18 novembre 2016

Những kiểu "xin đểu" ở VN diễn ra như thế nào


 

 Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 14.11.2016
 

Chuyện xin đểu ở VN là chuyện xưa lắm rồi nhưng ít ai dám nói ra vì sợ bị các quan nhà nước “hành”. Đến nay mấy ông gọi là “Dân biểu Quốc Hội” mới khui ra. Xin đểu có nhiều cách, nhiều kiểu, xin công khai cũng nhiều, xin bí mật cũng không ít, xin bắt buộc càng nhiều hơn. Xin đúng pháp luật và trái với pháp luật ngang nhau. 

Người ta không còn lạ gì mấy anh cảnh sát đứng đường chặn xe của người dân, tìm mọi cớ để kết tội “vi phạm giao thông”, kiểu gì cũng phạt được. Nhưng khi lòi tiền ra thì cho đi không phạm tội gì, không chi tiền thì đứng đó chờ xe thùng đến đưa về bót. Người dân muốn hối lộ phải kín đáo, anh cảnh sát cũng nhìn trước ngó sau rồi mới dám đút tiền vào túi quần. Cả hai anh cùng có tội. Có những nơi dùng mấy chú “cò mồi” chờ sẵn ở bụi cây, chờ anh CS phạt rồi đứng ra làm môi giới nhận tiền rồi lúc vắng người mới đưa cho anh cảnh sát. Đó là kiểu “bí mật nhà nước” đấy.

 


Còn kiểu đưa tiền công khai là một thứ “thuế” hàng tháng hàng quý (3 tháng 1 lần) tự động doanh nghiệp nộp cho mấy “cơ quan chức năng” gửi vào ngân khoản tư nhân nào đó của họ hàng hang hốc nhà quan là “hợp pháp” nhất. 

Nhưng kiểu hối lộ đó không bằng kiểu vòi tiền “dịu dàng,” “thân thiện” của các quan bằng cách đến thăm doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Lúc nào các quan cũng nở nụ cười thăm hỏi mấy doanh nhân như bạn bè thăm hỏi nhau từ công việc làm ăn đến con cháu trong nhà. Doanh nhân phải biết “luật chơi” đếm sẵn tiền cho vào cái phong bì dúi cho các quan mới yên, nếu quên “luật chơi” chắc chắn tháng này tháng sau sẽ bị phạt lu bù còn hơn tiền hối lộ. Vấn đề này đã được xác nhận bởi đại biểu quốc hội nói tọac ra trước nghị trường. 

Đó là bài phát biểu của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chiều 2 tháng 11 vừa qua đã làm nóng nghị trường với hai vấn nạn ông đề cập tới: Đó là tình trạng “xin đểu” doanh nghiệp và trục lợi trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước. 

Thăm hỏi thực ra là xin đểu

ĐB Cương nêu hai vấn đề tiêu cực chính, mong được sự quan tâm của Chính phủ. 

“Vấn đề thứ nhất, chúng ta có quyền hỏi chính phủ quyết liệt là vậy nhưng tại sao xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc và nguyên nhân của nó là gì? Tôi đã từng phát biểu trước Quốc Hội là những vấn đề bức xúc đó đều có chung một nguyên nhân: Đó là sự vận hành của bộ máy Nhà nước, đặc biệt là từ đội ngũ cán bộ công chức viên chức.” 

Điều đáng nói là trong lúc đội ngũ cán bộ công chức đông như thế, tinh giản biên chế lại gần như giậm chân tại chỗ. Thử hỏi số lượng cán bộ công chức nhiều mà công việc quản lý nhà nước không được thực hiện nghiêm túc thì cán bộ công chức làm gì? 

ĐB Nguyễn Sỹ Cương kể câu chuyện, “Nhiều doanh nghiệp nhỏ có nói với tôi, ở nhiều nơi, chính quyền, kể cả lực lượng chức năng đóng trên địa bàn việc gì cũng biết. Và việc thăm hỏi với doanh nghiệp là khá thường xuyên. Thăm hỏi chứ không phải kiểm tra xem xét chấn chỉnh vấn đề gì mà để xin kinh phí hỗ trợ. Có người bức xúc gọi đây là xin đểu. 

