07 février 2017

Về đánh giá mới nhất từ Trung Quốc với Biển Đông sau khi Trump nhậm chức



HỒNG THỦY: 'Nhận định "sự ủng hộ của Hoa Kỳ với Phán quyết Trọng tài đã cơ bản kết thúc" có thể xem là một kiểu "tự sướng" sai lầm của giới quân sư chính sách này.
Những luận điểm để giải thích cho nhận định này chỉ nhằm che lấp sự thất bại đáng xấu hổ trước công lý và luật pháp quốc tế, mà có lẽ các học giả này cũng góp phần không nhỏ dẫn đến sự thất bại ấy, bằng cách khuyến cáo Trung Nam Hải từ chối tham gia vụ kiện, không thừa nhận kết quả.'


Tạp chí Cầu Thị bản điện tử - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 6/2 có bài viết: "Tranh chấp Biển Đông và an ninh quốc gia Trung Quốc" dẫn lại từ Thời báo Học tập của Trường Đảng trung ương. [1]
Tạp chí này cho biết, cuối năm 2016, Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng trung ương mở hội thảo "Tranh chấp Biển Đông và an ninh quốc gia Trung Quốc" với trên 10 học giả tham dự.
Họ đến từ Trường Đảng trung ương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Đại học Nhân dân, Đại học Quốc phòng, Đại học Kỹ thuật công nghệ quốc phòng, Đại học Sư phạm Hải Nam.
Các học giả nhà nước Trung Quốc đã tập trung thảo luận về diễn biến của tranh chấp Biển Đông, quan hệ Trung - Mỹ với tranh chấp Biển Đông, ảnh hưởng của Donald Trump với Biển Đông và đề xuất chính sách đối phó cho Trung Quốc.
Nhận thấy những thông tin này có thể cung cấp cho quý bạn đọc một góc nhìn về quan điểm công khai của giới tham mưu chính sách cho nhà nước Trung Quốc về Biển Đông, chúng tôi xin dịch lại bài báo này và có đôi lời bình luận phía dưới.
Tranh chấp Biển Đông diễn biến và phát triển mỗi khi "thiên hạ sinh biến"

Sự phát triển và diễn biến của tranh chấp Biển Đông luôn nằm trong bối cảnh tranh giành giữa các siêu cường và biến động của cục diện chính trị khu vực, toàn cầu.

Lính Trung Quốc, hình minh họa: jiupaicn.com.


Là cái rốn của xung đột, dễ tấn công mà khó giữ, 4 giai đoạn quan trọng trong diễn biến tranh chấp Biển Đông đã phản ánh đặc trưng chủ yếu: thiên hạ có biến, thường xảy chiến tranh.
Giai đoạn thứ nhất từ năm 1840 trở về sau, đế quốc Trung Hoa suy yếu và chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược đã xóa bỏ hệ thống triều cống vốn tồn tại lâu đời ở Đông Á.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ những năm 1970 của thế kỷ 20, bắt đầu quá trình đàm phán Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Thời kỳ này đã hình thành nên trật tự hàng hải quốc tế mới, mô hình sử dụng năng lượng thay đổi từ chỗ chủ yếu dựa vào than sang dầu mỏ.
Giai đoạn thứ ba là trước và sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những tranh chấp lãnh thổ, hàng hải dần đua nhau xuất hiện.
Giai đoạn thứ tư, bắt đầu từ thế kỷ 21, sự phát triển của Trung Quốc vấp phải sự kiềm chế từ chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên Biển Đông có một yếu tố bất biến, đó là so sánh tương quan lực lượng giữa Trung Quốc với các nước ven Biển Đông không thay đổi, Biển Đông do đó trở thành vùng biển hòa bình, tuyến đường hàng hải trọng yếu.

