21 novembre 2016

Quan chức câu cá, giáo chức “hầu rượu”


 
 

Không ai có thể làm suy yếu uy tín của chính quyền nếu những quan chức, cán bộ, đại diện quyền lực của nhà nước, không tự làm suy yếu chính năng lực, nhưng đặc biệt là phẩm cách của họ. Nhất là khi họ vô tình, vô cảm với dân.
 
 


Hà Tĩnh là đất địa linh nhân kiệt, đất của đại thi hào Nguyễn Du, vốn gieo neo. Chuyển sang kinh tế thị trường, diện mạo đời sống của Hà Tĩnh cũng thay đổi đáng kể. Nhưng không biết có phải từ dạo có dự án lớn của nước ngoài đầu tư tọa lạc và nổi danh… “ngược” không, mà từ đó đến giờ, cứ thỉnh thoảng, Hà Tĩnh lại được dư luận xã hội chú ý. Có điều xem ra toàn những vụ việc  mua vui cũng được một vài trống canh, nhưng không ít nhức đầu.

Thừa lý thiếu tình…

Tỷ như chuyện sau đây: Từ đầu tháng 10 đến nay, các tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh liên tiếp bị những cơn mưa to kéo dài. Đã thế, các đập trên địa bàn tỉnh cũng lại xả lũ, khiến cả tỉnh bỗng như cái hồ lớn, mà t/p Hà Tĩnh, dù mang tiếng là đô thị với những con phố lớp lớp nhà cao tầng, kiên cố cũng không thoát khỏi số phận. Nhất là trận mưa lớn từ 12 đến 16/10 cách đây ít ngày đã khiến người dân Hà Tĩnh nháo nhào tránh mưa chẳng xấu mặt nào.  Mưa chồng mưa, lũ chồng lũ đã khiến không ít nơi trong t/p bị tái ngập cục bộ. Các cơ quan chức năng đã phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, các xe cứu hộ phải luôn sẵn sàng để trợ giúp người dân chống ngập.

Vậy mà trong hoàn cảnh trên trời dưới nước khốn khổ như vậy, ông Chủ tịch t/p Hà Tĩnh bỗng ra quyết định thành lập… Hội câu cá (?)

Mới nghe, cứ tưởng là chuyện của những người thích … đùa dai. Hóa ra không phải. Văn bản giấy trắng mực đen Quyết định 2300/QĐ- UBND, chữ ký “Hà Văn Trọng” cùng cái dấu đỏ chót rành rành định phận t/p Hà Tĩnh đây. Xin mời xem:



Văn bản Quyết định thành lập Hội Câu cá vừa đưa ra, lập tức… câu được không ít ý kiến, nhưng hầu hết là ý kiến phản ứng, bất bình.

Còn người viết cho rằng, đó là một quyết định rất thiếu nhạy cảm chính trị, của một quan chức cần có trách nhiệm với sự may rủi, sướng khổ, sống chết của người dân trong cảnh màn trời chiếu nước. Ở góc độ khác, nói một cách dân dã, đó là một quyết định khá… vô duyên. Vô duyên vì hoàn toàn không hợp thời hợp cảnh. Thậm chí, vô tình, vô cảm trước nỗi khổ của người dân đang lóp ngóp chạy mưa lũ.

Ai cũng biết, câu cá là một trò vui giải trí, nó lành mạnh và không có lỗi nếu tuân thủ các quy định pháp luật, trong hoàn cảnh bình thường. Nhưng nó thật có lỗi với dân vì cái quyết định đưa ra không đúng chỗ, nó thừa lý mà rất thiếu … tình.

Và thừa… tình thiếu lý

Chuyện thừa lý thiếu tình chưa lắng xuống, dư luận xã hội lại ồn ào trước một vụ việc khác, “thừa tình” thiếu lý. Nhưng nghiêm trọng hơn, vụ việc này đụng chạm đến một vấn đề lớn hơn – nhân phẩm nhà giáo.

Đó là việc 21 cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh, được phân công phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã tổ chức. Điều đáng nói, sau khi nhận nhiệm vụ tiếp đón các đoàn khách, các cô còn tiếp tục phải đi ăn, uống rượu, rồi hát hò với quan khách.

Ai cũng biết lâu nay, chuyện “tiếp khách” kiểu này, có cả lành mạnh và không lành mạnh. Giới hạn tỉnh và say do rượu của các quan khách là cực kỳ… mong manh.

Thân phận các cô giáo ở các trường, có ai dám chống lại quyết định của cấp trên, ở đây, trực tiếp là ông Trưởng phòng GD thị xã Hồng Lĩnh Lê Bá Thiềm?

Cũng chính vì thế, một số cô giáo chỉ biết phản ứng khi cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân. Có cô ngậm ngùi: “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách; thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…” (GDVN, ngày 13/11).

Đó là một sự thật.

