có không ít công văn cấp trên gửi về từng trường học nhấn mạnh “Đây là nhiệm vụ chính trị nên các trường phải vận động thu đủ”.

Vì thế, ban giám hiệu triển khai trên hội đồng và buộc giáo viên tìm mọi cách vận động phụ huynh đóng đủ 100%.

Nay dư luận lại một phen dậy sóng khi câu chuyện điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn của ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vừa qua cũng được xem đó là “Nhiệm vụ chính trị”. 


UBND thị xã điều động giáo viên nữ đi đón tiếp khách. (Ảnh minh họa từ Báo Thanh niên)

 
Thế rồi, bỗng chốc hàng chục giáo viên trở thành lễ tân bất đắc dĩ trong các cuộc liên hoan, ăn uống của cán bộ và những vị khách của lãnh đạo thị xã.

Báo Người đưa tin cho biết,
sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách.

Báo còn dẫn lời một giáo viên mầm non ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ.


Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…".

Sau công văn điều động ngược đời ấy, lẽ ra, các cô giáo trẻ phải được sự bảo vệ của ngành mà trực tiếp là các Hiệu trưởng, Trưởng phòng.

Bởi khi giáo viên được điều động đi tiếp khách, những giáo viên ở trường phải dạy thay. 

Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuyên môn nhà trường.

Bởi không ít trường thiếu giáo viên nên chẳng thể bố trí người dạy kịp thời.

Rồi cảnh dồn lớp, hay một giáo viên phải quản một số lượng học sinh rất đông…

Dù thế, ban giám hiệu các trường cũng luôn ngoan ngoãn thi hành bởi họ luôn sợ chính cái ghế họ đang ngồi.



Hiệu trưởng thì thế, còn người đứng đầu phòng Giáo dục thị xã Hồng Lĩnh thì sao? Nếu thấy việc điều động bất hợp lý không phù hợp với ngành giáo dục, ông Trưởng phòng Giáo dục vẫn có quyền từ chối? 

Bởi trong Điều lệ trường tiểu học giáo viên chỉ có nhiệm vụ làm công tác giáo dục. Đó là trực tiếp giảng dạy và giáo dục đạo đức học sinh.

Chẳng có quy định nào buộc các thầy cô phải đi tiếp khách ngay cả khi địa phương có các hội nghị hay các lễ hội lớn…

Những điều này lẽ nào những người lãnh đạo của giáo dục nơi địa phương không biết?

Hay biết mà họ vẫn cố tình làm ngơ? Bởi chẳng ai dám chống lệnh cấp trên dù lệnh ấy là không đúng. 

Nhưng đáng buồn thay, ông Trưởng phòng Giáo dục Hồng Lĩnh lại nhất nhất thi hành và hoàn toàn ủng hộ việc này.

Ông Lê Bá Thiềm cho rằng đây là việc “Phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn chứ không phải là đi hội hè, đi chơi đi bời. 

Việc Ủy ban nhân dân huyện điều động để làm những việc rất là chính đáng. Uỷ ban thị xã điều động trong lúc nhân lực thiếu, cả tỉnh người ta tập trung về đấy. 

Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống".

“Nhiệm vụ chính trị” mà các cô giáo ở Hồng Lĩnh phải thi hành là làm “lễ tân” nhưng chính ông trưởng phòng Giáo dục lại thừa nhận với báo chí “ Tôi thì tôi không biết lễ tân là cái gì. Tôi không hiểu lễ tân là gì”.

Chẳng biết do ông Trưởng phòng không hiểu thật? Do suy nghĩ hạn hẹp, thiển cận? Hay do ông sợ cấp trên phật lòng để thỏa hiệp với văn bản điều động vô lý của Ủy ban nhân dân thị xã.

Để từ đó, trực tiếp đẩy những giáo viên, những đồng nghiệp của mình trở thành “con mồi” trong tay những kẻ sổ sàng mang danh quan chức.

Giáo dục Hồng Lĩnh sẽ trông mong gì những người như vị Trưởng phòng Giáo dục này?

Hơn ai hết, các thầy cô hiểu được tầm quan trọng của "Nhiệm vụ chính trị", và vì thế nếu đó là việc đúng, không thầy cô nào từ chối.

Để cho công bằng, nghiêm túc, thì những người ở cấp trên, có thể ban hành yêu cầu, chỉ thị, thậm chí là ra lệnh thì cũng không được lợi dụng "Nhiệm vụ chính trị" để bắt các thầy, cô làm việc.

Phan Tuyết

Nguồn: Theo GDVN

*