13 décembre 2016

DỰ LUẬT HR.4254 "CHẾ TÀI NHỮNG VI PHẠM NHÂN QUYỀN" ĐÃ ĐƯỢC HẠ VIỆN MỸ THÔNG QUA.


Dương Hoài Linh


11 giờ rưỡi sáng ngày 2 tháng 12 Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự luật “Chế tài những người vi phạm Nhân Quyền”. Nếu dự luật này trở thành luật thì đó là một chấn động lớn, sớm thúc đẩy và hoàn tất giấc mơ đem lại Dân Chủ cho VN. Luật này chế tài từng cá nhân những kẻ vi phạm các quyền con người được quốc tế công nhận, can dự vào các trường hợp cướp đoạt tài sản, hay dính líu đến các vụ tham nhũng lớn.

Trước đây Thượng Viện đã từng ủng hộ dự thảo luật này 100%. Nay văn bản luật được Hạ viện chấp thuận sẽ phải quay lại Thượng Viện để được chung quyết. Vào tuần này dự luật đó sẽ được Thượng Viện thông qua và chuyển cho Tổng Thống Obama ký. Nếu Tổng Thống Obama chấp thuận thì dự luật này sẽ trở thành Đạo luật.
 
 


Những biểu hiện quan trọng của dự luật này như sau :

- Không cấp chiếu khán để vào HK cho những kẻ vi phạm nhân quyền . Ví dụ, Bộ trưởng Công An ở VN vi phạm nhân quyền trầm trọng thì không được cấp chiếu khán dù sang Hoa Kỳ vì công vụ trừ khi xin Tổng Thống Hoa Kỳ đặc miễn.
- Đóng băng tất cả tài sản của những người vi phạm nhân quyền.Vì dụ như các viên chức VC đưa con cái du học Mỹ, họ chuyển tài sản cho con cái ở đây thì những trương mục ngân hàng ở Mỹ cũng bị đóng băng hết. Điều này áp dụng cho bất động sản và các tài sản khác.

Năm 2011, Mỹ và phương Tây đã phải tiến hành chế tài về nhập cảnh và phong tỏa tài sản đến 5,000 nhân vật chính khách, quân đội và công an ở Miến Điện - một liều thuốc đặc trị cho căn bệnh đàn áp dân chúng và đối lập thật khó có thuốc chữa tại quốc gia đã từng dìm trong bể máu cuộc “Cách Mạng Áo Cà Sa.”

Từ nguyên cớ quá hiển thị ấy, việc áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với những quan chức chính phủ Việt Nam “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam” là tinh thần sắt son trong bản Dự Luật Chế Tài Nhân Quyền Việt Nam mà những nghị sĩ cứng rắn như Ed Royce đang tiếp bước “Lộ trình Miến Điện.”
Là một dự luật lưỡng đảng, HR. 4254 nhắm vào những quan chức chính phủ, công an và những người khác vi phạm nhân quyền đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Những biện pháp được kiến nghị bao gồm những hạn chế du hành và trừng phạt về tài chính.

Căn cứ vào HR. 4254, những người Việt Nam có tên trong danh sách vi phạm nhân quyền sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Hoa Kỳ, không được cấp bất kỳ quy chế di trú hợp pháp nào, và cũng không được phép nộp đơn hay thỉnh nguyện liên quan đến những việc này. Về mặt tài chính, những cá nhân này sẽ bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế hoặc bị cấm giao dịch tài chính và đưa tài sản vào hay ra khỏi Hoa Kỳ:

“Tổng thống sẽ đóng băng và cấm chỉ tất cả các giao dịch liên quan đến tất cả các tài sản và lợi ích của một cá nhân trong danh sách được quy định nếu những tài sản và lợi tức đó nằm ở Hoa Kỳ, rơi vào Hoa Kỳ, hoặc nằm ở hoặc rơi vào quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người Mỹ.”

Và “Sau không quá 90 ngày từ ngày ban hành đạo luật này, tổng thống sẽ đệ trình lên những Ủy Ban Quốc Hội thích hợp danh sách của các cá nhân, là công dân Việt Nam, mà tổng thống xác định là dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền chống lại nhân dân Việt Nam hoặc thân nhân của họ, bất kể việc những vụ vi phạm đó có xảy ra ở Việt Nam hay không... Danh sách được quy định sẽ được công khai cho công chúng và được đăng trên các trang web của Bộ Ngân Khố và Bộ Ngoại Giao.”

Không phải và chẳng bao giờ, tự do và dân chủ là món quà trên trời rơi xuống. Cũng không hẳn chuyện quốc tế đổ tiền sẽ làm nguội lạnh những cái đầu tham lam lẫn sắt máu. Dĩ nhiên Miến Điện được như ngày nay là nhờ cú đi roi song hành với tiến trình xóa nợ quốc gia.

Vào năm 2014, bất chấp mối đe dọa có thể xảy ra cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai, lần đầu tiên chính quyền Obama dám áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức cao cấp Nga và Ukraine. Ngay sau đó, cơ quan công tố Thụy Sỹ đã làm việc hết sức khẩn trương: Hàng loạt ngân hàng ở quốc gia này, nơi cất giấu tài sản của thế giới quan chức đen đúa, đã bị bóc trần từng mảng lớn.

Nếu dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam được Quốc Hội Mỹ thông qua, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào giới quan chức Việt Nam “ăn của dân không chừa thứ gì,” đã và đang tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

Lẽ nào tương lai của “một bộ phận không nhỏ” giới quan chức, công an Việt Nam cùng vợ con họ - những người đã có đủ thời gian khiến tổ quốc bị loang máu ngoại tệ sang tận Úc, Mỹ, Anh, Canada hay các nước Bắc Âu, những người nồng nàn tình yêu tổ quốc đến mức sẵn sàng nhảy lên máy bay vù ra ngoại quốc vào bất kỳ thời điểm nào xảy ra “biến cố” với chế độ, sẽ cam chịu thúc thủ và tự khép mình vào thế “triệt buộc,” bị mất trắng “tổ quốc,” tài sản và có khi tính mạng như triều đại đã lâm chung ở Ukraine 2014?