09 décembre 2016

Chủ nghĩa dân túy: Một bóng ma mới đang đe dọa châu Âu

Vũ Ngọc Yên

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vào ngày 24 tháng 2 năm 1848, Các Mác (Karl Marx) và Ph. Ăngghen (F. Engels) công bố bản Tuyên Ngôn Cộng Sản với lời mở đầu “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản”. Hơn một thế kỷ bóng ma này nhờ chiến tranh, bạo lực và tuyên truyền đã trở thành lực thống trị ở nhiều nước và gây bao tác hại cho nhân loại. Nhưng rồi tại châu Âu vào cuối thế kỷ 20, bóng ma cộng sản đã bị cơn bão dân chủ-tự do trừ khử hoàn toàn. Bây giờ bóng ma đó chỉ còn sống thoi thóp vất vưởng ở vài quốc gia như Việt Nam, Bắc hàn, Lào, Trung cộng và Cu Ba…

Con ma cộng sản ra đi, một bóng ma mới xuất hiện. Bóng ma chủ nghĩa dân túy (populism). Bóng ma mới này đang phát triển mạnh ở toàn châu Âu và là một hiện tượng chính trị có tiềm năng đe dọa hệ thống chính trị dân chủ trong thập niên tới.
Chủ nghĩa dân túy – một khẩu hiệu, một ý hệ, một chiến lược chính trị?
Các nhà xã hội học dựa vào nhiều hiện tượng xem chủ nghĩa dân túy (CNDT) như một khẩu hiệu đấu tranh chính trị, một phong cách chính trị, một dạng hùng biện, một chiến lược giành quyền bính. Trong lãnh vực nghiên cứu, CNDT được đánh giá là một phần của nhiều hệ tư tưởng và trong các cuộc thảo luận chính trị, đại diện các khuynh hướng chính trị dùng CNDT để công kích và cáo buộc lẫn nhau.
CNDT nổi bật qua những quan điểm bác bỏ tầng lớp trí thức, giới tinh hoa cầm quyền (elite) cũng như một số định chế chính trị (institution). CNDT thường nhấn mạnh mầm mâu thuẫn giữa “nhân dân” và tầng lớp “tinh hoa” và nhận là người đại diện cho giới bình dân chất phát chống lại tầng lớp tinh hoa cầm quyền thối nát.
CNDT không theo đuổi một hệ thống giá trị nhất định nào để phân biệt với các hệ tư tưởng khác, vì vậy CNDT hiện hữu trong mọi khuynh hướng chính trị (tả, hữu, tiến bộ, bảo thủ…) dưới dạng các chính đảng phản kháng (protest party) hay các phong trào xã hội.
Các khuynh hướng dân túy tại Châu Âu
Vào những năm 80 các nhà chính trị học đã dùng khái niệm chủ nghĩa dân túy độc đoán (authoritarian populism) để xác định đường lối chính trị của Ronald Reagan và Margaret Thatcher. Hai chính trị gia này và cử tri ủng hộ đã có những quan điểm: Phớt lờ nhân quyền, không nhận di dân, ngoại giao dựa trên sức mạnh quân sự, giảm thuế và phát triển kinh tế bất chấp mức độ nợ công…
Vào cuối thập niên 1980, Reagan và Thatcher không còn cầm quyền nữa. Nhưng khuynh hướng dân túy vẫn tồn tại và nay có cơ hội phát triển mạnh, đặc biệt sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 với sự đắc thắng của D. Trump. Tiêu biểu có đảng độc lập Anh UK independence Party (UKIP), Mặt trận dân tộc Pháp Front National, Đảng Chọn lựa cho Đức Alternative für Deutschland (AFD), Phong trào năm sao Movimento 5 stern tại Ý, Đảng tự do Hòa Lan Partij voor de Vreijheid (PVV), Đảng tự do Áo Freiheitliche Partei Österreichs (FPÖ) …