Tranh chấp Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung - Mỹ

Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Trung - Mỹ, trở thành vấn đề mới rất trọng yếu trong cạnh tranh địa chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đây Mỹ trung lập trong vấn đề Biển Đông, nhưng từ khi bắt đầu chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương năm 2009, Washington bắt đầu gián tiếp can thiệp vào Biển Đông, ủng hộ một số nước.
Năm 2014, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel R. Russel phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội, yêu cầu Trung Quốc làm rõ về đường 9 đoạn.
Điều này cho thấy Mỹ đã bước từ sau cánh gà ra trước sân khấu tranh chấp Biển Đông.
Đến tháng 10/2014, khu trục hạm USS Lassen (DDG-82) tuần tra xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây (bất hợp pháp) ở Trường Sa, đánh dấu việc Mỹ chính thức thay đổi phương thức can thiệp vào Biển Đông (từ ngoại giao) sang quân sự.
Năm 2016 Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp vào Biển Đông với quy mô lớn, toàn diện và mang tính chiến lược. Biểu hiện chủ yếu của nó là:
Thứ nhất, can thiệp toàn diện: nâng cấp can thiệp quân sự từ chiến hạm đơn độc lên cụm tàu sân bay có khả năng uy hiếp chiến lược, tuần tra thường xuyên.
Thứ hai, phạm vi can thiệp: trước đây Mỹ chủ yếu can thiệp ở khu vực quần đảo Trường Sa thì bây giờ bắt đầu can thiệp cả vào khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Thứ ba, ngoài việc ủng hộ các bên yêu sách, Mỹ đã tiến thêm một bước điều động sức mạnh của ASEAN với ý đồ tạo sức mạnh tổng lực.
Thứ tư, Mỹ tích cực tổ chức và ủng hộ các nước ngoài khu vực can thiệp vào Biển Đông, ý đồ thành lập liên minh tứ cường Mỹ - Nhật - Ấn - Úc ở Biển Đông.
Thứ năm, tính chất không nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông ngày một tăng. Rất khó có thể dùng các vấn đề khác đánh đổi sự nhượng bộ của Mỹ trên Biển Đông.
Sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Phán quyết Trọng tài cuối cùng cũng đã cơ bản kết thúc. Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân nói, sách đã sang trang. 
Thứ nhất là vì, tính cực đoan và bất công của Phán quyết Trọng tài đã khiến các nước khác không tiện lên tiếng, tính hợp pháp của Phán quyết bị hoài nghi.
Thứ hai, đó là thành quả mang tính giai đoạn của cuộc chiến ngoại giao, pháp lý và tuyên truyền mà Trung Quốc tiến hành, nó cũng làm cho ngày càng nhiều người nhìn thấy rõ bản chất Phán quyết Trọng tài.
Thứ ba, sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhậm chức đã khiến Mỹ mất đi một nước ủng hộ quan trọng cho việc can thiệp vào Biển Đông.

Ảnh hưởng của việc Donald Trump lên nắm quyền với tranh chấp Biển Đông và Trung Quốc sẽ đối phó ra sao?

Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức càng làm gia tăng những biến số cho diễn biến tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh cần phải tiếp tục quan sát và chủ động đối phó.
Tư duy thực dụng trong chính sách đối ngoại của Nội các Donald Trump sẽ cao hơn các chính phủ tiền nhiệm, điều này sẽ được thể hiện rõ ở 4 điểm.
Thứ nhất, Donald Trump xác định rõ chính sách đối ngoại của mình: nước Mỹ trên hết, lợi ích quốc gia là tối thượng.
Thứ hai, Donald Trump đã thúc đẩy rõ rệt chủ nghĩa dân tộc, từ chối thẳng thừng "chủ nghĩa toàn cầu".
Thứ ba, xuất thân từ doanh nhân đã khiến Donald Trump tự nhiên có quan điểm ngoại giao đàm phán đổi chác.
Thứ tư, Donald Trump tuyên bố rõ phải chấn chỉnh lại sức mạnh quân sự, dùng thực lực đổi lấy hòa bình.
Sau khi lên cầm quyền, Donald Trump không những không rút khỏi khu vực này, ngược lại còn tìm cách đo lường giới hạn của Trung Quốc trong các điểm nóng xung quanh.
Rất có thể Donald Trump sẽ tiếp tục triển khai khái niệm phòng ngự chiến lược tập thể theo mô hình liên bang mà Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nêu ra.
Tức là nội các Donald Trump sẽ động viên lực lượng tổng hợp, từ xu thế chính trị cho đến hệ thống hóa thể chế, phối hợp với chiến lược của các quốc gia đối tác - đồng minh, xây dựng cấu trúc an ninh mới ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc nên đối phó như thế nào với khả năng diễn biến tranh chấp Biển Đông trong tương lai, đặc biệt khi Donald Trump làm gia tăng biến số? 
Các học giả này kiến nghị: đồng thời với việc không ngừng phát triển thực lực, Bắc Kinh cũng nên tích cực tranh thủ các bối cảnh có lợi cho mình.
Thứ nhất, Trung Quốc phải quán triệt quan điểm an ninh tổng thể, coi trọng cục diện hợp tác an ninh chiến lược trong khu vực. 
Cần phải tái cấu trúc sức mạnh ở khu vực, giảm tối đa những ma sát và tranh chấp không cần thiết, khiến cho các nước trong khu vực hiểu và chia sẻ đề xuất của Trung Quốc về con đường tơ lụa trên biển, thúc đẩy hợp tác thiết thực cùng khai thác với các nước ven Biển Đông.
Thứ hai, phải giữ cho được thế chân vạc Mỹ - Trung - Nga, thường xuyên vận dụng trục quan hệ tam giác này làm cho 3 góc ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau.
Hiện tại kiềm chế Nhật Bản vô cùng quan trọng, khả năng xung đột Trung - Mỹ thấp hơn xung đột Trung - Nhật.
Thứ ba, cần phải giữ cho vững các trụ chiến lược trọng điểm, sự phát triển thuận lợi của sáng kiến "một vành đai, một con đường" và các dự án trọng điểm của nó có thể phối hợp hóa giải áp lực trên Biển Đông.
Thứ tư, lập danh sách các lợi ích mật thiết và vấn đề trong quan hệ Trung - Mỹ, tăng cường đối thoại với Hoa Kỳ, tăng tối đa lòng tin chiến lược, quản lý rủi ro và tăng khả năng ứng phó.

