14 décembre 2016

Tiền thuế rơi rụng

Minh Tâm

Minh Tâm(TBKTSG) - Tình trạng thất thu thuế ở khu vực cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, người làm công việc tự do... rất đáng báo động dù cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện chính sách.



Những thỏa thuận ngầm
 
Vừa rồi, anh N., một người làm tư vấn chứng khoán tự do, nhận được thư mời từ cơ quan thuế về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2015. Anh N. khá bất ngờ vì anh không nghĩ là cần phải đi quyết toán thuế và càng không biết hạn chót của việc này (theo quy định) đã kết thúc từ ngày 30-4-2016. Lên làm việc, tính toán lại thu nhập thì anh N. biết rằng anh phải đóng bổ sung 81 triệu đồng tiền thuế TNCN cho năm 2015 dù đã đóng thu nhập vãng lai 10% cho các khoản tư vấn chứng khoán tại nơi chi trả. Thu nhập bình quân của anh trong năm vừa rồi là trên 100 triệu đồng/tháng.

Lần trở lại cơ quan thuế tiếp theo (sau khi có những cuộc trao đổi thêm bằng điện thoại), anh N. được vị cán bộ thuế đưa ra một tấm bảng học trò và đề nghị viết ra số tiền anh N. muốn đóng. Anh N. ghi vào con số 30. Tấm bảng được xóa đi và cán bộ thuế viết vào con số 40. Thỏa thuận xong, anh N. hẹn ngày mang tiền nộp vào ngân sách.

Lần thứ hai trở lại, anh N. mang theo 40 triệu đồng nhưng than thở tiếp về chuyện đang gặp khó khăn tài chính. Vị cán bộ thuế tỏ vẻ thông cảm và ghi vào bảng con số 25. Anh N. đồng ý và đi theo làm thủ tục đóng tiền. Và khi ký giấy tờ, anh thấy con số được ghi trên đó là 7 triệu. Phần còn lại, anh thấy vị cán bộ thuế chia làm nhiều xấp khác nhau, kẹp vào nhiều tờ khác nhau trong hồ sơ rồi lần lượt “biến mất” khi anh qua các quầy. Anh N. ra về, vẫn còn 15 triệu đồng trong túi. Mọi thứ diễn ra còn tốt hơn cả kỳ vọng của anh.

Một câu chuyện khác. Chị T. có hai quán ăn nằm ngay trung tâm một thành phố lớn. Một quán bán cả ngày (điểm tâm, cơm trưa và ốc đêm), một quán chỉ bán điểm tâm. Hỏi về doanh thu, chị T. chỉ cười cười nói “đủ trả tiền nhân viên” nhưng chịu khó quan sát thì biết nó tốt cỡ nào. Quán bún chỉ bán ba tiếng buổi sáng, có bốn nhân viên phục vụ, doanh thu sơ sơ 4-5 triệu/ngày. Quán còn lại thì doanh thu vài ba chục triệu/ngày. Vậy nhưng, nhờ từng làm cán bộ hội phụ nữ, có quen biết người này người kia nên khi tính doanh thu để ra mức thuế khoán phải đóng hàng tháng hoặc năm (gồm thuế TNCN, thuế giá trị gia tăng, lệ phí môn bài), chị được áp con số mà chị nói là “rất dễ chịu” (thuế khoán bằng tỷ lệ thuế tính theo ngành nghề kinh doanh nhân doanh thu). Chị bảo, chị đã nhận được sự chia sẻ của người cán bộ thuế và ngược lại, chị cũng có “thấu hiểu” trở lại. Nói như ngôn ngữ thời thượng bây giờ là cả hai đều win - win.


Rất nhiều người có ý thức tuân thủ kém, không chỉ vì muốn tư lợi, hiểu biết pháp luật hạn chế mà còn vì việc thu thuế không công bằng.

Chuyện của anh N., chị T. là hai chuyện nho nhỏ trong câu chuyện lớn về ngân sách nhà nước đang bị rơi rụng, chỉ mới tính riêng ở nhóm đối tượng hộ, cá nhân kinh doanh, người làm việc tự do. Rơi rụng vì hai bên, người nộp thuế và người làm nhiệm vụ tính toán số thuế cần thu đã thống nhất, đồng lòng để có lợi cho bản thân.