“Trước kia thì chỉ xin hỗ trợ dịp Tết nguyên đán, nay thì lễ cũng xin, nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị cũng xin. Việc cho thì tùy tâm, nhưng nếu không cho thì sẽ chuốc lấy sự khó dễ mặc dù doanh nghiệp đó chẳng làm gì sai cả, nhưng đành phải chấp nhận.” 

Xin hỗ trợ của các doanh nghiệp kiểu đó không khác gì ăn cướp công khai. Đôi khi có những ông công chức ở những sở như sở thuế, hải quan, tòa án đến nhà dân thăm hỏi để xin “ủng hộ” quỹ này quỹ kia rồi đút túi. Mấy anh đang làm ăn buôn bán khá phải lòi tiền ra ngay.
 

Giá trị vênh ra từ cổ phần hóa ai hưởng?

Vấn đề thứ hai liên quan tới tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương cổ phần hóa (CPH). Sự thất thoát tài sản của nhà nước thông qua CPH là không nhỏ. CPH đi liền với nó là thoái vốn Nhà nước, giá trị đất đai, phần còn lại chủ yếu của tài sản Nhà nước khi CPH đã bị trục lợi mà kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây đối với Tổng công ty đường sắt Việt Nam là một ví dụ điển hình. 

Ông Cương cho biết, một người bạn làm ở doanh nghiệp vừa được CPH tiết lộ với ông: Việc CPH và thoái vốn ở doanh nghiệp Nhà nước ở địa phương đều do Sở Tài chính chủ trì. Doanh nghiệp mà được vào thực hiện, đánh giá và định giá tài sản cũng do Sở Tài chính chỉ định hay lựa chọn. 

Việc định giá trước khi công bố được báo cáo Sở. Ví dụ nếu xác định giá trị 100 tỷ thì Sở nói làm gì mà cao thế, chỉ khoảng 70 tỷ đồng thôi. Vậy là doanh nghiệp CPH và doanh nghiệp định giá phải lo điều chỉnh lại theo ý của Sở, phải quên đi kết quả mà họ đã xác định. 

Và cuối cùng, ông Cương đặt câu hỏi: Vậy giá trị sự khác nhau giữa giá trị thật và giá trị điều chỉnh thì ai hưởng? Sự thật việc đó giành cho cơ quan thanh tra điều tra làm rõ. Chỉ biết rằng chủ trương CPH thì rất đúng nhưng việc trục lợi thì không hề nhỏ. Qua CPH, thoái vốn Nhà nước, Nhà nước bị mất rất nhiều. Chỉ cần thanh tra một số doanh nghiệp vừa CPH là có ngay câu trả lời. 

Câu trả lời là gì? Các doanh nghiệp nhà nước đều thua lỗ nên nhà nước phải thoái vốn và cổ phần hóa cho tư nhân làm. Bởi các ông giám đốc doanh nghiệp nhà nước (DN NN) hầu hết là quan chức đứng đầu doanh nghiệp tha hồ tung hoành. Kiếm được đồng nào chui vào túi riêng, lỗ do chính phủ chịu lấy vào tiến thuế của dân, nói đúng hơn là anh dân đen còng lưng gánh hết. Sống chết mặc bay tiền thấy bỏ túi. Dẹp tệ nạn này thì tệ nạn khác lại xày ra. Thoái vốn hàng trăm tỷ thì chỉ tính 70 tỷ thôi. Còn 30 tỷ đi đâu? Ai cũng biết chui vào tài khoản của họ hàng nhà quan rồi. 

Làm quan ở VN bây giờ sướng nhất mọi thời đại, một người làm quan rồi kéo cả họ vào làm quan. Cho nên một sở có 46 người thì có tới 44 sếp từ cấp phó phòng trở lên. 

Chính giám đốc Sở Lao Động – Thương Binh – Xã Hội (LĐ-TB&XH) Hải Dương đương nhiệm xác nhận sở này có 46 biên chế, chỉ có hai chuyên viên, còn lại 44 người đều giữ chức từ phó phòng trở lên.

Dọn dẹp hậu quả của trận lũ trước chưa xong, gia đình người đàn ông này lại bị nước tràn ngập nhà.

Chẳng hạn như phòng việc làm - an toàn lao động có 5 phó phòng, văn phòng sở, phòng kế hoạch - tài chính, thanh tra sở đều có 4 phó phòng... Thế thì ai làm xếp ai? Anh nào pha trà bưng cà phê? Toàn những ông thích làm to mà đầu nhỏ như củ khoai. 

