06 mars 2017

Bỏ sổ hộ khẩu, nhưng bằng cách nào?

TS. Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức


Cư trú ở đâu là quyền công dân bất khả xâm phạm. Trong ảnh: Giờ cơm trưa của công nhân một doanh nghiệp ở Bình Dương, lực lượng không thể thiếu của các thành phố công nghiệp. Ảnh: UYÊN VIỄN

(TBKTSG) - Bao lâu nữa thì vấn đề hộ khẩu mới được giải quyết trong phạm vi cả nước và không chỉ ở khía cạnh vì nó là rào cản khiến “người giỏi” không vào được khu vực công mà buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM của đoàn công tác Thành ủy TPHCM mới đây đặt ra?



Tại buổi làm việc này đã nổ ra cuộc tranh luận quanh quy định về điều kiện phải có hộ khẩu thành phố mới được tuyển dụng vào khu vực công. Cuộc tranh luận trên kết thúc với ý kiến của Giám đốc Sở Nội vụ cho riêng TPHCM, rằng “sẽ đề xuất việc bỏ hộ khẩu trong tuyển công chức, viên chức”.
Bản chất hộ khẩu
Bất kỳ nước nào cũng đều phải giao dịch với công dân mình, nên phải nắm được nhân thân họ, trong đó có hộ khẩu, nhưng ở một số nước châu Á (còn quản lý bằng hộ khẩu) và các nước phương Tây tiên tiến khác nhau về bản chất.
Hộ khẩu các nước “Tây phương” gắn liền với quyền cư trú và đi lại, tức do hiến pháp và văn bản luật điều chỉnh trực tiếp. Xin được dẫn liệu thực tế Đức: Hiến pháp Đức, ngay điều 1, đã quy định: “Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là trách nhiệm pháp lý của mọi quyền lực nhà nước“. Điều 11 quy định tiếp, trách nhiệm đó phải bảo đảm được “tất cả người Đức được hưởng quyền tự do cư trú đi lại trên toàn Liên bang”. (Chỉ bị hạn chế bởi luật và áp dụng cho từng đối tượng cụ thể khi chính sự tồn tại của người đó hay cộng đồng liên quan bị đe dọa, hoặc để chống dịch bệnh, thảm họa, tai nạn, bảo vệ thanh thiếu niên, ngăn ngừa tội phạm). Để thực thi điều 11 này, điều 73 hiến định tiếp: “Nhà nước cấp liên bang phải ban hành luật tự do cư trú và đi lại” (cần phân biệt nội hàm “luật tự do cư trú”, khác với “luật cư trú”). Nó đưa ra những chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự, buộc nhà nước khi nắm hộ khẩu phải bảo đảm quyền đó chứ không phải đưa ra những điều kiện tiêu chuẩn người dân được phép cư trú tại đâu như các nghị định và thông tư ở ta, càng không nhằm mục đích để “thu hút người giỏi” vốn chỉ là hệ quả (còn nếu chỉ vì hệ quả đó thì sẽ bị coi vi hiến, phân biệt đối xử).
Như vậy, cư trú ở đâu là quyền công dân bất khả xâm phạm; người dân có quyền viện đến tòa áp dụng luật tự do cư trú để tuyên hủy những quyết định nào của chính quyền vi phạm quyền đó của họ.
Hành trình gian nan của Luật Tự do cư trú mang tên BMG
Mặc dù rõ ràng ở ta hộ khẩu cần phải được bỏ nếu theo chuẩn mực thế giới nhưng để làm được, trước hết cần cải cách thiết chế nghị sĩ và Quốc hội.
Luật BMG hiện tại của Đức có hiệu lực từ 1-11-2015, lần bổ sung cuối cùng có hiệu lực đầu năm nay, bắt nguồn từ Luật Đăng ký chỗ ở năm 1980. Hiện luật này có 58 điều, chủ yếu gồm: - Nhiệm vụ, thẩm quyền cơ quan hộ tịch, lưu giữ dữ liệu, các thông số cần lưu giữ, tính chính xác và đầy đủ danh bạ hộ khẩu, bí mật đăng ký hộ khẩu. - Quyền được bảo vệ dữ liệu khi đăng ký hộ khẩu. - Trách nhiệm công dân đăng ký khi chuyển, cắt hộ khẩu, trách nhiệm chính quyền cấp giấy chứng nhận, trách nhiệm chứng nhận của người cho thuê... - Những ngoại lệ đối với thủy thủ, nhà nghỉ dài ngày, bệnh viện, nhà dưỡng lão. - Cung cấp dữ liệu đăng ký hộ khẩu cho các cơ quan nhà nước liên quan. - Vi phạm hành chính và phạt tiền... - Sơ tán... - Những quy định cho cơ quan hộ khẩu.
Trong đó, sổ hộ khẩu gốc (do cơ quan công an lập và trực tiếp lưu giữ như ở nước ta), Luật BMG gọi là danh bạ hộ khẩu, tập hợp tất cả hộ khẩu gốc mà công dân đăng ký cư trú ở địa phương đó (chứ không phải được phép cư trú như ở ta), gồm các thông tin: tên, học vị, bí danh, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, tôn giáo, địa chỉ hiện tại, trước đây, nơi ở chính hay phụ, ngày dọn vào, dọn ra, tình trạng hôn nhân, ngày cưới, họ tên - ngày sinh - địa chỉ của vợ/chồng, con ăn theo, số chứng minh thư, số thuế... Còn sổ hộ khẩu gia đình (được cấp cho từng gia đình như ở ta) chỉ là một giấy tùy thân do cơ quan hộ khẩu cấp chứng nhận chỗ ở.