Một vị cán bộ thuế có thâm niên gần 30 năm trong ngành thừa nhận, chuyện “chia sẻ” giữa người nộp thuế và cán bộ thuế là có thật. Cùng trên một tuyến đường, cùng mật độ xe cộ qua lại nhưng rất nhiều trường hợp, doanh thu của cửa hàng này được cơ quan thuế áp thấp hơn cửa hàng kia rất nhiều. Sự khác biệt đến từ việc đoạn đường này thuộc các đơn vị quản lý trực tiếp khác nhau với các mối quan hệ cũng rất khác nhau. Nhưng, nhiều khi, không xuất phát từ chính cán bộ thuế mà lại do “sức ép” vô hình từ cơ quan chính quyền. “Ở phường, xã nào cũng vậy, những cơ sở kinh doanh bao giờ cũng được địa phương vận động đóng góp cho các loại quỹ. Thế là ưu ái, thế là đề xuất áp doanh thu thấp”, ông nói.

Tiếp tay cho tình trạng trên là từ phía người nộp thuế. Tâm lý tìm mọi cách để đóng thuế ít nhất là phổ biến. Nhưng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc sẽ hóa giải được vấn đề này.

Tiền mặt và hóa đơn

Nguyên nhân thứ hai khiến thu thuế ở khu vực cá nhân, hộ kinh doanh cá thể rơi rụng, và cũng chính là sơ hở để cán bộ thuế và người nộp dựa vào để “chia chác”, đó chính là thói quen dùng tiền mặt và không lấy hóa đơn của người tiêu dùng. Tức, chứng từ chứng minh cho doanh thu thực sự, không có. Theo quy định hiện hành, khi bán hàng hóa, dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên, người bán dù được hay không được người mua yêu cầu, đều phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ). Nếu không thực hiện, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng, trên thực tế, quy định này lại bị phớt lờ, nhất là ở loại hình dịch vụ quán ăn, nhà hàng, karaoke, massage... Vì, gần như không mấy người mua hàng hóa, dịch vụ yêu cầu hoặc chờ đợi để lấy hóa đơn đỏ.

Các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể mua hóa đơn cuốn từ cơ quan thuế tất nhiên không thích việc này vì họ phải đóng thuế thêm vài phần trăm trên doanh thu ghi trên tờ hóa đơn khi xuất ra. Các chủ nhà hàng, quán ăn có thể viện nhiều lý do để làm nản lòng những ai muốn “làm công dân tốt” như phải trả thêm 10% khi lấy hóa đơn, quay lại vào ngày hôm sau mới có hóa đơn...

Tại sao việc quản lý lại không thực sự sát? Có lẽ, một phần nguyên nhân nằm ở việc số thu từ nhóm cá nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số thu nội địa. Hiện tại, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 2%, dao động dưới mức 15.000 tỉ đồng/năm. Vậy nhưng, để tính và thu được bấy nhiêu thì mất tới khoảng 20% số lượng nhân viên thuế hiện có. Đó là chưa nói đến bộ máy hỗ trợ, ví dụ như hội đồng tư vấn thuế phường (xã).

Nói về việc xác định mức thuế khoán này, vị cán bộ thuế nói trên cho rằng, những con số được ấn định thấp hơn tình hình thực tế một phần vì nể nang, một phần vì không có cơ sở. Chẳng hạn, tại những quán ăn, massage... việc kinh doanh rất không ổn định, cán bộ thuế không thể ngồi tại chỗ để đếm số lượng người vào một ngày (vì phản cảm và gây bức xúc cho người kinh doanh) rồi tính ra cả năm, cả tháng; càng không thể mỗi ngày mỗi làm. Hay với những người kinh doanh ở chợ sỉ, sạp hàng tại chợ chỉ là nơi trưng bày hàng hóa, rất nhiều giao dịch trị giá hàng trăm triệu đồng được thực hiện trên điện thoại (với bạn hàng lâu năm).