Nhưng bất ngờ nhất, ông Trưởng phòng GD thị xã Hồng Lĩnh Lê Bá Thiềm lại thản nhiên: “… trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”.

Không biết những chuyện bình thường kiểu này ở ông Lê Bá Thiềm có… nhiều không?

Bất ngờ thứ hai, ông Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Văn Hổ – cũng thản nhiên không kém khi “tôn vinh”, các cô giáo đi tiếp khách là nhiệm vụ chính trị, là trong sáng, là niềm hãnh diện. Không hiểu ông cho đó là niềm hãnh diện với ai? Với chồng các cô chăng?

Chính vì lẽ đó, mà dư luận xã hội thực sự nổi giận. Không ít sự bất bình, phẫn nộ đến mức “xỉ vả” trên các trang mạng XH. Vì sao?

Từ xa xưa, trong Kiều, đại thi hào Nguyễn Du có hai câu cảm thán sâu sắc: Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Cái nghiệp vào thân của các cô giáo là dạy học phải gìn giữ tư cách, nhân phẩm chính mình trước học trò, những đứa trẻ tâm hồn như giấy trắng.

Nhân phẩm đó buộc các cô giáo biết gìn giữ từ lời ăn tiếng nói, đến hành vi sư phạm. Mà không thể cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Ảnh minh họa.

Dư luận XH luôn công bằng, công tâm, khi có thể bênh vực số phận một cô gái mà số phận đưa đẩy vào một “nghề” xưa nay vốn bị xã hội coi rẻ, nhưng lại lên án việc một ông Chủ tịch thị xã, một ông Trưởng phòng GD bắt các cô giáo đi tiếp quan khách, kể cả ở nhà hàng, uống rượu, hát hò cùng quan khách.

Cái nghiệp vào thân khiến XH phân biệt rất rõ, phải trái phân minh, vì sao, với việc này thì được, việc kia lại không. Ranh giới đó tưởng rất mong manh, thật ra lại rất rõ ràng và sòng phẳng.

Chính vì thế, dư luận XH hết sức nổi giận, và họ nổi giận có lý trước phát ngôn của ông quan chức ngành GD rằng, khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc. Và, trả lời chất vấn tại nghị trường sáng 16/11, vị quan chức này cho rằng, với địa phương chỉ là vui vẻ thôi nhưng để lại hậu quả, để xã hội nóng lên là không nên, Bộ trưởng xin nhận trách nhiệm…

Ô, thế ông không hiểu thế nào là lệnh của cấp trên? Và dường như ông cũng vô tình, vô cảm, với nỗi khổ sở, khổ tâm của họ – những cô giáo phận “con sâu cái kiến”, khi mà họ cũng không thể thiếu cái… cần câu cơm. Cho dù ông xin nhận trách nhiệm nhưng XH không hiểu cái ẩn ý chỉ là “vui vẻ thôi” nghĩa là gì? Nếu cái sự “vui vẻ thôi” đó đem lại tai tiếng cho các cô giáo, và đem lại sự… “không vui vẻ”, thậm chí lục đục trong gia đình họ, thì ông nghĩ sao?

Trong nhiều ý kiến về vụ việc này, người viết bài chú ý đến ý kiến của bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (VietNamNet, ngày 15/11) khi bà phát hiện rất tinh tế:

Theo quan sát của tôi, và ý kiến của nhiều người thì chuyện này không hiếm. Vì khá phổ biến cho nên những người trong cuộc không nghĩ rằng mình có gì sai. Người thành công trong quan lộ không thể chỉ là người biết điều hành công việc tốt mà còn phải có những hiểu biết về các giá trị căn bản của con người. Chúng ta coi việc điều giáo viên nữ trẻ đẹp đi tiếp khách và chấp nhận các hành vi, lời nói quấy rối tình dục (phải gọi cho đúng từ) là bình thường, thì chúng ta đang dạy gì cho con trẻ về nhân phẩm, về tôn trọng, về bình đẳng giới?

Cho dù bằng cấp đầy mình, trình độ hiểu biết về các giá trị căn bản ở con người của các quan chức nói trên cũng có phần… chưa căn bản lắm!

Được biết đến thời điểm này, ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu thị xã Hồng Lĩnh báo cáo, giải trình vụ việc.

Quan chức cơ sở là đại diện cho sự lãnh đạo của chính quyền nhà nước. Trình độ, phẩm cách của họ là uy tín của chính quyền nhà nước, và ngược lại, sự mất uy tín cũng từ đấy mà … đi.

Không ai có thể làm suy yếu uy tín của chính quyền nếu những quan chức, cán bộ đại diện quyền lực của nhà nước, không tự làm suy yếu chính năng lực, nhưng đặc biệt là phẩm cách của họ. Nhất là khi họ vô tình, vô cảm với dân.

K.D.

Nguồn: Theo Tuần Việt Nam