Vài lời bình luận

Cá nhân người viết cho rằng, các học giả Trung Quốc được Trường Đảng trung ương mời tham dự hội thảo về "tranh chấp Biển Đông và an ninh quốc gia Trung Quốc" có lẽ đều là những tiếng nói khá có trọng lượng và ảnh hưởng đối với giới tham mưu hoạch định chính sách cho Trung Nam Hải.
Những gì Tạp chí Cầu thị công khai đăng tải có lẽ chỉ là một phần nội dung cuộc hội thảo, còn có những đánh giá, thảo luận không được công khai.
Tuy nhiên phần thứ nhất trong những nội dung nhóm học giả này có thể thấy, họ chủ yếu "nói theo" các quan điểm đã định hình trong chính sách đối ngoại hiện hành của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những quan điểm, đánh giá này thiếu hệ thống căn cứ khoa học, thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, đặc biệt là thiếu một tư duy khoa học độc lập, ngược lại còn mang nặng định hướng chính trị, áp đặt. Cụ thể:
Cạnh tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông hiện nay là thực tế không thể phủ nhận, nhưng các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông bắt nguồn từ chính tham vọng độc chiếm vùng biển này làm ao nhà cho Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu nhảy vào tranh chấp quần đảo Hoàng Sa từ năm 1909 với sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ lên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và phải rút. Năm 1914 họ bắt đầu đưa Hoàng Sa vào bản đồ.
Còn ở Trường Sa, theo học giả Mỹ gốc Trung Quốc, Giáo sư Trương Bác Thụ:
"Những năm 1930, một chiến hạm của Pháp tới Trường Sa, cắm bia ở đảo Nam Yết và bắn 21 phát pháo để tuyên bố chủ quyền.
Thời điểm đó chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bị kích thích bởi điều này, bèn thành lập một số cơ quan chuyên môn giống như Ủy ban Thẩm định địa đồ - đường thủy, sau đó đi quan trắc.
Nói là quan trắc cho oai, chứ kỳ thực cơ quan này chỉ dựa vào các tư liệu hàng hải dịch của phương Tây, bắt đầu vẽ bản đồ Biển Đông mới.
Gọi là "bản đồ Biển Đông mới", vì bức Trung Hoa Dân Quốc địa lý đồ năm 1914 đã đưa quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Đông Sa (còn gọi là quần đảo Pratas) vào trong bản đồ "chủ quyền" của Trung Quốc, nhưng hoàn toàn không có Trường Sa". [5]
Năm 1946 Trung Quốc (Trung Hoa dân quốc - Tưởng Giới Thạch) lợi dụng danh nghĩa Đồng Minh giải giáp quân Nhật ở Đông Dương, đã chiếm bất hợp pháp đảo Ba Bình - Trường Sa.
Năm 1956 Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Mao Trạch Đông) chiếm bất hợp pháp 2 đảo Phú Lâm và Linh Côn ở Hoàng Sa. Năm 1974 họ cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa.
Năm 1988 Trung Quốc cất quân đánh chiếm bất hợp pháp Gạc Ma và 5 cấu trúc khác ở Trường Sa, chiếm đóng trái phép từ đó đến nay.
Quý bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về điều này qua chính phân tích từ các học giả Trung Quốc chân chính như Giáo sư Lý Lệnh Hoa [3], nhà nghiên cứu Bạch Định Đỉnh [2], Giáo sư Trương Bác Thụ [5][6][7][8] mà chúng tôi đã phản ánh.
Đặc biệt, năm 2012 Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines trong một cuộc khủng hoảng, từ năm 2013 họ bắt đầu xây đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp trên 7 cấu trúc ở Trường Sa.
Những hoạt động này không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực, trật tự và luật pháp quốc tế trên Biển Đông, thúc đẩy chạy đua vũ trang trong khu vực.
Lúc này Mỹ không thể không can thiệp khi có 1,2 ngàn tỉ USD giá trị thương mại nước này đi qua Biển Đông mỗi năm trong tổng số 5,3 ngàn tỉ tổng giá trị thương mại quốc tế đi qua khu vực này.
Thứ hai, nhận định "sự ủng hộ của Hoa Kỳ với Phán quyết Trọng tài đã cơ bản kết thúc" có thể xem là một kiểu "tự sướng" sai lầm của giới quân sư chính sách này.
Những luận điểm để giải thích cho nhận định này chỉ nhằm che lấp sự thất bại đáng xấu hổ trước công lý và luật pháp quốc tế, mà có lẽ các học giả này cũng góp phần không nhỏ dẫn đến sự thất bại ấy, bằng cách khuyến cáo Trung Nam Hải từ chối tham gia vụ kiện, không thừa nhận kết quả.
Thứ ba, những khuyến cáo chính sách của các học giả với Trung Nam Hải về Biển Đông cho thấy, tham vọng độc chiếm vùng biển này làm ao nhà không đổi.
Nó chỉ tạm thời thay đổi cách thức thực hiện từ quân sự sang kinh tế - thương mại - chính trị - ngoại giao sau khi đã cơ bản hoàn thành việc thay đổi hiện trạng trên thực địa.
Do đó các bên liên quan ở Biển Đông cần có sự nghiên cứu thấu đáo, bám sát UNCLOS 1982 và Phán quyết Trọng tài để có những bảo lưu cần thiết, đặc biệt là khi xác định phạm vi "cùng hợp tác" với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong số các nhận định nêu trên của các học giả Trung Quốc, cũng cần lưu ý nghiên cứu phần đánh giá của họ với chính sách, thái độ của Mỹ trên Biển Đông dưới thời Donald Trump.
Theo nhận định của các học giả Trung Quốc này, chính sách của Donald Trump nếu đúng như vậy, sẽ có lợi cho việc duy trì hòa bình ổn định, luật pháp quốc tế và ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
Tài liệu tham khảo:


Hồng Thủy

Nguồn: Theo GDVN