Còn với thuế TNCN của người làm công việc tự do, có nhiều khoản thu nhập vãng lai, thất thu thuế cũng vì... mệt. Năm 2015, số thu thuế TNCN, theo Tổng cục Thống kê, là 53.200 tỉ đồng, bằng 6% trong tổng số thu nội địa. Vậy nhưng, số lượng cán bộ thuế chuyên trách cũng rất lớn. Mỗi mùa quyết toán thuế, như lời của một lãnh đạo cấp chi cục thuế tại TPHCM, là các cán bộ thuế phải “cắm mặt” làm các hồ sơ quyết toán để ra quyết định có hoặc không hoàn thuế thu nhập cá nhân cho số đã tạm đóng trong năm. Vấn đề là sau đó ngân sách cũng chỉ thu thêm được vài chục ngàn hay vài trăm ngàn đồng trên mỗi bộ hồ sơ. Đây được cho là sự lãng phí vô cùng lớn trong bối cảnh cán bộ thuế bị thiếu hụt, nhiều lĩnh vực cần tập trung khai thác như hiện nay.

Nguyên nhân được xác định là do chính sách và mức thuế với khoản thu nhập vãng lai chưa phù hợp thực tế, nhất là với những địa bàn có nhiều người là chuyên gia, làm nhiều công việc như TPHCM. Hiện tại, các cá nhân, tổ chức không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng dưới ba tháng nếu có thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên sẽ phải đóng thuế thu nhập vãng lai 10%. Ngưỡng chịu thuế này, theo những cán bộ thực thi là thấp, khiến số lượng hồ sơ đề nghị hoàn thuế lại (sau khi đã cộng dồn với các khoản thu khác, tính giảm trừ gia cảnh...) ngày càng tăng. Và tất nhiên, không mấy cán bộ thích được phân công làm công việc này.

Bất công thuế

Những thỏa thuận ngầm hay sự bất lực trong quản lý đã khiến cho bất công thuế tồn tại nhiều năm qua ngày càng trầm trọng. Chẳng hạn, người có quen biết có thể đóng thuế ít hơn người không có mối quan hệ, người đi làm nhiều chỗ ngắn hạn có cơ hội lách luật còn những người làm cố định một nơi thì phải tuân thủ vì người lo chuyện đóng thuế cá nhân cho họ là phòng kế toán công ty... Hay đó là sự bất công giữa nhóm hộ, cá nhân kinh doanh cá thể với các doanh nghiệp siêu nhỏ như vị đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng dẫn chứng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ phải thuê người làm báo cáo thuế và đóng thuế theo báo cáo này. Cơ quan thuế kiểm tra lại và phạt doanh nghiệp vì báo cáo thuế không đầy đủ (do nghiệp vụ hạn chế). “Ai cũng đua nhau trốn thuế còn người tuân thủ thì bị thu không sót một đồng”, vị này chia sẻ quan điểm với lãnh đạo cơ quan quản lý.

Cũng chính vì nếu “nâng cấp” lên doanh nghiệp thì sẽ phải tự khai, tự nộp cùng với việc phải có hệ thống sổ sách, chứng từ theo chuẩn kế toán và có nguy cơ bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt bất kỳ lúc nào, nên rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn, cơ sở sản xuất sử dụng trên mười lao động dù được vận động, thậm chí là bắt buộc theo luật định, vẫn không chịu đăng ký thành lập doanh nghiệp. Phần sẽ được (ví dụ như được tự in hóa đơn, xuất hóa đơn dễ dàng...) không bằng phần sẽ “mất”.

Vấn đề quan trọng hơn là khi để tình trạng bất công thuế tồn tại thì sẽ không bao giờ nâng cao được ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Rất nhiều người có ý thức tuân thủ kém, không chỉ vì muốn tư lợi, hiểu biết pháp luật hạn chế mà còn vì việc thu thuế không công bằng.

Chính vì vậy, cơ quan quản lý khi muốn vận động hay có chính sách đưa cơ sở kinh doanh lớn lên doanh nghiệp, thực hiện quản lý thuế minh bạch, hiệu quả... ở các sắc thuế, đối tượng nộp thuế, phải giải được tất cả những ẩn số của bài toán khó trên.
Nguồn: Theo Thời báo Kinh tế Saigon