16 novembre 2016

Tương lai Việt – Mỹ dưới thời Donald Trump


 - Liệu Donald Trump có trì hoãn TPP? Quan hệ kinh tế Việt- Mỹ sẽ ra sao? GS Terry F. Buss và ông Vũ Tú Thành "dự báo" về viễn cảnh sắp tới khi nước Mỹ vận hành dưới sự lãnh đạo của một tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm về chính trị ngoại giao như ông Trump trong chương trình Góc nhìn thẳng.
 
Ông Vũ Tú Thành, PGĐ Điều hành Khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Mỹ- ASEAN trao đổi trong chương trình Góc nhìn thẳng (ảnh: Trần Thường)
 



Chiều 9/11, ngay sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 chính thức gọi tên ông Donald Trump là chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tới chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã tổ chức cuộc trò chuyện trực tuyến kết hợp với tương tác trên trang fanpage Vietnamnet về chủ đề: "Tương lai nào cho tân Tổng thống Donald Trump?".

Hai chuyên gia về chính trị ngoại giao tham dự buổi trò chuyện này là GS Terry F. Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách công, ĐH Carnegie Mellon, thành viên của Hội đồng quốc gia Mỹ và ông Vũ Tú Thành, PGĐ Điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng kinh doanh Mỹ- ASEAN.

Ở phần I, hai chuyên gia đã cùng "giải mã cơn địa chấn mang tên Donald Trump", lý giải về những điều tưởng như không tưởng đã xảy ra với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này. 

Sau đây, mời bạn đọc theo dõi lược trích phần 2 và cũng là phần cuối của buổi trò chuyện này.

Nhà báo Việt Lâm:Chúng ta đã chứng kiến sự bàng hoàng của nhiều người trước việc Trump thắng cử. Thậm chí, các thị trường tài chính phản ứng tiêu cực ngay khi Trump được tuyên bố chiến thắng. Liệu viễn cảnh của một nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump có đáng sợ đến thế không?

GS Terry F. Buss: Tôi nghĩ không có gì đáng sợ như chúng ta tưởng đâu. Bởi vì những ai quan sát nước Mỹ đều biết rằng Mỹ có những thiết chế để kiểm soát quyền lực. Rất khó để một người hoang dại làm những việc hoang dã cho dù họ muốn thế. Bởi vì hệ thống chính trị Mỹ đã thiết kế những cơ chế để ngăn ngừa việc đó.

Ví dụ như ông Trump đã nói rằng ông ấy sẽ xây bức tường chặn người nhập cư từ Mexico. Nhưng ông ta sẽ không thể làm được điều này nếu Quốc hội không cho ông ta tiền để làm việc đó. Mà thực tế sẽ khó có chuyện Quốc hội thông qua việc này. Thậm chí, ngay cả khi Quốc hội Mỹ không ngăn chặn được Trump thì Toà án Tối cao sẽ làm việc đó.

Hơn nữa, Đảng Dân chủ vẫn có tiếng nói trong tất cả các quyết định. Cho dù Đảng Cộng hoà có chiếm đa số ở Hạ viện và Thượng viện đi chăng nữa thì hệ thống chính trị Mỹ vẫn cho phép đảng thiểu số có nhiều khả năng để ngăn chặn rất nhiều đạo luật. Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau trong nền chính trị Mỹ.

Điều mà tôi quan ngại là ông Trump vẫn tiếp tục phát ngôn một cách bốc đồng như xưa. Nhưng cũng không sao cả vì tổng thống không thể có quyền kiểm soát hoàn toàn chính phủ. Bạn có thể thấy rằng, nước Mỹ và hệ thống chính trị Mỹ khá là ổn định qua rất nhiều cuộc khủng hoảng, ví dụ như cuộc chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq.

Không thể phủ nhận, các chính trị gia có thể làm được rất nhiều việc tốt nếu họ đi đúng hướng. Nhưng thực ra quyền lực của tổng thống khá là hạn chế.

Điều mà tôi mong chờ là xem ông Trump sẽ bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính phủ của ông ấy như thế nào, đội ngũ cố vấn gồm những ai bởi đó là phương cách để giữa cho chính phủ có được sự ổn định. Nếu ông ấy cũng chọn những người hoang dã như mình tham gia chính quyền thì có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều chuyện hài hước hơn so với thời ông Obama.

Nhà báo Việt Lâm: Ông Trump đã từng nói rằng, một trong những việc làm ngay sau khi nhậm chức là tuyên bố rút lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một bên tham gia. Liệu điều này có xảy ra hay không?