Để nhận diện mức độ ảnh hưởng của CNDT, Học viện nghiên cứu dân ý và thị trường YouGov hợp tác với giáo sư David Sanders của Đại học Anh quốc Essex đã thực hiện một cuộc điều tra về thái độ dân túy (chống Liên minh Âu châu EU, chống di dân – tị nạn, phớt lờ nhân quyền, tăng cường an ninh-quốc phòng…)  ở 12 quốc gia Châu Âu. Bản nghiên cứu chỉ ra hơn 50% mọi cử tri ở 8 trong số 12 quốc gia khảo sát có thái độ dân túy.
h1Nguồn: AP
Kết quả nghiên cứu cho thấy các đảng dân túy còn có nhiều tiềm năng thành công trong các cuộc bầu cử kế tiếp. Pháp là quốc gia có nhiều nguy cơ trong cuộc bầu cữ Tổng Thống vào năm tới vì 63% cử tri có quan điểm dân túy. Tại Đức, số cử tri dân túy chỉ chiếm khoảng 18%.
h2Biểu tình phản đối thu nhận người tị nạn tại Đức. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những lý giải cho sự phát triển CNDT
Chủ nghĩa dân túy ngày lan rộng ở châu Âu. Trong những năm gần đây, kết quả bầu cử ở các nghị viện địa phương, tiểu bang, quốc gia ở nhiều nước đã xác nhận sự thành công của các chính đảng dân túy.
Trước hết sự thành công của CNDT là một hành động phản đối của cử tri về tình trạng biến chất của tầng lớp tinh hoa chính trị thối nát. Quan điểm không nhận di dân, tị nạn và các cuộc tranh cãi về “Ưu tiên quốc gia” tạo cảm giác đất nước đang mất dần ảnh hưởng trên thế giới cũng như nền văn hóa bảo thủ gieo rắc hoài nghi Hồi giáo, bác bỏ hôn nhân giới đồng tính … cũng được giải thích cho sự ủng hộ CNDT.
Toàn cầu hóa kinh tế đã đẩy mạnh sự cách biệt giữa những thành phần hưởng lợi và những thành phần bị thiệt thòi. Thất nghiệp không chỉ đe dọa thợ thuyền, nhân viên, mà cả giới trung lưu cũng sợ hãi trước tình trạng xuống cấp xã hội. Sự khủng hoảng kinh tế và xã hội đã là cơ hội giúp cho CNDT có thêm cử tri.
Thành công của CNDT có được cũng nhờ các cuộc tranh luận chống Âu châu (EU). Mô hình Âu châu hứa hẹn sẽ tạo được sự cân đối giữa thị trường và an sinh xã hội. Nhưng thực tế, các địa phương kém phát triển đã không đủ sức cạnh tranh trước cuộc tấn công của tiến trình toàn cầu hóa theo hướng chủ nghĩa tân tự do (Neo- liberalism). Giới thợ và trung lưu có thái độ bác bỏ Âu châu mạnh nhất.
Chính trị xa dân và sự cách biệt lớn giữa quyền lợi cũng như ngôn ngữ của dân chúng và những người cầm quyền hay các cơ chế chính trị, hành chánh (establishment) là những biện luận cho các khuynh hướng dân túy.
Một giải thích cho sự thành công của CNDT là những phán đoán đạo đức quá đáng và chủ quan đối với các cử tri dân túy khi cho họ là thành phần bài ngoại, bài Do thái, phân biệt chủng tộc… Chính trị cẩn trọng (Politial correctness – PC) là một khái niệm chỉ thái độ tinh thần biểu hiện qua diễn đạt và hành vi tránh xúc phạm và làm tổn thương các nhóm người liên hệ đến tôn giáo, chủng tộc hay giới tính. Nhưng những thành phần bảo thủ hữu khuynh lại cho rằng phe tả, tiến bộ, phóng khoáng thường sử dụng PC như là một sự kiểm duyệt, chận họng và giới hạn quyền tự do phát biểu trước những vấn đề nhạy cảm.
Bóng ma chủ nghĩa dân túy thật sự đã là mối lo chung cho các chính đảng dân chủ, các tổ chức xã hội và giới truyền thông ở Âu châu nên đòi hỏi tất cả phải cùng hiệp lực hành động đối phó. Liệu con ma mới này có khả năng “trụ” bao lâu sẽ tùy thuộc vào các biện pháp phục hồi tính chính danh cầm quyền và hiệu năng hành động chính trị của các chính quyền dân chủ tại Âu Châu.