10 novembre 2016

Ông Trump làm Tổng thống, quan hệ Việt-Mỹ không nồng ấm hơn?

An Tôn - VOA


Ông Donal Trump của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 8/11, trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Ông Donal Trump của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 8/11, trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ.



Việt Nam không ở vị trí ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Mỹ, quan hệ giữa hai nước sẽ không nồng ấm hơn so với hiện nay khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Đó là những nhận định giống nhau của ba người Mỹ gốc Việt là giáo sư, nhà văn và doanh nhân.

Ông Donal Trump của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 8/11, trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ông sẽ chính thức nhậm chức vào cuối tháng 1/2017.

Những người quan tâm đến quan hệ Việt-Mỹ đang phỏng đoán nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ tác động ra sao đến quan hệ hai nước.

Từ Đại học Maine, Giáo sư Ngô Vĩnh Long hôm 9/11 đã nêu ra với VOA những nhận định rằng trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, quan hệ hai nước sẽ lạnh nhạt hơn. Giáo sư Long giải thích thêm:
“Ít nhất là 6 tháng, sau đó khi họ sắp xếp lại, họ sẽ bắt đầu nối kết lại những quan hệ mà ông Obama và ê-kíp của ông đã thúc đẩy đối với Việt Nam. Kinh tế thì đối với Mỹ trao đổi với Việt Nam rất là nhỏ. Tôi nghĩ ông Trump sẽ chú ý đến Trung Quốc hơn. Còn vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ là ông Trump tạm thời sẽ không đụng đến vì ông không rõ vấn đề Biển Đông như thế nào. Nhưng tôi nghĩ cuối cùng ông cũng sẽ theo chính sách của ông Obama. Bởi vì thật ra Mỹ mà muốn là nước mạnh trong thế kỷ tới, vấn đề sức mạnh của Mỹ ở trên biển rất là quan trọng. Vấn đề nhân quyền thì tôi nghĩ so sánh với Trung Quốc, vấn đề nhân quyền cũng là nhỏ. Hay là so sánh với Nga, ông Trump không có nói gì về nhân quyền ở bên Nga, thành ra đối với Việt Nam mặc dầu ông nói về nhân quyền thế này thế kia, nhưng tôi thấy ông sẽ bỏ lơ chứ không thúc đẩy như Đảng Dân chủ thúc đẩy”.

Một doanh nhân gốc Việt trong lĩnh vực bất động sản, ông Michael Hùng ở Sacramento, California, cũng cho rằng khi ông Trump nhậm chức, quan hệ Việt-Mỹ có thể “giảm xuống một chút”. Ngoài ra, ông Hùng dự báo ông Trump sẽ không quá chú trọng vấn đề Biển Đông trong chính sách đối ngoại.

Ông nói:
“Có thể là ông Trump chỉ sử dụng vấn đề Biển Đông như một lá bài để mặc cả cho lợi ích của nước Mỹ hơn là tìm mọi cách để giữ vấn đề an ninh của nước Mỹ ở khu vực đó như quan điểm của các nội các trước đây. Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thì tôi cho là dưới cái nội các của ông Trump, dưới chính quyền của ông Trump thì có thể nó giống như hiện nay hoặc là nó giảm xuống một chút, nhưng không hẳn là đi ngược lại”.

Bình luận với VOA từ Pennsylvania, nhà văn Bruce Nguyễn, một người có nhiều ảnh hưởng đối với cộng đồng gốc Việt, cho rằng về phía Mỹ “không có động cơ gì đặc biệt” có thể dẫn đến quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trở nên nồng ấm hơn.


Trong khi đó, về vấn đề Biển Đông, ông Bruce Nguyễn chỉ ra rằng tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của ông Trump sẽ có lợi cho Việt Nam. Ông nêu ra lý do:
“Nếu ông Donald Trump mà [bị] đụng, khiêu khích, va chạm, sỉ nhục đến chủ quyền của Hoa Kỳ thì ông sẽ phản ứng. Và chắc chắn là ông [Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình hiểu rõ điều đó nên trong lòng chắc chắn ông Tập Cận Bình không muốn ông Trump lên. Cho nên sự cứng rắn của ông Trump chỉ có lợi cho Việt Nam và những nước ở Biển Đông chứ không có hại. Tôi biết rõ một điều ông không chấp nhận sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu ông bảo vệ Biển Đông, bảo vệ quyền hàng hải quốc tế theo luật quốc tế ở Biển Đông thì đương nhiên Việt Nam được thừa hưởng cái đó”.

Mặc dù vậy, ông Bruce Nguyễn lưu ý rằng việc Mỹ và ông Trump trên cương vị Tổng thống quan tâm đến Biển Đông là vì “họ muốn bảo vệ quyền lợi của họ” chứ không phải vì có “mối quan tâm riêng” đến Việt Nam.

Nhà văn ở Pennsylvania cho biết bên cạnh nỗi khắc khoải về vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, cộng đồng người Việt ở Mỹ luôn “cảm thấy đau lòng” về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam




Liệu cá nhân ông và cộng đồng người gốc Việt có thể kỳ vọng về hành động gì của vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đối với tình hình nhân quyền bị nhiều chỉ trích dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam? Nhà văn Bruce Nguyễn dự báo:
“Mình phải xác thực một sự thực hết sức phũ phàng là nước Mỹ quan tâm đến nhân quyền của nước nhược tiểu, nhưng nhiều khi vì quyền lợi của chính họ mà họ cũng làm ngơ đi. Mình nói đơn cử một cái thôi, họ biết Trung Quốc là nước rất là không có nhân quyền. Nhưng mà tại vì sự tiêu thụ về kinh tế, cho nên Mỹ phải bắt tay, phải làm ăn, phải ngoại giao, phải trao đổi. Sự thực Mỹ cũng không thể can thiệp để sửa đổi tình trạng nhân quyền của Việt Nam được”.

Cả giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà văn Bruce Nguyễn và doanh nhân Michael Hùng đều cho rằng ở thời điểm này “vẫn còn quá sớm” để dự báo chính xác về các chính sách và động thái của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Các cử tri gốc Việt này nói rằng khi ông Donald Trump thực sự điều hành đất nước, ông sẽ không thể hành động “một cách cảm tính” như những gì ông thể hiện qua những lời phát ngôn bộc trực, thậm chí gây sốc. Theo họ, những cố vấn của ông và cơ cấu tam quyền phân lập có tác dụng “sẽ ghìm cương” ông Trump.