Ông Vũ Tú Thành: Nếu như ông ta giữ lời thì trong bốn năm tới , ông ta sẽ tìm mọi cách để Quốc hội không thông qua TPP vì dù sao cũng đã được kí rồi.

4 năm nữa mà TPP không thông qua thì rõ ràng đối với một số nước đã kí TPP thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của họ.
Nhưng ở góc độ Việt Nam, tôi nghĩ là có thể có ảnh hưởng nhưng nó không nhiều lắm. TPP có hiệu lực muộn hơn một chút thì Việt Nam có thêm thời gian để chuẩn bị, đúng như mong muốn ban đầu của Việt Nam khi tham gia đàm phán.

Hơn nữa, kể cả khi không có TPP thì nhu cầu nội tại của Việt Nam cũng phải có những cải cách về thể chế, về môi trường kinh doanh. Mà Đảng và Quốc hội Việt Nam đều đã nhất trí từ trước đến nay và trong hội nghị TƯ mới nhất đã khẳng định lại rằng các cải cách đã khởi động sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Nếu TPP được thông qua sẽ hoà nhập với các cải cách này để đi tiếp. Còn nếu không có TPP thì cũng không có lý do gì để dừng lại cả vì guồng máy đang vận hành và đem lại lợi ích cho mọi người.

GS Terry F. Buss: Tôi nghĩ, nếu như chỉ nhìn vào TPP thôi thì sẽ khả năng TPP được thông qua ở Mỹ khá là thấp.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn thì TPP vẫn có cơ hội. Ông Trump nói rằng ông phản đối TPP vì có thể đàm phán được một hiệp định tốt hơn. Nên cũng có thể Trump sẽ đòi đàm phán lại một số điều khoản rồi nói với công chúng rằng: hãy nhìn xem, tôi đã đem lại cho mọi người một hiệp định tốt hơn rồi nhé!

Nhưng điều đáng nói hơn cả là Trump không ưa Trung Quốc trong khi đây lại là vấn đề khó nhằn đối với ông ấy. Do đó, nếu như Trump có được quan hệ thương mại tốt với tất cả các nước trong khu vực thì ông ta sẽ có một công cụ hữu hiệu để kiềm chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ là nhân tố để Trump cân nhắc cách ứng xử với TPP. Nếu ông ấy đủ khôn ngoan và nghĩ đến những lợi ích mà TPP mang lại thì ông ấy có thể thay đổi ý kiến.

Một điều đáng nói nữa là chính các nghị sĩ Dân chủ phản đối TPP chứ không phải Đảng Cộng hoà. TPP được Đảng Cộng hoà ủng hộ mà giờ họ đang chiếm đa số ghế tại Quốc hội.

Chính vì những lý do này, tôi nghĩ là TPP vẫn có cơ hội.

Nhà báo Việt Lâm:Câu hỏi của độc giả Nguyễn Văn Trọng: Quý vị có thể đưa ra những đánh giá sơ bộ về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kì cũng như những lợi thế và thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam sau khi vị tổng thống mới lên cầm quyền?

Ông Vũ Tú Thành: Ông Trump cũng có nhắc tới Việt Nam trong chiến dịch tranh cử của ông ấy nhưng không được vui lắm. Ông ấy nói rằng, Việt Nam cũng như Trung Quốc đang lấy mất công ăn việc làm của người Mỹ.

Tuy nhiên đó là thông điệp trong khi tranh cử nó sẽ bị cực đoan hóa lên là như thế. Tuy nhiên, quan điểm có lẽ là tương đối nhất quán của ông ấy trong chiến dịch tranh cử là các hiệp định tự do thương mại mà Mỹ kí thì lấy mất công ăn việc làm của người Mỹ. Thế mà, Việt Nam lại xuất khẩu qua Mỹ rất là nhiều cho nên có cơ sở để tin rằng , chính sách thương mại của Mỹ đối với Việt Nam dưới chính quyền của tổng thống Trump có nhiều cái khó đoán định hơn, nếu không nói là bất lợi.

Tuy nhiên, bất kì một tổng thống nào của Mỹ hay một chính quyền nào của Mỹ cũng phải cân nhắc các lợi ích chiến lược nhiều hơn là chỉ mỗi thương mại. Và Việt Nam với vị trí, địa chiến lược của mình thì tôi nghĩ là nó quan trọng hơn rất nhiều so với chỉ là cái ý nghĩa về thương mại trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ.

Nhà báo Việt Lâm: Có thể nói trong 8 năm nhiệm kì của tổng thống Obama, chúng ta nhìn thấy được sự phát triển rất nhanh chóng của quan hệ Việt – Mỹ. Sự nồng ấm trong quan hệ Việt – Mỹ phải nói rằng có liên hệ chặt chẽ với chính sách xoay về châu Á của Obama. 