Để thông qua được Luật BMG trên, nước Đức đã mất tới năm năm ròng tranh cãi, bởi làm sao để giữ được bí mật nhân thân của công dân như hiến định, trong khi dữ liệu đó lại nằm trong sổ hộ khẩu gốc cơ quan hộ tịch nắm và có thể tiết lộ. Dự thảo luật mà chính phủ trình hạ viện năm 2011 đòi cơ quan hộ tịch chỉ được phép tiết lộ dữ liệu hộ khẩu phục vụ cho nhu cầu quảng cáo, hoặc môi giới địa chỉ, sau khi được người đăng ký hộ khẩu đó đồng ý chính thức. Tới khi Ủy ban Nội vụ Hạ viện thẩm định lại, và ba ngày trước khi Hạ viện bấm nút thông qua, đảng CSU và FDP trong quốc hội đòi người xin dữ liệu hộ khẩu của ai phục vụ cho mục đích quảng cáo phải được người đó cấp giấy phép trình cơ quan hộ khẩu, còn nếu xin “miệng” thì chỉ được cấp dữ liệu tên và địa chỉ. Luật BMG sau khi được thông qua tại hạ viện phải trình tiếp Thượng viện, nhưng bị gạt bỏ vào năm 2012, sang năm 2013 phải chuyển cho ủy ban hỗn hợp hạ và thượng viện thương lượng.
Tuy vậy, Luật BMG sau khi được thông qua vẫn bị nhiều chính khách tiếp tục phản đối, một số nghị sĩ đảng Linke, tổng thư ký đảng SPD cho rằng, bí mật cá nhân trở thành nạn nhân của lợi ích kinh tế, luật cho phép bán sạch dữ liệu bí mật của họ. Với những phản ứng như thế, rất có thể lúc nào đó tùy tình hình chính trường, luật sẽ bị đưa ra xem xét lại. Gần đây nhất, luật bổ sung thêm điều 19, có hiệu lực đầu năm nay, buộc chủ cho thuê phải chứng nhận thời điểm người thuê vào hoặc ra khỏi căn hộ; người thuê phải trình bằng chứng đó khi nhập hoặc cắt hộ khẩu, nhằm tránh nạn khủng bố lưu trú không đăng ký.
Vai trò quyết định của quốc hội và nghị sĩ
Luật không tự đến! Chỉ mỗi Luật BMG, mà nước Đức phải mất năm năm tranh cãi, thông qua rồi vẫn làm day dứt nhiều nghị sĩ, liền sau đó họ phải tiếp tục bổ sung do đòi hỏi thực tế. Sở dĩ chất lượng làm luật cao như vậy là nhờ thiết chế quốc hội được đầu tư công sức thời gian thích ứng với đòi hỏi đó. Theo thống kê gần nhất, năm kia, Quốc hội Đức tiếp nhận tổng cộng tới 180 dự luật. Quốc hội họp định kỳ tại Berlin tổng cộng 20 tuần/ 53 tuần, nghĩa là cách 1,3 tuần có một tuần chuyên họp. Tất cả nghị sĩ phải có trách nhiệm tham gia, ghi danh sách, bị chế tài bởi điều 14 Luật Nghị sĩ. Họp toàn thể tổng cộng 70 phiên, tức năm ngày một phiên (trong khi ở ta chỉ tập trung vào hai kỳ), thông qua tổng cộng 130 luật (trong khi ở ta chỉ chừng chục luật); tính ra ba ngày thông qua được một luật.
Thiết chế đệ trình dự thảo luật, được hiến định tại điều 76 gồm chính phủ, thượng viện, đảng đoàn nghị sĩ (tập hợp nghị sĩ của một đảng), hoặc nhóm nghị sĩ (ít nhất năm người). Trong 180 luật trên có 116 luật do chính phủ soạn thảo (nhiều nhất), 11 do đảng đoàn hoặc nhóm nghị sĩ, hai do chính phủ phối hợp đảng đoàn nghị sĩ cầm quyền, một do thượng viện. Các dự thảo luật trình quốc hội thông qua phải qua ba lần xem xét (ngưỡng quá tam ba bận).
Để làm luật phải có đầy đủ kiến thức thực tế từ kết quả điều hành (hành pháp và hành chính) của chính phủ, vì vậy có tới 1.029 lượt đảng đoàn nghị sĩ chất vấn chính phủ, đòi trả lời một vấn đề cụ thể nào đó. Thời hạn trả lời bị chế tài trong hai tuần, không được viện dẫn bất kỳ lý do gì để quá thời hạn. Còn cá nhân nghị sĩ có tổng cộng 3.574 lượt chất vấn chính phủ bằng văn bản, 822 bằng miệng, chín trường hợp khẩn cấp, tính ra mỗi ngày chính phủ phải trả lời tới 12 lượt chất vấn hay bình quân mỗi nghị sĩ chất vấn tới bảy lần trong năm.
Từ thực tế ra đời văn bản lập pháp ở Đức như trên cho thấy, mặc dù rõ ràng ở ta hộ khẩu cần phải được bỏ nếu theo chuẩn mực thế giới nhưng để làm được, trước hết cần cải cách thiết chế nghị sĩ và quốc hội như một cỗ máy cái không chỉ sản xuất được luật hộ khẩu chất lượng như thế giới mà còn bao luật cấp bách đang đặt ra.

Nguồn: Theo Thời Báo Saigon