Các quan cứ cãi nhau, dân cứ chết

Gần đây nhất là chuyện xả lũ, quan nói chưa biết, quan xả lũ thí nói thông báo rồi. Mỗi ông nói một phách, lũ cứ xả dân cứ chết.

Nước dâng, người dân chỉ biết leo mái nhà.

Trước đó ngày 17 tháng 10 đã có 24 người chết, 9 người mất tích do mưa lũ miền Trung. 

Trong ngày 17/10, lượng mưa tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế đã giảm, nước rút chậm, nhưng thiệt hại tiếp tục tăng. Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngày 16 tháng 10 có 24 người chết, 9 người mất tích. Ngày 17 tháng 10, số người chết thống kê được là 35 và 4 người mất tích, trong đó Quảng Bình 22, Hà Tĩnh 9, Nghệ An 3...

Nhiều nhà dân ở thôn Hương Bình, xã Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) bị ngập nặng.
Hứng trận mưa kỷ lục trong lịch sử quan trắc, Quảng Bình thiệt hại nặng nhất với 93,000 ngôi nhà bị ngập, tiếp đó là Hà Tĩnh với 25,000 căn và Nghệ An gần 3,000. Tổng số nhà ngập tăng gần 22,000 so với hôm trước. Hàng nghìn hécta hoa màu và nuôi trồng thủy sản chìm trong lũ.
 

Giám đốc nhà máy thủy điện và chính quyền địa phương nói ngược nhau

Trước thông tin cho rằng nhà máy thuỷ điện xả lũ bất ngờ, gây bị động cho công tác ứng phó, thiệt hại cho nhân dân, ông Vũ Mạnh Hùng (Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô) giải thích việc xả lũ là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn hồ đập. 

Đến buổi làm việc muộn khoảng 30 phút do không được mời, ông Lê Ngọc Huấn (Chủ tịch UBND huyện Hương Khê) cho hay không nắm được thông tin đoàn công tác Bộ Công Thương về làm việc, "Lẽ ra Bộ về phải mời chính quyền địa phương các xã bị ảnh hưởng cùng dự để có ý kiến.” 

Nói về quy trình xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô, ông Huấn cho rằng cấp huyện chưa nhận được thông báo của nhà máy ở thời điểm ngày 14/10, là ngày mưa lớn và thuỷ điện xả lũ lớn nhất. Ông Huấn nói, "Với việc xả lũ như thế, người dân chạy thoát giữ được tính mạng là tốt lắm rồi. Nhiều người còn không kịp sơ tán tài sản, thiệt hại vô cùng lớn.” 

"Đến6g30 chiều cùng ngày, khu vực nhà máy có mưa to kéo dài kết hợp xả tràn đã gây sạt trượt mái cơ taluy và có nguy cơ sạt lở đất đá vào Trạm biến áp 35 kV, gây mất an toàn cho người và thiết bị nhà máy,” ông Hùng giải thích về việc xả lũ. 

Ông Đỗ Đức Quân yêu cầu lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô trả lời một số thông tin về phương án phòng chống lụt bão cho hạ du. "Việc này có diễn tập không? Khi tăng lưu lượng xả vào ngày mưa lớn 14/10 có báo cáo chính quyền địa phương hay chưa?” 

Đại diện nhà máy thủy điện Hố Hô nói: thông tin phương án đảm bảo an toàn hồ đập thì có đặt ra các tình huống, hàng năm có diễn tập nội bộ, kết hợp thông tin liên lạc với địa phương, vận hành cửa van.

"Khi mưa bão có văn bản gửi đến địa phương, thông tin các xã. Việc điều chỉnh tăng lưu lượng xả ngày 14/10, thông tin bằng việc gọi điện thoại cho các chủ tịch xã, ai nghe, ai không nghe đều ghi rõ.”
 

Hình ảnh người dân chạy lũ khiến toàn quốc thương tâm, phong trào “thương về miền Trung” nổi lên rầm rộ, kết tội chính quyền thờ ơ giết dân.

 

Văn Quang

Viết từ Sài Gòn ngày 14.11.2016

Nguồn: Khai Dân Trí