15 mars 2017

Giáo dân Đông Yên biểu tình đồng loạt




Có thể nói rằng đây là cuộc biểu tình đồng loạt sáng 12 tháng 3 năm 2017 của bà con giáo dân Đông Yên kể từ khi giáo xứ Đông Yên lâm vào đại nạn, cả một vùng đất trù phú, nhà cửa sầm uất, thánh đường huyền nhiệm, thơ mộng bỗng dưng trở nên tan hoang, đổ nát. Nhưng ngư dân bám trụ trên mảnh đất tổ tiên để lại đã chịu rất nhiều sức ép từ phía chính quyền. Và họ đã sống qua hai cái Tết khổ sở, thiếu thốn mọi bề. Chỉ có một điều duy nhất còn lại với bà con Đông Yên, đó là niềm yêu kính Chúa và tin vào lẽ phải, công lý.



Cuộc biểu tình đưa ra thông điệp yêu cầu nhà nước phải đóng cửa Formosa, yêu cầu nhà nước phải có trách nhiệm với nhân dân, đặc biệt với ngư dân miền Trung, nơi có biển nhiễm độc do Formosa gây ra, và yêu cầu nhà nước phải có thái độ rõ ràng, rành mạch trong chính sách đền bù cho ngư dân, phục hồi sự sống của biển của bà con giáo dân Đông Yên một lần nữa khẳng định tình yêu Thiên Chúa và niềm tin vào công lý, lẽ phải.

Bà Đậu Thị Nhó, Giáo dân Đông Yên, Hà Tĩnh chia sẻ: Chúng tôi đi biểu tình để đòi hỏi quyền lợi của người dân. Chúng tôi ở đây ai cũng bị nhiễm chất độc của Formosa cả. Do vậy chúng tôi muốn đền bù quyền lợi của mình. Sau đó phải đóng cửa Formosa, chúng tôi không muốn Formosa hoạt động nữa bởi chúng tôi bị nhiễm chì hết rồi, mỗi đứa trẻ sinh ra đều bị nhiễm độc chì, chúng tôi bị nhiễm độc hết rồi!

Bà Mai Thị Văn, Giáo dân Đông Yên, Hà Tĩnh chia sẻ: Biểu tình vào lúc sáng (Chủ Nhật ngày 12 tháng 3) dân sẽ còn đi nữa, đi bao giờ phía chính quyền trả hết đền bù cho dân và đóng cửa Formosa người dân mới hết đi.

Cuộc biểu tình của bà con ngư dân, Giáo dân Hà Tĩnh lần này cũng bị lọt thỏm vào sự im lặng đáng ngờ của nhà cầm quyền Việt Nam. Bởi lần biểu tình ngày 5 tháng 3, cách đây một tuần, nhà cầm quyền thay vì bắt bớ, đánh đập và truy bức người biểu tình bằng sức mạnh công an, quân đội thì họ đã giám sát biểu tình bằng cách cho lực lượng công an giao thông và cảnh sát 113 bảo vệ Formosa, ngoài ra, có một hàng rào kẽm gai vững chắc trước cổng Formosa. Và lần này cũng vậy, bằng hàng rào 113, kẽm gai cùng với an ninh chìm, an ninh có đồng phục giám sát cuộc biểu tình để rồi bà con biểu tình xong lại ra về, không có bất kỳ đại diện nào của Formosa hay của chính quyền đứng ra thương thảo với đoàn biểu tình.

Với tình hình đang diễn ra, tiếng nói của người biểu tình sẽ lọt thỏm giữa kẽm gai, quân đội, công an và sự làm ngơ của chính quyền cũng như sự im lặng, không cần lên tiếng của Formosa. Và để đối phó với hiện trạng này, bà con Giáo dân, ngư dân quyết định tiếp tục đấu tranh, từ lớn đến bé đều xuống đường biểu tình bày tỏ nguyện vọng, quyết tâm đóng cửa Formosa, bảo vệ bờ biển Việt Nam.

Bà Mai Thị Văn, Giáo dân Đông Yên, Hà Tĩnh chia sẻ: Một số bà con sáng nay đi biểu tình, nhưng sáng nay công an nhiều, họ đứng trong quán, chờ dân làm gì đó để bắt, họ chờ bốn phía để bắt dân nhưng dân không làm gì cả, dân đi biểu tình ôn hòa.

Ông Đậu Diện, Giáo dân Đông Yên, Hà Tĩnh chia sẻ: Thấy họ phổ biến là Formosa đền bù năm trăm triệu đô đó nhưng dân có nhận được đền bù gì đâu. Mới trả nhỏ giọt, gọi là trả cho lao động chính nhưng lao động chính cũng chưa đền bù được mấy đồng cả. Lao động trên biển cũng chưa được đền bù. Không biết họ làm gì mà còn chần chừ lắm.

Bà Mai Thị Hoa, Giáo dân Đông Yên, Hà Tĩnh chia sẻ: Bên chính quyền hứa là tháng 10 năm ngoái đền bù cho chúng tôi nhưng giờ đã là tháng 3 năm sau rồi, chúng tôi vẫn chưa nhận được đền bù. Nhưng họ nói là đền bù cho sáu tháng, vậy còn thời gian sau, chúng tôi, con cháu chúng tôi sinh sống thế nào, không có gì ăn, không có gì làm để sinh sống, cá thì bị độc rồi, ăn cá thì bị bệnh.

Câu chuyện biểu tình tại Việt Nam hiện nay có thể là câu chuyện thường ngày của người dân bởi nhiều nỗi bức xúc cộng hưởng. Vấn đề công luận quan tâm hiện nay là nhà cầm quyền Việt Nam sẽ có chính sách thỏa đáng nào cho người dân hay không và bao giờ thì người dân mới được thỏa ước, được bình an sinh sống.



Nguồn: Theo VOA