19 décembre 2016

“Dân có bác sĩ riêng”: Quan nói như “thánh phán”!

 

GNsP – “Phấn đấu người dân nào cũng có bác sĩ riêng” là lời chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND và ngành y tế tỉnh Phú Thọ vào ngày 10/12 vừa qua.

Thiếu giường bệnh, bệnh nhân nhi phải nằm dưới đất.

 


Có lẽ ông Phó Thủ Tướng quá bận rộn việc nước, không có thời gian đọc báo, xem tivi nên mù thông tin? Hay ông được bác sĩ riêng chăm sóc tại nhà, bản thân chưa từng nếm trải nỗi cơ cực mỗi khi phải vào bệnh viện nên cứ nói như “thánh phán”? Vì như chúng ta đã biết, một trong những yếu kém của ngành y tế tại Việt Nam hiện nay mà người dân phải gánh chịu đó là “tình hình quá tải tại các bệnh viện vẫn còn nóng bỏng”. Nghĩa là chưa hề có dấu hiệu “giảm nhiệt” bằng sự đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho bệnh nhân là “người bệnh có giường bệnh”. Người bệnh còn chưa có được một cái giường bệnh riêng trong thời gian điều trị, vậy không hiểu dựa trên cơ sở nào mà ông Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo “người dân nào cũng có bác sĩ riêng”?

Phát biểu của ông Phó Thủ Tướng gợi nhớ câu chuyện ngụ ngôn “Cô hàng sữa và cái vò sữa” của La Fontaine như sau:

Ngày nọ, cô Perrette đội bình sữa lên đầu ra chợ bán. Vừa rảo bước cô vừa ngẫm nghĩ rằng với số tiền bán sữa cô sẽ mua 100 trứng Gà, cô sẽ cho ấp chu đáo để nở ra một bầy Gà. Bán bầy Gà cô sẽ mua được một con Lợn, bán con Lợn cô sẽ mua một con Bò cái, khi nó đẻ con cô sẽ có thêm một con Bê, con Bê sẽ nhảy nhót đùa giỡn thật là thú vị.

Nghĩ tới cảnh tượng con Bê con đang tung tăng bên mẹ nó, Perrette phấn khởi, hứng chí nhảy cỡn lên. Vò sữa trên đầu cô rơi tỏm xuống đất. Cả tài sản của cô lai láng đầy mặt đất. Vĩnh biệt tất cả: Bê con, Bò mẹ, Lợn, Gà …

Có câu: “Kẻ khốn cùng nhất trên thế giới này không phải là người không một đồng xu dính túi, mà là kẻ không có nổi một ước mơ”.Vì thế, chỉ với bình sữa trên đầu cô Perrette vẫn có thể mơ tài sản của mình sau này sẽ là một con Bò và một con Bê. Cô hàng sữa này cũng biết “hoạch toán kinh tế” nhưng kế hoạch kinh tế của cô không dựa trên cơ sở thực tế, nhanh quá và nhất là không lường hết những khó khăn trở ngại. Và đó là lý do khiến điều cô ước mơ chỉ mãi là mơ ước và thực tế là ngay cả bình sữa mang đi bán cũng không còn.

“Nếu bạn muốn biến những ước mơ của mình thành hiện thực, điều đầu tiên mà bạn cần phải làm là thức dậy.” Vâng! “Thức dậy” để nhìn nhận những thực trạng mình đang có. “Thức dậy” để biết bằng cách nào thực hiện được ước mơ? Nếu không, những lời tuyên bố sẽ trở thành những câu nói khoác lác, những dự định, kế hoạch tốt đẹp cũng chỉ là bánh vẽ vì chủ nhân của nó là những kẻ nằm mơ giữa ban ngày.

Nhận định về tình trạng dịch vụ y tế hiện nay, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM cho rằng:

“Tình trạng quá tải bệnh nhân sẽ làm chất lượng khám chữa, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện bị ảnh hưởng. Ngoài ra môi trường bệnh viện cũng dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Đáng lưu ý, tình trạng quá tải cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực trong ngành y như: vòi vĩnh, hạch sách người bệnh và nguy cơ mất an ninh trong bệnh viện”.

Và khi không thoát khỏi cơn bệnh ngặt nghèo mà chết đi thì thi thể của bệnh nhân nghèo được đưa về với những cách thức “rất riêng” mà xưa nay hiếm thấy, đó là cuốn chiếu cột sau xe chạy giữa phố hay cuốn chiếu khiêng võng đi giữa đường.

Đây mới là cái RIÊNG mà người dân đen được hưởng nhờ với thực trạng dịch vụ y tế đầy bất cập và yếu kém như hiện nay mà thôi, thưa ông Phó Thủ Tướng!

Điền Phương Thảo

Bài sử dụng nguồn từ:



Nguồn: Theo TMCNG