Nhưng ông Trump đã từng tuyên bố khi tranh cử sẽ xoá bỏ di sản của Obama. Vậy tương lai của chính sách xoay trục sẽ ra sao?

Ông Vũ Tú Thành: Câu hỏi ấy rất là quan trọng, bởi vì nếu như ông Trump thực hiện những gì ông ấy nói thì những lập luận ông đưa ra dường như là nói về một cái gọi là chủ nghĩa cô lập Mỹ, tức là thu mình quay trở lại trong nước Mỹ. Đấy là một điều tương đối bất lợi cho những quốc gia như Việt Nam.

Bởi vì khi Mỹ giảm cam kết với bên ngoài thì sẽ tạo ra một khoảng trống về quyền lực. Chưa nói gì đến chuyện an ninh mà chỉ cần nói về thương mại nếu Mỹ mà đóng cửa, tự tập trung vào nền kinh tế nội địa của mình. Bao nhiêu mối dây dợ liên hệ phức tạp của thương mại, của kinh tế thế giới lại phải chuyển sang luật chơi khác, một trò chơi khác.

Mà Việt Nam vốn đã đặt ra cho mình một lộ trình đi theo luật chơi của một nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc chặt chẽ vào nhau hơn, liên kết với nhau chặt chẽ hơn.

Cho nên, nếu bây giờ Việt Nam phải đi theo cuộc chơi mới của thế giới thì khả năng thích nghi với luật chơi mới khá là khó khăn.

GS Terry F. Buss: Tôi nghĩ, cho dù Obama hay Clinton có nói về chính sách xoay trục về châu Á thì thực tế không có nghĩa là mọi chuyện diễn ra đúng như thế. Có những lúc chính sách này đã bị sao nhãng vì chính quyền Obama phải tập trung vào khu vực Trung Đông. 


GS Terry F. Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách Công, ĐH Carnegie Mellon trao đổi với nhà báo Việt Lâm trong chương trình Góc nhìn thẳng (ảnh: Trần Thường)


Sau này, khi ông ấy tập trung trở lại thì tình hình khu vưc hiện nay cũng không được khả quan như hồi 2009. Chúng ta có một Bắc Triều Tiên luôn gây hấn với Mỹ. Một Philippines có ông tổng thống mới với tính cách không khác gì Trump. Một Malaysia tuy có tranh chấp trên biển với Trung Quốc nhưng lại bắt đầu mua sắm vũ khí từ Trung Quốc. Và Bắc Kinh thì không hề giảm bớt tham vọng của họ. Có thể nói, Obama chịu một phần trách nhiệm cho tình trạng này.

Tôi không biết chủ nghĩa cô lập của Trump sẽ như thế nào nhưng tôi cũng không nghĩ đó là một viễn cảnh tích cực. Chúng ta phải đợi đến khi nào ông Trump tiết lộ những quân bài trong tay ông ấy thì mới biết rõ được.

Điều chúng ta có thể hi vọng là khi Trump lên nắm quyền, với bộ sậu những nhân vật mới trong chính quyền, trong đối ngoại và an ninh thì đây sẽ là một sự khởi động mới mẻ cho chính sách ngoại giao Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải tìm cách để cân bằng giữa các người chơi khác nhau mà theo tôi Việt Nam từ trước đến giờ đều làm được.

Nhà báo Việt Lâm: Có lẽ đúng như hai vị khách mời đã nhận định, việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có lẽ là bất ngờ lớn nhất của năm nay. Và cho đến giờ, diện mạo tương lai của một nhiệm kỳ tổng thống mang tên Trump vẫn là ẩn số.

Để khép lại cuộc trò chuyện hôm nay, tôi muốn mượn lời của một nhà báo nói rằng: điều thú vị của nền dân chủ Mỹ là nó cho phép người dân được thử nghiệm dù đúng hay sai. Tám năm trước, họ đã trao cho Barack Obama một cơ hội để thay đổi, và nay, họ trao cơ hội ấy cho ông Trump. Và như GS Terry đã phân tích, thiết kế cân bằng và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực chính trị trong hệ thống Mỹ cho phép giảm thiểu những tác hại có thể có từ sự thử nghiệm rất táo bạo này. Và chúng ta cùng hi vọng ông Donald Trump sẽ có một nhiệm kỳ thành công.

Xin cảm ơn hai vị khách mời!

Nguồn: Theo VietNamNet

Thực hiện: Việt Lâm- Phạm Huyền

Ảnh: Trần Thường